Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc lo lắng vì thái độ thiếu thiện cảm của Tổng thống Brazil tương lai (RFI, 30/10/2018)

Đúng theo dự đoán, ngày 28/10/2018, ứng viên Jair Bolsonaro đã đắc cử tổng thống Brazil. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Bolsonaro đã thường xuyên đả kích Trung Quốc, tố cáo cường quốc châu Á này về các thủ đoạn nhằm "mua đứt" Brazil. Các lập luận thiếu thiện cảm này đã khiến Bắc Kinh hết sức lo ngại, nhất là khi kết quả thăm dò ý kiến càng lúc càng thuận lợi cho ông Bolsonaro.

brazil1

Brazil : Tổng thống đắc cử ngày 28/10/2018 ,Jair Bolsonaro. Ảnh lúc đến phòng phiếu tại Rio de Janeiro.© Reuters/Ricardo Moraes/Pool

Trong bối cảnh đó, theo hãng tin Anh Reuters ngày 25/10 vừa qua, Trung Quốc đã liên tục tìm cách tiếp cận với đội ngũ cố vấn của ông Bolsonaro để chiêu dụ người sẽ lãnh đạo quốc gia lớn nhất châu Mỹ La Tinh.

Theo Reuters, trong những tuần lễ gần đây, giới ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Brasilia đã hai lần tiếp xúc với các cố vấn hàng đầu của ông Bolsonaro. Theo những người đã tham dự các cuộc họp, thì mục đích của Bắc Kinh là nhấn mạnh trên các mối lợi đối với Brazil khi hợp tác với Trung Quốc.

Đối với Reuters, thách thức đối với Bắc Kinh không phải là nhỏ. Ông Bolsonaro đã không ngần ngại mô tả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, là một con thú săn mồi tìm cách thống trị các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Brazil.

Với nền kinh tế của mình đang tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc không thể để mình bị lôi kéo trong một cuộc chiến tranh thương mại rất tốn kém khác khi đang phải đau đầu đối phó với cuộc chiến do Mỹ khởi động.

Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Brazil đạt mức 75 tỷ đô la vào năm ngoái 2017, theo số liệu thống kê từ chính phủ Brazil. Trung Quốc đã đầu tư 124 tỷ đô la vào quốc gia Nam Mỹ này từ năm 2003, chủ yếu vào khu vực dầu hỏa, quặng mỏ và năng lượng. Bắc Kinh cũng sẵn sàng cấp vốn cho các dự án đường sắt, cảng biển và hạ tầng cơ sở khác để tăng tốc độ vận chuyển ngũ cốc Brazil về Trung Quốc.

Bolsonaro : Trung Quốc đang muốn "mua đứt" cả Brazil

Vấn đề, theo Reuters, là ông Bolsonaro, một chính khách cực hữu, tương tự như tổng thống Mỹ Donald Trump, trong suốt cuộc vận động tranh cử, đã liên tục chỉ trích Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không được phép sở hữu đất đai và kiểm soát các ngành công nghiệp chính của Brazil.

Một trong những tuyên bố gây sốc của úng viên tổng thống vừa đắc cử tại Brazil là "Người Trung Quốc không phải là đang mua (tài sản) tại Brazil, mà là họ đang mua cả Brazil".

Trong số các công ty trong tầm nhắm của ông Bolsonaro có tập đoàn China Molybdenum Co Ltd. Tập đoàn này đã mua một mỏ niobium trị giá 1,7 tỷ đô la vào năm 2016, trong lúc chủ trương của ông Bolsonaro là chính Brazil phải phát triển mỏ này.

Niobium là một chất liệu được sử dụng làm chất phụ gia để làm cho thép cứng hơn và nhẹ hơn. Chất này được sử dụng trong xe hơi, các tòa nhà, động cơ phản lực và một loạt các ứng dụng khác. Brazil kiểm soát khoảng 85% nguồn cung nobium của thế giới và Bolsonaro muốn nước ông hưởng lợi từ điều này.

Ông Bolsonaro cũng phản đối kế hoạch tư nhân hóa tập đoàn điện lực nhà nước Centrais Eletricas Brasileiras SA (Eletrobras) mà chính quyền Brazil đương nhiệm của tổng thống Michel Temer chủ trương vì lo ngại rằng Trung Quốc sẽ thắng thầu.

Ông nói thẳng rằng ông chống lại việc bán tài sản của Eletrobras vì điều đó sẽ "đẩy Brazil vào vòng tay Trung Quốc". Brazil dự kiến sẽ đấu thầu một số tài sản của chính phủ trong năm tới.

Tập đoàn China Molybdenum đã từ chối yêu cầu bình luận của Reuters, nhưng sáu giám đốc điều hành cấp cao tại các công ty Trung Quốc hoạt động ở Brazil đã thừa nhận với hãng tin Anh rằng họ đã tiếp nhận các tuyên bố của ông Bolsonaro với nhiều mức độ lo ngại khác nhau.

Quan chức điều hành một công ty xây dựng hạ tầng cơ sở Trung Quốc đã cho rằng : "Chúng tôi hơi lo lắng về một số quan điểm cực đoan của ông Bolsonaro… Ông ấy quả là đang nghi kỵ Trung Quốc."

Quan điểm thân Đài Loan của Bolsonaro làm Bắc Kinh lo ngại

Ông Bolsonaro cũng có thái độ thân thiện với Đài Loan mà Bắc Kinh đang cố gắng cô lập.

Tháng Hai vừa qua, ông là ứng viên ổng thống Brazil đầu tiên đến thăm Đài Loan kể từ năm 1970, khi Brazil công nhận Bắc Kinh là chính quyền duy nhất của thực thể Trung Hoa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil đã công bố một lá thư lên án chuyến đi Đài Loan của ông Bolsonaro, xêm đấy là một hành động "sỉ nhục chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".

Quan điểm cứng rắn chống Trung Quốc của ông Bolsonaro trái ngược hoàn toàn với phần còn lại của vùng châu Mỹ La Tinh, nơi mà đại đa số các lãnh đạo đều chào đón các khoản đầu tư, tín dụng và đơn đặt hàng của Bắc Kinh.

Trung Quốc tiếp cận và dụ dỗ cố vấn của ông Bolsonaro

Ý thức được rủi ro đang chờ đợi mình một khi ông Bolsonaro lên làm tổng thống Brazil, Bắc Kinh đã bắt đầu phản ứng, với hai vũ khí quen thuộc là dùng lợi ích kinh tế làm mồi nhử, đồng thời mua chuộc giới cố vấn thân cận của tổng thống Brazil tương lai.

Trả lời hãng Reuters, hôm 22/10 vừa qua, ông Cù Du Huy (Qu Yuhui), tham tán công sứ đại sứ quán Trung Quốc tại Brasilia xác nhận là ngay vào đầu tháng 9, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gặp cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Bolsonaro là ông Paulo Guedes để thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương.

Theo ông Cù Du Huy và một nguồn tin khác cũng tham gia cuộc tiếp xúc, thì phía Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một đối tác không hề có cạnh tranh với Brazil về mặt kinh tế. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng mong muốn gặp trực tiếp ông Bolsonaro, nhưng chưa có cuộc họp nào được lên kế hoạch.

Riêng tham tán công sứ đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil còn cho biết thêm là cố vấn kinh tế tối cao của ông Bolsonaro đã được mời đến Trung Quốc để hiểu biết thêm về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi được Reuters hỏi về việc này, ông Guedes đã từ chối trả lời.

Hãng tin Anh còn phát hiện là vào tuần trước, ông Cù Du Huy và một nhà ngoại giao khác đã đến văn phòng dân biểu Onyx Lorenzoni, giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Bolsonaro. Lorenzoni chính là người tổ chức chuyến thăm Đài Loan của ông Bolsonaro hồi đầu năm.

Theo ông Lorenzoni, ông đã tiếp xúc với hai nhà ngoại giao Trung Quốc, và đôi bên sẽ gặp lại nhau sau cuộc bầu cử tổng thống. Nhân vật này cho rằng Trung Quốc là một đối tác then chốt của Brazil, và hai bên sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp.

Cuộc họp quan trọng đầu tiên của ông Bolsonaro với phía Trung Quốc sẽ là hội nghị thượng đỉnh BRICS 2019, tổ chức tại Brazil, mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ tham dự.

Hai thành phần sẵn sàng chạy theo Trung Quốc

Đối với Reuters, để ảnh hưởng trên chính sách của người được mệnh danh là "Donald Trump của Brazil", Trung Quốc có thể dựa vào hai hai thế lực rất mạnh tại Brazil là ngành nông nghiệp và khai thác quặng mỏ mà Bắc Kinh là khách hàng không thể thiếu.

Cổ phiếu của tập đoàn khai thác mỏ Vale SA của Brazil – nhà sản xuất quặng sắt số một thế giới hiện nay - chẳng hạn, đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 nhờ nhu cầu quặng chất lượng cao của Trung Quốc tăng mạnh.

Còn đối với ngành nông nghiệp Brazil, vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã giảm đáng kể việc mua đậu nành Mỹ và thay vào đó là đậu nành Brazil. Xuất khẩu đậu nành của Brazil sang Trung Quốc tăng 22% giá trị trong năm nay, với khoảng 80% lượng đậu nành Brazil được xuất sang Trung Quốc.

Nông dân Brazil là thành phần đã ủng hộ nhiệt tình ông Bolsonaro, nhưng họ cũng muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, và nhóm nghị sĩ gọi là "phe nông nghiệp" chẳng hạn, hiện kiểm soát hơn 40% số ghế trong Quốc Hội Brazil.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã giúp Brazil nâng cao vị thế của mình, nhưng Jorge Arbache, cựu quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề quốc tế tại bộ Kế Hoạch Brazil, cho rằng nước ông phải thận trọng để không bị phỏng tay vì dẫu sao Trung Quốc vẫn là đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Brazil.

Mai Vân

********************

Gọi Trung Quốc là 'thú dữ', tân Tổng thống Brazil vẫn được Bắc Kinh chúc mừng (BBC, 30/10/2018)

Truyền thông nhà nước ở Trung Quốc đồng loạt chúc mừng tân tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người từng gọi Trung Quốc là 'quốc gia thú dữ'.

brazil2

Đảng 'Công bằng Xã hội' (PSL) của Jair Bolsonaro đưa phe hữu trở lại cầm quyền ở Brazil

Báo chí chính thống ở Trung Quốc cũng đang tìm cách giảm bớt đi những ý kiến từ truyền thông Phương Tây về thái độ của ông Bolsonaro với Bắc Kinh.

Nhân vật thiên hữu, có 'hỗn danh' là 'Trump của xứ sở nhiệt đới' đã từng phê phán các hợp đồng của công ty Trung Quốc đầu tư mua cổ phần trong kinh tế Brazil.

Trong những năm qua, Trung Quốc trở thành bạn hàng lớn nhất của Brazil, với 75 tỷ USD trao đổi thương mại hai bên chỉ trong 2017, theo Reuters hôm 29/10/2018.

Nhưng thắng lợi tranh cử của ông Bolsonaro, người từng là cựu sỹ quan đặc nhiệm, có đường lối cứng rắn, thiên hữu và thiên về Hoa Kỳ của Donald Trump, có thể làm quan hệ Trung Quốc - Brazil phải định hình lại.

Ông Jair Bolsonaro đã tỏ ý muốn xem lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành khoáng sản và năng lượng Brazil.

Ông cũng từng gọi Bắc Kinh là "con thú dữ" (predator) đối với kinh tế Brazil.

Mặt khác, ông hoan nghênh Trung Quốc mua các sản phẩm của Brazil như đậu nành nhưng nhân vật 63 tuổi nói ông "muốn ngăn cơn sốt mua sắm" của người Trung Quốc trong các lĩnh vực chính yếu của nền kinh tế Brazil.

Sau khi ông Bolsonaro thắng cử hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng gửi điện chúc mừng.

Trang China Daily bản tiếng Anh có tựa đề rằng không có lý do gì để gọi ông Bolsonaro là "Trump" của xứ nhiệt đới Nam Mỹ.

Trung Quốc đang phải xem lại chính sách với chính phủ Mỹ vì cuộc thương chiến Tổng thống Donald Trump tung ra, nhằm vào hàng hóa 'Made in China'.

brazil3

Jair Bolsonaro (trái) đã thắng ứng viên cánh tả Fernando Haddad trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ

Tờ China Daily còn ca ngợi ông Bolsonaro "nói thẳng, và thu hút trí tưởng tượng của cử tri" nhưng "không có lý do gì để ông bắt chước Trump trong chính sách thương mại".

Đây là chỉ dấu Trung Quốc cũng lo ngại Jair Bolsonaro làm theo Trump trong cách đưa ra hàng loạt mức thuế quan mới nhắm vào hàng Trung Quốc.

Về đối ngoại, bên cạnh vấn đề Trung Quốc, Jair Bolsonaro chủ trương sát lại gần Hoa Kỳ, đi ngược lại chính sách của chính phủ thiên tả tiền nhiệm.

Về đối nội, tân chính phủ Brazil nêu ra các khẩu hiệu cứng rắn chống tội phạm nhưng bằng biện pháp mạnh như cho phổ biến dùng súng.

brazil4

Dù có không ít người biểu tình phản đối ông Bolsonaro với biểu ngữ viết 'Không bầu cho ông ta', chính trị gia thiên hữu đã thắng cử hôm 28/10

Điều này gây lo ngại trong giới bảo vệ nhân quyền vì hàng năm đã có trên 60 nghìn người thiệt mạng vì súng ở quốc gia có 209 triệu dân.

Một số nhà bình luận ví Bolsonaro với Rodrigo Duterte của Philippines vì những khẩu hiệu mỵ dân và chính sách "bàn tay sắt".

Published in Quốc tế