Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Brexit : Liên Hiệp Châu Âu có thể kéo dài hạn chót (RFI, 03/03/2019)

Các cuộc đàm phán về Brexit giữa Bruxelles và Luân Đôn có thể kéo dài sau ngày 29/03/2019, thời hạn theo quy định để Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Để tạo điều kiện cho Nghị Viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit, Bruxelles sẵn sàng cung cấp thêm bảo đảm cho Anh Quốc.

brexit1

Trưởng đoàn đàm phán Liên Âu Michel Barnier họp báo tại Bruxelles, ngày 19/03/2018.Photo : Emmanuel Dunand/AFP

Ông Michel Barnier, nhà thương thuyết của Liên Hiệp Châu Âu, đã khẳng định như trên trong bài phỏng vấn được nhiều báo Châu Âu đăng ngày 02/03.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles Quentin Dickinson giải thích :

"Khó khăn chủ yếu, đó là một mặt, phải dung hòa được đường biên giới bên ngoài trong tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và nước Cộng Hòa Ireland (thành viên Liên Hiệp Châu Âu) ; mặt khác là sẽ không có bất kỳ trạm hải quan nào dọc đường biên giới này, chiểu theo các Thỏa thuận mang tên "Thứ Sáu Tuần Thánh", ký năm 1998, cho phép chấm dứt 30 năm nội chiến ở Bắc Ireland.

Trong khi chờ đợi một giải pháp dựa vào các công nghệ cao (có thể giúp cho việc kiểm soát việc qua lại biên giới, một cách dễ dàng, không gây phiên hà), mà người Anh muốn tin tưởng, hoặc một thỏa thuận chung về tự do trao đổi thương mại hậu Brexit, Bruxelles muốn Luân Đôn chấp nhận một khu vực được coi "vùng an toàn" (backstop) nhằm duy trì vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) trong không gian kinh tế Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Anh ủng hộ Brexit lại nghi ngờ rằng sự dàn xếp này, vốn hiện chỉ là tạm thời, sẽ có hiệu lực vĩnh viễn và vùng Bắc Ireland sẽ không còn nằm trong quỹ đạo của Vương Quốc Anh nữa.

Trong những giờ gần đây, người đứng đầu phái đoàn thương thuyết của Liên Hiệp Châu Âu, ông Michel Barnier, thử đưa ra một cơ hội cuối cùng : Đó là thảo ra một bản tuyên bố giải thích về vấn đề biên giới này, giữa Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc, có tính ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó Bruxelles và Luân Đôn phải tái khẳng định tính chất tạm thời của giải pháp mang tên "vùng an toàn".

Thu Hằng

***********************

Brexit : nhóm ủng hộ nêu điều kiện đàm phán Anh - EU (BBC, 03/03/2019)

Tám luật gia ủng hộ Brexit, bao gồm bảy nghị sĩ đảng Bảo thủ và một thuộc đảng DUP, đã nêu ra các điều khoản chính mà Thủ tướng Anh Theresa May phải đưa ra để đảm bảo sự hỗ trợ của họ cho thỏa thuận của bà về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.

brexit2

Thủ tướng Anh Theresa May đang gặp nhiều áp lực trong tìm giải pháp cho đàm phán Brexit

Họ muốn kiểm tra bất kỳ thỏa thuận nào mà Tổng chưởng lý Geoffrey Cox đạt được với Brussels về vấn đề 'backstop' hay một đảm bảo trên đường biên giới với Ireland - để chắc chắn nội dung thỏa thuận này là tạm thời.

'Backstop' được thiết kế để tránh biên giới cứng với Ireland sau Brexit.

Động thái diễn ra khi một nhân vật cao cấp ủng hộ Brexit chỉ ra tâm thế thỏa hiệp ngày càng tăng của các nghị sĩ.

Graham Brady, chủ tịch một ủy ban có ảnh hưởng của đảng Bảo thủ, nói : "Hầu hết các nghị sĩ đều có tâm trạng thỏa hiệp, nhưng nguy cơ backstop trở lại thành vĩnh viễn này là một vấn đề thực sự và nó phải được xử lý.

Tuy nhiên ông nói thêm : "Cuộc trò chuyện của tôi với các nhà ngoại giao và chính trị gia cao cấp từ khắp Châu Âu đã cho tôi lý do lạc quan rằng một bước đột phá đã gần kề".

'Điều cần thiết phải làm'

brexit3

Nghị sĩ Caroline Flint của đảng Lao động cho rằng các nghị sĩ của đảng này cần cân nhắc việc ủng hộ một 'thỏa thuận tốt hơn'

Chính trị gia này còn cho hay "chúng tôi biết những gì cần thiết" để chuyển đổi thế bế tắc.

"Tổng chưởng lý cần đưa ra một đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng backstop là tạm thời", ông nói thêm.

Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019, dù có hoặc không có thỏa thuận.

Các nghị sĩ hồi tháng trước đã từ chối thỏa thuận rút khỏi EU, mà bà Theresa May đã đạt được với EU, bằng một kết quả 230 phiếu bầu - thất bại lớn nhất đối với một chính phủ đang tại vị trong lịch sử.

Bà May tin rằng phần lớn các nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận của bà - trong đó có 118 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ - sẽ ủng hộ nếu bà cố gắng bảo đảm những thay đổi sẽ ngăn lại việc nước Anh bị ràng buộc vào các quy tắc hải quan của EU vô thời hạn.

Bà May cũng hứa với các nghị sĩ về một cuộc bỏ phiếu khác về thỏa thuận của bà vào ngày 12 tháng Ba.

Nếu thất bại, bà nói rằng các nghị sĩ sẽ có một cuộc bỏ phiếu về việc liệu Vương quốc Anh có nên rời khỏi EU mà không có thỏa thuận hay không ; và sau đó, vào ngày 14 tháng Ba, sẽ có một cuộc bỏ phiếu khác về việc Brexit có nên hoãn lại không trong một thời gian ngắn.

Tin cho hay, Tổng chưởng lý Geoffrey Cox đang đàm phán với các quan chức EU về những thay đổi đối với điều khoản về Backstop trên biên giới Ireland - nội dung được coi là điểm gắn bó của nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ - mà có thể ràng buộc Anh với liên minh hải quan EU cho đến khi thỏa thuận thương mại vĩnh viễn đạt được.

************************

Ý bắt được một trong các trùm mafia nguy hiểm nhất (RFI, 03/03/2019)

Marco Di Lauro, một trong những ông trùm mafia bị truy lùng gắt gao nhất nước Ý, đã bị bắt ở ngoại ô thành phố Napoli, trong một chiến dịch của Hiến binh và Cảnh sát chống mafia. 150 nhân viên thuộc hai lực lượng trên đã được huy động để vây bắt Marco Di Lauro.

brexit4

An ninh Ý trong một chiến dịch truy lùng mafia.AFP PHOTO / FILIPPO MONTEFORTE

Trùm mafia này từng thoát khỏi cuộc bủa vây lớn của an ninh Ý năm 2004.

Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết chi tiết :

"Bị kết án vắng mặt 14 năm tù giam vào năm 2008 vì liên can đến vụ sát hại một người không có liên hệ với băng đảng mafia Camorra, và bị tình nghi có can dự vào 3 vụ giết người khác, ông trùm Marco di Lauro đứng thứ hai trong danh sách 30 tội phạm bị truy tìm gắt gao nhất nước Ý, chỉ sau ông trùm băng đảng mafia vùng Sicilia, Matteo Messina Denaro.

38 tuổi, Marco di Lauro là con trai thứ tư của ông trùm tàn bạo Paolo di Lauro, cầm đầu băng đảng mafia kiểm soát khu Scampia của thành phố Napoli cho tới khi bị bắt vào năm 2005. Băng đảng di Lauro nổi tiếng vì các cuộc đấu đá tranh giành với các băng đảng đối thủ Amato và Pagano khiến ít nhất 130 người trở thành nạn nhân hồi những năm 2000.

Marco di Lauro bị bắt trong một căn hộ ở khu vực vành đai thành phố Napoli. Chỉ ít giờ sau, bộ trưởng Nội Vụ Ý, Matteo Salvini, nhiệt liệt hoan nghênh chiến dịch hành động phối hợp giữa Hiến binh và Cảnh sát chống mafia".

Thùy Dương

*******************

Putin-Ngôi sao Điện Kremlin không còn tỏa sáng với dân Nga ? (BBC, 02/03/2019)

Tuy còn khá lâu mới đến năm 2024, khi ông Vladimir Putin hết nhiệm kỳ nữa, có ý kiến cho rằng người Nga ngày càng ít hứng thú với 'nghị trình của Điện Kremlin' và thời đại Putin.

brexit5

Ông Putin 'thể hiện' vài ngón judo hôm 14/02/2019 trên sân tập ở Sochi nhân dịp ông đến thành phố này để đón khách nước ngoài

Bài 'Putin's Hold on the Russian Public Is Loosening' của Sir Andrew Wood, Viện Chatham House, London hôm 28/02/2019 nói tâm lý chán nản đang hiện rõ ở Nga.

"Thu nhập thực tế giảm từ 11-14% với người dân Nga trong bốn năm qua, kể từ khi Nga chiếm Crimea, đem lại một liều thuốc tự hào cho Nga".

"Nay, điều tra dư luận cho thấy niềm tin vào chính phủ, các cơ quan nhà nước đều giảm sút, xuống thấp nhất từ 2002".

"Cuối 2018, điều tra dư luận của Levada cho hay 53% dân Nga mong muốn nội các của Medvedev bị sa thải".

Riêng với ông Putin, người mà một số giới ở Nga muốn mô tả như vị cứu tinh của dân tộc Nga sau thời Liên Xô tan rã, niềm tin từ dân cũng giảm từ 60 xuống 39%.

Nhiều năm qua, các vấn đề của Nga không thay đổi : thiếu vắng cải cách mọi mặt, và quyết định tăng tuổi hưu gần đây của ông Putin khiến nhiều người Nga bức xúc.

Vẫn bài trên trang của Viện Chatham House trích điều tra dư luận của Levada nói trong năm 2018, số người cho rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các vấn đề đủ loại ở Nga tăng từ 40% giai đoạn 2015-17 lên 61% hiện nay.

brexit6

Từ trái : Thủ tướng Dmitry Medvedev và phu nhân Svetlana cùng Tổng thống Vladimir Putin trong một ngày lễ của Chính Thống Giáo. Hai ông Putin và Medvedev thay nhau giữ các chức vụ cao nhất trong chính quyền từ cuối thế kỷ 20 ở Nga

Lối mòn không có gì mới ?

Tuy thế, Sir Andrew Wood cho rằng bản thân ông Putin cũng khó có thể thay đổi chính sách gì, dù cho ông có ở lại cầm quyền tiếp sau 2024.

Hiện cũng chưa rõ có ai trong nhóm xung quanh ông có thể lên thay Putin, theo tác giả ở Anh.

Bài diễn văn đầu năm 2019 của ông trước toàn dân Nga bị cho là "lặp lại các chủ đề quen thuộc, không có gì mới".

Sinh năm 1952, năm nay ông Putin 66 tuổi và gần đây vẫn ra sân tập judo, môn thể thao ông có đai đen.

Đến năm 2024, ông sẽ vào tuổi 72.

Hồi đầu 2018, trả lời báo Anh The Sunday Times, cựu tỷ phú Nga Mikhail Khodorkovsky, cho rằng ông Putin "là tù nhân của quyền lực".

Tin mới nhất cho hay ông Putin vẫn quan tâm đến các vấn đề quốc tế như Venezuela nhưng thiếu độ mặn mà.

Hôm 01/03/2019, ông nhắn qua Ngoại trưởng Sergei Lavrov tới Phó Tổng thống Venezuela, Delcy Rodriguez rằng Nga luôn ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro.

Tuy nhiên, ông Putin không có thời gian để tiếp ông Rodriguez ở thăm Moscow, và Kremlin cũng không hứa cho chính phủ Maduro thêm viện trợ gì về tiền bạc.

Published in Quốc tế
mardi, 28 mars 2017 00:56

Brexit đang gặp khó khăn

Liên Hiệp Anh bay vào vùng gió lốc (RFI, 28/03/2017)

Ngày 29/03/2017, Luân Đôn chính thức thông báo với Bruxelles quyết định giã từ Liên Hiệp Châu Âu. Từ lúc khởi động điều khoản 50 của hiệp định Lisboa cho đến khi "ly dị", chính phủ Anh có hai năm đàm phán gay go để "bảo vệ quyền lợi". Tuy nhiên, dù muốn dù không, Brexit là tiếng chuông kết liễu chuyến du hành châu Âu của Anh Quốc, và sẽ không tránh được thiệt hại khó lường, theo nhận định của giới kinh tế và ngoại giao.

anh1

Cổng vào Manchester, ở phía đông bắc, một trong những trung tâm tài chính lớn của nước Anh (Ảnh chụp ngày 13/03/2017) OLI SCARFF / AFP

Khi vận động cử tri Liên Hiệp Anh tham gia trưng cầu dân ý 23/06/ 2016, phe chống Brexit vẽ ra một bức tranh hấp dẫn nhân danh chủ quyền quốc gia : chống làn sóng di dân, bảo vệ thị trường, bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sức mua của người dân… Nói tóm lại, một khi thoát khỏi "guồng máy quyết định từ Bruxelles" thì Liên Hiệp Anh sẽ lấy lại uy thế đại cường của thời vàng son nhờ vào khối thịnh vượng chung và… đồng minh Hoa Kỳ. Thực tế ra sao ?

Chín tháng trôi qua kể từ khi 51,9 % cử tri quyết định Brexit, tình hình kinh tế Liên Hiệp Anh tương đối yên ổn, không xảy ra "bão tố tài chính" như dự báo của những người chủ trương ở lại với châu Âu. Với tân thủ tướng Theresa May cương nghị, với Ngân Hàng Trung Ương sẵn sàng bơm hàng tỷ bảng Anh chống khan hiếm tiền mặt, cùng với niềm tin và kỷ luật của người tiêu dùng, kinh tế của quốc đảo vượt qua được thử thách đầu tiên. Tăng trưởng GDP có thể lên đến 2% trong năm 2017.

Vấn đề mấu chốt là người tình ly thân này chưa đụng với "thực tế khăn gói ra khỏi nhà". Thời gian đàm phán trong hai năm tới, tính từ ngày 29/03/2017 mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị hành trang rời bến cảng. Theo nhận định đầy lo âu của Paul Drechsler, chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân CBI, thì nước Anh chỉ mới "bò lên đỉnh dốc của điều khoản 50" và sẽ biết thế nào là "gió lốc" khi ngồi vào bàn đàm phán. Chủ nhân của giới chủ doanh nghiệp Anh lo ngại kịch bản tồi tệ nhất là không đạt được thỏa thuận mới về thương mại hầu giảm nhẹ cơn chấn động một khi rời thị trường chung. Về điểm này, thủ tướng Anh tuyên bố rất tự tin : Luân Đôn bất cần thỏa thuận nếu Bruxelles đặt điều kiện quá khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nina Skero được AFP trích dẫn, tuyên bố của bà Theresa May chỉ là đòn tâm lý trước khi mặc cả. Xác suất cao nhất là hai bên sẽ đạt được một hiệp định thương mại song phương trong hai năm tới. Nhưng thời gian dằng co, bất định sẽ làm hoạt động kinh tế Anh, nhất là 50% mậu dịch tùy thuộc vào thị trường châu Âu, bị trì trệ.

Trong bối cảnh này, đồng minh Hoa Kỳ lại chọn tỷ phú Donald Trump với chủ trương bảo hộ kinh tế Mỹ, làm tổng thống.

Nếu thương lượng thất bại, hai lãnh vực kinh tế chủ lực của Anh là xe hơi, đang manh nha khởi sắc, và dịch vụ tài chính sẽ trả giá nặng. Trở lại quy chế của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, xe hơi của Anh sẽ bị đánh thuế nhập khẩu thêm 10%. Trong tình hình bất trắc này, không có công ty xe hơi nào muốn phát triển.

Mà muốn phát triển thì cũng cần nhân lực. Theo AFP, giới doanh nghiệp Anh kêu gào phải duy trì làn sóng di dân từ Liên Hiệp Châu Âu để trẻ hóa lao động, để thay thế những người về hưu. Mọi lãnh vực từ thương mại khách sạn, nhà hàng, xây dựng đều đối mặt với nguy cơ thiếu nhân công.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng bị đe dọa. Khi ra khỏi thị trường chung, doanh nghiệp Anh sẽ mất "hộ chiếu châu Âu" bảo đảm quyền tự do cung cấp dịch vụ trên toàn châu lục. Hệ quả là nhiều công ty tài chính và ngân hàng chuẩn bị bỏ nước Anh. Theo dự đoán, ít nhất 240.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ biến mất.

Sức mua của người dân cũng giảm xuống. Do hàng nhập khẩu lên giá vì khan hiếm và vì bảng Anh mất giá, dân Anh bắt đầu cảm nhận được hệ quả tiêu cực của Brexit.

Cuối cùng, nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia cũng bị đe dọa. Với chủ trương ở lại châu Âu, 62% phiếu chống Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý, Scotland tính chuyện độc lập với Liên Hiệp Anh. Sau vụ tấn công làm chết 4 người hồi tuần trước, mà Daech tự cho là thủ phạm, đích thân thủ tướng Theresa May nhìn nhận "rất cần chia sẻ thông tin tình báo" với Liên Hiệp Châu Âu, nên không thể mặc cả được.

Bình luận về những hệ quả xấu của Brexit, nhà ngoại giao Anh lão thành 86 tuổi, Crispin Tickell, thành viên phái đoàn đàm phán gia nhập Thị Trường Chung Châu Âu trong thập niên 1970 than tiếc : "Chính sách ngoại giao Anh do những kẻ không hiểu gì và rất có thể bị nung nấu bởi tâm lý ghét người nước ngoài, quyết định. Thật là một thảm họa".

Tú Anh

************************

Trưng cầu dân ý về độc lập Scotland : Anh và Scotland không nhượng bộ nhau (RFI, 28/03/2017)

anh2

Thủ tướng Anh Theresa May (P) gặp đồng nhiệm Scotland Nicola Sturgeon, tại Glasgow, ngày 27/03/2017 - REUTERS/Russell Cheyne

Chỉ còn hai ngày nữa là kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisboa để khởi động tiến trình Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, 27/03/2017, thủ tướng Theresa May đến Scotland để cố gắng chận đứng những lời kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về độc lập của xứ này. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa bà May và người đồng nhiệm Scotland Nicola Sturgeon không có tiến triển nào đáng kể.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :

"Cuộc gặp tay đôi lần thứ hai này tuy được cho là "nghiêm túc và thân mật", nhưng không khí đã khác hẳn so với cuộc hội kiến hồi tháng 07/2016. Lần này không có bắt tay, không họp báo, chỉ có vài bức ảnh chính thức, cho thấy hai nhà lãnh đạo kém thoải mái như thế nào. Phải nói rằng nếu bà Theresa May đến để thảo luận về việc kích hoạt điều 50, thì bà Nicola Sturgeon chủ yếu lại muốn bàn về một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập.

Thủ tướng Scotland cũng không giấu diếm sự bất mãn sau cuộc gặp, cho rằng người đồng nhiệm Anh đã không lắng nghe các đòi hỏi của bà về Brexit, trong khi người Scotland đa số đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa bà Theresa May không hề bảo đảm việc giao bớt quyền lực cho Scotland, một khi Luân Đôn nắm lại quyền hành từ tay Bruxelles sau Brexit.

Về phía thủ tướng Anh thì nhận định đây không phải là lúc để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập, nhấn mạnh rằng trong lúc này rất cần đoàn kết giữa bốn nước đã hợp thành Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, để tạo nên sức mạnh.

Cả hai nữ thủ tướng đều tỏ ra không hề muốn nhượng bộ. Và cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Scotland hôm nay để cho phép bà Nicola Sturgeon đòi hỏi trưng cầu dân ý lần hai, chắc chắn sẽ được Downing Street đón nhận với cùng một mức độ cứng rắn".

Thụy My

Published in Quốc tế