Chiến tranh thương mại : kẻ khóc người cười (VOA, 10/07/2018)
Mọi người không nói về đánh thuế thương mại tại dải đất thuộc lưu vực sông Mississippi ở bang Missouri này, nơi mà nhiều thế hệ người Mỹ đã sống nhờ vào canh tác các loại hạt và sản xuất kim loại.
Một trang trại tại bang Missouri.
Họ né tránh chủ đề này tại các buổi gây quỹ ở nhà thờ và không muốn nhắc tới nó tại các quán Jerry’s Café và Quick Stop nơi các nông dân và các công nhân nhôm nói chuyện phiếm về đủ mọi thứ trên đời.
Chính tại đây, kẻ được-người mất trong chính sách chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump đang sống cạnh nhau.
Việc ông Trump áp thuế lên kim loại nhập khẩu, bao gồm nhôm và thép, có vai trò quan trọng trong việc hồi sinh một nhà máy nhôm mà đa số người dân địa phương xem như đã chết rồi. Nhưng ở những cánh đồng xung quanh nhà máy và trên khắp quận hạt, các nông dân đang lo lắng trước sự trả đũa đối với các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Họ hoãn mua thêm máy móc thiết bị, cho những người đi săn thuê đất và bán sớm mùa màng trước khi thu hoạch trong nỗ lực chốt được giá của ngày hôm nay do lo sợ giá bán sẽ giảm vào ngày mai.
"Mọi người không muốn nói về thương mại", ông Justin Rone, một nông dân ở một gia đình có truyền thống canh tác đậu nành và cotton lâu đời, nói. "Sẽ dễ chịu hơn nếu anh nói làm cách nào để trồng trọt tốt nhất, đi cúi đầu xuống và cầu nguyện".
Nỗi sợ của các nông dân đã thành hiện thực hôm 6/7 khi Hoa Kỳ và Trung Quốc áp thuế quan lên 34 tỷ đô la giá trị hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước. Nhiều nhà xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ, trong đó có đậu nành, giờ phải đối mặt với mức thuế 25%.
Ông Neil Priggel biết rõ hai mặt của tác động của chiến tranh thương mại đối với cộng đồng của ông. Ông từng làm việc tại nhà máy nấu chảy nhôm Noranda trước khi nó phá sản hồi năm 2016. Đồng thời ông cũng điều hành nông trại rộng 4.000 mẫu đất cùng với hai người anh em.
Khi ông Trump loan báo sẽ áp thuế nhôm và thép hồi tháng Ba, ông Priggel nhìn chằm chằm vào màn ảnh truyền hình và nghĩ : chúng ta được cứu rồi. Chúng ta sẽ có công việc trở lại.
Nhưng liền sau đó, ông ấy lại nghĩ : Cần phải bảo vệ nông trại thôi.
Priggel và những người nông dân ở đây, nơi khoảng 70% cử tri ủng hộ ông Trump, biết rõ rằng mùa màng của họ là mục tiêu hiển nhiên của những nước muốn phản công lại chính sách thuế Mỹ. Họ cũng biết rằng việc đánh thuế vào kim loại nhập khẩu sẽ kéo những người chủ mới về đây mở lại các nhà máy nhôm và thép vốn từ lâu giúp cho những người láng giềng của họ có tiền trả tiền vay ngân hàng mua nhà, tiền mua xe và vật dụng hàng ngày.
Bà Kathee Brown đã làm việc ở Noranda được ba thập niên. Hồi tháng Ba bà quay lại bộ phận nhân sự chỉ gồm một người của nhà máy có tên gọi là Magnitude 7 Metals. Điện thoại của bà reo liên tục.
Có thật là nhà máy sẽ mở cửa trở lại không ?
Cô có nhận được hồ sơ xin việc của tôi không ?
Trên bàn làm việc bám đầy bụi bẩn của mình với những ngăn kéo còn chất đầy những hóa đơn cũ, bà đang kiểm tra hộp thư thoại – một lần nữa lại đầy. Nhiều người gọi đến là những công nhân cũ ở nhà máy ; đôi khi họ trào nước mắt khi nhận được cuộc gọi lại của bà.
Giờ đây, người chủ mới của nhà máy có kế hoạch tuyển 465 nhân công – nhiều hơn gấp đôi số nộp hồ sơ xin việc.
Đưa nhà máy nấu nhôm mở cửa trở lại là một nỗ lực lớn, người dân địa phương cho biết, cũng giống như khi họ có nhà máy trả lương cao này mở cửa lúc đầu tại vùng nông thôn này của bang Missouri.
Các công nhân đã trải qua những năm tháng giá nhôm bị giảm, đình công, suy thoái và đấu tranh với các công ty cung ứng điện. Công ty đã cắt giờ làm rồi sa thải nhân công, người dân địa phương cho biết.
Tuy nhiên nhà máy đã đóng cửa vào đầu năm 2016 sau một loại cú sốc khiến họ chao đảo : giá nhôm toàn cầu đi xuống ; một quỹ cổ phần riêng ở New York mắc khoản nợ 1 tỷ đô trong một vụ mua lại tài sản bằng vốn vay ; một vụ nổ làm cho khu xưởng cán nhôm tê liệt và tình trạng thiếu điện đã khiến hai dây chuyền sản xuất bị đóng cửa.
Khoảng 1.000 người phải đi tìm công việc khác và thường là được trả lương thấp hơn, ông Mark Baker, nông dân và là ủy viên hội đồng của Quận hạt New Madrid, cho biết.
"Người ta mất nhà", ông Dick Bodi, thị trưởng của New Madrid, bang Missouri, nói. "Người ta ly dị".
Ngân sách cho cảnh sát và cứu thương ở khu vực bị cắt giảm. Quận hạt này đã lâm vào cảnh nợ nần trong hai năm, ông Baker nói. Công ty Noranda không thể nào trả được khoản thuế 3,1 triệu đô cho New Madrid, khiến việc làm bị cắt giảm và công việc sửa chữa trường học phải dừng lại, ông Sam Duncan, người giám sát hệ thống trường trong quận hạt cho biết. Khi các gia đình chuyển đi nơi khác, số học sinh trong quận đã giảm 10%, Duncan nói.
Nhưng đa số mọi người ở lại và thường là chuyển sang các lĩnh vực khác để tìm việc.
"Những người duy nhất cần thuê mướn nhân công là nông dân", anh Dalton Bezell, 31 tuổi, từng làm việc cho hãng Noranda, nói.
Vào cuối mùa hè, lực lượng lao động của Noranda đã giảm xuống còn chín người và những người này chỉ kiếm được một phần trong mức lương trước kia của họ. Công việc của họ là đảm bảo duy trì nhà máy và tìm cách phục hồi nó.
Ông Steve Rusche, giờ đây là giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, là một trong số 9 người đó. Ông đã chứng kiến những người có ý định mua lại nhà máy đi tham quan cơ sở - không phải mua về để cho nó hoạt động trở lại mà là để rã nó ra và bán sắt vụn. Tuy nhiên, một công ty lại làm khác ; đó là Magnitude 7 Metals LLC do thương gia nhôm Matt Lucke sáng lập. Ông Lucke muốn vận hành nhà máy nếu nó đứng vững về mặt tài chính, Rusche nói.
Cơ quan lập pháp của bang Missouri do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã hỗ trợ bằng cách thông qua một đạo luật gây tranh cãi giúp cho các nhà máy dễ dàng thuê mướn những nhân công không là thành viên công đoàn. Những nhân viên còn lại của Noranda cũng giúp thương thảo giảm được giá điện và giữ giá nguyên liệu đầu vào cho công ty mới.
"Điểm xoay chuyển tình thế là khi có tin từ Washington là Mỹ sẽ đánh thuế kim loại", ông Rusche nói.
Tháng Sáu vừa qua, giám đốc điều hành của Magnitude 7 Metals, ông Bob Prusak đã ra làm chứng trong một phiên điều trần Bộ Thương mại trong nỗ lực điều tra của Bộ về nhôm nhập khẩu. Ông nói rằng thuế quan ‘không phải là không quan trọng để giúp chúng tôi đứng vững và hoạt động trở lại".
Thêm nhiều nhà đầu tư nữa tham gia vào nỗ lực này để ông Trump đe dọa và sau đó là áp thuế kim loại. Nhà máy của ông Prusak đã tăng cường tuyển dụng và mở dây chuyền sản xuất đầu tiên hôm 14/6.
"Giờ đây đã có hy vọng", ông Bodi, thị trưởng New Madrid nói.
Tuy nhiên, hy vọng đó lại mờ dần trên những trang trại của quận hạt New Madrid. Khu vực này là nơi sản xuất đậu nành và bắp hàng đầu của Missouri hồi năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hãng DuPont Pioneer có một nhà máy sản xuất hạt đậu nành khổng lồ ở đây. Bờ sông gần đó có đầy những kho chứa và những cầu chuyển hàng xuống tàu do công ty Archer Daniels Midland, nhà giao dịch hạt toàn cầu, vận hành.
Những nông dân trồng hạt ở địa phương bán hầu hết thu hoạch của họ cho những trạm thu mua ven sông để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài do nhu cầu ít ỏi ở trong nước. Những nhà thu mua vận chuyển hàng xuôi dòng Mississippi xuống các cảng ở vịnh Mexico để phân phối ra quốc tế.
Trước khi có chiến tranh thương mại, các nông dân đã bị tổn thương với thu nhập ròng bị giảm trong những năm gần đây do tình trạng dư thừa hạt toàn cầu kéo giá đi xuống.
Khoảng phân nửa lượng đậu nành trồng ở Mỹ hồi năm ngoái là để xuất khẩu, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp. Trên một phần tư sản lượng thu hoạch, trị giá 12,3 tỷ đô la, là xuất sang thị trường Trung Quốc. Dữ liệu của chính quyền liên bang cho biết bang Missouri xuất khẩu lượng hàng hóa nông nghiệp trị giá 2 tỷ đô la.
Một số người làm công trong nông trại của ông Rone nói rằng họ biết ơn ông vì đã tạo công ăn việc làm cho họ sau khi họ mất việc ở nhà máy nhôm. Nhưng với việc nhà máy mở cửa trở lại, họ đang xin vào làm công việc cũ.
"Tôi cảm thấy vui cho họ. Ai cũng vậy", ông Rone nói. "Nhưng đối với chúng tôi, đối với các nông dân, mọi việc cần phải chờ xem".
Priggel và các anh em của ông đã ký hợp đồng bán trên phân nửa bắp, đậu nành và cotton họ trồng vào mùa xuân năm nay – một động thái để giữ trước giá phòng khi chiến tranh thương mại đẩy giá sản phẩm của họ xuống. Hồi tháng Sáu, các hợp đồng mua bán trước đậu nành của Mỹ đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Nhà tiếp thị cotton Barry Bean ở bang Missouri cho biết một trong số các nông dân đã quá lo sợ về các đe dọa thuế quan đến nỗi ông ta đã bán trước gần 80% sản lượng thu hoạch ngay cả trước khi xuống giống trồng trọt vào mùa xuân này. Ông ấy không có bảo hiểm mùa màng nên ông ấy chỉ có nước gọi cho ông Bean liên tục để nài ép ông mua thêm nhiều cotton dù cotton còn đang trong giai đoạn phát triển trên các cánh đồng.
"Thôi nào", Bean cứ phải nói với ông ấy. "Nếu có chuyện gì xảy ra – nếu thời tiết bất lợi (làm cho mùa màng thất bát khiến không có sản phẩm giao cho khách hàng) thì anh sẽ gặp rắc rối lớn đấy".
Còn ông Bobby Aycock, nông dân trồng đậu nành thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình, đã phải cắt giảm chi phí vận hành, tránh mua thêm thiết bị mới và cho thuê một phần đất nông trại của gia đình.
Theo Reuters
*******************
Vụ chìm tàu ở Phuket : Bộ trưởng Thái Lan quy lỗi công ty Trung Quốc (VOA, 10/07/2018)
Một Bộ trưởng Thái Lan quy trách nhiệm các công ty điều hành du lịch Trung Quốc gây ra tai nạn làm chết hơn 40 người, đa số là các du khách Trung Quốc, trong vụ lật tàu ngoài khơi một hòn đảo nghỉ mát hồi cuối tuần trước.
Thợ lặn tìm thấy một thi thể trong cuộc tìm kiếm ngoài khơi Phuket, Thái Lan, ngày 6/7/18.
Hiện các thợ lặn vẫn tiếp tục tìm kiếm 11 người còn mất tích.
Con tàu có tên Phượng Hoàng bị chìm khi ra khơi hôm 5/7 ở phía tây đảo Phuket với 101 người trên boong, trong đó có 89 du khách mà 87 người đến từ Trung Quốc, trong một chuyến đi ra một hòn đảo nhỏ để lặn snorkel.
Số tử vong có nhiều khả năng sẽ vượt qua mốc 50, khiến vụ này trở thành thảm họa du lịch tồi tệ nhất ở Thái Lan trong nhiều năm và làm nổi bật quan ngại lâu nay về mức độ an toàn của ngành công nghiệp du lịch ở quốc gia Đông Nam Á này.
Vào mùa mưa hiện nay, miền nam Thái Lan thường có gió giật mạnh và sóng cao, nhất là ở bờ biển phía Tây của nước này và câu hỏi đang được đặt ra là tại sao con tàu này lại ra khơi bất chấp cảnh báo thời tiết xấu.
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan quy lỗi các công ty lữ hành Trung Quốc là không tuân thủ các quy định về an toàn của Thái.
"Một số công ty Trung Quốc sử dụng người Thái để đưa khách Trung Quốc vào… họ không tuân theo cảnh báo… đó là lý do chuyện này xảy ra. Việc này cần phải được điều chỉnh", ông Prawit nói.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc hôm 7/7 ra công văn khẩn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tra cứu về các công ty du lịch trên mạng trước khi mua tour ở nước ngoài.
Nhiều du khách trên tàu Phượng Hoàng đã tự đặt tour thông qua các công ty trên mạng, Bộ này cho biết.
Bộ Du lịch Thái cho biết sẽ bồi thường 1 triệu baht (tương đương 30.202 đô la Mỹ) cho mỗi gia đình nạn nhân thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, hôm 9/7 nói Bắc Kinh đã yêu cầu Chính phủ Thái mở rộng nỗ lực cứu hộ, bảo vệ quyền lợi của công dân Trung Quốc và điều tra đầy đủ nguyên nhân vụ tai nạn.
Du khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong tổng số 35 triệu du khách đến Thái Lan trong năm ngoái.
Theo Reuters
Trung Quốc thề sẽ trả đũa Hoa Kỳ với "bất cứ giá nào" trong cuộc chiến thương mại (CaliToday, 06/04/2018)
Hôm thứ sáu 6/4 chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa Hoa Kỳ ‘bằng mọi giá’ sau khi Tổng thống Trump loan báo sẽ gia tăng thêm thuế cho các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc tổng cộng trị giá 100 tỉ đô la hôm qua.
Tổng thống Trump tiếp tục tăng thuế cho các mặt hàng từ Trung Quốc, trong khi Tập Cận Bình cũng lên tiếng đáp trả lại khi tăng thuế các mặt hàng nhập từ Hoa Kỳ . Photo Credit : NBC
Cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường nhất nhì thế giới về kinh tế đang có vẻ tăng thêm từng ngày. Chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh loan báo sẽ tăng thuế lên hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỉ đô la, Tổng thống Trump trả lời ngay lập tức.
Bộ Thương Mại Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc không muốn có một Cuộc chiến thương mạinhưng ‘sẽ không sợ hãi nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra’. Trong tuyên bố của mình, Bộ này cho hay : "Trung Quốc sẽ cương quyết đáp trả đến cùng, nếu như Hoa Kỳ tiếp tục chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Trump"
Hãng tin Reuters trích thuật một bài xã luận của tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, trong đó có đoạn như sau : "Những hù dọa mới nhất từ Mỹ phản ảnh mối thù ghét sâu đậm của một số giới lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc"
Sau vài ngày bị rối loạn vì viễn ảnh một trận chiến thương mại giữa hai siêu cường, các thị trường chứng khoán đã khá bình ổn từ hai ngày qua, với hy vọng của nhiều nhà đầu tư là Trung Quốc và Hoa Kỳ rồi ra sẽ tìm một giải pháp ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng buôn bán hiện nay.
Nhưng thái độ quá cứng của cả hai chính phủ khiến hôm thứ sáu đồng đô la bị mất giá trên các thị trường, các thị trường chứng khoán của Mỹ và của Châu Á đều bị giảm giá cổ phiếu.
Đaị diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer gọi hành động mới nhất của Bắc Kinh là ‘không thể biện minh được’ và cho hay ‘hành động của Tổng thống Trump là đáp trả đúng đắn cho các đe dọa tăng thuế của Trung Quốc mới đây’
Trần Vũ
*************************
Mỹ, Trung Quốc leo thang khẩu chiến thương mại (VOA, 06/04/2018)
Thách thức chiến tranh thương mại qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao hôm 6/4 sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thêm thuế với tổng trị giá 100 tỷ USD lên các mặt hàng của Trung Quốc và Bắc Kinh cảnh cáo sẽ đấu với Mỹ "bằng mọi giá".
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang nhất một tờ báo Trung Quốc với tựa đề "Người ngoài chống trả" tại một sạp báo ở Bắc Kinh tháng 10/2016. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đe dọa lẫn nhau bằng các biện pháp trả đũa về thương mại.
Tổng thống Trump nói hôm 5/4 rằng ông đã ra lệnh cho cơ quan đại diện thương mại Mỹ xem xét áp thêm thuế sau khi Trung Quốc đưa ra một danh sách các mặt hàng của Mỹ, gồm đậu nành và máy bay loại nhỏ, sẽ bị đánh thuế nhập khẩu với tổng trị giá 50 tỷ USD. Hồi đầu tuần, Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế thêm 50 tỷ USD lên các mặt hàng của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một thông cáo ra ngày 6/4 rằng nếu Washington khăng khăng với cái mà Bắc Kinh gọi là chủ nghĩa bảo hộ thì Trung Quốc sẽ "làm đến cùng và bằng mọi giá và chắc chắn sẽ quyết liệt đáp trả".
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau chỉ thị mới nhất của Tổng thống Trump. Chỉ số Dow hợp đồng kỳ hạn tụt dốc và mất khoảng 400 điểm trong giao dịch sau giờ thị trường đóng cửa.
Các thị trường tài chính giao động mạnh trong mấy ngày qua trước nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
"Thay vì sửa đổi những cách thức bất hợp lý của mình, Trung Quốc lại chọn cách gây tổn hại thêm cho các nông dân và những nhà sản xuất", Tổng thống Trump nói.
Kể từ đầu tuần này, Mỹ và Trung Quốc đã lời qua tiếng lại về những bất đồng thương mại. Hôm 2/4, để đáp trả việc tăng thuế trước đó của chính quyền Trump lên thép và nhôm, Trung Quốc bắt đầu đưa ra mức tăng thuế lên 25% đối với 128 mặt hàng của Mỹ, bao gồm hoa quả, các loại hạt, thịt lợn, rượu, thép và nhôm.
Sau đó cùng ngày, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đề xuất tăng thuế lên 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hầu hết trong các lĩnh vực hàng không, y tế và các sản phẩm công nghệ thông tin.
Chưa đầy 12 tiếng sau, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch áp mức thuế 25% để trả đũa lên 106 mặt hàng nhạy cảm về chính trị, bao gồm đậu nành, ô tô và máy bay.
Danh sách được đề xuất của Mỹ giờ đây đang được đưa ra cho công chúng "xem xét và cho ý kiến, bao gồm một buổi điều trần", theo USTR. Sau khi quy trình này hoàn tất, USTR sẽ công bố quyết định cuối cùng về các mặt hàng sẽ bị áp thuế thêm.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói câu hỏi là khi nào thì các biện pháp mà họ đưa ra sẽ có hiệu lực sẽ phụ thuộc vào việc khi nào thì việc tăng thuế của Mỹ được áp dụng.
Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải nói với các phóng viên hôm 3/4 rằng "việc đàm phán vẫn sẽ là giải pháp mà chúng tôi mong muốn hơn nhưng cần phải có cả 2 bên cùng đồng lòng. Chúng tôi chờ xem Mỹ sẽ làm gì tiếp theo".
*******************
Vũ khí trị giá 1,17 ngàn tỷ USD mà TQ có thể sử dụng trong cuộc chiến mậu dịch với Mỹ (CaliToday, 06/04/2018)
Cuộc chiến mậu dịch toàn diện, các nhà kinh tế và các đầu tư lo lắng về các kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, vì như thế nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa - Photo Credit : AP
Cuộc chiến mậu dịch toàn diện, các nhà kinh tế và các đầu tư lo lắng về các kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, vì như thế nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.
"Chiến tranh ngôn từ" giữa hai bên đã leo thang. Hôm qua Bắc Kinh loan báo tăng thuế đánh vào các mặt hàng nhập cảng từ Mỹ trị giá 50 tỉ đô la, nhằm trả đũa lại biện pháp tăng thuế 25% mà chính phủ Hoa Kỳ áp đặt lên các sản phẩm nhập vào từ Trung Quốc.
Ngay lập tức các thị trường tài chính trên thế giới biến động theo, chỉ số các cổ phiếu hôm nay giảm hơn 1%, sau đó hồi phục lại vào buổi chiều, nhưng mọi người vẫn lo lắng với câu hỏi : chuyện gì sẽ tiếp diễn nữa đây.
Nếu cuộc chiến mậu dịch leo thang, sẽ có thêm những vụ tăng thuế lên thêm nhiều mặt hàng nữa của cả đôi bên, nhưng Trung Quốc có thể sử dụng đến một vũ khí đáng sợ khác, đó là họ sẽ mang ra bán tháo bán đổ trị giá 1.17 ngàn tỉ đô la về trái phiếu mà họ đang có trong tay do Bộ Tài Chính Hoa Kỳ phát hành.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc bỏ tiền ra mua trái phiếu này khá mạnh, một phần cũng vì họ cần đồng đô la để chi xài, họ cũng cần dùng số tiền này đầu tư và trái phiếu Hoa Kỳ chính là nguồn đầu tư an toàn nhất.
Jeff Mills, nhà đầu tư chiến lược của PNC Financial Service Group, nhận xét như sau : "Nay nếu vì ‘nổi nóng’ vì đường lối mậu dịch của Tổng thống Trump mà Bắc Kinh mang số cổ phiếu này ra bán ồ ạt thì chắc chắn chuyện này sẽ gây xáo trộn rất lớn trên các thị trường tài chính thế giới"
Ông Mills nhận định là việc làm này của Bắc Kinh sẽ khiến tỉ lệ phân lời gia tăng và giá trái phiếu gia tăng, hậu quả là các công ty Hoa Kỳ và người tiêu thụ sẽ khốn đốn nếu phải đi vay mượn để đầu tư và nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển chậm lại ngay.
Trường Giang
****************
Trong nỗ lực trừng phạt Trung Quốc vì lối hành xử bất công trong thương mại, Tổng thống Donald Trump có thể mở cửa cho những nước khác chia thị phần tại Mỹ trong đó có Mexico và Nhật Bản, là những nước ông cũng nhắm vào bằng những ngôn từ thương mại gay gắt.
Theo dữ liệu nhập khẩu chi tiết của Mỹ, những nước này nằm trong số các nhà cung cấp thay thế hàng đầu của khoảng 1.300 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chịu thuế suất 25%, và là những nước có thể hưởng lợi vì giá cả tăng cao đột ngột.
Mexico đã gửi sang Mỹ khoảng 6 tỉ đô la giá trị mặt hàng TV màn hình phẳng, gấp hai lần Trung Quốc, trong khi Thái Lan xuất khẩu 3,5 tỉ đô la ổ cứng sang Mỹ, gấp 4 lần Trung Quốc.
Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam đều là đối thủ trên thị trường về linh kiện máy in.
Việc Trung Quốc phải ‘nhường chỗ’ cho những nước này và các nước khác không xảy ra một sớm, một chiều. Danh sách hàng trăm mặt hàng ông Trump muốn đánh thuế có thể được xét lại và cũng có thể bị thu hồi, nếu (theo phân tích của một số phân tích gia) mục đích là nhằm đạt được một giải pháp qua các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về một số vấn đề thương mại rộng rãi hơn.
Cựu Phó Đại diện Thương mại Mỹ Robert Holleyman nói việc sử dụng thuế quan đặt các công nghiệp then chốt của Hoa Kỳ như nông nghiệp và hàng không không gian lâm vào tình trạng hiểm nghèo nhưng "chính quyền đã có những phân tích cẩn thận về vấn đề này. Chính quyền cố hạn chế đến mức tối thiểu một số thiệt hại trực tiếp đối với người tiêu dùng Mỹ".
*****************
Trump yêu cầu xem xét bổ sung tăng thuế hàng Trung Quốc trị giá 100 tỉ USD (CaliToday, 05/04/2018)
Tổng thống Donald Trump vào hôm thứ Năm cho hay, ông chỉ thị Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) xem xét bổ sung 100 tỉ Mỹ kim thuế nhắm vào Trung Quốc.
Ảnh minh họa - Photo Credit : CNBC
"Trước sự trả đũa bất công của Trung Quốc, tôi đã chỉ thị cho USTR xem xét liệu bổ sung 100 tỉ Mỹ kim thuế có phù hợp điều khoản 301 hay không, và nếu được thì xác định những sản phẩm nhập cảng nào cần tăng thuế", Tổng thống Mỹ ghi trong thông báo.
Trung Quốc vào hôm thứ Tư thông báo sẽ tăng thuế 106 sản phẩm nhập cảng từ Mỹ, trong đó có đậu nành, xe hơi và rượu Whiskey. Đây là biện pháp trả đũa Tổng thống Mỹ, người chỉ 24 giờ trước đó, công bố một danh sách hàng nhập cảng từ Trung Quốc mà ông dự tính sẽ tăng thuế.
Danh sách chính phủ ông Trump đưa ra gồm những sản phẩm dùng trong robot, kỹ thuật thông tin, kỹ thuật truyền thông, và không gian, những lãnh vực mà ông Trump cho rằng Bắc Kinh đã đánh cắp sở hữu trí tuệ.
"Tổng thống đang gởi ra thông điệp về hậu quả đến Trung Quốc", một viên chức Tòa Bạch Ốc cho hay.
Mặc dù những đe doạ tỏ ra rất nghiêm trọng, nhưng ông Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ vẫn mở cánh cửa đàm phán về vấn đề thực hành thương mại của Trung Quốc. "Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng đàm phán để hỗ trợ hơn nữa cho những cam kết của chúng tôi về thương mại qua lại, tự do, công bằng và bảo vệ kỹ thuật, và tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, của người dân Mỹ", thông báo ghi.
Không lâu sau thông báo của ông Trump, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer bày tỏ ủng hộ bước đi này, cho rằng biện pháp của Tổng thống "phù hợp". Ông cũng lên án sự trả đũa của Trung Quốc, và những tổn hại họ gây cho nông dân, người dân và thương gia Mỹ.
Lighthizer nhấn gói thuế bổ sung sẽ không được thực thi cho đến khi hoàn thất thủ tục bàn luận công khai.
Hương Giang (Theo CNBC)