Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Mỹ đến Châu Âu tìm liên minh dân chủ để đối đầu với chuyên chế

Thời sự nổi bật nhất của các báo Pháp ra hôm nay là chuyến công du Châu Âu của ông Joe Biden, sau gần 5 tháng nhậm chức tổng thống Mỹ, để dự cuộc họp thượng đỉnh nhóm G7 tại Anh Quốc và tiếp đó đến Bruxelles dự thượng đỉnh NATO và tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu. Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của tổng thống Biden, với nhiều hồ sơ quốc tế nóng, đang được dư luận quan tâm.

biden1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân Jill Biden xuống phi trường Mildenhall, Anh Quốc, ngày 09/06/2021. AP - Joe Giddens

Le Monde chạy tựa trên trang nhất "Joe Biden đến Châu Âu để liên minh các nền dân chủ" với nhận xét, bao trùm chuyến công du 5 ngày, từ 11 đến 16/06, của tổng thống Mỹ là các "cam kết lại" với các đồng minh. Sau bốn năm đầy diễn biến bất ngờ dưới thời tổng thống Donald Trump, các nước Châu Âu ở giữa hai tâm trạng vui mừng và hoài nghi, nhưng nổi lên vẫn là ý tưởng về một "liên minh các nền dân chủ". Le Monde nhắc lại trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 07/06 vừa qua, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Jak Sullivan, đã nói thẳng rằng "không ai khác, không phải Trung Quốc hay những chế độ chuyên chế khác, mà các nền dân chủ phải viết ra các luật lệ thương mại và công nghệ cho thế kỷ 21".

Tờ báo nhắc lại, "Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị tê liệt ; các nước G7, G20 thì tỏ ra hạn chế ngay khi đề cập đấn các vấn đề chủ quyền hay nhân quyền. Vì thế cần phải tạo ra một công thức mềm dẻo hơn để đáp ứng các thách thức hiện tại". Tờ báo dẫn chuyên gia Jana Puglierin, lãnh đạo trung tâm tư vấn Hội Đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế, nhấn mạnh : "phải vượt ra ngoài khuôn khổ liên minh phương Tây cũ và thành lập một nhóm nước định hướng để cho phép các nền dân chủ thông qua các lập trường kiên quyết nhất về nhân quyền và để không còn bị cho là yếu đuối dưới cái nhìn của những nhà độc tài như Putin hay Tập Cận Bình".

Mục tiêu Nga và Trung Quốc

Nhật báo kinh tế Les Echos đi vào cụ thể về mục tiêu chuyến công du của tổng thống Mỹ là nhằm đối phó với Bắc Kinh và Moskva. Tờ báo khẳng định, đến Châu Âu lần này, ông Joe Biden "muốn cùng với các nước dân chủ phương Tây tạo thành một mặt trận thống nhất đối lại các chế độ chuyên quyền và ngạo mạn như của Trung Quốc và Nga". Ông Biden sẽ cho thấy ông chống lại chủ trương cô lập của Donald Trump nhưng không từ bỏ lập trường "Nước Mỹ trước tiên".

Les Echos ghi nhận, vào lúc các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc và thế đối đầu với nước Nga, chuyến đi của ông Joe Biden không còn là một chuyến viếng thăm thông thường. Trong vòng năm tháng nắm quyền, tổng thống Mỹ đã thể hiện quyết tâm đưa nước Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên theo Les Echos, dù các nước Châu Âu tin vào sự trở lại của nước Mỹ trên bàn cờ ngoại giao thì thách thức vẫn còn. Đó là việc ông Joe Biden vẫn là người bảo vệ ý tưởng "Nước Mỹ trước tiên" của người tiền nhiệm Donald Trump, điều khiến cho khó có thể xóa hết những nghi kỵ hay bất đồng trong quan hệ với các đồng minh Châu Âu. 

Cuối cùng, Les Echos nhận định : Mặt trận dân chủ mà ông Joe Biden muốn củng cố là để đối phó với Nga và Trung Quốc, nhưng cũng là một cấp bách đối nội mà ở đó ông cũng đang cần có những đồng minh.

Những hồ sơ nóng của Biden

Vẫn trong bối cảnh chuyến công du của tổng thống Mỹ, Les Echos có bài điểm những "hồ sơ nóng của Biden tại Châu Âu" mà các nước G7 cũng như Liên Âu đang trông đợi và cần phải thương thảo.

Hồ sơ vac-xin : Tổng thống Mỹ đã thành công trong chiến dịch tiêm chủng cho dân Mỹ, nhưng Washington mới bắt đầu cho xuất vac-xin ra ngoài, dự trù 80 triệu liều từ nay đến cuối tháng 6. Một con số quá khiêm tốn so với 300 triệu liều đã được tiêm tại Mỹ, theo nhận xét của Les Echos. Liên Âu phản đối đề xuất đình chỉ bản quyền vac-xin Covid-19 mà Hoa Kỳ ủng hộ.

Hồ sơ Trung Quốc : Chính sách thương mại và công nghiệp với Trung Quốc là một trong số lĩnh vực hiếm hoi Joe Biden đồng thuận với người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng điểm khác biệt là ông Joe Biden tìm cách liên kết các đối tác Châu Âu và các quốc gia dân chủ khác để đối phó lại với mối đe dọa của chế độ toàn trị Trung Quốc. Joe Biden đến Châu Âu vào lúc Bắc Kinh tiếp tục tìm cách mở rộng trường ảnh hưởng và thách thức nền kinh tế số 1 thế giới.

Hồ sơ Nga : Giữa Washington và Moskva, căng thẳng lên cao chưa từng có, từ các cáo buộc tin tặc, trấn áp đối lập tại Nga, khủng hoảng Belarus, tiến trình hòa bình ở Ukraine bị bế tắc, chưa kể đến dự án Nord Stream 2… trong khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/06 tại Genève đang được chuẩn bị gấp rút mà ưu tiên của cuộc gặp là để hạ nhiệt căng thẳng.

Hồ sơ thuế quan : Các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng đang là đối tượng của các đòn trả đũa thương mại từ Hoa Kỳ. Các nỗ lực thương lượng vẫn đang được thúc đẩy, dù hiện tại các đáp trả của Mỹ với EU đã tạm ngừng.

Hồ sơ visa : Từ tháng 3/2020, các du khách đến từ Châu Âu đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ vì dịch Covid-19, Nhà Trắng coi quyết định này dựa trên cơ sở khoa học. Liên Hiệp Châu Âu vừa mở cửa biên giới với khách du lịch Mỹ, muốn đề nghị Mỹ hành động có qua có lại. Nhưng Washington vẫn trù trừ, lấy lý do phải theo ý kiến của giới chuyên môn y tế và khoa học. Hồ sơ này đặc biệt nhạy cảm với những công dân Châu Âu có visa công vụ vào Mỹ, nhưng họ vẫn bị cấm đi lại giữa Mỹ và Liên Âu.

Tội phạm quốc tế rơi vào bẫy công nghệ thông tin

Trở lại với nhật báo Le Monde với một chủ đề chống tội phạm quốc tế qua bài "Mẻ lưới thế giới nhằm vào tội phạm có tổ chức".

Nhật báo Pháp cho biết, trong khuôn khổ một chiến dịch mang tên gọi "Lá chắn thành Troie" (Trojan Shield) do Cục Điều Tra Liên bang Mỹ FBI khởi xướng, hơn 800 tội phạm có tổ chức trên thế giới từ Âu sang Á đến Hoa Kỳ đã bị bắt. Điều đáng chú ý trong chiến dịch này là các nhà điều tra đã chủ động tìm cách cung cấp các thiết bị thông tin mã hóa, bằng công nghệ cao, cho các tổ chức tội phạm.

FBI, cảnh sát Châu Âu Europol và nhiều nước khác hôm 08/06 vừa qua đã tiết lộ chi tiết : Cuộc điều tra đã thu giữ 8 tấn cocain, 22 tấn cần sa, 2 tấn ma túy tổng hợp và hàng trăm súng đạn, hàng chục xe hơi hạng sang và gần 40 triệu euro tiền mặt cũng như tiền mã hóa. Bên cạnh đó các nhà điều tra còn phá vỡ hơn một trăm vụ ám sát. Có được thành quả này là nhờ vào hệ thống thông tin mã hóa nổi tiếng ANoM, được bán ở trên 100 nước, chủ yếu cho giới tội phạm, trong ý đồ của các nhà điều tra.

Giới tội phạm dùng hệ thống liên lạc mã hóa trên mà không biết rằng cảnh sát ở 16 nước trong 18 tháng theo dõi đã nhận được bản sao của 17 triệu tin nhắn chúng trao đổi với nhau. Hàng loạt các tổ chức tội phạm, chủ yếu liên quan đến mà túy, từ Úc, Thụy Điển, Hà Lan và Mỹ đã bị sa lưới. Tuy nhiên theo Le Monde, nếu như việc sử dụng công nghệ cao để truy tìm tội phạm là một thắng lợi của các nhà điều tra thì nó cũng đặt ra nhiều vấn đề, tùy theo từng nước, về tính hợp pháp của phương pháp và cách thức sử dụng.

Hệ thống pháp lý Châu Âu hay Tòa án Nhân quyền (CEDH) quan niệm sử dụng thủ đoạn, mưu mẹo để bẫy đối tượng trong điều tra là cách làm kích động, đẩy người khác đến phạm tội là phạm pháp. Như vậy thành công của FBI và cảnh sát nhiều nước trong chiến dịch triệt phá các tổ chức tội phạm quốc tế nêu trên sẽ được diễn giải thế nào dưới góc độ luật pháp Châu Âu ?

Roland Garros : Tín hiệu hồi sinh của thể thao

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay xin được dành cho thể thao. Nhật báo Le Figaro có bài "Một ngày đặc biệt ở Roland Garros". Tờ báo cho hay, nhờ quy định chứng nhận y tế được áp dụng mà Roland Garros, một trong 4 giải quần vợt quốc tế lớn nhất trong năm, đã dần lấy lại được không khí của một cuộc thi đấu thể thao thực sự, có so tài, có cổ vũ.

Vì dịch Covid 19, giải đấu trên sân đất nện Paris mùa này chỉ phải thi đấu kín vòng loại đầu tiên. Từ vòng sau, ban tổ chức bắt đầu cho khán giả vào sân với liều lượng tăng dần, nhưng với điều kiện, từ 11 tuổi trở lên phải xuất trình giấy chứng nhận y tế, hoặc đã tiêm chủng, hoặc có xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ trước. Từ ngày 30/05 đến 08/06 đã có gần 6.000 khán giả được đến các sân xem thi đấu, hạn mức không quá 1.000 người trên một sân. Từ hôm 09/06, Pháp bắt đầu giải phong tỏa đợt hai với việc cho mở các quán ăn và lùi lệnh giới nghiêm xuống 23 giờ. Các sân đấu của Roland Garros đã đón hơn 13 nghìn khán giả, khung cảnh hoạt động bên ngoài các sân đấu của Roland Garros trở nên náo nhiệt khác thường, theo mô tả của Le Figaro.

Quy định xác nhận y tế sẽ được áp dụng đến hết giải vào Chủ Nhật tới. Dự kiến giải đấu năm nay đón 118 nghìn người hâm mộ quần vợt, còn xa so với con số 520 nghìn khán giả của giải 2019 trước khi Covid 19 xuất hiện. Nhưng dù sao thì Roland Garros năm nay cũng là dấu hiệu khởi đầu đầy hy vọng, khi mà nhiều sự kiện lớn đang được người hâm mộ thể thao thế giới đón đợi trong những ngày sắp tới.

Anh Vũ

Published in Quốc tế