Donald Trump : "Nga và Trung Quốc phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ" (RFI, 19/12/2017)
Donald Trump coi Trung Quốc và Nga là những đối thủ chính đe dọa trực tiếp đến lợi ích của nước Mỹ . Trên đây là một trong những quan điểm chính thức được tổng thống Mỹ trình bày hôm qua 18/12/2017, trong bài diễn văn về "Chiến lược an ninh quốc gia".
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về "Chiến lược an ninh quốc gia". Ảnh ngày 18/12/2017, tại Washington. Reuters/Joshua Roberts
Bài diễn văn về "Chiến lược an ninh" của tổng thống Mỹ được dư luận rất mong đợi. Trước khi tổng thống Donald Trump phát biểu ít giờ, Nhà Trắng đã cho công bố văn kiện gồm 48 trang, trình bày quan điểm chiến lược của chính quyền Trump về các vấn đề liên quan đến an ninh của Hoa Kỳ. Một điểm đáng chú ý là tổng thống Trump đã chính thức vạch mặt chỉ tên Nga và Trung Quốc là hai đối thủ lớn chống phá lợi ích, an ninh của Mỹ.
Vẫn trên đường lối xuyên suốt "Nước Mỹ trước tiên" nhưng với giọng điệu gay gắt, tổng thống Donald Trump khẳng định : "Trung Quốc và Nga đang thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của nước Mỹ, họ đang cố phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ".
Diễn văn của tổng thống Mỹ tiếp tục bằng những lời lẽ tố cáo với hai đối thủ của Mỹ đang muốn tạo ra một thế giới đi ngược lại những giá trị và lợi ích của nước Mỹ, làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và gây chia rẽ các đồng minh và đối tác với Mỹ.
Sau những lời lẽ chỉ trích nặng nề, tổng thống Trump quả quyết : "Chúng ta sẽ cố gắng xây dựng quan hệ đối tác lớn với họ (Nga và Trung Quốc), với các nước khác, nhưng để làm sao vẫn luôn bảo vệ lợi ích quốc gia".
Đặt Nga vào vị trí đối thủ như vậy, nhưng trong diễn văn, tổng thống Donald Trump cũng không quên nhắc lại thành quả của sự hợp tác tình báo mới đây giữa Nga và Mỹ, phá được một âm mưu khủng bố lớn ở Saint Petersbourg.
Cuối cùng có một đối thủ đáng sợ hơn không được ông Trump định danh. Đó là biến đổi khí hậu không hề xuất hiện trong bất kỳ đoạn nào liên quan đến mối đe dọa đối với nước Mỹ.
Anh Vũ
***************
Trung Quốc bị một thất bại trong mưu toan thao túng chính trường Úc ? (RFI, 19/12/2017)
Ngày thứ Bảy, 16/12/2017 vừa qua, một cuộc bầu cử bổ sung vào Hạ Viện đã diễn ra tại thành phố Bennelong, bang New South Wales ở Úc, với kết quả là ứng viên đảng Tự Do đang cầm quyền John Alexander giành chiến thắng trước bà Kristina Keneally, ứng viên của đảng Lao Động.
Cử tri đảng Tự Do mừng thắng lợi của ứng viên của họ, John Alexander, tại Bennelong. Ảnh 16/12/2017. Reuters
Trong bối cảnh tranh cãi đang nổi lên giữa Bắc Kinh với chính quyền của thủ tướng Michael Turnbull về những lời tố cáo Trung Quốc mưu toan lũng đoạn đời sống chính trị Úc, cuộc bỏ phiếu tại Bennelong đã thu hút sự chú ý vì đây là một đơn vị bầu cử có đến hơn 20% cử tri là người gốc Hoa, nên được cho là rất dễ bị Trung Quốc tác động.
Trong một bài viết trước cuộc bỏ phiếu, nhật báo Úc tờ Sydney Morning Herald đã ghi nhận một sự kiện có thể làm tăng thêm mối nghi ngờ về việc Bắc Kinh thực sự muốn xen vào nội tình nước Úc : Đó là sự tồn tại của một "Lá thư bí ẩn kêu gọi người Úc gốc Hoa "hạ bệ" chính quyền Turnbull". Theo tờ báo, đây là một lá thư ngỏ với giọng điệu giận dữ, kêu gọi người Úc gốc Hoa hạ gục "đảng Tự Do cực hữu đang cầm quyền" bằng cách tẩy chay ứng cử viên đảng này là ông John Alexander, và dồn phiếu cho đối thủ của ông là bà Kristina Keneally, ứng viên của đảng Lao Động.
Yếu tố khiến người ta nghi ngờ rằng đây là một lời kêu gọi do Bắc Kinh xúi giục là sự kiện bức thư dài khoảng 1700 từ, ký tên "Một nhóm Hoa Kiều xem Úc là nhà của mình", đã được một người bị cho là đã tiếp xúc với cơ quan phụ trách hoạt động hải ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc, phổ biến trên mạng.
Lá thư có đoạn : "Khi nhìn lại đảng Tự Do, chúng tôi thấy là đảng này đã hoàn toàn khác so với trước đây. Bây giờ đó là một đảng cực hữu cầm quyền và chống Trung Quốc, chống người Trung Quốc, chống người nhập cư gốc Hoa và sinh viên quốc tế người Hoa... Vì lợi ích của người Hoa hãy vận động, chia sẻ thông điệp này và sử dụng lá phiếu trong tay để hạ bệ đảng Tự Do cầm quyền cực hữu này".
Lá thư ngỏ còn tố cáo đảng Tự Do là đã có thái độ "thù nghịch" trên vấn đề Biển Đông, phá vỡ sự tin tưởng lẫn nhau giữa Úc và Trung Quốc, và không ngần ngại đe dọa : "Nếu tình hữu nghị Úc–Trung có vấn đề, thương mại giữa hai bên sẽ suy giảm".
Dù không biết ai là tác giả, nhưng theo tờ báo Úc, bức thư đã được Ngạn Trạch Hoa (Yan Zehua), một công dân Úc sống ở Sydney đưa lên mạng xã hội Trung Quốc Wechat. Nhân vật này là phó chủ tịch hội Thống Nhất Hòa Bình Trung Quốc tại Úc, một tổ chức cho đến gần đây vẫn được Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một ty' phú người Hoa nhiều tai tiếng, tài trợ và điều hành.
Hiệp hội này cũng có liên quan đến một hiệp hội tương tự ở Trung Quốc do các quan chức thuộc ban Mặt Trận Thống Nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Đây là ban đặc trách xây dựng ảnh hưởng Trung Quốc ở hải ngoại.
Ông Ngạn Trạch Hoa đã gặp một quan chức của ban này hồi tháng 10 vừa qua. Theo một bản tin trên trang mạng của chính quyền Thượng Hải, nhân một cuộc họp vào năm 2012 với các viên chức của ban Mặt Trận Thống Nhất, ông Ngạn Trạch Hoa đã được yêu cầu là phải sử dụng tổ chức Hoa Kiều của ông là Câu Lạc Bộ Hữu Nghị Úc-Thượng Hải, để thắt chặt quan hệ giữa người Úc gốc Hoa với Trung Quốc và cổ vũ cho tình hữu nghị Úc–Trung. Một bản báo cáo của Liên Hội Kinh Doanh Thượng Hải cũng cho biết là nhân vật này cũng nằm trong phái đoàn của hội Thống Nhất Hòa Bình Trung Quốc tại Úc tiếp xúc với các quan chức Mặt Trận Thống Nhất vào năm 2013.
Trả lời hãng truyền thông Úc Fairfax Media, thoạt đầu ông Ngạn Trạch Hoa đã phủ nhận việc ông đã tiếp xúc với các quan chức thuộc ban Mặt Trận Thống Nhất Trung Quốc, nhưng sau đó đã thừa nhận rằng "có thể" là ông đã gặp một số người nhân các sự kiện tổ chức ở Úc và Thượng Hải. Thế nhưng ông khẳng định : "Đấy không có gì là quan trọng, không phải là một vấn đề".
Về cuộc bỏ phiếu, một người Hoa ở Sydney quen biết với ông Ngạn Trạch Hoa đã xác nhận rằng các hiệp hội người Hoa ở Bennelong đã nỗ lực vận động người gốc Hoa bỏ phiếu cho bà Keneally. Theo nguồn tin này thì "Các hiệp hội đó rất thân cận với cơ quan đặc trách người Hoa hải ngoại của chính phủ Trung Quốc"
Theo The Sydney Morning Herald, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả ban Mặt Trận Thống Nhất như là một "vũ khí kỳ diệu" và tầm quan trọng của cơ quan bí mật này trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã được nâng cao sau lời nhấn mạnh đó trên nhiệm vụ, trong đó có những hoạt động nhằm tăng cường ảnh hưởng Trung Quốc ở hải ngoại.
Bức thư dường như đã phản ánh quan hệ ngày càng căng thẳng hơn giữa hai chính quyền Bắc Kinh và Canberra từ khi khi Úc bắt đầu hành động chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc.
Lá thư chống đảng Tự Do Úc được tung ra sau khi thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc và thông báo luật mới dựa trên quy định đối với các tác nhân ngoại quốc của Mỹ. Một dấu hiệu khác là vụ thượng nghị sĩ đầy thế lực Sam Dastyari của đảng Lao Động phải từ nhiệm sau những tiết lộ về quan hệ gần gũi của ông với những nhà tài trợ người Úc gốc Hoa.
Sau khi Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc ngày 11/12 chỉ trích gay gắt chính quyền Úc, cho rằng Canberra và truyền thông Úc đã có thái độ kỳ thị chủng tộc khi cáo buộc Trung Quốc, truyền thông Hoa ngữ tại Úc đã thay đổi hẳn giọng điệu về cuộc bầu cử ở Bennelong, một thay đổi mang ý nghĩa quan trọng vì Bennelong có tỷ lệ người Úc gốc Hoa cao nhất nước Úc.
Đảng Lao Động đã xác định rằng họ không biết gì về bức thư, về tác giả hay người loan tải là ông Ngạn Trạch Hoa. Tổng thư ký của đảng Lao Động tại bang New South Wales thì cho rằng chính các quan diểm bài Trung Quốc của ông Turnbull đã làm cho cộng đồng người Úc gốc Hoa phải cảnh giác".
Đảng Tự Do vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử
Kết quả cuộc bầu cử ngày 16/12 vừa qua tại Bennelong tuy nhiên vẫn không thuận lợi cho đảng Lao Động. Người gốc Hoa, chiếm 21% dân số của Bennelong, theo cuộc điều tra dân số năm 2016, quả là đã có chuyển hướng bầu cho bà Keneally, nhưng không đủ để đánh bại ông Alexander của đảng Tự Do.
Tờ báo mạng Asia Times tại Hồng Kông vào hôm qua, 18/12, đã có bài phân tích về kết quả cuộc bầu cử mà trong đó "vấn đề Trung Quốc" nổi cộm. Về lá phiếu của người Úc gốc Hoa, Asia Times đã dẫn phân tích của nhật báo Úc The Australian ghi nhận rằng cử tri gốc Hoa phần lớn đã quay sang bầu cho đảng Lao Động.
Các dấu hiệu rõ nhất về hiện tượng này là tại những nơi mà cư dân gốc Hoa đông đảo nhất, tỷ lệ phiếu bầu thêm cho đảng Lao Động so với kỳ bầu cử trước đây thuộc diện cao nhất.
Tại hai vùng ngoại ô Bennelong, nơi mà các cử tri gốc Hoa chiếm đến 34,5% và 32% cư dân, tỷ lệ bầu thêm cho đảng Lao Động lên đến 12% - tăng gấp đôi so với mức bình quân của toàn thành phố là 5%.
Cũng như vậy, trong số 16 phòng phiếu mà tỷ lệ phiếu bầu thêm cho đảng Lao Động cao hơn mức trung bình, lượng cử tri gốc Hoa chiếm hơn 20% dân số.
Theo Asia Times, điều đó chứng tỏ là lập luận chống Trung Quốc của chính quyền Úc không thu hút được thành phần cử tri gốc Hoa. Câu hỏi đặt ra là liệu quan điểm đó có thu hút các thành phần cử tri khác tại Úc hay không. Câu trả lời sẽ được thấy trong cuộc tổng tuyển cử tới đây.
Mai Vân
************************
Trung Quốc : 10 án tử hình trong phiên xử giữa sân vận động (RFI, 19/12/2017)
Theo AFP, hôm qua, 18/12/2017, một phiên toà được tổ chức giữa một sân vận động thành phố Lục Phong (Lufeng) tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người và đã tuyên 10 án tử hình. Các bị cáo bị thi hành án ngay sau khi lĩnh án.
Cảnh sân vận động thành phố Lục Phong, Quảng Đông, nơi một phiên tòa tuyên 10 án tử hình, và thi hành ngay, ngày 18/12/2017. capture d'écran
Trước đó bốn ngày, người dân địa phương đã được thông báo mời dự phiên toà qua một thông cáo đăng trên mạng xã hội. Đúng ngày xử án hôm qua, hàng ngàn người đã có mặt tại sân vận động, trong đó có cả nhiều học sinh sinh viên mặc đồng phục. Rất đông người có mặt trên sân vận động đã dùng điện thoại ghi hình phiên xử án.
Một vidéo đăng tải trên mạng internet cho thấy 10 bị cáo được đưa lần lượt lên trên một bục gỗ được dựng ngay trên đường chạy điền kinh của sân vận động. Phiên xử diễn ra công khai trước dân chúng. Cuối cùng toà đã tuyên tất cả 10 án tử hình, trong đó 7 bị cáo bị buộc tội buôn ma tuý, 3 bị kết tội giết người.
Tuy nhiên, việc chính quyền tỉnh Quảng Đông tổ chức phiên toà như buổi biểu diễn đã bị chính truyền thông chính thức Trung Quốc phê phán.
Nhật báo Tin tức Bắc Kinh (Beijing News) bình luận, "người ta có thể tổ chức phiên xử công khai để răn đe tội phạm và để dân chúng yên tâm, nhưng không được vi phạm tính nhân đạo của luật pháp".
Ngay sau khi bị kết án, 10 tử tù đã bị dẫn giải đi hành quyết. Quyết định thi hành án ngay lập tức của toà cũng bị báo chí chính thức Trung Quốc lên án là tạo ra không khí bi thảm.
Theo tờ Global Times, tại thành phố Lục Phong này, năm 2015 cũng đã diễn ra một phiên toà ngoài trời tương tự, xử các tội phạm buôn bán ma túy trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn người.
Theo các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, Trung Quốc là nước thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới, cho dù bắc Kinh không bao giờ công bố chính thức số án tử hình.
Anh Vũ