Trung Quốc và Nga tuần thám hàng không mẫu hạm của Mỹ (RFA, 17/04/2017)
Trung Quốc và Nga đều đưa tầu tuần thám bám sát hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đoàn tầu hộ tống của Mỹ, trong lúc các chiến hạm Hoa Kỳ đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở Thái Bình Dương hôm 3/2/2017. AFP photo
Tin này được nhật báo Yomiuri Shimbun xuất bản tại Tokyo loan tải, viết rằng nghe được từ những nguồn tin phát xuất từ chính phủ Nhật. Khi trích dẫn tin này, hãng thông tấn AP nhận định dường như cả Trung Quốc lẫn Nga đều muốn dọ thám động thái của Hoa Kỳ trước những biến chuyển liên tục xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Bản tin của AP cũng cho thấy đoàn tầu chiến Mỹ đang ở trong hải phận Biển Hoa Đông, tiếp tục tiến về hướng Bắc để đến vùng biển sát với Bán Đảo Triều Tiên.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc và Nga đều lên tiếng kêu gọi giải quyết căng thẳng theo đường lối ôn hòa, thông qua nỗ lực chính trị và ngoại giao. Thứ Sáu tuần trước, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại Trưởng Nga Seigei Lavrov cùng nói là sẵn sàng tiếp tay để giảm bớt mực căng thẳng đang có, và kêu gọi các nước trở lại bàn đàm phán.
Trong cuộc họp báo thường lệ, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng phải tức khắc nối lại cuộc đàm phán quy tụ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam và Bắc Hàn. Cuộc đàm phán bị gián đoạn từ năm 2009, sau khi Bình Nhưỡng không thực hiện đúng lời cam kết là sẽ ngưng theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, đề nghị này từng nhiều lần được nói tới nhưng không thực hiện được, vì Hoa Kỳ cùng với 2 đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản đặt điều kiện tiên quyết là Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình chế tạo võ khí trước khi nói tới chuyện gặp nhau trở lại ở bàn hội nghị.
********************
Cố vấn Mỹ : Đến lúc cứng rắn với Nga (VOA, 16/04/2017)
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông H. R. McMaster, hôm 16/4 nói rằng đã đến lúc phải nói chuyện một cách cứng rắn với Nga về việc nước này hậu thuẫn chính phủ Syria cũng như về các hành động "lật đổ" của Moscow ở Châu Âu.
Ông H.R. McMaster.
Trả lời phỏng vấn của chương trình "This Week" của kênh ABC, ông McMaster nói rằng việc Nga ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm trầm trọng cuộc nội chiến và gây ra một cuộc khủng hoảng lan sang Iraq, các nước láng giềng và cả Châu Âu, theo Reuters.
Hoa Kỳ đầu tháng này đã ném bom một căn cứ không quân Syria, sau khi xảy ra một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh mà Washington cáo buộc chính quyền của ông Assad đã thực hiện, làm ít nhất 70 người thiệt mạng trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát.
Căn cứ không quân Shayrat của Syria bị Mỹ tấn công.
Syria đã bác bỏ cáo buộc này và Nga cảnh báo về các hệ quả "hết sức nghiêm trọng" từ các cuộc không kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ.
Ngoại trưởng Rex Tillerson thăm Moscow tuần trước khi căng thẳng gia tăng.
Báo cáo tình báo Mỹ hồi tháng Một nói rằng Nga không những can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ mà còn khắp Châu Âu.
Quan chức Mỹ, cả đương nhiệm lẫn hồi hưu, cũng như các nhà phân tích cho rằng Moscow đã nhắm vào các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và những nơi khác nhằm làm suy yếu tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng như liên minh xuyên Đại Tây Dương.
*********************
Chiến hạm Mỹ hiện diện ở Biển Đông (VOA, 16/04/2017)
Khu trục hạm USS Stethem lớp Arleigh Burke.
Một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ đang hoạt động ở Biển Đông, Hải quân Mỹ thông báo hôm 14/4.
Khu trục hạm USS Stethem lớp Arleigh Burke " tiến hành các hoạt động thường lệ" ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Thông cáo viết tiếp rằng tàu chiến này đã được một chiến hạm New Zealand tiếp nhiên liệu trên biển.
Chỉ huy tàu, William Palmer, được trích lời nói : " Tiến hành các hoạt động kiểu này với các đồng minh củng cố sự thành thạo và duy trì khả năng của chúng tôi nhằm tiếp tục sự hiện diện liên tục tại vùng hoạt động của Hạm đội 7".
USS Stethem trong chuyến thăm Thượng Hải, Trung Quốc.
Theo Hải quân Mỹ, USS Stethem thường xuyên liên lạc với tàu hải quân của Trung Quốc để bảo đảm an toàn. Hiện chưa rõ tàu chiến này sẽ hiện diện ở Biển Đông trong bao lâu.
Chiến hạm trên thả neo thường trực ở Yokosuka, Nhật Bản. Tàu này đã hoạt động ở Tây Thái Bình Dương kể từ khi rời Hoa Kỳ đầu năm nay.
Ngoài Biển Đông, USS Stethem từng hoạt động ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên cùng với đội tàu của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cũng như tàu của hải quân Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung mới đây.
Ngoài ra, tàu này còn thường xuyên cập cảng của Hàn Quốc trong các chuyến thăm thời gian qua.
USS Carl Vinson từng tuần tra ở Biển Đông.
USS Carl Vinson hồi tháng Hai từng thực hiện cuộc tuần tra "tự do hàng hải" ở Biển Đông mà Trung Quốc đã có lần chỉ trích.
Hàng không mẫu hạm này hiện trong chuyến hải hành tới bán đảo Triều Tiên giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thiếu tướng James Kilby, chỉ huy tàu USS Carl Vinson, từng được Reuters dẫn lời nói rằng nói cuộc tuần tra ở Biển Đông không phải để chứng tỏ sức mạnh mà để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Phó Tổng thống Mike Pence bắt đầu công du Châu Á vào ngày 16/4.
Trước chuyến công du Châu Á bắt đầu ngày 16/4, khi được phóng viên VOA hỏi là liệu Phó Tổng thống Pence có thảo luận về Biển Đông trong chuyến đi này không, phát ngôn viên của ông, Marc Lotter, nói rằng tranh chấp này là " một vấn đề Hoa Kỳ cam kết từ lâu về tự do hàng hải, tự do bay ngang qua, trong phạm vi các thông lệ quốc tế".
"Một lần nữa, đây sẽ là cơ hội để chúng tôi nói rằng chúng tôi sát cánh với các đồng minh của chúng tôi, rằng chúng tôi sát cánh với các đối tác để đảm bảo (dòng chảy) thương mại, tự do hàng hải, tự do bay ngang theo thông lệ quốc tế, và chúng tôi sẽ sát cánh với họ trong các vấn đề này. Và (chúng tôi) sẽ nói về cách thức để bảo đảm rằng Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương duy trì các hành lang kinh tế trọng yếu cho tất cả các nước trong khu vực", ông Lotter nói.