Nhà bình luận Dominique Moisi đặt câu hỏi trên Les Echos "Ukraine : Có thể tránh được chiến tranh hay không " ? Chưa bao giờ kể từ thời Chiến tranh lạnh, chiến tranh "nóng" lại đến gần như thế. Ukraine hiện gần như bị bao vây.
Một trong số những xe bọc thép Nga được điều đến Belarus ngày 19/01/2022. Ảnh do bộ Quốc phòng Nga cung cấp. AP
Cuộc vận động bầu cử tổng thống Pháp, lo âu về sức mua, cổ phiếu các công ty công nghệ sụt giá làm chao đảo thị trường chứng khoán, thuốc trị Covid của hãng Pfizer sắp được bán tại Pháp, đó là các chủ đề chiếm tựa chính các báo Paris hôm nay. Ở những trang trong, tình hình Ukraine vẫn tiếp tục sôi động.
Nhà bình luận Dominique Moisi đặt câu hỏi trên Les Echos "Ukraine : Có thể tránh được chiến tranh hay không " ? Chưa bao giờ kể từ thời Chiến tranh lạnh, chiến tranh "nóng" lại đến gần như thế. Ukraine hiện gần như bị bao vây, những phát biểu vụng về của Joe Biden gần như khuyến khích Vladimir Putin hành động, và đe dọa trừng phạt của phương Tây không làm ông ta chùn tay. Trong lúc các nhà ngoại giao nỗ lực, thì các đội quân đang vào vị trí.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chiến tranh quay lại với Châu Âu với sự tan rã của Nam Tư, và trong một thập niên, cuộc chiến Balkan làm hơn 100.000 người chết, hơn 2 triệu người di tản. Nhưng năm 2022, không phải một vùng đất có nguy cơ tan rã, mà là ý định của Nga nhằm dựng lại một đế quốc hay ít nhất kiểm soát những nước xung quanh.
Trong thập niên 90, chiến tranh vẫn dừng lại ở cửa ngõ Châu Âu, còn ngày nay có thể làm mất thăng bằng Châu lục. Kể từ khi Moskva kiểm soát được Kiev, sẽ xuất hiện ngay "vấn đề Nga" như "vấn đề Đức" thời 1871-1945 : một quốc gia quá quan trọng khiến các láng giềng không thể đạt được thế cân bằng. Đặc biệt là với não trạng của ông chủ điện Kremlin hiện nay.
Với việc quân Nga tiến vào Belarus, Ukraine hiện đang bị bao vây cả ba mặt : ở biên giới phía bắc với Belarus chỉ cách Kiev ba tiếng đồng hồ xe chạy ; tại biên giới phía đông với Nga, dài hơn ; và biên giới phía nam với quân Nga đã hiện diện tại Crimea kể từ 2014.
Có tin đồn rằng Putin từng đề nghị với thủ tướng Ba Lan Donald Tusk chia nhau Ukraine. Có điều Ba Lan là thành viên Liên Hiệp Châu Âu - một liên hiệp được thành lập chính là để tránh được vết xe đổ của quá khứ từng biến châu lục thành đống đổ nát.
Nga trắc nghiệm, đe dọa Châu Âu, nhưng chỉ tố cáo nước Nga của Putin thì sẽ không đi đến đâu. Thái độ nhập nhằng lâu nay của Châu Âu rốt cuộc đã gây bất lợi cho chính mình, và nay không thể có chuyện quy phục trước những "săng-ta" thô bạo của Putin. Liệu có thể tránh được chiến tranh mà không phải bỏ rơi Ukraine, nhượng bộ Moskva một cách nhục nhã ?
Nga có ưu thế về quân sự, chủ động được sự leo thang, nhưng như vậy Putin có thể thổi sức sống vào một NATO mà Emmanuel Macron mô tả là đang "chết não". Có điều theo Les Echos, Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương hiện giống như một bệnh nhân đang cần trợ thở, hơn là một người vừa khỏi bệnh đã tìm lại được sức lực của mình.
Le Mondecó cùng nhận định "Với Belarus là đồng minh của Nga, Ukraine bị đe dọa bao vây". Belarus có thể được Moskva dùng làm bàn đạp để tấn công vào Ukraine - tạo ra một mặt trận mới và là thử thách cho Kiev.
Bị quốc tế cô lập sau vụ bầu cử gian lận và đàn áp dữ dội biểu tình, tổng thống Belarus, Alexandre Lukashenko lệ thuộc Nga hơn bao giờ hết vì Vladimir Putin đã ra tay cứu vớt. Hôm 18/01, Nga và Belarus loan báo cuộc tập trận chung "Quyết tâm đoàn kết 2022" nhằm "đẩy lùi xâm lược", và giai đoạn hai sẽ diễn ra từ 10 đến 20/02. Mười hai chiếc Su-35, hai hệ thống phòng không S-400 v à một đơn vị hỏa tiễn địa-không Pantsir-S đang được điều đến, tổng lực lượng chưa được biết đến.
Mỹ lo ngại đây chỉ là cái cớ để bất thần tấn công Ukraine, hơn nữa chỉ một tuần trước trưng cầu dân ý về Hiến pháp nhằm củng cố quyền lực của Lukashenko. Trong dự thảo sửa đổi, quy định Belarus phải là "khu vực phi nguyên tử" đã biến mất. Theo các nguồn tin Ukraine, các giàn hỏa tiễn Islander của Nga, có thể mang theo đầu đạn quy ước lẫn nguyên tử, đã được để lại Belarus sau cuộc tập trận chung Zapad tháng 9/2021.
Nguy cơ bị Nga không kích từ Belarus tăng lên, vì Moskva có thể theo dõi mọi mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, lính Nga chỉ cách Kiev có 90 kilomet. Đáng ngại hơn nữa là Lukashenko bắt đầu hòa giọng với Moskva, công nhận "Crimea thuộc về Nga" trong khi lâu nay giữ thái độ trung lập. Và với thỏa thuận liên kết về quân sự giữa Moskva và Minsk, phía Ukraine lo sợ Kremlin quyết tâm biến Belarus thành căn cứ quân sự.
Tại Kiev, kịch bản Nga tấn công từ lãnh thổ Belarus có từ 2017 nay không còn coi là giả thiết mà là mối đe dọa thực sự. Không chỉ vì phải phân bố lực lượng theo cách khác, mà còn vì biên giới với Belarus trải rộng. Với một tiền tuyến dài đến 1.084 kilomet có địa hình phức tạp, thưa dân, rất khó bảo vệ lãnh thổ. Chuyên gia quân sự Yurii Syrotiuk nhấn mạnh để tránh bị bao vây cả ba mặt, "nhất thiết Ukraine phải duy trì được tính trung lập của Belarus". Nhưng Le Figaro cho rằng dường như đã quá trễ.
Trong bối cảnh đó, Litva trở nên một biên giới Châu Âu chịu nhiều áp lực : khủng hoảng di dân do Minsk tổ chức, tập trận chung Nga-Belarus ở sát cạnh. Vilnius đã mời các bộ trưởng Nội Vụ Châu Âu đến bàn bạc về an ninh, tham quan khu vực giáp giới với Belarus. Bộ trưởng quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas xác nhận ba nước vùng Baltic sẽ gởi vũ khí cho Ukraine, sau khi Hoa Kỳ đã bật đèn xanh. Litva và Latvia cung cấp hỏa tiễn phòng không Stinger, Estonia đưa sang hỏa tiễn chống tăng Javelin, và theo The Times, Anh muốn gởi quân bổ sung sang ba nước này.
Belarus có 700 kilomet đường biên với ba quốc gia Baltic không còn là vùng đệm với Nga. Những phi cơ tuần tra gần biên giới đều là của Nga, không có máy bay Belarus đi kèm, thời gian cần thiết để Nga tấn công Ukraine từ vài tháng nay chỉ còn vài giờ. Với các hỏa tiễn Islander có tầm bắn 500 kilomet mang đầu đạn quy ước và nguyên tử, Nga đe dọa các nước NATO ở khoảng cách chưa đầy 100 cây số.
Lần đầu tiên Litva thử nghiệm hệ thống hỏa tiễn chống tăng định hướng thế hệ thứ tư Spike do Israel sản xuất. Quân đội Litva thông báo sẽ thử nghiệm, chuẩn bị sử dụng tất cả vũ khí có được nếu cần để bảo vệ đất nước. Quốc hội Litva cũng nhất trí cho phép tuần tra biên giới với Belarus đến 31/05, tức 1.000 quân nhân tiếp tục tăng viện cho lực lượng biên phòng.
Ảnh hưởng của Moskva cũng nhìn thấy tại Trung Á. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã nắm lại được tình hình nhờ Nga đưa quân can thiệp chớp nhoáng vào Kazakhstan, nhưng phe của "Cha già dân tộc" Nursultan Nazarbayev cầm quyền từ 30 năm qua vẫn chưa hẳn chịu thua. Le Figaro nói về "Bóng dáng của phe Nazarbayev trong một vụ đảo chánh bí ẩn".
Tối 04/01, khoảng 30.000 người biểu tình ôn hòa ở thủ đô kinh tế Almaty đòi chính phủ từ chức và Nazarbayev phải ra đi. Nhưng hôm sau 05/01, tất cả đều đảo lộn. Tòa thị chính Almaty bị đốt cháy, phi trường, đài truyền hình, các tư dinh bị phá hoại và nhiều cửa hàng bị hôi của. Các đồn cảnh sát bị tấn công bằng kalashnikov, xe cộ bị lãnh những tràng đạn mà không bắn chỉ thiên. Tại trung tâm thành phố, những xác chết nằm đó suốt 24 giờ trước khi được đưa đến nhà xác.
Kassym Amanjol, tổng biên tập Radio Azattyk (Đài phát thanh Tự Do) kể lại, tình trạng vô chính phủ diễn ra trong hai ngày rưỡi, không ai biết được quyền lực đang trong tay phe nào. Trong những video mà các phóng viên đài này quay được, có thể phân biệt rõ những nhóm nhỏ rất hung hăng trước tòa thị chính, khác hẳn với những người biểu tình ôn hòa. Một doanh nhân Pháp cho biết đã nhìn thấy một nhóm bốn, năm người cầm dùi cui đang cất chiếc khiên vào cốp xe, các nhân chứng khác khẳng định thấy vũ khí được vận chuyển bằng xe cấp cứu.
Vụ bạo loạn trầm trọng nhất kể từ khi Kazakhstan độc lập năm 1991 là một cuộc nổi dậy kiểu "Áo Vàng" Pháp bị côn đồ trà trộn, hay một cuộc đảo chánh ? Mọi cái nhìn đều hướng về phe Nazarbayev, khoảng vài trăm người thân cận của ông đang kiểm soát kinh tế đất nước. Phải chăng những cải cách dù ít ỏi của Tokayev, người được ông Nazarbayev đặt vào chức tổng thống, làm họ sợ mất đi những ưu đãi ?
Theo nhà chính trị học Shalkat Nurseitov, Tokayev coi việc dân chúng nổi dậy là cơ hội để nắm trọn quyền hành của một tổng thống thực sự. Dường như đã có một sự thỏa hiệp, phe Nazarbayev rời bỏ quyền lực, đổi lại Tokayev bảo đảm quyền đặc miễn của nhân vật từng là vua một cõi, và không đàn áp thân nhân ông. Vladimir Putin, bạn cũ của Nazarbayev có thể đã đứng ra làm trung gian hòa giải. Một nhà đấu tranh nhân quyền ở Almaty vẫn lo ngại sự trả thù của những kẻ sợ bị mất đi tất cả.
Cũng về Châu Á, sau Nghị Viện Châu Âu và sáu nước phương Tây, hôm 20/01 Quốc hội Pháp đã gần như nhất trí thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc phạm "tội ác chống nhân loại" và "tội diệt chủng" ở Tân Cương. La Croix đặt vấn đề "Tố cáo nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ có làm thay đổi được tình thế hay không " ?.
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho rằng văn bản mang tính biểu tượng, nhưng dù sao cũng là thông điệp đáng ngại cho Bắc Kinh. Trước hết, tuy do đối lập đưa ra, nhưng được hầu như toàn bộ các dân biểu ủng hộ kể cả đảng cầm quyền. Việc một quốc gia như Pháp, vốn ít đồng thuận với Hoa Kỳ, thông qua nghị quyết này có thể kích thích các Nhà nước dân chủ khác làm theo. Nghị quyết còn giúp tăng cường huy động xã hội dân sự, khiến chính quyền ở cấp cao có thể mạnh miệng nói về các tội ác đối với người Duy Ngô Nhĩ. Văn bản củng cố một số mục tiêu của Pháp như chống cưỡng bức lao động. Tuy nhiên ông Bondaz cho rằng không có Nhà nước nào nặng tay trừng phạt Bắc Kinh, do lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều.
Đối với thượng nghị sĩ André Gattolin thuộc đảng LREM cầm quyền, tuy về pháp lý thì giá trị của nghị quyết có hạn chế vì không mang tính ràng buộc, nhưng tuyên truyền của Trung Quốc sẽ mất đi sức mạnh. Quốc hội Pháp không chỉ chính thức công nhận nạn diệt chủng mà còn "lên án", đây là một sự bày tỏ quan điểm mạnh mẽ, chấm dứt thời kỳ ngây thơ trước Bắc Kinh. Đã hẳn sự kiện này không cản trở các tập đoàn, trường đại học Pháp làm ăn, hợp tác với Trung Quốc, nhưng mọi sự bây giờ đã khác. Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì tâm thế người đối thoại Pháp không còn như trước, các luận điệu tuyên truyền người bị đi cải tạo là "khủng bố" không thuyết phục được ai, chưa kể tác động domino với các nước khác như Đức, Bỉ.
Trên lãnh vực kinh tế, nhà nghiên cứu Kjeld Erik Brodsgaard phân tích trên Le Monde, "Mô hình Trung Quốc là tư bản nhà nước độc đảng". Lâu nay nhiều nhà quan sát khẳng định kinh tế Trung Quốc là tư bản giả dạng, thị trường đóng vai trò ngày càng lớn, thúc đẩy các công ty quốc doanh thiên về cách quản lý của phương Tây. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, thì đảng Cộng Sản nắm trong tay tất cả.
Các lãnh vực chiến lược đều do những tập đoàn quốc doanh thống trị : hàng không, dầu khí, năng lượng nguyên tử, hóa chất, viễn thông, đóng tàu, thép…Ở cấp trung ương, Ban Tổ chức của Đảng quyết định danh sách 3.000 chức vụ cao cấp gồm tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, bí thư đảng ủy của các tập đoàn quan trọng nhất. Công cụ thứ hai là việc luân chuyển cán bộ, hiện nay 20% bí thư, chủ tịch tỉnh xuất thân từ khối công nghiệp. Những cơ sở đảng trong doanh nghiệp là công cụ kiểm soát thứ ba. Các văn bản mới đây của Đảng thúc giục tất cả các doanh nghiệp, tổ chức xã hội thậm chí công ty liên doanh đều phải có đảng bộ hoặc ít nhất là tổ đảng.
Cũng về kinh tế, Libération cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang lao dốc do tổng thống Erdogan, để chiêu dụ cử tri, nhất định duy trì lãi suất thấp. Ông ra lệnh cho Ngân hàng Trung ương phải giảm lãi suất chỉ đạo 5 điểm trong bốn tháng qua. Từ tháng 7/2019 đến nay Erdogan đã cách chức ba thống đốc ngân hàng, ba bộ trưởng Tài Chính. Là chính khách lọc lõi nhưng là nhà kinh tế tệ hại, ông đổ lỗi cho người khác.
Biện pháp mị dân đi ngược lại logic này làm đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất đến phân nửa giá trị, gây khốn đốn cho người nghèo. Theo World Food Program, 26,8 % hộ gia đình Thổ Nhĩ Kỳ bị rơi xuống dưới ngưỡng nghèo khó, thịt thà trở thành hàng xa xỉ, giá điện tăng 120%. Nhưng nỗi đau của người này lại là hạnh phúc của người khác : du khách từ Bulgari và Hy Lạp đổ xô sang Thổ Nhĩ Kỳ mua quần áo và nhiều loại hàng hóa khác với giá rẻ mạt, chẳng hạn những món đồ lót chỉ có 10 xu, tương đương hơn… hai ngàn rưỡi đồng Việt Nam !
Thụy My