Tòa Bạch Ốc : Chưa phải lúc nói chuyện với Triều Tiên (VOA, 14/12/2017)
Không thể đàm phán với Triều Tiên ch tới khi nào Bình Nhưỡng cải thiện hành vi, một giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 12/12 khẳng định, khiến người ta thắc mắc về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Washington có thể bắt đầu thương thuyết với Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào mà không cần điều kiện tiên khởi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un
"Với cuộc thử nghiệm phi đạn gần đây nhất của Triều Tiên, rõ ràng bây giờ chưa phải lúc", một giới chức Tòa Bạch Ốc nói với Reuters.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson ngày 13/12 nhấn mạnh Mỹ "sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào Bình Nhưỡng muốn". Phát biểu này rõ ràng không đá động tới yêu cầu chính yếu của Mỹ rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải chấp nhận là bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng sẽ xoáy vào việc Triều Tiên từ bỏ kho võ khí hạt nhân.
Tòa Bạch Ốc không cho biết liệu Tổng thống Donald Trump, người có quan điểm cứng rắn chống lại Triều Tiên hơn Ngoại trưởng Tillerson, có chấp thuận gave approval for the overture.
Một ngày sau lời tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson tại Hội đồng nghiên cứu Đại Tây Dương tại Washington, giới chức Tòa Bạch Ốc không muốn nêu tên cho Reuters biết rằng : "Chính quyền nhất trí khẳng định rằng bất kỳ thương lượng nào với Triều Tiên phải chờ cho tới khi chế độ Bình Nhưỡng cải thiện hành xử một cách căn cơ. Như Ngoại trưởng đã nói, việc này phải bao gồm việc Triều Tiên không thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nữa".
Tuy nhiên, trong bài diễn văn của ông Tillerson, Ngoại trưởng không đặt điều kiện là Triều Tiên phải ngưng thử nghiệm hạt nhân Mỹ mới bắt đầu đàm phán. Ông nói sẽ khó khăn để có thể thương thuyết nếu Bình Nhưỡng quyết định thử thêm một thiết bị nữa giữa tiến trình thảo luận và rằng để các cuộc thảo luận có hiệu quả, cần một giai đoạn ‘bình yên.’
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Heather Nauert, ngày 12/12 nhấn mạnh Triều Tiên phải ngưng thử phi đạn và hạt nhân một thời gian trước khi đàm phán có thể bắt đầu.
Quan hệ giữa Ngoại trưởng Tillerson với Tổng thống Trump căng thẳng vì bất đồng về vấn đề Triều Tiên cùng nhiều vấn đề khác.
Ông Tillerson nói Tổng thống ‘khuyến khích nỗ lực ngoại giao’ trong khi ông Trump hồi tháng 10 tuyên bố rằng Ngoại trưởng Tillerson đang mất thời gian khi tìm cách thương lượng với Triều Tiên.
******************
Vai trò hạn chế của Bắc Kinh trong cuộc đấu Washington - Bình Nhưỡng (RFI, 14/12/2017)
Ngày 16/08/2017, trong một tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un về quyết định ngừng kế hoạch bắn tên lửa qua đảo Guam của Mỹ. Trước đó một hôm, Kim Jong-un đã loan báo tạm thời đình chỉ kế hoạch trên và đề nghị Mỹ có những quyết định "đúng đắn" để giảm căng thẳng. Những tuyên bố hòa hoãn hơn giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un đã giúp cho tình hình bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt sau hơn một tuần lễ nóng bỏng, với cuộc đấu khẩu dữ dội giữa Washington và Bình Nhưỡng, gây lo ngại không ít về khả năng chiến sự bùng lên.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên, ảnh hãng tin nhà nước KCNA đăng tải ngày 27/04/2017. KCNA/Handout via Reuters/File Photo
Điểm đáng chú ý là trong suốt thời điểm đấu khẩu gay gắt đó, Trung Quốc đóng một vai trò rất mờ nhạt. Về mặt chính thức, chỉ thấy Bắc Kinh lên tiếng khuyên giải các bên là nên có giọng điệu từ tốn, đừng làm cho tình hình vốn đã căng thẳng thêm nghiêm trọng.
Ngày 15/08, sau khi cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đã xuống giọng, Trung Quốc mới lên tiếng cho rằng cuộc khủng hoảng đã rẽ qua một khúc quanh mới, và giờ đến lúc các bên trở lại bàn đàm phán hòa bình.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã hoan nghênh một bản tuyên bố chung được cả hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ công bố trên báo Mỹ The Wall Street Journal, xác nhận là Washington không hề có ý định lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đồng thời kêu gọi Mỹ biến lời nói thành hành động cụ thể, và yêu cầu đồng minh Bắc Triều Tiên là nên có cử chỉ đáp trả tương ứng.
Từ khi Bắc Triều Tiên bắt đầu khuấy động tình hình trên bán đảo Triều Tiên, hầu như tất cả mọi quốc gia, đi đầu là Hoa Kỳ, đều yêu cầu Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn trong việc gây áp lực để Bình Nhưỡng bớt gây căng thẳng bằng những vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Trung Quốc đã hứa can thiệp nhưng hiệu quả không thấy rõ.
Khi bùng lên cuộc khẩu chiến cực kỳ căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng, vai trò mờ nhạt của Bắc Kinh đã khiến nhiều nhà phân tích tự hỏi một lần nữa về ảnh hưởng thực thụ của Trung Quốc trên Bắc Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn của ban Pháp Ngữ RFI, nhà báo chuyên trách các vấn đề quan hệ quốc tế Daniel Vernet, đồng tác giả tập khảo luận "Trung Quốc chống Mỹ : Cuộc đọ sức tay đôi của thế kỷ" (La Chine contre l’Amérique, le duel du siècle) đã cho rằng các diễn biến mới đây trên bán đảo Triều Tiên cho thấy Trung Quốc đã lâm vào tình thế không còn có thể tự do hành động theo ý muốn như trước đây.
Các hành động của Bắc Kinh trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, theo Daniel Vernet, luôn phải cân nhắc giữa việc không thể để cho đồng minh bị sụp đổ, nhưng cũng phải tìm cách ngăn không cho đồng minh ở ngay cạnh mình sở hữu loại vũ khí có thể hủy diệt Trung Quốc.
Daniel Vernet : Đúng là khả năng hành động của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên có giới hạn, có lẽ vì Trung Quốc là đồng minh của Bắc Triều Tiên, có thể nói là đồng minh duy nhất - cùng với Nga, nhưng Nga mờ nhạt hơn một chút, nhưng một mặt khác thì Trung Quốc lại không mấy hứng thú với triển vọng nước ngay trước ngưỡng cửa nhà mình là Bắc Triều Tiên đạt được những tiến bộ về vũ khí hạt nhân.
Điều khiến Bắc Kinh lo ngại nhất là việc chế độ Kim Jong-un sụp đổ trong trường hợp chiến tranh, đẩy về phía Trung Quốc hàng triệu người tị nạn Bắc Triều Tiên. Nỗi quan ngại khác của Bắc Kinh là nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất, lính Mỹ sẽ đến tận biên giới Trung Quốc trên sông Áp Lục (Yalu).
Tóm lại, Trung Quốc là đồng minh của Bắc Triều Tiên nhưng đồng thời cũng là một đồng minh phải lo lắng, bận tâm trước những hành vi khiêu khích mà Kim Jong-un có thể tiến hành.
Với việc chế độ Kim Jong-un có vẻ như phớt lờ các lời can gián của Trung Quốc, khả năng chiến sự bùng lên - dù rất nhỏ - nhưng không thể loại trừ. Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ có lập trường như thế nào có thể làm gì nếu chẳng may chiến tranh nổ ra giữa một bên là Bắc Triều Tiên, và bên kia là Hàn Quốc được Hoa Kỳ hỗ trợ ? Trên vấn đề này, Daniel Vernet nhắc lại quan điểm đã được tờ Global Times, tức Hoàn Cầu Thời Báo, nêu bật.
Daniel Vernet : Đây là một điều rất khó nói. Nhưng trên tờ báo Anh ngữ Global Time, thường phản ánh quan điểm của bộ phận dân tộc chủ nghĩa nhất trong đảng cộng sản Trung Quốc, người ta đã nói là nếu Bắc Triều Tiên có hành động khiêu khích như bắn hỏa tiễn về phía đảo Guam như đã đe dọa, nếu Bình Nhưỡng tấn công trước, thì Trung Quốc sẽ giữ thái độ trung lập.
Nếu ngược lại, Mỹ và Hàn Quốc tấn công Bắc Triều Tiên, thì Trung Quốc cố can thiệp để ngăn chặn họ.
Chỉ có điều, người ta không biết Trung Quốc sẽ can thiệp bằng cách nào. Trung Quốc không nói sẽ làm gì, liệu có khai chiến với Mỹ và Hàn Quốc hay không, dù đây là một khả năng rất khó xẩy ra. Tuy nhiên, thái độ rất mập mờ của Trung Quốc bao hàm một cái gì đấy rất nguy hiểm.
Theo ghi nhận của Daniel Vernet, Trung Quốc đã biết khai thác khía cạnh mình là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, và dùng mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng để làm món hàng đổi chác với Mỹ.
Daniel Vernet : Tôi không nghĩ là Trung Quốc chỉ ngồi quan sát mà thôi. Người ta có thể nghĩ là ở hậu trường, các nhà ngoại giao Trung Quốc, và cả Mỹ nữa, đã hoạt động ráo riết.
Không thể nói là đã có sự mặc cả giữa Mỹ và Trung Quốc trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng dẫu sao thì phía Trung Quốc đã cố tìm cách đổi chác, đòi Mỹ đền bù, nếu họ dấn thân nhiều hơn nữa vào cuộc khủng hoảng hiện nay, chẳng hạn như gây sức ép thêm lên Bắc Triều Tiên.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán đồng nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tăng cường trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Cho dù không hề được thừa nhân công khai, nhưng qua mặc cả, Trung Quốc đã thành công trong việc yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump dịu giọng trên những lời đe dọa tăng thuế đánh trên thép, nhôm, nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đối với Daniel Vernet, vai trò thụ động của Trung Quốc trong lúc nổ ra khẩu chiến căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên rất có thể chỉ là bề ngoài. Bên trong hậu trường, chắc chắn là Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã có trao đổi với nhau, dù nội dung cụ thể không được rõ.
Daniel Vernet : Rất khó mà biết được. Nhưng chắc chắn là họ có nói chuyện với nhâu. Nhân các cuộc họp của ASEAN ở Manila vừa qua, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ đã nói chuyện với nhau một cách ít nhiều chính thức. Rất có thể là Trung Quốc đã gây sức ép lên chế độ Bắc Triều Tiên để Bình Nhưỡng có lời lẽ ôn hòa hơn.
Nhưng Trung Quốc cũng biết là biện pháp gây sức ép của họ có giới hạn. Bắc Triều Tiên dư biết là Trung Quốc không thể để cửa mở cho Mỹ tiến vào sâu trong vùng, cho nên Bắc Kinh cần vùng trái độn như Bắc Triều Tiên, nằm giữa Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, và Trung Quốc.
Giờ đây, khi khẩu chiến Mỹ-Bắc Triều Tiên tạm thời giảm cường độ, các bên có thể nghĩ đến khả năng thương thảo. Đây cũng là đề nghị của Trung Quốc, cũng như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Theo Daniel Vernet, các láng giềng của Bắc Triều Tiên đều muốn duy trì nguyên trạng, nhưng vấn đề đặt ra là nguyên trạng này đã có thêm một nhân tố mới, đó là một Bắc Triều Tiên có bom hạt nhân, có khả năng đe dọa các láng giềng. Điều đó có nguy cơ thúc đẩy các đối thủ của Bình Nhưỡng là Seoul hay Tokyo cũng trang bị vũ khí nguyên tử, một triển vọng mà không ai muốn.
Daniel Vernet : Tôi nghĩ là họ muốn duy trì nguyên trạng, nhưng một nguyên trạng rất khó định nghĩa hơn là nguyên trạng hiện nay, có nghĩa là Bắc Triều Tiên được chấp nhận như một cường quốc hạt nhân, có khả năng tấn công các láng giềng, có khả năng một ngày nào đó đánh tới lãnh thổ Mỹ với đầu đạn hạt nhân.
Tóm lại một nguyên trạng vô cùng nguy hiểm, và như vậy thì người ta đi vào một cuộc đàm phán có diện rộng hơn nhiều, và có khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng.
Tại Hàn Quốc, người ta đang đòi trang bị vũ khí hạt nhân. Nhật Bản thì được coi là một cường quốc đang ở ngưỡng sở hữu vũ khí nguyên tử, tức là có thể có được vũ khí hạt nhân một cách rất nhanh chóng nếu họ muốn. Thế giới như vậy sẽ đi vào một vòng xoáy vô cùng nguy hiểm.
Nói gì thì nói, tôi cho rằng ngoại giao sẽ thắng. Mặc dù các bên đang lớn tiếng dọa nhau, Mỹ cũng như Bắc Triều Tiên, nhưng cho dù thế, đàm phán vẫn sẽ thắng, trước khi có một hành động đáng tiếc xẩy ra, từ phía bên này hay bên kia.
Dẫu sao thì tình hình căng thẳng xuống thang trên Bán Đảo Triều Tiên rất có thể là chỉ tạm thời, nhất là khi cả hai bên Mỹ và Bắc Triều Tiên, về mặt chính thức, vẫn duy trì các quan điểm cứng rắn.
Quân đội Mỹ-Hàn đang chuẩn bị các cuộc tập trận thường niên, điều mà cả Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh đều yêu cầu hủy bỏ. Về phần Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un nổi tiếng với tính khí được cho là thất thường. Do vậy, không thể loại trừ khả năng Bình Nhưỡng có hành động nào đó làm cho tình hình căng thẳng trở lại.
Trọng Nghĩa
*********************
Đối thoại chiến lược Anh-Nhật tập trung trên hồ sơ Bắc Triều Tiên (RFI, 14/12/2017)
Ngày 14/12/2017, hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Anh Quốc và Nhật Bản gặp nhau tại Luân Đôn trong khuôn khổ cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước. Vấn đề vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên dĩ nhiên nổi cộm trong chương trình nghị sự, bên cạnh một số hồ sơ song phương khác.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tiếp đón đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono tại Luân Đôn, ngày 14/12/2017. Reuters/Tolga Akmen/Pool
Phát biểu trước cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, ngoại trưởng Anh Boris Johnson xác nhận rằng cả Tokyo lẫn Luân Đôn đều mong muốn "thắt chặt thêm quan hệ hợp tác trong lãnh vực an ninh và quốc phòng để có thể cùng nhau đối phó với những thách thức trước mắt, trong đó có những vấn đề an ninh quốc tế thiết yếu như vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (tức là Bắc Triều Tiên)".
Trong thực tế, Anh Quốc không có nhiều liên can với vấn đề Bắc Triều Tiên, mặc dù đã từng phái bốn chiến đấu cơ tham gia tập trận chung với Nhật Bản vào năm 2016. Luân Đôn cũng có kế hoạch phái chiến hạm đến vùng biển Châu Á vào năm 2018, nhưng mục tiêu lúc loan báo kế hoạch là bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, ngăn chặn hành động của Trung Quốc hơn là Bắc Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson cũng khẳng định : "An ninh của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Tôi cũng sẽ cùng với các đối tác Nhật Bản thảo luận về việc đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh khu vực và cộng đồng quốc tế".
Hai bên cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác quân sự song phương, trong đó có các cuộc tập trận chung và công cuộc hợp tác chống khủng bố và tin tặc.
Trọng Nghĩa