Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Châu Âu khó xử trước cuộc khủng hoảng Catalunya, Tây Ban Nha (RFI, 03/10/2017)

Đối đầu tại Tây Ban Nha giữa phe đòi độc lập cho vùng Catalunya và chính quyền trung ương Madrid, có nguy cơ bùng phát thành xung đột sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 01/10/2017. Giới chính trị Châu Âu ở trong tình thế khó xử. Sau một phản ứng được đánh giá là dè dặt của người phát ngôn Ủy Ban Châu Âu, kêu gọi các bên đối thoại, Nghị Viện Châu Âu bắt đầu bàn về vấn đề này.

cata1

Biểu tình tại Barcelona Tây Ban Nha đòi độc lập cho vùng Catalunya. Ảnh ngày 02/10/2017. Reuters/Enrique Calvo

Theo đề nghị của ba đảng phái lớn, chiều mai 04/10, Nghị Viện Châu Âu sẽ tổ chức cuộc thảo luận với chủ đề : "Hiến pháp, Nhà nước pháp quyền và những quyền căn bản tại Tây Ban Nha, qua các diễn biến gần đây tại Catalunya".

Thông tín viên Anissa el-Jabri từ Strasbourg cho biết cụ thể,

"Rời phòng họp với nụ cười, ông Guy Verhofstadt là một trong các chính trị gia Châu Âu đầu tiên và hiếm hoi phát biểu về vấn đề này. Nghị sĩ Guy Verhofstadt lên tiếng ngay từ tối Chủ nhật, cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý và "bạo lực thái quá" của cảnh sát.

Hiển nhiên là, một cuộc thảo luận như vậy là điều khiến thủ lĩnh các đảng Tự Do tại Nghị Viện Châu Âu hài lòng. "Chúng ta sẽ thảo luận về mọi thứ, chúng ta sẽ nói về bạo lực, chúng ta cũng sẽ nói về các đảng chủ trương ly khai – chống lại quyết định của Tòa Bảo Hiến – quyết định dấn thêm một bước với cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng đặc biệt là chúng ta sẽ mở ra một cuộc đối thoại chính trị".

Đề nghị đối thoại chính trị, môi giới đàm phán là những điều khó có thể chấp nhận được đối với Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), mà thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy là một thành viên.

Giữa một bên là đòi hỏi đoàn kết chính trị và bên kia là nỗi lo trước chiều hướng diễn biến có thể vượt tầm kiểm soát, phó chủ tịch của nhóm đảng cánh hữu Châu Âu, bà Françoise Grossetête, tỏ ra hết sức thận trọng :

"Không có chuyện tranh luận. Tôi không muốn tham gia vào các vấn đề quan hệ giữa Catalunya-Tây Ban Nha. Ngược lại, điều làm tôi lo ngại, đó là tất cả những gì có thể đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha. Bởi vì tất cả những gì có thể xâm phạm đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu và làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu.

Một không khí kỳ lạ ngự trị tại Nghị Viện Châu Âu, một sự khó chịu thể hiện rõ. Các nghị sĩ Châu Âu Tây Ban Nha thuộc tất cả các đảng phái không tham dự buổi họp này".

Theo AFP, về phía nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ thủ tướng Tây Ban Nha, tái khẳng định quan điểm ủng hộ một nước Tây Ban Nha thống nhất theo Hiến pháp. Nhìn chung các nước Châu Âu rất dè dặt trong việc bình luận về các vụ việc được đánh là "nội bộ" của Tây Bay Nha, cũng ít có chỉ trích nào nhắm vào chính quyền Madrid.

Trong khi đó, từ Genève, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad al-Hussein bày tỏ hy vọng "tiến hành điều tra đầy đủ, độc lập và không thiên vị về các bạo lực", và "tình hình cần được giải quyết thông qua đối thoại chính trị".

Trọng Thành

*******************

Tây Ban Nha : Catalunya tổng đình công đòi độc lập (RFI, 03/10/2017)

Chính quyền Catalunya và các tổ chức đòi độc lập kêu gọi tổng đình công trong ngày 03/09/2017, để phản đối các biện pháp mạnh của chính phủ Madrid cản trở cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua. Câu lạc bộ bóng đá vô địch Barcelona cũng tham gia vào phong trào "bảo vệ quyền tự quyết".

cata2

Tổng đình công tại Caltalunya đòi độc lập. Ảnh ngày 03/10/2017. Reuters

Hành động phản kháng dân sự được tung ra trong bối cảnh chính quyền địa phương đề nghị Madrid đối thoại. Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên, kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha tìm một giải pháp ôn hòa.

Từ Barcelona, đặc phái viên Diane Cambon tường thuật :

"Đây là một phần trong chiến lược huy động sức mạnh một cách hoà bình. Cuộc tổng đình công tại Catalunya có mục đích tố cáo phản ứng bạo lực của chính quyền trung ương, qua lực lượng cảnh sát, hôm trưng cầu dân ý 01/10/2017. Khoảng 40 tổ chức nghiệp đoàn, chính trị và xã hội hy vọng sẽ làm tê liệt sinh hoạt của vùng tự trị.

Một sinh viên luật, ủng hộ đình công, giải thích : Cuộc động viên này sẽ có lợi cho vùng Catalunya vì nó cho phép báo động với thế giới những gì đang xảy ra tại nơi này.

Tuy nhiên, cũng như ngày trưng cầu dân ý vừa qua, xã hội Catalunya chia làm hai phe : kẻ bênh, người chống những yêu sách của cuộc đình công".

Tú Anh

****************

Catalunya : Chính phủ Tây Ban Nha mất uy tín, do bạo lực chống trưng cầu dân ý (RFI, 02/10/2017)

Hôm 01/10/2017, khoảng 5,3 triệu người Catalunya đã được kêu gọi tham gia cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của vùng này. Theo chính quyền Catalunya, tuy bị cảnh sát và hiến binh Tây Ban Nha ngăn chặn, khoảng 2,6 triệu người đã đi bỏ phiếu, tỷ lệ tham gia lên tới 42,3% và theo kết quả kiểm phiếu thì tỷ lệ ủng hộ Catalunya độc lập lên tới 90%.

cata3

Người biểu tình vì độc lập cho Catalunya đối mặt với lực lượng an ninh, ở Julia de Ramis, 01/10/2017. Reuters/Juan Medina

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh xẩy ra nhiều vụ bạo lực của cảnh sát, làm hoen ố hình ảnh của chính phủ trung ương, thủ tướng Mariano Rajoy ngày càng bị cô lập.

Từ Barcelona, thông tín viên François Musseau nhận định :

"Hình ảnh của thủ tướng Mariano Rajoy bị sứt mẻ đáng kể. Các vidéo quay cảnh bạo lực của cảnh sát nhắm vào các cử tri Catalunya ôn hòa, không vũ khí tự vệ đã được lưu truyền trên các mạng xã hội và được các đài truyền hình Tây Ban Nha và quốc tế đăng tải lại.

Về mặt chính trị, thủ tướng Rajoy bị cô lập hơn bao giờ hết và ông sẽ rất khó khăn để đối thoại với phe đối lập : đảng Podemos từ chối nói chuyện với ông. Đảng Xã Hội chỉ trích và coi ông là người không có khả năng, độc đoán.

Còn lãnh đạo phe đòi ly khai Carles Puigdemont, ông đã không thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý theo như mong muốn và không có ủy ban phụ trách bầu cử, vì ủy ban này bị tư pháp Tây Ban Nha giải tán. Ông đang lãnh đạo một xã hội Catalunya bị chia rẽ và phân cực hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chắc chắn là lãnh đạo phe đòi độc lập này có thêm những người ủng hộ vì ông đã biết khai thác vị trí thấp yếu của mình cũng như vai trò là nạn nhân của Nhà nước Tây Ban Nha.

Giờ đây, thủ lĩnh phe đòi độc lập phải đối mặt với tình hình rất phức tạp : hoặc là ông cho tổ chức ngay cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn và ông hy vọng sẽ giành được đa số tuyệt đối hoặc ông thực hiện điều đã hứa, đó là yêu cầu nghị viện đơn phương tuyên bố vùng này độc lập. Đây sẽ là cú nhẩy vào miền vô định mà Madrid sẽ không bao giờ chấp nhận".

RFI tiếng Việt

****************

Catalonia dành 'quyền có quốc gia riêng' (BBC, 02/10/2017)

Lãnh đạo vùng Catalonia ở Tây Ban Nha Carles Puigdemont cho biết họ đã giành quyền độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi và bị đàn áp bằng bạo lực.

cata4

Phái ly khai đòi tách khỏi Tây Ban Nha đã va chạm với cảnh sát

Ông nói cánh cửa đã mở ra cho tuyên bố độc lập đơn phương của Catalonia.

Các quan chức Catalonia cho biết 90% số cử tri đi bầu đã chọn độc lập trong cuộc bỏ phiếu hôm chủ nhật vừa qua. Tổng số cử tri đi bầu chiếm 42,3%.

Tòa án hiến pháp Tây Ban Nha ra lệnh cấm tổ chức cuộc bỏ phiếu này và hàng trăm người đã bị thương do cảnh sát sử dụng vũ lực để ngăn chặn.

Cảnh sát đã chiếm đoạt các hòm phiếu và phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói người dân Catalonia đã bị lừa tham gia vào một cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp.

Theo chính quyền Catalonia, hơn 2,2 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu trên tổng số 5,3 triệu cử tri.

Một phát ngôn viên nói rằng có hơn 750 nghìn phiếu bầu không được kiểm do các điểm bỏ phiếu bị đóng cửa và thùng phiếu bị tịch thu.

"Sau một ngày với nhiều hi vọng cũng như tổn thất, người dân Catalonia đã giành quyền độc lập để thành lập một nước cộng hòa", ông Puigdemont nói trên truyền hình.

cata5

Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont bên cạnh các thành viên trong chính phủ của ông khi đưa ra tuyên bố của mình.

"Chính phủ của tôi trong một vài ngày tới sẽ gửi kết quả bỏ phiếu hôm nay tới quốc hội Catalonia, nơi thuộc chủ quyền của người dân chúng tôi, để mọi việc được thực thi theo luật của cuộc trưng cầu ý dân".

Ông nói Liên Hiệp Châu Âu Âu không thể "tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ".

Thủ tướng Tây Ban Nha nói về "trò hề" dân chủ.

"Tại thời điểm này tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn nhất về những gì các bạn đã biết và đã nhìn thấy trong ngày hôm nay. Không có một cuộc trưng cầu ý dân nào xảy ra về việc ly khai của Catalonia", ông Rajoy nói.

Các đám đông người ủng hộ độc lập đã tập trung tại trung tâm thành phố Barcelona, thủ phủ của khu vực, vào tối chủ nhật, vẫy cờ và hát "quốc ca" Catalonia.

Những người biểu tình chống ly khai cũng diễu hành tại Barcelona và các thành phố khác ở Tây Ban Nha.

Trong một diễn biến khác, hơn 40 công đoàn và các tổ chức tại Catalonia kêu gọi đình công trên toàn khu vực vào thứ ba tới do "bạo lực chôn vùi nhân quyền và sự tự do".

Bạo lực tại Catalonia

Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy cảnh sát Tây Ban Nha đá các cử tri và kéo phụ nữ ra khỏi các điểm bỏ phiếu bằng cách túm tóc họ.

Cơ quan y tế Catalonia cho biết đã có 844 người bị thương trong các vụ xô xát, bao gồm 33 cảnh sát. Đa số chỉ bị thương nhẹ nhưng phải trải qua hậu quả tấn công tinh thần nghiêm trọng.

cata6

Một người phụ nữ bị thương ở đầu tại Barcelona

Tại Girona, cảnh sát chống bạo động đã tàn phá địa điểm ông Puigdemont dự định sẽ bỏ phiếu, và dùng vũ lực để đuổi người dân ở đó. Ông này đã bỏ phiếu tại một địa điểm khác.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy cảnh sát đã dùng dùi cui để đánh một nhóm lính cứu hỏa đang bảo vệ đám đông tại Girona.

Lực lượng cảnh sát quốc gia và Guardia Civil - một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ tương đương cảnh sát - được cử tới Catalonia với số lượng lớn để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.

Lực lượng cảnh sát Catalonia - Mosso d'Esquadra - nằm dưới quyền kiểm soát của Madrid, được nhiều nhân chứng cho rằng đã tỏ ra né tránh việc sử dụng vũ lực lên những người biểu tình.

Thị trưởng Barcelona Ada Colau chỉ trích hành động của cảnh sát lên những người dân vô tội tại khu vực, nhưng Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nói cảnh sát đã "hành xử đúng nghĩa vụ và phù hợp".

Cuộc bỏ phiếu diễn ra thế nào ?

Chính quyền Catalonia cho biết 319 trên 2300 điểm bỏ phiếu trên toàn khu vực đã bị đóng cửa bởi cảnh sát trong khi thông tin đưa ra từ chính phủ Tây Ban Nha là 92 điểm bỏ phiếu.

Từ thứ sáu, hàng ngàn người dân đã trực tại các trường học và tòa nhà được sử dụng làm điểm bỏ phiếu để giữ các địa điểm mở cửa.

Nhiều người có mặt bên trong là các phụ huynh và con em họ, đã ở lại các tòa nhà này sau khi giờ học hôm thứ sáu kết thúc và ngủ trong các túi ngủ trên đệm thể dục.

Tổ chức chống ly khai Societat Civil nói rằng cuộc bỏ phiếu này không theo đúng quy tắc bầu cử, với nhiều người dân bỏ phiếu hai lần.

Catalonia, một vùng khá giả với dân số 7,5 triệu người tại đông bắc Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.

Là khu vực có quyền tự trị cao, nhưng Catalonia không được công nhận là một quốc gia độc lập theo hiến pháp Tây Ban Nha.

*******************

Tây Ban Nha : Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập (BBC, 01/10/2017)

Cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Catalonia bắt đầu trong hỗn loạn, với những vụ đụng độ khi cảnh sát cố gắng ngăn chặn cuộc bỏ phiếu diễn ra.

cata7

Hình ảnh truyền hình cho thấy cảnh sát Tây Ban Nha đập vỡ cửa kính ở lối vào một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Catalonia hôm 01/10/2017.

Chính phủ Tây Ban Nha đã cam kết ngăn chặn một cuộc thăm dò được tòa án hiến pháp nước này tuyên bố là bất hợp pháp.

Cảnh sát đang ngăn chặn người dân bỏ phiếu và tịch thu các lá phiếu, hòm phiếu tại các điểm bỏ phiếu.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Catalan ở địa phương đã dự đoán một số lượng lớn cử tri tham gia.

Các lá phiếu chỉ có một câu hỏi : "Bạn có muốn Catalonia trở thành một quốc gia độc lập dưới hình thức một nền cộng hòa ?" Có hai hòm phiếu : Có hoặc Không.

Trước khi cuộc thăm dò dân ý khai mạc, chính phủ Catalan ở địa phương nói các cử tri có thể in ấn lá phiếu của họ và sử dụng bất kỳ điểm bỏ phiếu nào nếu nơi bỏ phiếu dành cho họ lúc đầu bị đóng cửa.

Đạp vỡ cửa kính

cata8

Cảnh sát Tây Ban Nha dùng sức mạnh ngăn chặn người dân địa phương đang tham gia bỏ phiếu về trưng cầu độc lập cho Catalonia.

Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy cảnh sát đập vỡ cửa kính tại lối vào của một trung tâm thể thao và dùng sức mạnh đẩy những người định bỏ phiếu ra ngoài.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters đưa tin cho hay ông Puigdemont đã bỏ được lá phiếu của mình.

Trong khi đó, tin tức từ Barcelona, thủ phủ của vùng này, cho hay hai người đã bị thương sau khi cảnh sát tấn công những người biểu tình ủng hộ độc lập.

Hàng ngàn người ủng hộ ly khai đã chiếm cứ các trường học và các tòa nhà khác là nơi được dự kiến sử dụng thành các trung tâm bỏ phiếu trước khi cuộc trưng cầu khai trương.

Rất nhiều người ở bên trong là các cha mẹ và con cái của họ, họ ở lại các tòa nhà này sau khi kết thúc ngày học từ hôm thứ Sáu và ngủ lại trên các túi ngủ hoặc những tấm nệm thườn dùng cho tập thể thao.

Ở một số khu vực, nhiều nông dân đã đỗ các cỗ xe máy kéo của họ trên đường và trước cửa các địa điểm bỏ phiếu, nhiều cánh cửa, hay cổng vào các trường học đã được gỡ bỏ để gây khó khăn cho việc chính quyền niêm phong, hay khóa lại các tòa nhà.

'Phải bị đuổi ra'

cata9

Một thanh niên địa phương đối diện với cảnh sát của chính quyền Madrid trước cuộc trưng cầu của người dân ở Catalonia.

Tuy nhiên, cảnh sát khẳng định các trạm bỏ phiếu sẽ không được phép mở và những người đang ở bên trong phải bị đuổi ra.

Các nhà tổ chức trưng cầu dân ý đã kêu gọi một cuộc kháng cự ôn hòa trước bất cứ hành động nào của cảnh sát.

Hàng ngàn cảnh sát đã được chính quyền từ Madrid gửi tới khu vực, nhiều người trong số này đóng quân trên hai tàu thủy neo đậu ở cảng Barcelona.

Chính phủ Tây Ban Nha đã đặt chính quyền địa phương tại Catalonia dưới sự kiểm soát của trung ương và ra lệnh cho các lực lượng đóng ở khu vực, Mossos d'Esquadra, giúp thực thi lệnh cấm trưng cầu dân ý mà Madrid cho là trái phép.

Trong một cuộc biểu dương sức mạnh trước cuộc thăm dò, nhà chức trách Tây Ban Nha đã tịch thu các tài liệu bầu cử, phạt tiền các quan chức hàng đầu của Catalan và tạm giam hàng chục chính trị gia.

Cảnh sát cũng đã chiếm trung tâm viễn thông của chính quyền cấp vùng.

Cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Catalonia thu hút sự chú ý của công luận, không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn được cho ở quốc tế và Châu Âu, trong đó đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu Âu (EU).

Nhiều quốc gia thành viên EU ngoài Tây Ban Nha cũng đã và đang đối diện với các mức độ tiềm tàng khác nhau của các phong trào ly khai, được cho là có thể gây tác động, ảnh hưởng bất lợi với ổn định của khối này, nhất là sau khi Brexit diễn ra ở Anh, trong khi tại Pháp và nhiều nơi khác, nhiều trào lưu ly khai, đòi độc lập lâu nay hiện hữu đang có xu hướng ít nhiều khởi động trở lại.

Published in Quốc tế