Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

BBC, 29/07/2024

2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử thế giới và được cho là sẽ định hình tình hình chính trị của thế giới.

baucu1

2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử thế giới

Năm nay, khoảng 50% dân số thế giới sẽ tham gia vào các cuộc bầu cử quốc gia.

Các cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và địa chính trị ngày càng lớn, với cuộc chiến ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại một số quốc gia, có những lo ngại về sự bền vững của nền dân chủ khi các cuộc thảo luận chính trị ngày càng bị phân cực hoặc bị bóp méo bởi thông tin sai lệch.

Nhiều cuộc bầu cử trong năm nay sẽ không công bằng và dân chủ - hoặc kết quả chung cuộc sẽ gây ra tranh cãi.

Đã qua hơn nửa chặng đường của năm bầu cử lớn nhất lịch sử, dưới đây là một số chủ đề phổ biến trong các báo cáo từ khắp thế giới của Reuters.

Chi phí sinh hoạt

Từ giá hành lá ở Indonesia đến hóa đơn nhiên liệu tăng cao ở Châu Âu, giá thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng thiết yếu khác tăng vọt đã ảnh hưởng đến điều kiện sống của các hộ gia đình trên khắp thế giới.

Các chính quyền và lãnh đạo đương nhiệm đang phải trả giá cho điều này.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy mối quan tâm về chi phí sinh hoạt là một yếu tố lớn gây sụt giảm mức độ ủng hộ đối với đảng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sự thất bại của các đảng chính lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu tháng Sáu và sự thua cuộc của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh.

Tại Châu Phi, sự bất mãn về điều kiện sống và tình trạng thất nghiệp đã góp phần khiến đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) mất đi đa số trong cuộc bầu cử ở Nam Phi.

Tình trạng đói nghèo gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tháng 12 ở Ghana để chọn người kế nhiệm Tổng thống Nana Akufo-Addo.

Cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử ở Mỹ cho thấy cử tri cũng không ấn tượng với nỗ lực cải thiện đời sống của Tổng thống Joe Biden.

Nhiều người Mỹ cảm thấy mức sống của họ đang giảm, mặc cho những thông tin nói rằng kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

Một ngoại lệ : Tại Mexico, đảng cầm quyền MORENA chiến thắng sau khi đưa ra nhiều khoản trợ cấp cho những cử tri có thu nhập thấp.

Dù các nhà hoạch định chính sách kinh tế cho biết có dấu hiệu cho thấy lạm phát đang trở lại bình thường, họ cảnh báo rằng lạm phát vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và nhiều nền kinh tế vẫn còn mong manh.

"Một số yếu tố gây rủi ro có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đi chệch hướng", ông Agustin Carstens, giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), từng cảnh báo vào tháng Sáu.

Chuyển đổi xanh

baucu2

Lửa bốc lên từ các ống khói tại mỏ dầu Nahr Bin Umar, phía bắc thành phố Basra (Iraq), ảnh chụp ngày 9/3/2020.

Do chi phí sống là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cử tri, hành động nhằm giải quyết biến đổi khí hậu thường bị ngó lơ trong các chiến dịch tranh cử - ngay cả khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục và số người chết do nắng nóng cực độ tăng lên.

Mặc dù các cuộc khảo sát chỉ ra rằng cử tri Châu Âu vẫn ủng hộ những hành động đầy tham tham vọng chống biến đổi khí hậu, các cuộc tranh luận tại châu lục này vẫn tập trung vào chi phí được cho là ảnh hưởng đến sinh kế.

Các nhóm vận động cho ngành nông nghiệp và các nhóm khác tăng cường kêu gọi nới lỏng các chính sách trung hòa carbon.

Trong các cuộc bầu cử tại Châu Âu, những đảng phái xanh (ecologist Greens) đã đánh mất phần lớn thành quả họ từng đạt được 5 năm trước.

Ở Anh, Đảng Lao động đã bỏ rơi cam kết đầu tư xanh (trị giá 28 tỷ Bảng) trước cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7, nói rằng Anh không thể chi trả số tiền này.

Trong khi đó, Đảng Bảo thủ tự mô tả mình là "ủng hộ tài xế" và chỉ trích những chính sách giảm tải lưu lượng lưu thông và giảm phát thải.

Mỹ có thể là quốc gia gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi xanh, khi ông Donald Trump vận động ủng hộ các chính sách cho phép tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong trường hợp ông Trump đắc cử, chưa rõ các khoản trợ cấp xanh trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền ông Biden sẽ được giữ bao nhiêu phần trăm.

Xu hướng chuyển dịch qua (cực) hữu ?

Khủng hoảng giá cả sinh hoạt đã dẫn đến làn sóng ủng hộ cho các phong trào cực hữu ở các nước phương Tây với một loạt các chính sách phản đối nhập cư và chủ nghĩa dân tộc, thường kèm theo các kế hoạch chi tiêu kinh tế chưa được tài trợ và các diễn ngôn dân túy tấn công giới tinh hoa toàn cầu.

Hồi tháng Ba, đảng Chega ở Bồ Đào Nha tăng gấp bốn lần số ghế trong quốc hội và trở thành đảng phái lớn thứ ba ở nước này.

Ba tháng sau, các đồng minh cực hữu và theo chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu (eurosceptic) của Bồ Đào Nha trên khắp Châu Âu đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu.

Tại Pháp, Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) của bà Marine Le Pen dù không đạt được đa số mà họ khao khát trong cuộc bầu cử hồi tháng Bảy nhưng trở thành đảng lớn nhất trong một quốc hội treo không có đa số, điều này hiện đang đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu vào tình trạng tê liệt trong việc đưa ra và thực hiện các chính sách quan trọng.

Ở Anh, Đảng Cải cách (Reform Party) chống nhập cư theo chủ nghĩa dân tộc đã giành được hơn bốn triệu phiếu bầu, góp phần làm sụt giảm sự ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ cầm quyền, mặc dù hệ thống bầu cử theo nguyên tắc 'người về đích đầu tiên' của Anh có nghĩa là đảng này chỉ giành được một số ít ghế.

Cuộc bầu cử ngày 29/9 ở Áo sẽ được theo dõi kỹ lưỡng. Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Tự do cực hữu (FPO) vượt mặt các đối thủ sau khi dẫn đầu trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu.

Tại Mỹ, nhập cư là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của ông Donald Trump. Ông Trump từng tuyên bố sẽ tiến hành trục xuất hàng loạt, chấm dứt quyền nhận quốc tịch theo nơi sinh và mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân từ một số quốc gia nhất định.

Ông Mohit Kumar, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư Jefferies, lưu ý rằng nhập cư là chủ đề bầu cử quan trọng nhất ở những quốc gia phương Tây đang thiếu thốn nhân công do sự già hóa dân số.

"Xét về mặt kinh tế, chúng ta cần nhập cư, nhưng nhưng tình hình chính trị đang thay đổi theo hướng chống lại nhập cư", ông Kumar bình luận với Reuters.

Nợ và các lời hứa chi tiêu trong kỳ bầu cử

Với việc nền kinh tế toàn cầu đang trở nên khó khăn, nhiều chính trị gia đang hứa hẹn chi tiêu lớn và giảm thuế để giành quyền lực - với nguy cơ làm gia tăng nợ toàn cầu vốn đã ở mức kỷ lục sau các gói kích thích kinh tế khổng lồ trong giai đoạn hậu đại dịch ở các nền kinh tế phát triển.

Công ty xếp hạng tín dụng S&P Global từng cảnh báo rằng Mỹ, Pháp và các chính phủ thuộc G7 khó có thể ngăn chặn sự gia tăng nợ công "trong giai đoạn hiện tại của chu kỳ bầu cử của họ".

Tháng 6/2024, báo cáo thường niên của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đánh giá một năm bầu cử như thế này khiến việc mở rộng tài khóa có rủi ro "đặc biệt cao", có thể gây khó khăn cho nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Các tổ chức giám sát ngân sách ở Anh và Pháp - hai quốc gia đang vật lộn với việc cân bằng ngân sách – chỉ ra rằng có nhiều lời hứa chi tiêu không có nguồn tài trợ hoặc được tính toán một cách không thực tế.

Ông Trump đã cam kết sẽ giữ nguyên mức giảm thuế lớn của năm 2017 mà ông từng ký khi còn tại vị.

Nhóm chuyên gia kinh tế của ông Trump cũng đã thảo luận về một đợt giảm thuế nữa, bên cạnh những gì đã được thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.

Trong khi đó, ông Biden đề xuất tăng thuế đối với doanh nghiệp và người giàu, đồng thời tuyên bố không tăng thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD/năm, đồng thời hỗ trợ người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình đang phải chi trả chi phí chăm sóc trẻ em.

Hiện tại, chính phủ Mỹ nợ công hơn 34.000 tỷ USD - mức nợ được cho là khiến nền kinh tế thế giới mong manh hơn trước những cú sốc tài chính.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ giảm các khoản vay.

"Thật không may, các kế hoạch tài khóa cho đến nay không có hiệu quả và có thể chệch hướng hơn nữa do số lượng kỷ lục của các cuộc bầu cử trong năm nay", nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, viết trong một blog gần đây.

Quốc phòng và an ninh

baucu3

Các kỹ thuật viên lắp rắp một bệ phóng tên lửa M270 tại một nhà máy tại thành phố Arkansas (Mỹ), ảnh chụp ngày 27/2/2023.

Với bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các vấn đề quốc phòng và an ninh đã trở thành trọng tâm trong nhiều chiến dịch tranh cử trong năm nay – đặc biệt ở những quốc gia gần các điểm nóng.

Tháng 2/2024, Phần Lan bầu ông Alexander Stubb làm tổng thống - người đã vận động cho việc đưa quốc gia trước đây không liên kết này tham gia hoàn toàn vào NATO và cho phép vận chuyển vũ khí hạt nhân qua lãnh thổ nước này.

Các chính trị gia cầm quyền ở Lithuania đã chiến thắng cuộc bầu cử có bối cảnh bị chi phối bởi sự lo lắng về Nga và những lời kêu gọi gia tăng chi tiêu quốc phòng.

Cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Đài Loan ngày 13/1 tập trung vào các tranhluận về cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc - quốc gia luôn coi Đài Loan này là lãnh thổ của mình.

Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba khi ứng cử viên của họ tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi sự hăm dọa từ Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu đối thoại với Bắc Kinh.

Ở Mỹ, sự tức giận của cử tri Dân chủ về hành động quân sự của Israel ở Gaza và việc Biden tiếp tục ủng hộ Israel đã trở thành một điểm yếu lớn đối với ông.

Quan điểm của người Mỹ về cuộc chiến này phân hóa theo đảng phái, với đa số các đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ Israel.

Trong khi ông Biden bày tỏ sự ủng hộ vững chắc cho NATO, ông Trump nói rằng nếu ông trở lại Nhà Trắng, Mỹ sẽ đánh giá lại một cách căn bản về mục đích hoạt động của NATO.

Dù không có cơ sở cụ thể, ông Trump cũng từng khẳng định sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trước cả thời điểm nhậm chức nếu ông thắng cử lần này.

Đáp lại, ông Biden nói rằng ông Trump "chẳng biết mình đang nói cái quái gì".

Nền dân chủ lâm nguy ?

Các tổ chức giám sát ủng hộ dân chủ ước tính gần ba phần tư dân số thế giới đang sống dưới chế độ độc tài.

Những nhà quan sát và nhóm nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về sự công bằng của các cuộc bầu cử trong năm nay tại Bangladesh, Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Iran và Nga.

Các cuộc bỏ phiếu tại Algeria và Uzbekistan cũng đối mặt với nghi ngờ tương tự.

Bước lùi của chính quyền ông Modi trong cuộc bầu cử vừa rồi được một số nhà bình luận ca ngợi là bằng chứng cho sự kiên cường của nền dân chủ tại Ấn Độ.

Nhiều người thở phào nhẹ nhõm trước sự chuyển giao quyền lực ôn hòa ở Senegal hồi tháng Ba, sau khi động thái của người đương nhiệm nhằm trì hoãn cuộc bỏ phiếu đã kích động các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, bài kiểm tra lớn nhất cho nền dân chủ trong năm nay có lẽ là ở Washington.

Ông Trump từ chối cam kết sẽ chấp nhận kết quả bầu cử hoặc loại trừ khả năng có thể xảy ra bạo lực vào thời điểm bỏ phiếu ngày 5/11.

Ông Trump đang chuẩn bị cho khả năng ông sẽ phản đối nếu ông thất bại..

"Chúng ta nên lo lắng", ông Steven Levitsky, nhà khoa học và giáo sư chính trị tại Đại học Harvard, nói tại một sự kiện của Viện nghiên cứu Brookings vào tháng Sáu.

"Nền dân chủ không thể tồn tại nếu một đảng trong hệ thống hai đảng không cam kết tuân theo luật chơi dân chủ".

Nguồn : BBC, 29/07/2024

Published in Quốc tế