Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Brigitte Macron, "quyền lực mềm" bổ trợ tổng thống Pháp

Không có vị trí "Đệ nhất phu nhân" chính thức như tại Mỹ, nhưng bà Brigitte Macron thường xuất hiện bên chồng trong những sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, bà có thời gian biểu độc lập với lịch làm việc của tổng thống Pháp.

soft1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đến dự dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018. Reuters/Brian Snyder

Tuần báo L’Express (14-20/11/2018) dành riêng mục "Hồ sơ" để nói về "Vai trò của Brigitte Macron".

Điểm tín nhiệm của bà Brigitte Macron cao hơn cả người chồng là tổng thống Pháp. Theo một thăm dò của Harris Interactive, công bố trong tạp chí VSD, 62% người được hỏi cho rằng bà là một quân chủ bài cho tổng thống Macron. Khắp nơi bà đến, mọi người thường xuyên nói với đệ nhất phu nhân : "Hãy nói với chồng bà…" (Dites à votre mari…) với mong muốn bà truyền tải thông điệp đến tổng thống. Bà hài hước cho rằng đây sẽ là tiêu đề của cuốn hồi ký nếu một ngày nào đó bà bắt tay vào viết.

Ba lĩnh vực được Brigitte Macron quan tâm nhất là người tàn tật, sức khỏe tinh thần và bạo lực đối với trẻ em. Nhưng bà không muốn làm phiền bất kỳ Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực mà bà quan tâm, cũng như chính người chồng của mình. Vì vậy, bà có lịch làm việc riêng, do chính bà lập nên dựa trên thư từ nhận được (khoảng 73.000 thư hàng năm), và chỉ công bố một tháng sau đó.

Có nghĩa là mọi hoạt động của Brigitte Macron đều nằm ngoài ống kính truyền thông. L’Express liệt kê nhiều trường hợp, qua lời kể của những người trong cuộc, như bà đến thăm trẻ em được điều trị ở bệnh viện nhi Necker, không máy quay phim, không micro thu âm, thậm chí nhiếp ảnh gia của bệnh viện cũng không được mời ; gặp trẻ bị tự kỷ ở bệnh viện Rouen ; hoạt động thể thao của trẻ em, hỗ trợ nhiều hiệp hội giúp đỡ trẻ em tàn tật…

Khắp nơi bà đến, mọi người đều giữ những hình ảnh đẹp về phu nhân tổng thống Pháp, "một người rất tự nhiên, rất thẳng thắn và có thể cười đùa được với bà". Tuy nhiên, bà tránh những vụ liên quan đến tư pháp, dù nạn nhân có thể là một em nhỏ, vì không muốn tác động đến quá trình điều tra.

Với người chồng được bầu làm tổng thống Pháp, Brigitte Macron lo lắng cho ông nên bà luôn nói thẳng, thể hiện rõ bất đồng. Khi tổng thống Pháp so sánh chế độ thực dân là "một tội ác chống nhân loại", bà nói thẳng phát biểu của tổng thống "là điều ngốc" ; bà không vỗ tay khi tổng thống Pháp gay gắt phát biểu hôm 24/07/2018 với vẻ thách thức công luận trong cơn bão cố vấn an ninh riêng Alexandre Benalla lạm quyền… Cuộc khủng hoảng chính trị, tiếp theo là Bộ trưởng nội vụ Collomb từ chức, gây sóng gió trong gia đình tổng thống. Theo một số nguồn tin, Brigitte Macron tức giận, từ chối theo tổng thống Pháp đến Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín, lớn tiếng với ông.

Khi tổng thống phạm một sai lầm, những người thân cận tìm cách "nắn lại" phát biểu của tổng thống, nhưng Brigitte Macron không vòng vo, luôn dùng những từ rất đơn giản : "Không được !" (Ça ne va pas !). Quan điểm của bà rất quan trọng đối với tổng thống Pháp. Thỉnh thoảng, trong một số bữa tối của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), bà đến dự, quan sát, lắng nghe và đưa ra ý kiến. Bà luôn là người đọc lại diễn văn của tổng thống.

Bà khoanh "không gian riêng" dành cho gia đình, nhưng cũng là người trau chuốt hình ảnh của một cặp vợ chồng tổng thống hiện đại với những buổi "paparazzi thỏa thuận" chụp hình vợ chồng tổng thống tay trong tay, tươi cười, đi dạo ở Touquet, Honfleur, Biarritz, La Mongie…

Brigitte Macron : Đệ nhất phu nhân đặc biệt

Trả lời tuần báo L’Express, nhà văn kiêm nhà báo Bertrand Meyer-Stabley, tác giả cuốn Những phu nhân của điện Elysée (Les Dames de l’Elysée, dự kiến phát hành tháng 05/2019), nhận xét Brigitte Macron có vẻ hạnh phúc ở phủ tổng thống vì không phải đệ nhất phu nhân nào cũng cảm thấy thoải mái với cuộc sống trong điện Elysée.

Đó chính là nhờ khả năng luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh của bà. Gia đình Macron luôn thu hút sự tò mò từ truyền thông và công chúng, vì khoảng cách tuổi tác, vì trang phục, hình dáng mảnh khảnh của đệ nhất phu nhân. Báo chí Anh viết nhiều bài về Brigitte hơn cả về Emmanuel.

Bà biết cách cân bằng cuộc sống giữa công và tư : Tất cả chiều thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, bà luôn giành thời gian cho gia đình và các cháu. Để giữ được thân hình gọn gàng, bà theo chế độ ăn nhiều rau quả, bà tập xe đạp trong phòng mỗi ngày một giờ, tập cơ và đôi khi với chiếc mũ len to trùm đầu, bà dắt chú chó cưng rảo bước đi dạo bên ngoài điện Elysée.

Theo L'Express, Brigitte Macron là phần bổ trợ cho tổng thống Pháp : giữa một bên toát vẻ tự nhiên, thân ái với bên kia luôn nghiêm trang, hơi có vẻ lạnh lẽo. Nhà văn Bertrand Meyer-Stabley cho rằng Brigitte Macron là một đệ nhất phu nhân có một không hai, một nhân vật hoàn toàn khác trong đời sống chính trị Pháp.

Sức mua của người dân Pháp : Ai thiệt ? Ai được ?

Tương tự L’Express, thời sự Pháp là sự kiện chính của hai tuần báo Le Point L’Obs. L’Obs đặt câu hỏi trên trang nhất : "Sức mua : Ai mất ? Ai được ?" cùng với hình ảnh tổng thống Pháp tay cầm vòi bơm xăng, nhằm nhắc đến phong trào "áo phản quang vàng" (gilet jaune) phản đối tăng thuế xăng dầu, diễn ra trên khắp nước Pháp vào thứ Bẩy 17/11.

Ngoài chân dung và nhận định của 9 người, từ chủ doanh nghiệp đến người nghỉ hưu, nhân viên, L'Obs đăng thống kê của Viện Chính sách Công, bộ Tài Chính Pháp, về tác động của các biện pháp của chính phủ đối với thu nhập sau khi đã đóng thuế và trừ các khoản đóng góp xã hội.

Theo đó, với việc tăng thuế xăng dầu và thuốc lá, giảm hệ số của một số loại trợ cấp, 23% hộ gia đình nghèo nhất (khoảng 14.266 euro/năm/người độc thân - hơn 29.958 euro/năm/gia đình có hai con) là những người bị thiệt. Sức mua của tầng lớp trung lưu tăng thêm 1% nhờ giảm thuế gia cư và một số đóng góp của người lao động.

Sức mua của khoảng 21% người giầu hơn (thu nhập hơn 29.920 euro/năm/người độc thân - hơn 62.850 euro/năm/gia đình) bị giảm nhẹ, chưa đến 1% do không nằm trong diện được giảm thuế gia cư và đối với người nghỉ hưu là dó tăng mức đóng góp xã hội phổ quát và giảm phụ cấp. Được lợi nhất là 1% số người giầu nhất Pháp (thu nhập 140.397 euro/năm/người độc thân - 294.833 euro/năm/gia đình) với sức mua tăng hơn 6%.

Theo nhà xã hội học Alexis Spire, "những người biểu tình (vào thứ Bẩy 17/11) có cảm giác bị lãng quên". Chính phủ đã không dự đoán được làn sóng giận dữ này vì đối tượng được hưởng giảm thuế gia cư và chịu mức tăng thuế xăng dầu không giống nhau. Trên thực tế, người nghèo không phải nộp thuế gia cư, và giờ chịu thêm mức tăng thuế xăng dầu nên dĩ nhiên, sức mua của họ giảm.

An ninh Pháp : Những điều mà các Bộ trưởng nội vụ không dám nói

Le Point đề cập đến tình hình an ninh tại Pháp : mafia, Hồi Giáo cực đoan, buôn bán ma túy… "Những điều mà các bộ trưởng nội vụ không dám nói".

Khi trao đổi với thủ tướng Edouard Philippe ngày 03/10/2018, Bộ trưởng nội vụ lúc đó là Gerard Collomb phải thừa nhận : "Luật của những kẻ mạnh hơn được áp đặt, đó là những kẻ buôn bán ma túy, Hồi Giáo cực đoan". Phát biểu này, với những từ đã rất được cân nhắc, cho thấy phần nào tình trạng bạo lực tại Pháp, đặc biệt là ở miền Nam và sự thất bại trên thực tế, dù "chống các băng đảng ma túy là mục tiêu ưu tiên của lực lượng cảnh sát", theo quốc vụ khanh Laurent Nunez, trợ lý của Bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner.

Phóng sự của Le Point lần lượt đề cập đến những tuyến vận chuyển ma túy để thâm nhập vào các thành phố cỡ trung, hầu hết trên khắp nước Pháp, trừ miền trung, dầy đặc ở miền bắc, quanh vùng Paris và ở miền nam. Hàng năm, tại Pháp, lượng tiêu thụ cocain dao động từ 8,7 đến 21 tấn và khoảng 300 tấn canabis.

Ma túy được đưa vào Pháp qua đường biển, như vụ phát hiện 752 kg cocain chứa, giấu trong các túi thể thao, gửi từ Nam Phi, ở cảng Le Havre (tây bắc) ngày 14/09. Hiện tượng mới là vận chuyển cocain qua đường hàng không từ Guyane, tỉnh hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, qua các túi nhỏ nén chặt và được nuốt vào dạ dầy.

Tình trạng tội phạm thứ hai mà cảnh sát phải đối mặt là mafia đến từ miền nam Balkan, đặc biệt là Albania. Trả lời tuần báo Le Point, một chuyên gia về tình trạng tội phạm có tổ chức, nhận xét : "Rất nhiều băng đảng tội phạm có tổ chức gốc Đông Âu xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp nước Pháp", chủ yếu ăn trộm, buôn bán ma túy, mại dâm, giúp nhập cư bất hợp pháp… Từ năm 2011, số người Albanian thụ án trong các nhà tù tại Pháp đã tăng hơn 600%.

Tình trạng bạo lực giữa các băng đảng thanh thiếu niên cũng khiến cảnh sát đau đầu. Chỉ vì ánh nhìn, bảo vệ danh tiếng, đố kỵ, vì một cô gái… là những nguyên nhân chủ yếu của các vụ ẩu đả, đâm chém nhau. Năm 2017, chỉ có một người chết trong các vụ ẩu đả, con số này lên đến 10 người chỉ tính đến cuối tháng 10/2018.

Một thế giới bị chia rẽ qua lễ kỷ niệm 11/11 tại Paris

Trở lại sự kiện lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I tại Paris, xã luận của Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định : "Ngày 11/11 : Biểu tượng của một thế giới bị chia rẽ" qua hình ảnh một tổng thống Mỹ đến Khải Hoàn Môn riêng lẻ, một tổng thống Nga đến trễ trong khi những khách mời còn lại cùng đi xe ca đến Champs-Elysées và cùng đi bộ trên đại lộ, tiến về Khải Hoàn Môn. Với New York Times, "Macron-Trump : Mối tình đã hết".

Mối nguy hiểm thực sự của trí thông minh nhân tạo

Trí thông minh nhân tạo dịch sách, vẽ tranh… nhưng ẩn sau là những mối nguy hiểm nghiêm trọng. Chủ đề này được cả L’Obs L’Express cùng quan tâm.

Trả lời phỏng vấn của L’Obs, nhà nghiên cứu Canada Yoshua Bengio, người tiên phong của deep learning (Học sâu), bày tỏ quan ngại về vai trò của trí thông minh nhân tạo trong các lĩnh vực kiểm soát xã hội (camera theo dõi được áp dụng ở Trung Quốc, vũ khí (thiết bị bay không người lái), làm tăng thất nghiệp (robot thay thế con người)… Theo ông, "mỗi người trong chúng ta cần phải suy nghĩ để luật rừng không được áp dụng".

L’Express đề cập đến lo ngại của các chính phủ, ngân hàng và truyền thông trước tình trạng rất nhiều video bị chỉnh sửa không đúng sự thật nhờ trí thông minh nhân tạo, tràn lan trên internet. Theo L’Express, đây có thể là những vũ khí mới gây bất ổn chính trị.

Thu Hằng

Published in Quốc tế