Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bệnh viện công Pháp trước nguy cơ tan vỡ

Ngành y tế Pháp tổng bãi công. Bệnh viện quá tải. Nền y tế công Pháp - nổi tiếng thế giới từ hàng chục năm nay về các điều trị, chăm sóc chất lượng cao, mở rộng cho tất cả – đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

benhvien0

Ngành y tế biểu tình tại Paris kêu gọi chính phủ có giải pháp cứu nguy các bệnh viên công, ngày 14/11/2019. Reuters/Johanna Geron

Le Monde chạy tựa trang nhất : "Bệnh viện công sụp đổ". Les Echos : "Bệnh viện : Chính phủ đang tìm lối thoát". Libération chạy tựa : "Bệnh viện : nỗi giận dâng trào !".

Le Monde đăng tải "Lời kêu gọi" của 70 lãnh đạo ngành y tế công vùng Paris, nhấn mạnh : "Bệnh viện công Pháp từ nhiều thập niên qua đã có được một uy tín cao với quốc tế… do các chăm sóc hiện đại nhất cho trẻ em, người lớn, cũng như trong các sứ mạng nghiên cứu, đào tạo. Chúng tôi báo động với quý vị là hệ thống này hiện đang tan vỡ, chúng tôi không còn đủ khả năng đảm nhiệm được các sứ mạng của mình". Nhật báo giải thích "hệ thống bệnh viện công hiện đang suy sụp ở khắp nơi, không chỉ là trong các bộ phận cấp cứu, mà toàn bộ hệ thống đang trong tình trạng nguy ngập".

Le Monde nhấn mạnh là, ngày 14/11/2019 này, "lần đầu tiên kể từ hơn 10 năm nay", toàn bộ giới y tế công, từ tổ chức của giới phụ trách các cơ sở đào tạo y tế, đến các nghiệp đoàn bác sĩ, y tá, hộ lý, dược sĩ, bác sĩ nội trú, sinh viên… được kêu gọi xuống đường để "Cứu nguy ngành ty tế công".

Đầu tư không đủ, không thu hút được người mới

Ông Martin Hirsch, tổng giám đốc hệ thống y tế công Paris, cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ chỗ ngành y tế công không tuyển mộ thêm được thêm nhân viên mới và không đủ khả năng vận hành các cơ sở điều trị. Liên đoàn các bệnh viện Pháp lưu ý đến tình trạng được "đầu tư không đủ", đặc biệt liên quan đến việc đãi ngộ nhân viên ngành y (có đến 97% cơ sở y tế gặp phải vấn đề này).

Libération giải thích : "nguồn gốc của khủng hoảng là rất dễ thấy. Hiện tại, trung bình nhu cầu chăm sóc, điều trị tăng khoảng 4% hàng năm. Đây là cái giá phải trả cho tình trạng dân cư lão hóa, các tiến bộ công nghệ trong ngành y (…) Đối với chính phủ, 4% tăng trưởng này, nếu như họ chấp nhận điều đó, sẽ là một gánh nặng quá lớn cho chi phí công. Mức tăng chi phí kịch trần hiện nay chỉ được phép là 2%. Kết quả (của việc thiếu đầu tư) được biểu hiện hàng ngày : nhân viên mệt mỏi, lương bổng chậm tăng, trang thiết bị thiếu thốn…".

Nguy cơ hệ thống y tế công tan vỡ, nếu chính phủ không có chính sách phù hợp. Le Monde có bài xã luận "Bệnh viện : Hãy lắng nghe này, chúng ta đang chìm đây !". Đòi hỏi trước mắt của những người tranh đấu là chính phủ ngay lập tức tuyển mộ hàng nghìn nhân viên mới, tăng lương 300 euro/tháng cho tất cả các nhân viên ngành y, ngừng cắt giảm số lượng giường bệnh tại các cơ sở điều trị.

Chính phủ bắt đầu lắng nghe

Cách nay 6 tuần, bộ trưởng Y tế Angès Buzyn đã thông báo một "kế hoạch khôi phục" để đối phó với cuộc khủng hoảng của ngành cấp cứu, nhưng lãnh đạo bộ Y tế cho đến gần đây dường như đã không nhận ra mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và mức độ quyết liệt của cuộc phản kháng. Hôm thứ Ba 12/11, bộ trưởng Y tế dường như đã bắt đầu thay đổi thái độ, cho biết đàm phán đang được khởi sự, để tăng mức đầu tư cho các cơ sở y tế. Theo Le Monde, chính phủ Pháp, bằng mọi giá, muốn phong trào ngành y hạ nhiệt, trước cuộc bãi công ngày 05/12 chống dự án cải cách hưu trí.

"Ngành y tế gia tăng áp lực lên chính phủ đến mức tối đa" là hồ sơ chính của Les Echos. Nhật báo Kinh tế có bài xã luận : "Bệnh viện : Chỉ tiền thôi không đủ". Theo Les Echos, phải tăng tốc thực thi dự án cải cách mang tính hệ thống ngành y, được đề ra hồi năm ngoái. Đặc biệt là làm sao cho ngành y tế công trở lại là nơi thu hút nhân lực, trong bối cảnh bị y tế tư nhân cạnh tranh mạnh.

Kinh tế Pháp : Tăng trưởng thấp, nhưng tạo thêm nhiều việc làm

Khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực, nhưng toàn cảnh bức tranh không phải là màu xám. La Croix dành trang nhất cho vấn đề việc làm tại Pháp, với dòng tựa đầy phấn chấn : "Nước Pháp đã tạo thêm được việc làm ! ".

Theo La Croix trong bài "Tăng trưởng ít, nhưng vẫn có thêm việc làm mới". Cụ thể là, kể từ cuối năm 2015, số lượng việc làm mới tạo ra vượt số lượng việc làm bị mất. Xu thế này tiếp tục tăng, hơn 54.000 việc làm nhiều hơn trong quý ba 2019, theo thống kê của INSEE. Riêng trong quý một 2019, xu thế tăng trưởng việc làm trong khối kinh tế tư nhân đã vượt qua con số biểu tượng hơn 100.000 việc làm nhiều hơn. Xu thế tích cực này tiếp tục được duy trì kể từ đầu năm đến nay.

Kinh tế gia Bertrand Martinot, của Siaci Saint-Honoré và là tác giả cuốn "Chômage, inverser la courbe", lưu ý là tạo ra nhiều việc làm mới, trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm là một thành công quan trọng. Ông nhấn mạnh đến vai trò của cựu tổng thống François Hollande nhiệm kỳ trước và chính sách ủng hộ doanh nghiệp của đương kim tổng thống Macron, nay đang bắt đầu gặt hái kết quả. Chính sách tạo thuận lợi cho "hợp đồng hỗ trợ người tìm kiếm việc làm" của tổng thống Macron mang lại nhiều kết quả là một phân tích khác trên Les Echos.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trút giận lên Pháp, để né bất đồng song phương

Về thời sự quốc tế, Les Echos chú ý đến chuyến công du của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ, trong bối cảnh bất đồng song phương Washington – Ankara hiếm thấy, đặc biệt sau chiến dịch can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria.

Bài "Cuộc gặp trong không khí căng thẳng giữa tổng thống Mỹ và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ" cho biết tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chĩa mũi dùi phê phán sang tổng thống Pháp, người đã đưa ra phát biểu gây chấn động : "NATO chết não", hồi tuần trước. Hôm qua, trong cuộc họp báo tại Washington, ông Erdogan khẳng định các phát biểu của tổng thống Macron về NATO là "không thể chấp nhận được". Từ Nhà Trắng, tổng thống Mỹ phụ họa thêm, khi khẳng định đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ "rất thất vọng" về tuyên bố của lãnh đạo Pháp. Không gì dễ dàng hơn là tìm ra một đối thủ chung, để xoa dịu các bất đồng song phương, ít nhất cũng trong một giai đoạn nhất định, Les Echos bình luận.

Bước mới thủ tục phế truất Tổng thống Mỹ : Người dân xem trực tiếp qua truyền hình

Les Echos Le Monde cùng chú ý đến một bước ngoặt mới trong thủ tục luận tội phế truất tổng thống Donald Trump. Kể từ hôm qua, 13/11, người dân Mỹ có thể trực tiếp theo dõi các buổi điều trần trước Hạ Viện. Theo Les Echos, mục tiêu phe Dân chủ nhắm đến là, với việc để người dân trực tiếp chứng kiến các nhân chứng mô tả các phương thức hành động, bị đánh giá bất hợp pháp, của tổng thống Trump tại Ukraine, công luận Mỹ sẽ ngả hẳn sang phía ủng hộ phế truất, và phe Cộng Hòa đang kiểm soát Thượng Viện sẽ phải thay đổi quan điểm, trong bối cảnh này.

Hiện tại, lập trường của phe Cộng hòa tại Thượng Viện không thay đổi. Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa, cho đến nay, vẫn ủng hộ các hành động của tổng thống, mà họ cho là đúng đắn, vì nằm trong chính sách gia tăng cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine. Nước Mỹ hiện đang rất bị chia rẽ về chủ đề này. Theo một thăm dò dư luận mới đây, 47% người Mỹ ủng hộ phế truất, 44% phản đối.

Bắc Kinh đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ, Ngân hàng Thế giới giảm đầu tư

Về Trung Quốc, Les Echos có bài "Bắc Kinh bị tố dùng tiền Ngân hàng Thế giới đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ". Trong một lá thư gửi đến ban lãnh đạo Ngân hàng Thế Giới, hai nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và James McGovern đã có những lời lẽ ngụ ý là số tiền (với tổng trị giá khoảng 50 triệu đô la) thoạt tiên được dành cho việc cải thiện mức sống của giáo viên và chi phí cho giáo dục tại Tân Cương, đã được sử dụng một phần để mua thiết bị để sử dụng tại "các cơ sở cải tạo" tại khu tự trị này, bị giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc là các trại giam trá hình của chính quyền Trung Quốc. Theo Les Echos, Ngân hàng Thế giới vừa quyết định cắt giảm tài trợ cho Trung Quốc trong lĩnh vực này.

"Hồng Kông thành chiến địa"

Vẫn về Trung Quốc, Le Monde chú ý đến xung đột hiện tại đã lan đến các trường Đại học lớn của đặc khu Hồng Kông, trong đêm thứ Ba qua ngày thứ Tư 13/11. Theo bài "Hồng Kông : Đại học, đích ngắm của cảnh sát", người lãnh đạo Văn phòng liên lạc Hoa Lục phụ trách Hồng Kông và Macao kêu gọi chính quyền đặc khu có các biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt các hành động bạo lực. Trong lúc đó, phong trào phản kháng không có dấu hiệu nhân nhượng. Có lời kêu gọi biểu tình tại 35 địa điểm trên khắp thành phố 21 giờ tối hôm qua. La Croix có bài phóng sự "Hồng Kông trở thành chiến địa".

Giao thông vùng thủ đô nước Pháp : Tỉ lệ đi xe hơi giảm mạnh

Trong lĩnh vực môi trường, nhiều báo Pháp chú ý đến việc số lượng các di chuyển hàng ngày bằng xe hơi tại vùng thủ đô nước Pháp sụt giảm. Trang nhất phụ trương Les Echos (Doanh nghiệp và Thị trường) chạy tựa "Bước thụt lùi lịch sử của việc di chuyển bằng xe hơi tại vùng Ile-de-France". Theo cơ quan Nghiên cứu về Giao thông (EGT), số lượng di chuyển bằng ô tô năm 2018 giảm 4,7% so với năm 2010. Cụ thể là, trong năm ngoái có 14,8 triệu lượt di chuyển/ngày, ít hơn 700 nghìn lượt so với hồi 2010. Số lượng sụt giảm này là rất đáng chú ý, vì số lượng lượt di chuyển tiếp tục tăng (5%), từ 41 triệu lên 43 triệu (do dân cư tăng). Một điểm đáng chú ý khác là tỉ lệ người đi xe đạp tăng mạnh (29%), theo Le Monde.

Raymond Poulidor mãi mãi trong trái tim người Pháp

Vận động viên đua xe đạp Raymond Poulidor, vừa qua đời, mãi mãi là hình ảnh đẹp trong trái tim người Pháp là chủ đề trang nhất của nhiều báo. Le Monde đưa tin trên trang nhất với nhận định : Raymond Poulidor biệt danh "Poupou", qua đời hôm 13/11, ở tuổi 83, nổi tiếng là tay đua "luôn xếp ở hạng thứ hai".

Cảm tình của người Pháp đối với "Poupou" một phần lớn là do niềm đam mê vô tận của vận động viên huyền thoại, sau bao nhiêu tai nạn, vẫn không rời đường đua. Và mối quan hệ của ông với nhà vô địch Jaques Aquetile, đối thủ sau này trở thành một người bạn thân thiết. Raymond Poulidor mang lại 189 giải thưởng cho nước Pháp, với các cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp và nhiều cuộc đua quốc tế khác.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế