Bắc Triều Tiên và kinh tế : hai đích chính chuyến đi Châu Á của Trump
Gọng kìm khép lại đối với phe đòi độc lập Catalunya, tổng thống Mỹ châm ngòi cho "vụ nổ lớn" trong lĩnh vực thuế, là một số tựa chính trang nhất báo Pháp hôm nay. Tuy nhiên, một chủ đề quốc tế thu hút hàng đầu là chuyến công du của tổng thống Mỹ tại Châu Á, chuyến đi dài nhất của một nguyên thủ Mỹ kể từ 25 năm qua. Libération có bài phân tích "Trump công du Châu Á tìm cách chinh phục đối tác".
Ám ảnh chiến tranh lơ lửng trên bán đảo Triều Tiên. Một áp phích tuyên truyền của Bình Nhưỡng, mô tả tổng thống Mỹ tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc đe dọa tiêu diệt 25 triệu dân Bắc Triều Tiên. Ảnh công bố ngày 16/10/2017. NK News/Handout via Reuters
Hồ sơ của Libération nhấn mạnh đến hai mục tiêu chính của tổng thống Mỹ trong chuyến đi này : tái khẳng định lập trường của Nhà Trắng về Bắc Triều Tiên, và thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ tại khu vực, trước hết là với Trung Quốc. Minh họa cho bài viết là ảnh một phụ nữ Trung Quốc, trong trang phục cổ truyền, quý phái, tự chụp ảnh mình, với phông nền là tượng tổng thống Donald Trump bằng sáp. Bức ảnh được thực hiện ngày 8/3/2017, tại tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), miền đông bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ là điểm đến thứ ba của tổng thống Mỹ. Trong vòng 12 ngày, tổng thống Mỹ sẽ công du trước hết Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Lindsey Ford, Viện Asia Society Policy Institute, ưu tiên trước hết của chính quyền Mỹ là "tạo được một đồng thuận về áp lực kinh tế và ngoại giao, đối với chế độ Bình Nhưỡng". Cụ thể là Washington sẽ phải thuyết phục được Bắc Kinh có các trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn nữa đối với Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu rất được trông đợi về hồ sơ Bắc Triều Tiên trước Quốc Hội Hàn Quốc.
Trump - Bắc Triều Tiên : Chính sách mơ hồ
Theo Libération, khả năng ông Trump đạt được đồng thuận với Trung Quốc trong vấn đề này là rất thấp. Hố ngăn cách giữa hai bên là rất sâu. Hai bên, tuy đồng thuận về "mối nguy hiểm" của "cậu nhóc hỏa tiễn", biệt hiệu của Kim Jong-un, theo cách nói của Donald Trump, nhưng trong khi ông Trump muốn Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Bắc Triều Tiên, thì Bắc Kinh chủ trương "áp lực kinh tế" từ từ, để tránh chế độ này sụp đổ.
Hố ngăn cách Mỹ - Trung khó san bằng còn có một lý do khác. Đó là chính sách "hoàn toàn không rõ ràng" của chính quyền Mỹ đối với Bắc Triều Tiên, kể từ khi ông Trump lên cầm quyền. Trong lúc khẳng định cần có một giải pháp ngoại giao trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ liên tục có những phát biểu khiến người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ chỉ có một giải pháp duy nhất là can thiệp "quân sự". Hồi tháng 9, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên. Tiếp theo đó, ông Trump lại phán rằng ngoại trưởng Tillerson "chỉ phí thời gian" thảo luận với Bình Nhưỡng.
Vẫn theo chuyên gia an ninh Lindsey Ford, chiến lược của chính quyền Trump trên thực tế "không khác gì lắm" so với thời Obama, nhưng có điều các phát biểu hung hăng của tổng thống Mỹ gây lo ngại và nghi ngờ. Chưa nói đến Trung Quốc, cả các đồng minh của Hoa Kỳ cũng phải đặt câu hỏi nước Mỹ thời Donald Trump thực sự muốn gì ?
Về mặt lịch trình của chuyến đi, theo Libération, dù sao dường như tổng thống Mỹ cũng có một số biểu hiện cho thấy không muốn làm khủng hoảng Bắc Triều Tiên gia tăng. Ông Trump đã quyết định không đến khu vực phi quân sự, tức biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên, ngược lại với phần lớn các tổng thống Mỹ tiền nhiệm từ hơn 30 năm nay. Theo bình luận của người phát ngôn của Nhà Trắng, một chuyến đi thăm vùng phi quân sự thực ra giờ đây đã trở thành "một tập quán sáo mòn", không còn nhiều ý nghĩa.
Phái đoàn kinh tế Mỹ đến Bắc Kinh rầm rộ, nhưng thiếu chuẩn bị
Trái ngược với hồ sơ Bắc Triều Tiên có vẻ như đang hết sức mơ hồ, theo Libération, mục tiêu siết chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc của tổng thống Mỹ là điều hiển hiện. Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ đến Bắc Kinh, với một đội ngũ đông đảo các chủ tập đoàn lớn như vậy kể từ thời Ronald Reagan những năm 1980. Hơn 40 đại công ty cùng đi với tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, cũng khác hẳn với vẻ ngoài rầm rộ, là thực chất "thiếu chuẩn bị", như lo ngại của chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc Amcham China, ông William Zarif. Thông thường trước một chuyến đi quan trọng như thế này, hai bên phải có một loạt các cuộc gặp cấp cao, tuy nhiên điều này không xảy ra.
Trên thực tế, chính quyền Trump phải đối mặt với một thách thức rất lớn, thâm hụt thương mại hàng trăm tỉ đô la với Hoa Lục. Với chuyến đi này, tổng thống Mỹ hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để bù đắp cán cân thâm hụt, với hàng loạt hợp đồng mới được ký kết. Tuy nhiên, giới chuyên môn không mấy tin tưởng. Lãnh đạo Phòng Thương Mại Mỹ không tin vào phép mầu, cho dù ông vẫn muốn nuôi hy vọng.
Còn theo cựu giám đốc về Trung Quốc của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hai đời tổng thống tiền nhiệm, ông Paul Haenle, thì mục tiêu chủ yếu của tổng thống Mỹ vẫn là đánh bóng hình ảnh của mình, để khoe khoang với cử tri Mỹ, như là người chiến thắng với hàng loạt hợp đồng mới.
Hồ sơ Biển Đông bị ra rìa
Cũng về chuyến đi của tổng thống Mỹ, trong lúc thương mại và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên được coi là hai trọng tâm chính, Les Echos chú ý đến sự thờ ơ của ông Donald Trump với hồ sơ Biển Đông, vùng biển đang bị Trung Quốc nỗ lực chiếm làm của riêng.
Theo Les Echos, trong bối cảnh thiếu một chính sách rõ ràng của tổng thống Mỹ, các cuộc tuần tra của Hải Quân Hoa Kỳ, tại các vùng thuộc phạm vi 12 hải lý của các đảo do Trung Quốc kiểm soát, sẽ chỉ là "những hành động đe dọa, không có mục tiêu rõ ràng". Tổng thống Trump nhìn chung đang dỡ bỏ chiến lược xoay trục sang Châu Á của tổng thống tiền nhiệm, mà "không hề đề xuất gì để thay thế".
Thuế : Tổng thống Trump châm ngòi "một vụ nổ lớn"
Vẫn về chính quyền Mỹ, nhưng trong hồ sơ kinh tế, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Thuế : Trump châm ngòi cho một vụ nổ lớn". Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị một dự án cải cách thuế lớn, dự kiến sẽ phải được thông qua trước cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.
Sau nhiều tranh luận quyết liệt, nội dung của dự án cải cách thuế đã được các lãnh đạo Cộng Hòa tại Hạ Viện trình ra vào buổi tối hôm qua. Les Echos có bài xã luận, so sánh dự án cải cách thuế của ông Trump với cựu tổng thống Reagan.
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ bằng mọi giá phải đạt được một thành công quyết định của dự án này, trong lúc phần lớn các hứa hẹn tranh cử của ông Trump đã không được thực hiện. Theo Les Echos, nguyên tắc của dự án cải cách rất đơn giản : đó là giảm thuế đối với các doanh nghiệp, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một nguyên tắc hoàn toàn giống với chính sách của Reagan.
Điều nguy hiểm của chính sách này là, để bù lại phần thu thuế bị giảm, gánh nặng thuế sẽ đè nặng lên các tầng lớp trung lưu, bên cạnh đó nợ công sẽ tăng vọt, trong lúc khó dự báo được các hệ quả tích cực của cuộc cải cách.
Một trong những nội dung rất được chú ý của dự án này là việc Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một hệ thống thuế mới, thu thuế các doanh nghiệp Mỹ, dựa trên các hoạt động trong nước, thay vì căn cứ trên các hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, mức thuế của các doanh nghiệp Mỹ là 35% lợi nhuận, mức thuế được coi là đứng đầu thế giới (so với 33% của Pháp, hay 30% của Nhật).
Hệ thống thuế này của Hoa Kỳ bị chỉ trích rất mạnh, tuy nhiên, nếu ngừng đánh thuế trên toàn cầu, cũng đồng nghĩa với việc cổ vũ cho việc doanh nghiệp di chuyển cơ sở ra những nước, có mức đánh thuế thấp hơn. Theo Les Echos, rất có khả năng, các nghị sĩ Mỹ sẽ thông qua một sắc thuế mang tính tối thiểu, đối với khoản lợi nhuận, thu được từ nước ngoài.
Bê bối tình dục có thể nhấn chìm chính phủ Anh
Trong lĩnh vực chính trị xã hội, nạn bạo hành tình dục tiếp tục gây chấn động, lần này không phải là trong giới nghệ sĩ, mà là trong chính giới. Le Monde có bài "Bạo hành : Chính phủ May chao đảo". Sau một tuần thông tin về bê bối tình dục được đưa lên truyền thông, hôm thứ Tư 1/11, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, một người thân cận với thủ tướng Theresa May phải thông báo từ chức.
Lý do chính thức của việc từ chức của ông Michael Fallon, 65 tuổi, hiện không thực sự rõ ràng. Bê bối của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Anh trực tiếp liên quan đến một vụ "đụng chạm" xảy ra hồi 2002. Người tố cáo cựu bộ trưởng là một nữ phóng viên chính trị cho biết chính trị gia này đã nhiều lần đặt tay lên đùi cô, dưới gầm bàn, trong một cuộc gặp bên lề một hội nghị của đảng Bảo Thủ.
Theo nữ phóng viên, vụ việc này là nhỏ, và bản thân cô đã có phản ứng thích đáng vào thời điểm đó, nhưng điều quan trọng là đùi cô không phải là trường hợp duy nhất, và có những phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng hơn nhiều.
Việc bộ trưởng Quốc Phòng Anh phải từ chức, theo Le Monde, có thể liên quan đến một loạt các vụ bạo hành tình dục khác, được phát lộ trong cùng thời gian này. Nhân vật số hai của chính phủ Anh, Damian Green, 61 tuổi, cũng vừa bị một nữ đảng viên đảng bảo thủ, trẻ hơn chừng 30 tuổi, cáo buộc cùng một hành vi.
Cách mạng tháng 10 : Một "thảm họa lịch sử"
Trong lĩnh vực lịch sử, đáng chú ý có bài phỏng vấn dài của báo Le Figaro với nhà sử học Stephan Courtois, với tựa đề "Cách mạng tháng 10 Nga, một thảm họa lịch sử".
Nhà sử học kỳ cựu người Pháp cảnh báo sau thế kỷ XX, thế kỷ của sự ra đời của học thuyết toàn trị, với các hình mẫu là chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, chủ nghĩa phát xít Đức, nếu không cảnh giác nhân loại thế kỷ XXI sẽ tiếp tục phải chứng kiến sự ra đời của các chế độ toàn trị mới.
Trọng Thành