Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hậu trường cỗ máy truyền thông hái ra tiền của Obama

Khi mới bước vào Nhà Trắng, gia tài của hai vợ chồng ông Barack Obama được khai là 1,3 triệu đô la ; đến năm 2018 đã lên 40 triệu và sắp tới sẽ là 242 triệu đô la - theo trường đại học Washington. Một chuyên gia khẳng định : "Vì xã hội Mỹ chia rẽ nặng nề, thương hiệu Obama sẽ còn được ưa chuộng". Ngược lại, tài sản của tỉ phú địa ốc Donald Trump lại "bốc hơi" mất 1 tỉ đô la khi làm tổng thống.

obama1

Hồi ký "A promised Land" (Một vùng đất hứa) của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama được trưng bày tại một hiệu sách ở New York ngày 18/11/2020.  AP - Mark Lennihan

Tựa chính các báo Paris hôm nay đều dành cho thời sự nước Pháp, chủ yếu về đại dịch.La Croixchạy tựa "Làm thế nào dỡ bỏ phong tỏa thành công", Les Echosgiải thích "Vì sao vẫn tiếp tục làm việc từ xa", còn Le Figarocho biết "Nước Pháp chuẩn bị tiếp nhận vaccin Covid như thế nào". Libérationnói về phiên tòa xử ông Nicolas Sarkozy vì cáo buộc tham nhũng và hối mại quyền thế, khai mạc hôm nay. Đây là lần đầu tiên một cựu tổng thống Pháp phải ra tòa. Le Monde dành trang nhất cho nhà sử học Daniel Cordier, kháng chiến quân thời Đệ nhị Thế chiến, vừa qua đời ở tuổi 100.

"Thương hiệu nhượng quyền" Obama

Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Figaro có bài viết về bộ máy truyền thông của hai vợ chồng Barack Obama, có thể giúp tài sản của cựu tổng thống tăng vọt lên 240 triệu đô la.

Được lăng-xê vào ngày 17/11 vừa qua tại 23 nước cùng một lúc theo kiểu các bộ phim bom tấn Hollywood, tập 1 hồi ký của tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ đã là một hiện tượng. Bản in tại Pháp dày 850 trang, còn tại Mỹ và Canada đã bán được 890.000 bản ngay hôm ra mắt. Trước đây cuốn "Becoming" của cựu đệ nhất phu nhân xuất bản năm 2018 "chỉ" bán được 724.000 bản trong ngày đầu tiên, nhưng số bán tổng cộng đã lên đến 14 triệu cuốn.

Michelle và Barack đã trở thành một thương hiệu với vô số sản phẩm phái sinh, mang lại lợi nhuận rất lớn. Gần 65 triệu đô la qua hợp đồng với nhà xuất bản khổng lồ Penguin Random House, trên 50 triệu đô nhờ thương lượng với Netflix, cộng thêm tấm chi phiếu từ Spotify ước tính khoảng 20 triệu đô la để đổi lấy các postcast độc quyền… Và danh sách này còn lâu mới chấm dứt. Cần phải thêm vào 1001 món gia vị, từ các cuộc nói chuyện giá 400.000 đô la một buổi – tương đương một năm lương tổng thống Mỹ - cho đến những chiếc tách in các câu phát biểu mang tính sáng tạo, giá đến 20 đô.

Thăng tiến nhờ kỹ thuật số và được coi như thần tượng

Cặp vợ chồng quyền lực xuất hiện trên rất nhiều nền tảng khác nhau. Sau hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, Obama đã xây dựng nên đế chế truyền thông của riêng mình. Thật ra tại Hoa Kỳ, việc một cựu tổng thống ra sách hay lập một quỹ riêng đã trở thành truyền thống. Bush, Clinton… đều đã thực hiện. Nhưng theo Louis Morales-Chanard, giám đốc chiến lược của Dentsu, Obama là người đầu tiên tiến xa như thế. "Đó là cặp vợ chồng tổng thống đầu tiên của kỷ nguyên truyền thông xã hội. Sự thăng tiến của họ trùng hợp với sự bành trướng ra quốc tế của Facebook, Twitter, YouTube, và họ đã biết khai thác rất sớm".

Nếu sức mạnh "nhượng quyền", tên tuổi toàn cầu của Obama nhờ vào các nền tảng kỹ thuật số rất nhiều, thì sự thu hút của ông còn có các nguyên nhân khác. "Ngay từ khi mới bước vào Nhà Trắng, Barack Obama đã được coi như thần tượng thay vì chính khách. Là tổng thống Mỹ da đen đầu tiên, nên Obama trở thành biểu tượng" - Jean-Emmanuel Cortade de la Saussay, nhà sáng lập Story Mind, tổ chức nghiên cứu về thương hiệu và truyền thông nhận xét. Bằng chứng là vừa mới nhậm chức, Obama đã được tặng ngay… giải Nobel hòa bình !

Một yếu tố khác : được cho là đại diện cho thiểu số, sự khoan hòa… cặp Obama nhanh chóng được xếp về phía thiện lương. Để cố định ý tưởng này, Barack Obama luôn cẩn thận duy trì hình ảnh một tổng thống dễ mến. Những giọt nước mắt của ông khi nghe nữ ca sĩ da đen Aretha Franklin hát, chiếc áo sơ mi xắn tay vẻ bình dân… không có gì là tình cờ, nhất là trên mạng xã hội. Với 126 triệu người theo dõi trên Twitter và 34 triệu trên Instagram, Obama tự giới thiệu theo thứ tự là "một người cha, người chồng, tổng thống, công dân".

Một đòn bẩy nữa là tâm lý hoài cổ. Chuyên gia Saussay phân tích : "Trong khi các tiêu chí và giá trị bị nhạt nhòa, xã hội bị phân cực, Obama là hiện thân cho sự an toàn của thế giới cũ. Với quan điểm này, Donald Trump là nhiên liệu tuyệt vời cho cỗ máy Obama".

Làm tổng thống : Obama giàu lên gần 200 lần, Trump mất 1 tỉ đô

Phải nói rằng hệ thống Obama hoạt động rất tốt. Liên kết với những tên tuổi số một thế giới về xuất bản như Penguin, về video như Netflix, dịch vụ âm nhạc kỹ thuật số như Spotify, đó là bảo đảm cho việc bước vào những diễn đàn có thể đưa tiếng nói của mình đi xa một cách mạnh mẽ. Cặp Obama tăng cường ảnh hưởng cùng lúc với việc kiếm tiền. Các đối tác quảng bá cho họ và là công cụ để thu hút khán giả. Tất cả các bên cùng có lợi.

Có người cho rằng cung cách hoạt động như trên chỉ đơn thuần với mục đích kinh doanh, được tổ chức hết sức khôn khéo ; người khác coi rằng không chỉ tiền bạc mà là "tiếp tục làm chính trị bằng các phương tiện khác".

Cho đến nay, cặp Obama tỏ ra hoàn hảo, đụng vào bất cứ thứ gì cũng có thể biến thành vàng. Khi mới bước vào Nhà Trắng, tài sản của hai vợ chồng được khai là 1,3 triệu đô la ; đến năm 2018 đã lên 40 triệu và sắp tới sẽ là 242 triệu đô la, theo trường đại học Washington. Chuyên gia Saussay khẳng định : "Vì xã hội Mỹ chia rẽ nặng nề, thương hiệu Obama sẽ còn được ưa chuộng".

Sắp tới Obama có thể đối mặt với đương kim tổng thống Donald Trump, được cho là có ý định lập ra tập đoàn truyền thông riêng. Như vậy phe nào cũng có thần tượng riêng của mình. Nghịch lý là mối đe dọa thực sự đến từ phe Dân chủ, theo ông Saussay : "Bà Kamala Harris là Obama bis, sẽ là người cạnh tranh rất đáng ngại đối với kỹ nghệ Obama". Trong khi chờ đợi, doanh nghiệp của Barack và Michelle hoạt động hết cỡ, còn tỉ phú Donald Trump, theo Forbes năm 2019, gia tài đã bị sụt mất 1 tỉ đô la khi làm tổng thống.

Tranh cử từ xa kiểu Biden có thể tiếp tục sau đại dịch ?

Về phần cựu phó tướng của Obama, được truyền thông cho là tổng thống tân cử, Le Figarođặt câu hỏi "Chiến dịch tranh cử vô hình của Joe Biden có thể trở thành hình mẫu hay không ?"

Có một điều mà người ủng hộ của Biden lẫn Trump đều đồng ý : cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã bị đại dịch làm đảo lộn ở tất cả các cấp độ. Ứng cử viên của đảng Dân chủ từ tháng Ba đã tổ chức rất ít các cuộc mít-tinh, tránh tiếp xúc với người ủng hộ, và đội ngũ của ông hầu hết hoạt động trên mạng. Sonia Dridi, tác giả một cuốn tiểu sử về Joe Biden cho biết, quyết định này do những người thân cận nhất của ông đưa ra gồm bà vợ Jill, cô em gái Valerie và hai cộng sự Ted Kaufman, Tony Blinken.

Phe Biden đưa lên internet những cuộc mít-tinh, vận động, quyên góp… "Digital organizing team" (ban tổ chức kỹ thuật số) không ngừng mở rộng, với 60 người ở trung ương, 100 ở các bang tranh chấp, 200.000 tình nguyện viên. Do phải ở nhà vì đại dịch, những người tình nguyện có nhiều thì giờ hơn cho chiến dịch, đạt kỷ lục tiếp xúc 700 triệu lần so với 25 triệu hồi năm 2012.

Một số tiền khổng lồ 770 triệu đô la được đổ vào để quảng cáo trên internet. Chỉ riêng trong tháng Chín, Biden chi đến 330.000 đô la cho một công ty livestream và 535.000 đô la cho một công ty sản xuất nội dung trên mạng. Tuy đây là chiến dịch tranh cử đắt đỏ chưa từng thấy, nhưng phe Dân chủ tiết kiệm được chi phí đi lại, quyên được tiền từ nhiều người hơn trên cả nước.

Liệu mô hình này có áp được dụng cho tương lai ? Một chuyên gia cho rằng không có gì thay thể được sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân vật mong muốn trở thành nguyên thủ tương lai với dân chúng. Tuy nhiên ảnh hưởng sẽ còn lâu dài : Biden giờ đây đối thoại liên tục với các cố vấn ở rải rác khắp nơi thông qua ứng dụng Zoom.

Vaccin ARN thông tin chống virus corona : Sự đột phá ngoạn mục

Trên lãnh vực y tế, Les Echosca ngợi "Sự đột phá khó tin của các vaccin ARN thông tin" và cho biết "Paris cùng với Bruxelles đã thương lượng mua vaccin chống Covid như thế nào". La Croixđặt câu hỏi "Xét nghiệm, cảnh báo, bảo vệ, chúng ta có thể đi đến đâu ?", còn Le Figaro nói về sự chuẩn bị của Pháp trong việc tổ chức nhận các lô vaccin và chiến dịch tiêm chủng.

Phải chăng các vaccin acid nucleic (ADN và ARN thông tin) là những vaccin của tương lai ? Tuy hãy còn quá sớm để khẳng định, nhưng kết quả ngoạn mục của BioNTech và Moderna với hai vaccin dựa trên ARN thông tin, đã chứng tỏ thành công từ sự huy động tổng lực toàn cầu, mà đại dịch xuất phát từ Vũ Hán là chất xúc tác.

Hồi thập niên 50, phải mất đến 9 năm để chế tạo và được cấp phép vaccin chống bệnh sởi. Thập niên vừa rồi, thời hạn trung bình để 21 vaccin được FDA cấp phép lưu hành là 8 năm, còn giờ đây hai phòng thí nghiệm trên đã hoàn thành quy trình trong vòng chưa đầy 1 năm. Đáng chú ý nhất là trong ba thập niên qua, vaccin ARN thông tin chưa bao giờ được thử nghiệm trên người và loài vật. Vaccin từ ADN thì đã được dùng trên cá hồi, gà, chó và ngựa.

Ngược với các loại vaccin hiện nay, các vaccin acid nucleic không hề chứa độc tố virus (đã được làm yếu đi, làm vô hiệu hóa hay phối hợp), mà là các chỉ định di truyền cho tế bào tự sản xuất ra kháng thể, các chỉ định này được "viết" ra dưới dạng ADN hay ARN thông tin.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Lời người dịch : Mùa Xuân năm 2009, chỉ sau vài tháng tuyên thệ nhậm chức và đang bộn bề đối phó để vực dậy cuộc suy thoái kinh tế Hoa Kỳ cùng các cuộc chiến đã phải gánh chịu, nội các tổng thống Barack Obama phải đối diện thêm đại dịch H1N1 đầy nguy hiểm. Mời gọi những chuyên gia chống dịch kinh nghiệm và tài ba từ các đời tổng thống tiền nhiệm tham gia, ứng phó kịp thời, bất chấp sự khó khăn, ngăn trở từ Quốc Hội đảng Cộng Hòa nắm giữ trong việc thông qua ngân sách, các thủ tục cần chuẩn thuận, nội các tổng thống Obama đã thầm lặng kiểm soát thành công đại dịch H1N1, đến độ không ít người dân Mỹ nhận biết đã có một đại dịch chết người như vậy xảy ra lúc bấy giờ. Mời quý vị cùng theo dõi một trích đoạn hồi ký tổng thống kể lại việc chống dịch H1N1 này như thế nào.

Nhã Duy

obama0

Tổng thống Barack Obama họp Bộ tham mưu ngày 24/4/2009 để nhận định tình hình và đối phó với đại dịch H1N1 đang lây lan trên lãnh thổ. Ảnh Wikipedia

------------

Tổng thống Barack Obama đối phó đại dịch H1N1 ra sao ?

Công việc nào cũng có lắm điều bất ngờ. Một cơ phận quan trọng nào đó của thiết bị bị hư. Một tai nạn giao thông buộc mình phải đổi tuyến đường giao hàng. Một khách hàng gọi báo bạn đã nhận được hợp đồng nhưng lại cần giao hàng sớm hơn kế hoạch ba tháng. Nếu đó là điều đã từng xảy ra trước kia thì có thể bạn đã có phương thức và biện pháp để đối phó. Nhưng ngay cả các tổ chức giỏi nhất cũng không thể lường trước được mọi điều, trong trường hợp đó thì bạn tìm cách ứng biến sao cho đạt được các mục tiêu của mình đề ra, hoặc ít ra cũng làm giảm mức thiệt hại.

Công việc tổng thống cũng chẳng khác biệt gì. Ngoại trừ những điều bất ngờ luôn đến mỗi ngày, mà thường là cả đợt. Trong suốt mùa Xuân và mùa Hè trong năm đầu tiên, khi chúng tôi còn vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, với hai cuộc chiến tranh và thúc đẩy cải cách hệ thống y tế, thì có lắm điều chẳng mong đợi lại dội xuống nghị trình vốn đã quá tải của chúng tôi.

Đầu tiên là khả năng xảy ra một thảm họa thực sự. Vào tháng Tư, các báo cáo bao trùm về một cơn dịch cúm đáng lo ngại bùng phát tại Mexico. Cảm cúm thông thường thì thường tấn công những người dễ bị ảnh hưởng như người già, trẻ sơ sinh và những người có bệnh hen suyễn, nhưng chủng virus này dường như tấn công vào cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và gây chết người với tỷ lệ cao hơn bình thường. Trong vòng vài tuần, người dân tại Mỹ đã ngã bịnh từ virus này : một ca tại Ohio, hai ca tại Kansas và tám ca chỉ riêng tại một trường trung học tại New York. Đến cuối tháng thì cả CDC và tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xác nhận rằng chúng ta đang gặp một biến thể của virus H1N1. Đến tháng Sáu thì lần đầu tiên trong bốn mươi năm, WHO chính thức tuyên bố về cơn đại dịch toàn cầu đang xảy ra.

Tôi đã có nhiều kiến ​​thc hơn chuyn biết sơ qua H1N1 sau nhiệm vụ chuẩn bị đối phó đại dịch tại Mỹ lúc còn ở Thượng viện. Những gì tôi biết đã làm tôi khiếp đảm. Năm 1918, một chủng virus H1N1 gọi là "cúm Tây Ban Nha" đã lây nhiễm khoảng nửa tỷ người và giết chết đâu chừng 50 đến 100 triệu người, tức khoảng 4% dân số thế giới bấy giờ. Chỉ riêng tại Philadelphia mà có hơn 12 ngàn người đã chết chỉ trong vài tuần. Ảnh hưởng của cơn đại dịch này vượt xa hơn các con số người chết đáng kể và sự tê liệt kinh tế, khi nghiên cứu sau này cho thấy những người nằm trong lòng thời kỳ đại dịch lớn lên có thu nhập thấp hơn, học vấn kém hơn và tỷ lệ bị khuyết tật thể chất cao hơn.

Còn khá sớm để nói loại virus mới này sẽ nguy hiểm mức nào. Nhưng tôi không muốn thử với rủi ro. Trong cùng ngày mà bà Kathleen Sebelius (chú thích từ người dịch : bà Sebelius là Thống đốc tiểu bang Kansas, một thống đốc giỏi từng được xem có cơ hội được Tổng thống Obama chọn vào liên danh tổng thống) được chuẩn thuận làm Bộ trưởng Y tế, chúng tôi cho phi cơ sang Kansas đón bà rồi chở thẳng đến điện Capitol để tuyên thệ nhậm chức rồi ngay lập tức yêu cầu bà chủ trì một cuộc họp hai tiếng đồng hồ với các quan chức của WHO cùng các Bộ trưởng Y tế Mexico và Canada. Vài ngày sau thì chúng tôi đã tập hợp được một nhóm liên ngành để thẩm định xem liệu Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất hay chưa.

Câu trả lời là chưa sẵn sàng chút nào. Hóa ra là thuốc ngừa cúm hàng năm không hiệu nghiệm để chống lại H1N1. Thuốc chủng ngừa nói chung không phải là phương tiện kiếm tiền cho các hãng dược phẩm nên một số hãng bào chế đang hoạt động của Mỹ có khả năng khá giới hạn trong việc tạo vaccine mới. Rồi chúng tôi còn phải đối diện với các vấn đề về việc phân phối thuốc kháng virus, cách hướng dẫn cho bệnh viện trong việc điều trị, thậm chí biện pháp đóng cửa trường học và cách ly nếu tình hình xấu đi.

Một số chuyên gia kỳ cựu trong nhóm ứng phó với dịch cúm heo vào năm 1976 của nội các Tổng thống Ford đã cảnh báo chúng tôi về những khó khăn liên quan đến việc làm sao thoát qua cơn dịch mà không tạo thêm phản ứng cực đoan hoặc gây ra hoảng sợ. Lúc bấy giờ Tổng thống Ford rõ ràng là muốn hành động dứt khoát ngay giữa chiến dịch bầu cử nên đã nhanh chóng cho tiêm chủng bắt buộc trước khi xác định mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Điều này dẫn đến kết quả là nhiều người Mỹ hứng chịu chứng rối loạn thần kinh liên quan đến vaccine hơn là bị chết vì cúm.

- Ngài cần phải tham gia, thưa Tổng thống. Nhưng ngài cần để cho các chuyên gia lo cách đối phó - một trong những quan chức của Ford khuyên tôi. 

Tôi choàng vai Sebelius. "Bà thấy chưa ?" - Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề. "Đây… là nhiệm vụ đối mặt virus. Chúc mừng Kathleen".

- "Rất vui được phục vụ, thưa tổng thống". Bà nói một cách rạng rỡ. "Rất vui được phục vụ".

Chỉ thị của tôi đến Kathleen và nhóm y tế công cộng rất đơn giản : các quyết định sẽ được đưa ra dựa theo những cố vấn khoa học tốt nhất đã có và chúng tôi sẽ giải thích từng bước cách ứng phó của chúng tôi đến công chúng, bao gồm cả chi tiết những gì chúng tôi đã biết và chưa biết. Trong sáu tháng tiếp theo, chúng tôi đã thực hiện chính xác điều đó. Sự sụt giảm các ca bệnh H1N1 vào mùa Hè đã giúp nhóm ứng phó có thời gian làm việc với các hãng bào chế thuốc và cung cấp khích lệ tài chính cho các quy trình mới để sản xuất vaccine nhanh hơn.

Họ tiên định nguồn cung cấp y tế tại khắp các khu vực và giúp các bệnh viện linh hoạt hơn trong việc quản trị các ca bệnh cúm gia tăng. Họ đánh giá và cuối cùng bác bỏ ý tưởng đóng cửa trường học cho hết niên học nhưng đã làm việc với các khu học chánh, các doanh nghiệp, các viên chức tiểu bang và địa phương để bảo đảm là mọi người đều có các nguồn lực cần thiết để ứng phó trong trường hợp bùng phát dịch.

Mặc dù Hoa Kỳ cũng không phải đã thoát khỏi cơn dịch một cách bình an vô sự khi có hơn 12 ngàn người dân đã mất mạng, chúng ta quả may mắn khi chủng dịch H1N1 đặc biệt này lại gây ít người chết hơn các chuyên gia đã từng lo sợ và tin tức về đại dịch, được giảm xuống vào giữa năm 2010 đã không còn là những tiêu đề gây ồn ào. Dù sao thì tôi cũng rất tự hào về ban tham mưu của chúng tôi đã đối phó với dịch bệnh một cách hữu hiệu. Không phô trương hay gây ồn ào, họ đã không những ngăn chặn được virus mà còn tăng cường và củng cố tư thế sẵn sàng ứng phó của chúng tôi trước bất kỳ tình huống khẩn cấp nào về y tế công cộng trong tương lai. Điều này đã tạo ra sự khác biệt nhiều năm sau khi dịch Ebola bùng phát ở Châu Phi và gây ra một cơn hoảng loạn lớn khác.

Tôi đã dần nghiệm ra rằng bản chất công việc của một tổng thống là : công việc quan trọng nhất của mình phải làm đôi khi liên quan đến những thứ mà chẳng mấy ai để ý tới.

Barack Obama

Nhã Duy chuyển dịch và đặt tựa

(18/11/2020)

(Trích từ hồi ký tổng thống Một Miền Đất Hứa - A Promised Land của Tổng thống Barack Obama vừa phát hành ngày 7/11/2020)

Additional Info

  • Author Barack Obama, Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Lời người dịch

Hồi ký "A Promised Land" của cựu tổng thống Barack Obama sẽ phát hành vào ngày 17/11/2020. Theo lời giới thiệu từ Amazon, đây là cuốn sách cực kỳ gần gũi và đầy nội tâm, là câu chuyện về sự đánh cược của một người với lịch sử, niềm tin của một nhà hoạt động cộng đồng đã được thử nghiệm trên chính trường thế giới. Obama thẳng thắn về hành động cần sự cân bằng tinh tế khi ra tranh cử trong tư cách là một người Mỹ da đen, mang theo kỳ vọng của một thế hệ được thúc đẩy bởi thông điệp "Hy vọng và Thay đổi", đồng thời đáp ứng những thách thức đạo đức trong quá trình đưa ra quyết định. Ông thẳng thừng nêu ra những thế lực chống đối ông trong và ngoài nước, cởi mở về việc cuộc sống ở Bạch Ốc đã ảnh hưởng đến vợ và các con gái ông như thế nào, đồng thời không ngần ngại bộc lộ sự nghi ngờ và thất vọng của bản thân. Tuy nhiên, ông không bao giờ dao động niềm tin rằng, bên trong cuộc thử nghiệm vĩ đại đang diễn ra của Mỹ, sự tiến bộ luôn là điều khả dĩ.

obama3

Gia đình Tổng thống Obama đi dạo trong khuôn biên Tòa Bạch Ốc

Cuốn sách ngôn từ đẹp và mạnh mẽ này thể hiện niềm tin của Barack Obama rằng, dân chủ không phải là một món quà từ trên cao rơi xuống mà là điều được hình thành dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu và chung tay xây dựng mỗi ngày.

Trong suốt tám năm đương nhiệm của Tổng thống Obama, tôi - người dịch, đã xem phim, đọc sách cùng các bài viết của ông và cũng đã dịch một số diễn từ ý nghĩa của ông gởi đến giới trẻ để cảm nhận được phần nào một nhân cách, tư tưởng cùng tâm cảm của một nhân vật lịch sử của nước Mỹ. Đó là cái đẹp của tâm hồn và trí tuệ không phải từ sự hoa mỹ của ngôn từ mà đến từ sự chân thành, một tâm hồn mẫn cảm cùng sự dí dỏm của người thông minh, trí tuệ. Tôi cảm nhận được sự dung dị, chân thành và dí dỏm đó trong tư tưởng thông tuệ, sắc bén của vị lãnh đạo quốc gia tài ba đầy viễn kiến trên chính trường thế giới, người luôn trăn trở trong trách nhiệm và sự tận tâm với quốc gia, chân hậu với tha nhân, đồng thời lại là một người chồng, người cha chứa chan nồng nàn yêu thương trong gia đình như bất cứ ai trong chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị một vài trang viết đầu tiên trong hồi ký của tổng thống Barack Obama, người đã mang lại không ít niềm hứng khởi về đời sống cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Nhã Duy

(16/11/2020)

obama0

Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ : Barack Obama (20/01/2009-20/01/2017)

Lời tự giới thiệu của Tổng thống Obama

"Tôi đã viết cuốn sách của mình cho những người bạn trẻ, như một lời mời gọi hãy hoàn thiện một nước Mỹ cuối cùng rồi phù hợp với tất cả những gì tốt nhất trong chúng ta, thông qua sự chuyên cần, quyết tâm và một trí tưởng tượng phong phú"...

obama2

Michelle, Sasha, Barack và Malia Obama 

"Việc thiếu vắng cha tôi trong cả phần lớn tuổi thơ mình đã giúp tôi định hình ý tưởng về mẫu người cha trong tôi sẽ như thế nào. Khi Malia chào đời, tôi đã tự hứa lòng rằng các con tôi sẽ nhận biết được tôi, sẽ cảm nhận được tình yêu nồng nàn và sâu đậm của tôi, biết rằng tôi luôn đặt các con lên hàng đầu. Trong khi đương nhiệm chức vụ tổng thống, tôi luôn giữ việc ăn tối với Michelle, Sasha và Malia vào lúc 6:30 mỗi tối. Đó là những bữa cơm ngon lành để trò chuyện về những việc đã diễn ra trong ngày. Tôi vẫn gọi đó là một trong những phần tuyệt vời nhất của cuộc sống khi sống tại Bạch Ốc. Nhìn các con trưởng thành thành những thiếu nữ thông minh, mạnh mẽ và giàu lòng nhân ái là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi vẫn thường nhắc mình rằng chẳng có nơi nào trên thế giới này mà tôi muốn đến hơn là ở cùng Miche và các con gái của chúng tôi. Đó là tại sao tôi dành tặng cuốn hồi ký của mình cho họ".

Barack Obama

***********

Tôi chưa sẳn sàng từ bỏ nước Mỹ khả dĩ

Cuối nhiệm kỳ tổng thống, Michelle và tôi đáp Air Force One lần cuối cho kỳ nghỉ bờ Tây đã bị hoãn lại khá lâu. Tâm trạng trên máy bay là sự buồn vui lẫn lộn. Cả hai chúng tôi đều kiệt quệ cả về thể chất lẫn cảm xúc, không chỉ bởi sức lực cho suốt tám năm trời mà còn vì kết quả bầu cử đầy bất ngờ mà người được chọn kế nhiệm tôi là người hoàn toàn chống đối lại tất cả những gì chúng tôi đã thực hiện.

obama4

Tất cả quyền lực và ánh hào quang của chức vụ tổng thống vẫn chỉ là một công việc...

Dẫu sao thì sau khi hoàn tất cuộc đua của mình, chúng tôi cũng đã hài lòng vì biết mình đã cố gắng hết sức. Dù thế nào, có thiếu sót trong vai trò tổng thống hay không thực hiện được hết các dự án tôi từng kỳ vọng thì quốc gia này cũng đang ở trong tình trạng tốt hơn so với lúc tôi bắt đầu nhậm chức.

Trong một tháng trời, Michelle và tôi ngủ trễ, nhàn nhã ăn tối, đi bộ, tắm biển, mua sắm đồ, vun đắp tình bạn, tái khám phá tình yêu. Và hoạch định cho một hành động thứ nhì ít quan trọng hơn nhưng hy vọng không kém phần thỏa ý. Đó là việc viết hồi ký tổng thống. Khi tôi ngồi xuống với cây bút và tập giấy màu vàng (tôi vẫn thích viết tay mọi điều khi nhận thấy máy điện toán làm những bản nháp thô ráp trở nên bóng mịn và biến những suy nghĩ rời thành ngăn nắp quá), tôi đã có phác thảo trong đầu rõ ràng về một cuốn sách ra sao.

Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi hy vọng sẽ tái hiện được khoảng thời gian tại chức một cách trung thực, không chỉ là các ghi chép lịch sử về các sự kiện quan trọng đã xảy ra và các nhân vật quan trọng mà tôi tiếp xúc mà còn những tường thuật về một số giao thoa chính trị, kinh tế và văn hóa đã định hình những thách thức mà nội các của tôi phải đối mặt cùng những lựa chọn mà ban bệ của tôi và tôi đã đưa ra để đối phó. Cũng có thể tôi đưa vào đâu đó cho độc giả biết cái cảm giác làm tổng thống Mỹ là như thế nào.

Tôi muốn vén bức màn ra một chút để nhắc mọi người rằng, đối với tất cả quyền lực và ánh hào quang của chức vụ tổng thống thì nó vẫn chỉ là một công việc và chính phủ liên bang của chúng ta là một doanh nghiệp con người như bao doanh nghiệp khác. Những người làm việc tại Bạch Ốc cũng trải qua công việc hàng ngày trộn lẫn sự hài lòng, thất vọng, xích mích nơi văn phòng, bị trục trặc và đạt dăm thành tích nho nhỏ như bao người dân khác.

Cuối cùng, tôi muốn kể một câu chuyện cá nhân hơn để có thể lan truyền cảm hứng đến những bạn trẻ đang cân nhắc bước vào đời sống phục vụ công chúng. Rằng sự nghiệp chính trị của tôi thực sự bắt đầu như thế nào qua việc tìm kiếm một công việc phù hợp, cách giải thích những đan chéo khác nhau về di sản lẫn lộn của tôi và làm thế nào để không chỉ kéo cỗ xe của mình đến một thứ lớn hơn bản thân mình mà cuối cùng còn có thể định hình một cộng đồng và mục đích cuộc đời mình.

Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm được tất cả những điều đó trong khoảng 500 trang. Tôi dự định ​​sẽ thực hiện trong vòng một năm. Công bằng mà nói thì chuyện viết không diễn ra chính xác như tôi đã định. Dù cố tâm nhưng cuốn sách vẫn tiếp tục kéo dài ra với nhiều điều hơn và là lý do cuối cùng tôi quyết định chia nó thành hai tập. Tôi đau khổ nhận ra rằng, một nhà văn tài ba hơn có thể đã tìm cách kể câu chuyện tương tự ngắn gọn hơn. Nhưng mỗi lần tôi ngồi xuống viết, cho dù để mô tả các giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử của tôi hay cách nội các tôi giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ra sao, hoặc các cuộc đàm phán với người Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân ra sao, hoặc những tác động dẫn đến cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, tôi thấy tâm trí mình không cho phép mình viết ra câu chuyện theo cách thẳng đuộc đơn giản.

Thông thường thì tôi cảm thấy có trách nhiệm cung cấp bối cảnh dẫn đến các quyết định mà tôi và những người khác đã đưa ra và tôi không muốn đưa vào chú thích cuối cuốn sách (tôi ghét chuyện phụ chú cuối bài). Tôi phát hiện ra rằng không phải lúc nào tôi cũng có thể giải thích sự trình bày của mình chỉ bằng cách tham khảo hàng đống dữ liệu kinh tế hoặc nhớ lại cuộc họp báo cáo tình hình tại phòng Bầu dục mà chúng được định hình bởi một cuộc trò chuyện với một người xa lạ trong hành trình, một chuyến thăm quân y viện, hay bài học thuở ấu thời mà tôi đã nhận được từ mẹ tôi trong nhiều năm trước đó. Ký ức của tôi lặp đi lặp lại những chi tiết dường như ngẫu nhiên đó (như tìm một nơi kín đáo để hút thuốc lá buổi tối hay các nhân viên và tôi cười vui sảng khoái khi chơi bài trên phi cơ Air Force One) đã dùng để kể lại kinh nghiệm của tôi trong tám năm tại Bạch Ốc, theo cách mà chẳng thể nào tìm thấy trong bất cứ hồ sơ tài liệu nào.

Barack Obama

Nhã Duy chuyển dịch

(trích từ hồi ký Một Miền Đất Hứa - A Promised Land của Tổng thống Barack Obama)

Additional Info

  • Author Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Một trong 50 phụ nữ được tạp chí Forbes Việt Nam chọn là ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, chị Hoàng Minh Hồng, chia sẻ hành trình trên đất Mỹ khi trở thành học giả Quỹ Obama.

obama1

Chị Hoàng Minh Hồng trong lần đầu gặp cựu Tổng thống Obama

Từng là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn đặt chân lên Nam Cực, hơn 10 năm sau, nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng trở thành người Việt đầu tiên đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Colombia (khóa đầu).

Chị cũng là giám đốc, người sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE - nơi quy tụ các bạn trẻ hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường.

obama2

Trên tài khoản Twitter cá nhân, cựu Tổng thống Mỹ Obama từng viết về chị Hoàng Minh Hồng như một trong những người trẻ truyền cảm hứng cho ông năm 2018.

BBC có cuộc trò chuyện với chị Hoàng Minh Hồng về hành trình của chị.

BBC : Cuộc gặp với cựu Tổng thống Obama hẳn để lại nhiều ấn tượng trong chị ?

Hoàng Minh Hồng : Tôi đã gặp cựu Tổng thống Barack Obama hai lần.

Lần đầu là khi cả hai nhóm học giả của trường Columbia và trường Chicago tập trung học cùng nhau trong vòng một tuần ở Chicago vào tháng Tám - khi chương trình mới bắt đầu. Cựu tổng thống Obama xuất hiện không báo trước. Chúng tôi rất bất ngờ và thích thú khi ông thình lình bước vào lớp và "Hello" một cách vui vẻ.

2018 là năm đầu tiên cựu Tổng thống Obama triển khai chương trình học giả Obama.

Chương trình lựa chọn các lãnh đạo dân sự từ nhiều quốc gia trên toàn cầu, để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giáo dục, sức khoẻ cho trẻ em và phụ nữ nghèo, hoà bình, sự minh bạch của các chính phủ, v.v.

Chương trình được triển khai tại Đại học Columbia tại New York và Đại học Chicago ở Chicago, với hai hình thức chương trình khác nhau.

Ông chia sẻ thân tình, truyền cảm hứng, kêu gọi các học giả tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội để thế giới có một tương lai tươi sáng hơn. Ông ấy rất thân thiện và thông minh với cách nói chuyện hết sức truyền cảm, mà không kém phần hóm hỉnh.

Trước khi gặp, ông đã đọc tiểu sử từng người nên ông nhận ra ngay tôi là cô Hồng ở Việt Nam và làm về môi trường. Ông nói một điều rất giống với suy nghĩ của tôi : "Chúng ta muốn 'thay đổi thế giới' thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động". Và truyền thông bằng cách kể những câu chuyện, chính là việc tôi và tổ chức CHANGE do tôi khởi xướng và lãnh đạo đang nỗ lực thực hiện nhiều hơn trong các dự án môi trường của mình tại Việt Nam.

obama3

Chị Hoàng Minh Hồng và các học giả quốc tế gặp cựu Tổng thống Obama năm 2018

Lần thứ hai còn thú vị hơn. Đó là khi chúng tôi tham dự Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của quỹ Obama tại Chicago. Hội nghị này có 700 người tham dự, phần đông là các thủ lĩnh trẻ tham gia nhiều chương trình của Quỹ Obama từ nhiều quốc gia và trên khắp nước Mỹ.

Buổi gặp chỉ có 4 người, trong đó có tôi. Cũng không báo trước, ông Obama bước vào, chào hỏi chúng tôi hồ hởi và thân mật lắm. Có vẻ ông vẫn nhớ tôi rất rõ.

Ông hỏi tôi về thời gian ở New York và học ở trường Columbia thế nào, nhóm học giả đã làm gì cùng nhau, có kế hoạch gì mới chưa. Tôi chia sẻ với ông về những dự định của mình khi về Việt Nam. Ông cũng chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch xây dựng Trung tâm Tổng thống Obama tại thành phố Chicago, là một nơi vừa là bảo tàng về ông và bà Michelle Obama trong những năm tháng ông làm tổng thống Mỹ, vừa là trung tâm cho các hoạt động cộng đồng về giáo dục, nghệ thuật, thể thao, thư viện… và sẽ mở cửa tự do cho tất cả mọi người. Cựu Tổng thống Obama là một người nói chuyện cực kỳ lôi cuốn, thông minh, và rất thân thiện, như bạn bè của mình vậy.

Điều bất ngờ nhất là trong ngày cuối cùng của năm 2018, ông Obama đã đăng một dòng trạng thái trên trang Twitter của mình, nhắc đến tôi trong số những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông trong năm 2018. Ông Obama là người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, cho nên việc được ông ấy nhắc đến như vậy đối với tôi là vô cùng đặc biệt.

obama4

Cựu Tổng thống Mỹ Obama viết trên Twitter cá nhân rằng Hoàng Minh Hồng là người truyền cảm hứng cho ông

BBC : Nghe nói chị cũng từng được gặp bà Michelle Obama và được bà khen ngợi ?

Hoàng Minh Hồng : Lần đầu tiên tôi gặp bà Michelle ở New York khi bà tổ chức một buổi gặp gỡ với giới trí thức và phụ nữ ở trường Columbia, và lần hai ở Washington DC khi 2 nhóm học giả tham gia chương trình tập huấn ở đây.

Bà Michelle là một phụ nữ tuyệt vời. Bà thông minh, tự tin, sắc sảo, nhưng cũng rất quyến rũ, và cực kỳ tình cảm. Khi gặp nhau, bà ôm hôn từng người trong đám bọn tôi, cái ôm rất chặt như những người bạn thân thiết, và bà hỏi thăm từng người. Bà Michelle là người rất quan tâm tới việc hỗ trợ cho chị em phụ nữ. Năm 2018 bà khởi động chương trình "Global Girls Alliance" để giúp đỡ các trẻ em gái tại các quốc gia, nên bà rất vui thích khi nhóm học giả của bọn tôi cũng có tới 8/12 người là nữ.

Khi nói chuyện với tôi, bà "khen" tôi đã làm được nhiều cho môi trường. Còn tôi thì kể cho bà về đội ngũ "cứu thế giới" của tôi ở CHANGE đa số là nữ. Bà gửi lời nhắn nhủ tới các chị em nữ ở CHANGE, cũng như ở các tổ chức xã hội khác ở Việt Nam, là hãy cống hiến hết mình, nhưng hãy biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hãy làm những việc làm cho mình vui, hãy tự làm cho mình hạnh phúc, chịu khó tập thể dục cho khoẻ mạnh, có như vậy thì mới làm việc lớn được. Và hãy là chính mình, dù bạn thích loại thời trang nào, thích nhuộm tóc màu gì, có sở thích âm nhạc gì …. chứ đừng vì áp lực xã hội.

Tôi cũng nhiệt tình mời bà ấy qua thăm Việt Nam. Tôi nghĩ nếu chị em phụ nữ và các bạn trẻ ở Việt Nam mà được gặp bà ấy, chắc cũng sẽ được truyền cảm hứng nhiều lắm.

obama5

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama gặp chị Hoàng Minh Hồng và các học giả quốc tế của Đại học Colombia, Hoa Kỳ

BBC : Học bổng của Quỹ Obama có ý nghĩa như thế nào đối với chị ?

Hoàng Minh Hồng : Đối với tôi, học bổng này là một sự công nhận rất đáng tự hào. Không chỉ cho các nỗ lực của riêng tôi, mà cho công việc xã hội, dân sự nói chung.

Tôi từng đi nhiều nước, tham gia nhiều chương trình, và nhận thấy rằng khắp nơi trên thế giới, các nỗ lực của những người hoạt động xã hội như chúng tôi luôn được đánh giá cao và nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo, các tổ chức danh tiếng, các trường đại học, các cộng đồng quốc tế. Và tôi rất mong ở Việt Nam bọn tôi cũng được ủng hộ như vậy.

Ngoài ra, cá nhân tôi rất "thần tượng" cựu tổng thống Obama, tôi khoái những tư tưởng tiến bộ của ông, đánh giá cao tính nhân văn trong các quyết định chính trị của ông trong thời gian ông còn làm tổng thống, và đặc biệt là mê cách nói chuyện đầy lôi cuốn, và tính cách thân thiện hiếm có ở một nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu như vậy. Nên khi được chọn tham gia chương trình này, tôi mừng khấp khởi là chắc thế nào cũng có cơ hội được gặp ông Obama.

Tham gia chương trình Học giả Obama khoá đầu tiên này, bên cạnh việc giúp tôi tăng thêm uy tín cho bản thân và cho tổ chức CHANGE, thì giá trị tuyệt vời của nó nằm ở việc tôi đã được học ở một trường Đại học hàng đầu nước Mỹ, được kết nối với các cá nhân và tổ chức uy tín hoạt động trong cùng lĩnh vực, để tôi có cơ hội mở rộng mạng lưới hợp tác trong tương lai. Riêng việc được làm quen và học hỏi từ 11 học giả còn lại của nhóm, vốn là những người đi đầu các phong trào xã hội nổi bật tại các quốc gia, đã giúp tôi rất nhiều trong việc phát triển bản thân rồi.

BBC : Hiện thời việc học và hoạt động vì môi trường của chị ở Mỹ như thế nào ?

Hoàng Minh Hồng : Chương trình học kéo dài 9 tháng tại ĐH Comlumbia, được thiết kế riêng cho 12 học giả, đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi được gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với nhiều học giả, diễn giả danh tiếng từ nhiều lĩnh vực. Chúng tôi được giúp nâng cao năng lực và kết nối với mạng lưới quốc tế để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà chúng tôi đang theo đuổi.

Lịch học tại ĐH Columbia rất sôi động. Ngoài lớp học chuyên môn tự chọn, chúng tôi còn có các buổi làm việc riêng với người hướng dẫn. Nhóm 12 học giả chúng tôi cũng học chung hàng tuần về các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội của nước Mỹ và của thế giới.

Ngoài ra, chúng tôi tham gia các hội thảo tập huấn để tăng cường các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giải quyết xung đột, diễn thuyết, sáng tạo. Được giao lưu với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hoạt động rất tích cực trong các vấn đề xã hội và phát triển.

Tôi cũng được mời "đứng lớp" tại một lớp ở trường Columbia dành cho sinh viên năm cuối và cao học để nói về vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu.

Tôi còn có cơ hội làm diễn giả tại sự kiện của Đại hội đồng Liên hiệp quốc 2018 ; hoặc tại toạ đàm với chủ đề "Women4Climate" (phụ nữ vì khí hậu) ; tọa đàm chia sẻ về các phong trào môi trường tại Việt Nam.

Trong thời gian ở New York, tôi tham gia một số hoạt động môi trường ở đây. Như tuần hành vì khí hậu, vẽ tranh tường về khí hậu, và nhiều hội thảo về biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng bền vững … do các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ tổ chức.

Làm việc và học kín mít thế, nhưng đêm đến tôi vẫn làm việc online với đội ngũ của CHANGE ở Việt Nam, cùng các bạn trẻ bàn kế hoạch cho các dự án mới. Thế nên lúc nào tôi cũng thiếu ngủ !

BBC : Một ngày của chị ở Việt Nam trước kia như thế nào ? Và hiện nay ở Mỹ ra sao ?

Hoàng Minh Hồng : Một ngày ở Việt Nam của tôi trước đây là dậy lúc 5 rưỡi sáng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cậu con trai. 6h đánh thức cậu ấy dậy rồi ngồi "hầu chuyện" trong lúc cậu ấy mắt nhắm mắt mở ăn sáng rồi đi học. Rồi tôi cũng đi làm, đến tối mịt mới về, ăn tối xong thì kiểm tra bài về nhà của cậu con trai, chơi với cậu ấy một chút, rồi lùa cậu ấy đi ngủ. Sau đó mới rảnh rang một chút ngồi nói chuyện với chồng, nhưng nhiều khi cũng phải cắm mặt vào làm việc đến đêm. Đến cuối tuần cả nhà 3 người mới có thời gian ngồi nói chuyện với nhau nhiều hơn, hoặc tôi nấu cho cậu ấy món gì cậu ấy thích. Cuối tuần cũng là lúc phải đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. Hoặc thỉnh thoảng thì tổ chức ăn uống với bạn bè.

Hiện nay tôi được rảnh rang hơn một chút, không phải làm việc nhà. Có những cuối tuần có thể được ngủ dậy muộn và nghỉ ngơi chứ không phải lúc nào cũng bị cậu con quấn chặt lấy. Nhưng lại cũng khổ vì nhớ nó. May mà có internet, hai mẹ con chat với nhau nhiều nên cũng đỡ. Lịch học và hoạt động quá dày đặc. Đến đêm tôi lại phải làm việc online với team ở Việt Nam, nên nói chung cũng khá mệt. Sang bên này tôi nhớ đồ ăn Việt, nên lúc nào rảnh ra chút là tôi hay nấu ăn, và rủ các bạn học giả tới ăn cùng và tám chuyện trên trời dưới biển vui lắm, cũng đỡ stress.

BBC : Chị từng chia sẻ rằng trước đây chị đặt câu hỏi 'Vì sao chúng ta không có nhiều công viên ?' Nay chị khẳng định 'Tôi muốn có thêm công viên'. Có phải cả một quá trình dài đi đó đây mới có thể giúp chị thay đổi cách suy nghĩ tưởng rất đơn giản như vậy ?

Hoàng Minh Hồng : Đúng vậy. Có lẽ tôi đã có quá nhiều năm cứ đặt câu hỏi và không có ai trả lời, nên cuối cùng tôi cũng nhận thấy rằng thôi mình tự đi kiếm câu trả lời vậy. Trong mọi việc, ví dụ bảo vệ môi trường, đúng là "thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối".

Tôi luôn mong muốn mọi người ở Việt Nam có nhận thức về các vấn đề môi trường trong nước, và lên tiếng vì nó. Thực ra, việc đặt câu hỏi "Vì sao chúng ta không có nhiều công viên", hay dùng câu khẳng định "Tôi muốn có nhiều công viên" đều để lên tiếng về một vấn đề mà mọi người thấy quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi, câu hỏi thì thường theo hướng "phàn nàn", hoặc đổ lỗi cho một bên nào đó chịu trách nhiệm ; còn câu khẳng định thể hiện quan điểm theo hướng tích cực hơn, và có thể hướng tới hành động để đạt được điều mình mong muốn.

obama6

Chị Hoàng Minh Hồng trong một buổi diễn thuyết tại Đại học Colombia, Mỹ

BBC : Là người Việt đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, được Quỹ Obama lựa chọn đào tạo cùng 11 học giả khác trên thế giới, là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Có bao giờ chị tự hỏi làm thế nào chị làm được nhiều việc phi thường như thế ?

Hoàng Minh Hồng : Tôi không nghĩ có một công thức nào có thể đảm bảo cho mình giành được học bổng này hay cơ hội kia. Từ thời trẻ tới giờ, tôi luôn nghĩ tôi thuộc nhóm người "tăng động", làm việc gì cũng làm hết sức có thể, đổ hết tâm huyết, đúng kiểu làm hết mình và chơi cũng hết mình. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ làm được như vậy với những việc tôi thật sự hứng thú. Tôi đã thử làm doanh nghiệp, thử kinh doanh, thử cả đi làm cho nhà nước, nhưng thấy không hợp, không thấy ý nghĩa là oải ngay, làm không ra gì ngay.

Trong khi có những năm tháng cứ bò ra làm những công việc tình nguyện chẳng kiếm ra đồng xu nào, toàn sống dựa vào bạn bè, bạn cho ở nhờ, nuôi ăn, thì lại cứ tươi hơn hớn. Tôi nghĩ cũng có thể tuỳ tính cách nữa, không phải ai cũng như vậy. Nhưng rõ ràng đối với tôi, chỉ thật sự đam mê với công việc của mình thì mới làm tốt, và có đủ động lực để hôm sau làm tốt hơn hôm trước một xíu, và mới có đủ sức mạnh để vượt qua những lúc khó khăn, thất vọng và thất bại.

obama7

Chị Hoàng Minh Hồng và ông Robert Swan (người đầu tiên trong lịch sử đã từng đi bộ tới Nam Cực và Bắc Cực) chụp tại Nam Cực

BBC : Sang Mỹ, chị nhớ nhất món gì của Việt Nam ? Chị vẫn giữ những thói quen gì của Việt Nam ?

Hoàng Minh Hồng : Nhớ phở. Tôi là người có thể ăn phở cả đời cũng được. Và nói chung là nhớ đồ ăn Bắc, nhớ con gà ta thịt dai dai, chứ gà Mỹ to đùng ăn chán quá. Ở Việt Nam tôi rất lười nấu ăn, chủ yếu cũng vì đi cả ngày. Sang đây tự nhiên thành chăm nấu ăn nhất đoàn. Tôi nói với các bạn học giả ở đây là tôi không phải thuộc dạng biết nấu ăn, mà không ai tin. Cứ lâu lâu tôi lại phải lọ mọ xuống China Town để đến mấy cửa hàng đồ Việt khiêng về lỉnh kỉnh đủ thứ nước mắm, nước tương, măng tươi, gạo, bánh phở, mộc nhĩ nấm hương, v.v. Cái bếp trong căn hộ ký túc xá của tôi cũng chẳng kém cái bếp của tôi ở Việt Nam là mấy.

Ở Việt Nam tôi chẳng bao giờ mặc áo dài, sang đây tự nhiên lại thấy thích mặc áo dài cách tân mỗi khi đi dự các sự kiện cần ăn mặc lịch sự, vừa đỡ phải nghĩ, mà trông lại độc đáo, nhiều khi chưa giới thiệu người ta cũng biết là người Việt Nam rồi, lại vừa rẻ (tôi đặt mua của những cơ sở nhỏ ở Sài Gòn nên giá rất dễ thương).

BBC : Chị có thể nói một chút về gia đình riêng của chị được không ?

Hoàng Minh Hồng : Tôi rất may mắn là ông xã, tuy không hoạt động trong lĩnh vực xã hội, nhưng lại rất ủng hộ tôi làm những việc "bao đồng". Tôi nghĩ chắc cũng hiếm ông chồng Việt Nam nào mà chấp nhận làm việc tại nhà, trông con để vợ đi sớm về khuya, và đi công tác xa nhà xoành xoạch như vậy. Riêng vụ tham gia chương trình học giả này, lúc đầu tôi còn định không nộp đơn, vì thấy đi lâu thế làm sao hai bố con xoay xở được, nhưng chính anh ấy đã khuyến khích tôi nộp đơn và khẳng định là sẽ trông được thằng bé để tôi yên tâm đi học, vì theo anh ấy thì đây là một cơ hội quá tuyệt vời không nên bỏ lỡ.

Thằng bé con tôi quấn mẹ lắm. Lúc nó biết tôi phải đi 10 tháng, nó vật vã khổ sở lắm. Nhưng rồi nó cũng "cho tôi đi" vì nó bảo tôi phải đi 'cứu thế giới'. Ở bên này thường xuyên chat với cu cậu cũng vui. Cu cậu 11 tuổi rồi, là cái tuổi đã đủ chững chạc để nói những câu chuyện như người lớn, nhưng cũng vẫn còn là trẻ con và còn yêu mẹ lắm chứ chưa đến giai đoạn "lạnh lùng" của tuổi teen. Nói chung tôi luôn nghĩ nếu mình không có hậu phương vững chắc như vậy, thì tôi cũng chẳng làm được việc gì. Hồi tháng 12 vừa rồi, thằng bé được nghỉ đông, 2 bố con đã sang đây thăm mẹ, vui lắm.

obama8

Chị Hoàng Minh Hồng cùng chồng và con trai

BBC : Chị dự định gì tiếp theo sau khi học xong ?

Hoàng Minh Hồng : Tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện ý tưởng cho một kế hoạch 'tham vọng' để mang về Việt Nam, nên hiện nay chưa thể chia sẻ chi tiết với bạn. Có thể "bật mí" sơ sơ là sẽ có hai dự án, hướng tới hai đối tượng khác nhau : giới trẻ, và cộng đồng doanh nghiệp, để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường trong nước. Tôi sẽ bàn với trường Columbia và Quỹ Obama để nhận được sự hỗ trợ cho ý tưởng dự án này, và sẽ cố gắng kết nối các nguồn lực ở đây để hỗ trợ cho việc thực hiện dự án tại Việt Nam. Và tôi rất hy vọng sẽ nhận được ủng hộ của cộng đồng ở Việt Nam cho dự án này.

BBC : Nếu được mô tả ngắn gọn về bản thân trong một (hoặc vài câu), chị sẽ nói gì ?

Hoàng Minh Hồng : Tôi là nhà hoạt động môi trường, thích lôi kéo giới trẻ vì tôi tin vào tương lai lãnh đạo của các bạn. Tôi là một người lạc quan, tin vào lòng tốt của con người và sức mạnh cộng đồng trong việc thay đổi xã hội. Và là một người mẹ hạnh phúc.

Mỹ Hằng thực hiện

Nguồn : BBC, 02/04/2019

Published in Văn hóa