Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trump trách Đại tá Crozier cho thủy thủ ghé Việt Nam nên bị nhiễm Covid (VOA, 06/04/2020)

Chiều ngày 4/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trách cứ Đại tá Brett Crozier, chỉ huy bị cách chức của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, vì đã cho thủy thủ lên bờ ghé thăm Việt Nam khiến họ bị lây nhiễm Covid-19.

theo1

Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo hôm 4/4/2020 và Đại tá Hải quân Brett Crozier, chỉ huy của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã bị cách chức.

"Bây giờ tôi đoán thuyền trưởng đã dừng lại ở Việt Nam và mọi người đã lên bờ ở Việt Nam", ông Trump nói, theo biên bản cuộc họp báo của Nhà Trắng đăng tải hôm 5/4.

"Rất nhiều người đã lên bờ. Họ quay trở lại và họ bị nhiễm bệnh", ông Trump nói thêm.

Ông Trump nói như trên tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 4/4 khi được phóng viên hỏi về quyết định của Hải quân Hoa Kỳ cách chức Đại tá Crozier hôm 2/4. Tính đến 5/4, theo truyền thông Hoa Kỳ, có đến 155 thủy thủ trên tàu và bản thân Đại tá Crozier đã bị nhiễm Covid-19.

theo2

Tổng thống Trump tại cuộc họp báo hôm 4/4/2020.

"Có lẽ quý vị không làm điều đó giữa đại dịch hay điều gì đó tương tự như vậy. Không nhất thiết phải dừng lại và để cho các thủy thủ lên bờ", ông Trump nói thêm, vẫn theo biên bản cuộc họp báo của Nhà Trắng.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà quan sát chính trị Quang Hữu Minh hôm 6/4 nói với VOA tiếng Việt rằng lời trách cứ của Tổng thống "có ảnh hưởng về mặt chính trị đến Việt Nam", dù vẫn chưa rõ liệu các thủy thủ Hoa Kỳ có bị nhiễm bệnh từ Việt Nam hay không.

"Về mặt chính trị, câu nói đó [của ông Trump] có ảnh hưởng. Vì như vậy, đằng sau câu nói đó là Việt Nam phải có trách nhiệm hơn trong việc hợp tác hải quân với Mỹ vì đến để giúp các ông trong vấn đề Biển Đông mà chúng tôi bị lây nhiễm.

"Vì vậy sắp tới đây trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam phải hợp tác với Mỹ nhiều hơn".

Ngay trong tối ngày 4/4, trang Task and Purpose loan tin rằng Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Đại tá Crozier, cho rằng việc viên chỉ huy tàu viết thư cầu cứu gửi lên cấp trên xin sơ tán các thủy thủ ra khỏi tàu là hành động "không phù hợp" trong khi tổng thống đổ lỗi cho ông vì đã ghé thăm cảng tại Việt Nam mặc dù chuyến thăm này được cấp cao nhất của Hải quân Hoa Kỳ chấp thuận trước đó.

Tại cuộc họp báo hôm 24/03, Đô đốc Michael Gilday, người đứng đầu các hoạt động hải quân Hoa Kỳ, cho biết tại thời điểm tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Đà Nẵng từ ngày 5-9/03/2020, Việt Nam chỉ có 16 trường hợp nhiễm Covid-19, mà đa phần ở các tỉnh phía bắc.

Ông Quang Hữu Minh nhận định thêm rằng lời trách cứ của Tổng thống Trump còn có dụng ý "để Trung Quốc nghe", chứ không phải thực sự khiển trách ông Crozier. Chính quyền của Tổng thống Trump từ trước đến nay xem Trung Quốc là một đối trọng quân sự tại vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Ông Quang Hữu Minh nói :

"Ông muốn nói như thế để cho Trung Quốc nghe, chứ không phải khiển trách thật sự".

"Tàu sân bay ghé thăm [Đà Nẵng] đã nằm trong nghị trình lớn của hải quân Việt – Mỹ.

"Và quyết định ghé thăm này không phải là quyết định cá nhân của ông đại tá".

Liên quan đến phát biểu của Tổng thống Donald Trump về Đại tá Crozier, và chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt, VOA Tiếng Việt đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng để xin ý kiến bình luận nhưng chưa được phản hồi.

********************

Bộ Quốc phòng ủng hộ cách chức chỉ huy tàu sân bay từng tới Việt Nam (VOA, 05/04/2020)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 5/4 bảo vệ quyết định gây tranh cãi của lực lượng hải quân nước này, cách chức chỉ huy của hàng không mẫu hạm ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 sau khi ghé thăm Đà Nẵng, theo Reuters.

theo3

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly tuần trước quyết định loại ông Brett Crozier khỏi vị trí chỉ huy tàu sân bay, sau khi một lá thư ông viết, kêu gọi hải quân Mỹ hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn virus lây lan trên USS Theodore Roosevelt, rơi vào tay báo chí.

Hơn 120 nghìn người đã ký vào thỉnh nguyện thư, kêu gọi đưa ông Crozier trở lại vị trí cũ.

Theo Reuters, một đoạn video cho thấy nhiều thủy thủ đã hò reo cổ vũ khi vị chỉ huy này rời USS Theodore Roosevelt.

"Bộ trưởng Modly đã ra một quyết định khó khăn. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào ông ấy cũng như đội ngũ lãnh đạo của hải quân, và tôi ủng hộ quyết định của họ", ông Esper nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "This Week" của kênh ABC.

Ông Esper nói thêm rằng "đây là vấn đề liên quan tới lòng tin và sự tin tưởng vào thuyền trưởng tàu".

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai bình luận về quyết định gây tranh cãi trên, theo Reuters.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng này tuần trước, ông Modly nói rằng ông Crozier bị luân chuyển công tác trong khi Hải quân điều tra về lá thư mà ông Modly nói rằng báo chí đăng tải trước cả khi ông có thể đọc nó.

*******************

Thuyền trưởng USS Theodore Roosevelt bị sa thải vì cảnh báo về virus (BBC, 03/04/2020)

Thuyền trưởng USS Theodore Roosevelt Brett Crozier bị sa thải sau khi ông nói Mỹ đã không làm đủ để ngăn chặn bùng phát dịch corona trên tàu sân bay.

theo4

Thuyền trưởng USS Theodore Roosevelt Brett Crozier đã viết một bức thư gay gắt, kêu gọi hành động

Trong một bức thư, thuyền trưởng Brett Crozier đã thúc giục cấp trên hành động nhằm ngăn chặn việc lính Mỹ chết ngoài thời chiến.

Nhưng quyền Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Thomas Modly nói rằng chỉ huy tàu USS Theodore Roosevelt đã "đưa ra sự đánh giá vô cùng tệ".

Ít nhất 100 người trên tàu đã bị nhiễm bệnh, các báo cáo cho biết.

Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ nói gì?

Hôm thứ Năm, ông Modly nói với các phóng viên rằng thuyền trưởng Crozier đã bị sa thải do cáo buộc rò rỉ lá thư cho truyền thông.

Ông này nói bức thư "tạo ra cảm giác rằng Hải quân Mỹ đã không phản hồi các câu hỏi của ông ta".

"Nó tạo ra định kiến rằng Hải quân Mỹ không làm nhiệm vụ của mình, chính phủ không làm nhiệm vụ của mình. Điều này hoàn toàn không đúng".

Những thành viên chưa bị nhiễm bệnh của tàu sân bay có hơn 40.000 quân này nay đang bị cách ly tại Guam sau khi giới chức của đảo này nói họ có thể ở đó bao lâu tùy ý miễn là họ không tương tác với dân địa phương.

Cho tới nay, các thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt bị giới hạn không được cập cảng căn cứ hải quân.

Bức thư của Thuyền trưởng Brett Crozier nói gì ?

Thuyền trưởng Crozier đã cảnh báo Lầu Năm Góc rằng sự bùng phát bệnh trên tàu 'đang tăng tốc' vì các thủy thủ sống trong không gian hạn chế.

"Chúng tôi không phải trong chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết", bức thư dài bốn trang, ngày 30/3, viết.

Capt Crozier đã kêu gọi "hành động mang tính quyết định", nói rằng các thủy thủ không bị nhiễm bệnh phải được đưa ra khỏi tàu và được cách ly.

Bức thư sau đó đã được San Francisco Chronicle đăng.

Các phản ứng

Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo Dân chủ của Ủy ban Quân sự Hạ viện cho biết : "Trong khi Thuyền trưởng Crozier rõ ràng đã vượt ra ngoài quyền hạn, thì việc ông ta bị sa thải vào thời điểm quan trọng này ... là một động thái gây bất ổn có thể khiến các thành viên trong ủy ban của chúng ta gặp rủi ro cao hơn và gây nguy hiểm cho sự sẵn sàng của hạm đội".

"Sa thải chỉ huy tàu mà không điều tra kỹ lưỡng sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng đang gia tăng trên tàu USS Theodore Roosevelt".

********************

Virus corona giúp Bắc Kinh "cầm chân" tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ? (RFI, 02/04/2020)

Ba tuần lễ sau khi ghé thăm cảng Đà Nẵng, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt sa lưới Covid-19. Tàu đang neo đậu tại đảo Guam từ hôm 28/03/2020, sau khi phát hiện ba thuyền viên bị nhiễm virus corona.

theo5

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt. © AFP

Đại diện của Hải Quân Mỹ, Thomas Modly, cho biết từ hôm 01/04/2020 đã bắt đầu "đưa 1.000 người lên bờ và trong những ngày sắp tới sẽ có khoảng 2.700 trên tổng số gần 5.000 thủy thủ đoàn" được đưa vào đất liền.

Chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt tạm thời bị vô hiệu hóa, vì nhiều thành viên trên tàu nhiễm virus corona. 1.200 thuyền viên đã được xét nghiệm, 93 người dương tính với siêu vi corona chủng mới, 7 người nhiễm bệnh, nhưng không có triệu chứng thường thấy như ho, sốt …

Tại đảo Guam, các bệnh nhân được đưa vào căn cứ quân sự để cách ly. Còn những ca không hay chưa bị lây nhiễm sẽ được tạm trú tại khách sạn. Chính quyền trên đảo đang rất hoang mang, vì muốn bảo vệ dân cư tại Guam khỏi vòng vây của virus corona. Mặt khác Hải Quân Hoa Kỳ cũng phải duy trì một lực lượng hùng hậu thường trực trên tàu, bởi hàng không mẫu hạm của Mỹ được trang bị rất nhiều vũ khí tối tân như hệ thống vũ khí chống tên lửa Sea Sparrow, hệ thống tên lửa đối không RIM116 hay dàn pháo cận chiến Phalanx … cùng với nhiều loại ra đa của quân đội, nhiều chiến đấu cơ và kể cả một lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho tàu sân bay.

Vậy phải chăng việc chiếc USS Theodore Roosevelt bị "cầm chân" ở đảo Guam khiến nhiệm vụ tuần tra trong vùng Thái Bình Dương tạm thời bị gián đoạn vì Covid-19 ? Theo đại diện của Hải Quân Mỹ, Thomas Modly, thì câu trả lời là không.

Ông giải thích "nếu cần và nếu xảy ra khủng hoảng, tàu sân bay vẫn có thể lên đường" và trên tàu vẫn có một đội ngũ thường trực để bảo quản và bảo đảm an ninh cho chiếc hàng không mẫu hạm được bảo vệ rất kỹ càng này của Hải Quân Hoa Kỳ.

Dù sao virus corona cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ cho ngành quốc phòng của Mỹ. Cho đến Thứ Ba vừa qua, lãnh đạo Lầu Năm Góc Mark Esper dứt khoát bác bỏ khả năng "sơ tán" toàn bộ thủy thủ đoàn. Một ngày sau, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bác bỏ mọi khả năng "đình chỉ tất cả các hoạt động của quân đội Mỹ để giải quyết vấn đề y tế" trên tàu. Hải Quân Hoa Kỳ có một nhiệm vụ đó là "bảo vệ an ninh quốc gia và cho người dân Mỹ".

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực Thái Bình Dương nhằm kềm hãm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Chặng dừng gần đây nhất của tàu sân bay Mỹ là cảng Đà Nẵng trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3/2020. Ở vào thời điểm đó virus corona đã hoành hành tại Châu Á, và Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề nghị hủy chuyến viếng thăm hữu nghị cảng Đà Nẵng. Lý do bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra là "có rất ít ca nhiễm virus corona tại Việt Nam".

Thanh Hà

Published in Quốc tế