Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Brazil : Người dân sợ chết vì đạn và đói hơn là vì Covid

Ấn Độ và Brazil hiện là hai nước đang bị dịch Covid-19 tàn phá nặng nhất thế giới. Theo nhật báo Le Monde (số ra ngày 02-03/05), tình hình "tạm lắng ở Bombay nhưng lại bùng phát ở nơi khác tại Ấn Độ". Trong khi đó, quốc gia Nam Mỹ Brazil ngày càng lún sâu vào cuộc tàn sát nhân mạng với hơn 400.000 người chết vì virus corona.

brazil1

Người biểu tình cầm thánh giá đánh dấu mốc 400.000 ca tử vong vì Covid-19 ở Brazil và phản đối cách xử lý dịch của chính quyền tổng thống Jair Bolsonaro, tại Brasilia, Brazil, ngày 01/05/2021.  AP - Eraldo Peres

Thế nhưng tổng thống Jair Bolsonaro - người luôn giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của Covid-19, phản đối mọi biện pháp giãn cách xã hội - vẫn trụ vững và được 25% đến 30% người dân tín nhiệm. Tại sao ? Thông tín viên của báo Le Monde tại Rio de Janeiro, Bruno Meyerfeld, phân tích những lý do về hiện tượng này.

Thứ nhất, người dân Brazil phẫn nộ không xuống đường biểu tình rầm rộ trong bối cảnh dịch Covid-19 mà chỉ tổ chức vài cuộc tuần hành bằng ô tô hoặc gõ xoong nồi. Sự phản đối quá yếu ớt so với quy mô đại dịch tại Brazil được giải thích qua những lý do chính : tổng thống Bolsonaro vẫn giữ uy tín không lay chuyển trong hàng ngũ ủng hộ ông, khủng hoảng kinh tế, nỗi sợ cánh tả trở lại, thỏa thuận chính trị khôn khéo giữa phe của tổng thống với các nghị sĩ cánh trung.

Nguyên nhân thứ hai, được cho là quan trong hơn, là mối liên hệ của Brazil với cái chết. Ngoài hình ảnh các lễ hội hoành tráng, Brazil là một quốc gia bạo lực, chiếm hơn 1/10 ca tử vong vì bạo lực trên thế giới. Theo số liệu công bố năm 2017 của tổ chức Small Arms Survey, có khoảng 70.000 chết vì bạo lực hàng năm tại quốc gia Nam Mỹ này, vì súng đạn, bạo lực cảnh sát, giết phụ nữ, thổ dân… Để so sánh, tổng số nạn nhân vì bạo lực năm 2017 tại Brazil vượt quá cả Ấn Độ, có số dân đông gấp 6 lần Brazil, và Syria nơi chìm trong nội chiến.

Brazil đã trải qua nhiều sự kiện bạo lực trong quá khứ : tàn sát hàng triệu người thổ dân, tình trạng nô lệ kéo dài hơn ba thế kỷ, trấn áp các cuộc nổi dậy quần chúng (trong thế kỷ XIX), chiến tranh Tam Đồng Minh (1864-1870) khiến hơn nửa dân số Paraguay thiệt mạng trong các vụ hành hình do các toán quân đến từ Brazil "êm đềm".

Lịch sử nặng nề này gây hậu quả rất cụ thể đến Brazil đương đại. Chết vì bạo lực trở thành thường nhật, thành thói quen, từ những vụ cảnh sát giết trẻ em da đen hoặc người thổ dân bị sát hại hoặc phụ nữ bị chồng ghen tuông bóp cổ chết… và buộc người dân tìm cách thích nghi để sống. Có lẽ vì thế, virus corona mà mắt thường không nhìn thấy được không khiến người dân hoảng sợ, trong khi chưa kể đến những "tin giả" (fake news) tràn ngập. Rất nhiều người dân dù ủng hộ tổng thống Bolsonaro hay không, được thông tín viên báo Le Monde ghi lại từ một năm nay, cho biết "sợ chết vì đói, vì bỏ kinh doanh hay vì trúng đạn lạc khi ra phố vào ban đêm, hơn là bị nhiễm Covid-19".

Covid-19 : Pháp "dỡ phong tỏa toàn quốc" tùy theo tình hình mỗi địa phương

Ngoài Brazil, nhật báo Le Monde dành trang nhất và nhiều trang trong để nói về Pháp "Dỡ phong tỏa trên quy mô toàn quốc tùy theo hoàn cảnh địa phương". Ngày 29/04/20210, tổng thống Emmanuel Macron thông báo dỡ phong tỏa theo 4 chặng chính : ngày 03/05, 19/05, 09/06, 30/06.

Trong khi các chỉ số vẫn đỏ, chiến lược của chính phủ khiến nhân viên ngành y lo lắng, thậm chí là chỉ trích. Tuy nhiên, với những biện pháp giảm phong tỏa, nhiều lĩnh vực dần hoạt động trở lại, trong đó có nhà hàng, thương mại, thể thao và văn hóa.

Le Monde đề cập đến phản ứng từ nhiều ngành nghề liên quan, như "một luồng khí cho giới thể thao chuyên nghiệp""giới hoạt động trong lĩnh vực du lịch khẩn trương tuyển mộ nhân viên thời vụ", còn "trong thế giới văn hóa là thở phào nhẹ nhõm xen lẫn lo âu" vì dù nhà hát, rạp chiếu phim và bảo tàng được mở cửa trở lại ngày 19/05 nhưng sẽ bị khống chế về số người (ví dụ 800 người trong cơ sở có mái che kín và 1.000 người ở ngoài trời) và vẫn có nguy cơ bị tạm đóng cửa tùy theo tình hình dịch tễ. Nhà hàng, quán cà phê cũng có thể đón khách từ ngày 19/05 nhưng chỉ ở khu vực hiên ngoài trời với không quá 6 người/bàn và phải đóng cửa theo giờ giới nghiêm, từng bước được lùi lại muộn hơn, từ 19 giờ thành 21 giờ và 23 giờ. 

Tại sao dỡ dần các biện pháp phong tỏa trong khi vẫn có trên dưới 30.000 ca nhiễm mới hàng ngày ? Bài xã luận của Le Monde nhắc lại một số yếu tố được tổng thống Pháp nêu khi trả lời phỏng vấn báo chí : "tác động về việc học tập của trẻ em, sự thất vọng của các chủ nhà hàng, các nghệ sĩ phải chịu thất nghiệp từ vài tháng nay hay những tiểu thương chỉ mong được mở cửa tiệm trở lại. Thêm vào đó là tinh thần suy sút, trầm uất trong dân, nhu cầu có được chút tự do khi mùa hè đến gần, hoặc sợ rằng Pháp sẽ không bắt kịp các nước khác đang chuẩn bị mở cửa đón du khách nước ngoài".

"Sống chung với virus"

Bốn bước dỡ phong tỏa được áp dụng trên cả nước nhưng tỉnh trưởng có quyền giảm tốc độ tại địa phương đà lây nhiễm virus có nguy cơ đe dọa bộ phận hồi sức tích cực. Bài xã luận của Le Monde cho rằng 4 chặng dỡ phong tỏa có thể thành công.

Thứ nhất do người dân Pháp rút được kinh nghiệm từ sự chủ quan mùa hè năm 2020, sau lần phong tỏa thứ nhất. Họ hiểu rằng virus vẫn còn đó, sẽ không nhanh chóng biến mất. Thứ hai là nhờ vào hy vọng tiêm chủng. Những người có sức khỏe yếu đã được tiêm chủng nên giúp giảm bớt sức ép cho các bệnh viện. Nhưng hiện mới chỉ có khoảng 20% dân Pháp được tiêm vac-xin. Do đó, cần phải khẩn trương mở rộng đối tượng tiêm chủng và thuyết phục những người phản đối. Tuy nhiên, về hai điểm này, xã luận của Le Monde cho rằng tổng thống Pháp vẫn còn chậm.

Về quyết định dỡ dần phong tỏa, nhật báo công giáo La Croix cho rằng "Emmanuel Macron tin là có thể sống với virus", nhờ vào tốc độ tiêm chủng. Khác với hồi mùa Thu 2020, tổng thống Pháp không đặt điều kiện về những con số mục tiêu đề ra, mà chỉ cảnh báo sẽ "phanh gấp" nếu tỉ lệ nhiễm bệnh là hơn 400 ca đối với 100.000 dân. Con số này thậm chí còn cao hơn cả các ngưỡng báo động hiện hành và khiến nhiều bác sĩ quan ngại. Trong khi đó, "con số lý tưởng nên giảm xuống còn 50 ca đối với 100.000 dân, với tỉ lệ báo động là từ 150 đến 250 ca", theo giáo sư dịch tễ học Mahmoud Zureik, đại học Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines (ngoại ô Paris).

Đảng LR tính khai trừ một thành viên "bắt tay" với đảng LREM của tổng thống Pháp

Năm nhật báo lớn của Pháp đề cập đến năm chủ đề khác nhau trên trang nhất trong số ra ngày 03/05/2021. Báo La Croix chú ý đến "Thị trường chứng khoán quên mất nguy cơ phá sản", trong khi "phiên xử Apple về cạnh tranh" là tựa lớn của nhật báo kinh tế Les Echos. Libération dành 5 trang đầu tiên nói "Cuộc khủng hoảng di dân minh họa cho tất cả những chính sách tồi nhất của Châu Âu".

Covid-19 là chủ đề chính của nhật báo Le Monde, còn Le Figaro chú ý đến rạn nứt trong nội bộ đảng LR - Những Người Cộng Hòa - khi chính trị gia Renaud Muselier, đương kim chủ tịch Hội đồng vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur (PACA, miền nam Pháp), thuộc đảng cánh hữu LR, "bắt tay" với đảng LREM (Cộng Hòa Tiến Bước) của tổng thống Macron trong cuộc bầu cử cấp vùng sẽ diễn ra vào tháng 6.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa : "Cánh hữu tìm cách thoát khỏi chiếc bẫy do Macron gài" bởi vì theo một bài viết khác ở trang trong, "thỏa thuận với LREM ở vùng PACA đang thiêu đốt cánh hữu". Thậm chí, "Macron mơ phá vỡ đảng LR để làm suy yếu ứng viên của LR năm 2022" trong cuộc bầu cử tổng thống.

Dinitrogen monoxide N2O : Chất nghiện gây cười

Trang khoa học của nhật báo Le Figaro lưu ý đến "dinitơ monoxit (N2O, protoxyde d’azote), khí cười không khiến ai cũng cười". Ngày 25/03, Hạ Viện Pháp đã nhất trí thông qua dự thảo luật về việc cấm bán những sản phẩm chứa dinitơ monoxit cho trẻ vị thành niên. Trước đó đã có nhiều địa phương đã ra lệnh cấm.

Khí N2O được nhà hóa học người Anh Joseph Priestley phát hiện vào năm 1772 nhưng tác dụng gây tê được phát hiện rất tình cờ vào năm 1844 tại một hội chợ triển lãm. Một người tham quan được mời lên thử khí, bị ngã cầu thang khi xuống và bị thương nặng nhưng lại không thể hiện bất kỳ đau đớn nào. Một nha sĩ, Horace Wells, liền hiểu rằng đó là một chất gây tê triển vọng cho ngành y. Nhưng thực ra, khí N2O chỉ được pha với khí ô-xy để tạo thành Meopa vào khoảng giữa thế kỷ XX.

Đến những năm 1990, khí dinitơ monoxit được sử dụng như một loại chất gây nghiện vì tạo hiệu ứng "gây cười". Khí N2O giải phóng một số mạch điều chỉnh nhận thức cảm giác trong não và khuếch đại sự hưng phấn gây ảo giác. Ngoài ra, khí này còn tăng sự giải phóng dopamine (còn được gọi là hormon khoái cảm), dẫn đến hiệu ứng hưng phấn được thể hiện qua những tràng cười không thể kìm được.

Từ ngày 01/01/2017 đến 31/12/2019, Pháp ghi nhận 66 ca ngộ độc khí cười, trong đó hơn một nửa nạn nhân chỉ từ 20 đến 25 tuổi, người bị ngộ độc trẻ nhất là 12 tuổi. Nhiều lời cảnh báo, cũng như hướng dẫn cách sử dụng khí N2O được phổ biến rộng rãi. Cơ quan An toàn thực phẩm quốc gia (Anses) cũng khuyến cáo tăng cường quy định về các bình chứa kem chantilly, một sản phẩm thông dụng có chứa khí N2O.

Apple bị Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc "bóp méo cạnh tranh nhạc trực tuyến"

Les Echos chú ý đến chủ đề "Apple bị Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến".

Trong "ý kiến sơ bộ" sau đơn kiện của Spotify, bà Margrethe Vestager, ủy viên Châu Âu về Cạnh tranh, cho rằng "Apple bóp méo cạnh tranh bằng cách trích mức hoa hồng cao trên mỗi giao dịch được thực hiện qua những ứng dụng của đối thủ", ở mức 30% trong khi những ứng dụng của Apple, như Apple Music thì không phải trả khoản này.

Lưu ý thứ hai được Ủy Ban Châu Âu đưa ra là tập đoàn Mỹ buộc các nhà phát triển ứng dụng phải tuân theo "những hạn chế ngăn cản họ cung cấp thông tin cho người sử dụng điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad những giải pháp có thể rẻ hơn". Thông qua đó, Apple đã tạo "một hệ sinh thái khép kín mà Apple kiểm soát mọi khía cạnh trải nghiệm của người sử dụng".

Thu Hằng

Published in Quốc tế