Một xe bọc thép bị phá hủy tại thành phố Volnovakha thuộc Donetsk, Ukraine, ngày 15/03/2022. Reuters – Alexander Ermochenko
Một cuộc chạy đua với thời gian đang diễn ra giữa quân đội Nga và Ukraine để triển khai ở miền đông, nơi có thể là chiến trường chính sắp tới, một chiến trường dữ dội nhất ở Châu Âu kể từ 1945. Chính quyền Ukraine kêu gọi cư dân sơ tán, ngành đường sắt cho biết đã di tản được 15.000 người. Ở phía nam Donbass, quân Nga tiếp tục tiến về Mariupol, thành phố bị vây hãm từ cuối tháng Hai nhưng kiên quyết không đầu hàng. Những trận đánh ở đây tiếp tục cầm chân một lực lượng lớn của Nga.
Tình hình Donbass ngược lại với trận chiến Kiev, nơi quân kháng chiến đã thắng lớn. Đối với Ukraine, đường tiếp tế bị kéo dài, còn với quân xâm lược thì được rút ngắn. Quân Nga có thể được tiếp đạn dược, vũ khí, quân tăng viện ở cách đó chưa đầy 100 km, còn viện trợ phương Tây cho Ukraine chủ yếu đến từ Ba Lan cách Donbass đến 1.000 km theo đường chim bay và đường bộ thì còn xa hơn nữa. Ukraine rất cần xe bọc thép, thiết bị phòng không cũng như đạn dược, phụ tùng, nhiên liệu.
Nhà phân tích Michael Kofman nhận định, Ukraine phải đối mặt với viễn cảnh một cuộc chiến tranh hao mòn, trong khi không đủ sức mạnh cơ giới để tổ chức phản công lớn. Khó khăn đối với Nga là xuyên thủng được tuyến phòng vệ Ukraine đã được củng cố từ tám năm qua. Phía Nga đã có từ 7.000 đến 15.000 lính tử trận, và số bị thương gấp đôi hoặc gấp ba. Cộng với số vũ khí bị phá hủy, quân Nga đã mất 10 đến 25 % năng lực tác chiến.
Theo trang web độc lập Oryxspioenkop.com, quân xâm lược bị thiệt hại về trang thiết bị gấp bốn lần quân kháng chiến. Cụ thể, Nga mất 427 xe tăng, 20 máy bay, 32 trực thăng, Ukraine mất 93 xe tăng, 15 máy bay, 3 trực thăng. Ba trong số 30 drone Bayraktak của Ukraine bị phá hủy, ngược với khẳng định của Nga là đã diệt được toàn bộ nhưng không đưa ra chứng cứ. Nga tấn công vào phía sau lực lượng Ukraine bằng hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn hành trình bắn đi từ Belarus và từ Hắc Hải.
Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Kiev tiếp tục âm thầm chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Hoa Kỳ loan báo giải ngân 100 triệu đô la để cung ứng khẩn cấp hỏa tiễn chống tăng Javelin. Washington từ chối cho biết cụ thể về những loại vũ khí khác, cũng như mức độ hỗ trợ của tình báo Mỹ. Cộng hòa Czech là nước đầu tiên xác nhận đã gởi cho Ukraine một số thiết bị thời Liên Xô cũ gồm xe tăng T-72 và xe bọc thép BVP-1, với sự đồng ý của các đồng minh NATO. Ba nước vùng Baltic tích cực nhất, nhưng khả năng có hạn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt và tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Anh quốc nằm trong số các nước tỏ ra nghi ngờ về nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với quá nhiều nhượng bộ cho Putin, và là một trong những quốc gia đầu tiên gởi vũ khí cho Ukraine ngay từ tháng Giêng. Theo tờ Times, Anh còn muốn gởi thêm hỏa tiễn chống hạm để Ukraine có thể tự vệ trước những chiến dịch tấn công của Nga từ Hắc Hải. Tuy nhiên tổng tham mưu trưởng Anh, Sir Tony Radakin cảnh báo, với những vũ khí tối tân, các chiến binh cần ra khỏi Ukraine để được huấn luyện trong thời gian dài tại các nước láng giềng.
Về phía Đức vốn bị chỉ trích, Berlin quyết định viện trợ 300 triệu euro và đề nghị Ukraine chọn lựa trong danh sách 200 "mặt hàng" gồm moọc-chê, súng máy, radar, kính ngắm hồng ngoại, nón sắt, áo giáp, drone.
Tại Bucha, thành phố chịu nhiều đau thương, phóng sự của La Croix cho biết người ta đang đếm số nạn nhân thiệt mạng và cung cấp thực phẩm cho những người sống sót. Năm ngày sau khi Nga rút quân, vẫn còn tìm thấy những xác chết nằm đâu đó. Một người dân phát hiện xác ba phụ nữ, hay người đàn ông và một trẻ em bị thiêu cháy phân nửa trên một khoảnh đất trống. Họ là ai, có quen biết nhau không và tại sao bị sát hại ? Điều chắc chắn là họ bị bắn chết. Cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu, một công việc hết sức nặng nề. Tại Kiev, đến nay mới có 117/200 xác đưa đi chôn được nhận diện, và trên toàn quốc ít nhất 2.000 thường dân bị sát hại, chưa kể Mariupol bị vây hãm, được cho là có đến 5.000 người thiệt mạng.
Riêng tại Bucha, hầu hết những người bị giết là nam giới. Đối với phụ nữ, những trường hợp bị cưỡng hiếp ngày càng được tố cáo nhiều hơn, nhưng hiện nay không ít nạn nhân không muốn nhắc tới kể cả với người thân. Một ưu tiên trước mắt là gỡ những quả mìn do quân Nga gài lại, nên chính quyền yêu cầu người dân Bucha sơ tán khoan quay về. Trong số 38.000 dân, có 3.700 người vẫn sống tại Bucha trong thời gian quân Nga chiếm đóng, hầu hết là người lớn tuổi. Họ thà chết tại nhà mình còn hơn ra đi.
Le Figaro nhận thấy làn sóng trục xuất nhân viên ngoại giao Nga đã biến thành sóng thần, với 200 người chỉ trong 48 giờ, và nếu tính từ đầu cuộc xâm lăng là 260. Các nhà ngoại giao, hay đúng hơn là "nhân viên tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao", theo một viên chức Pháp, từ hôm thứ Hai 04/04 phải xách va-li ra khỏi Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Hy Lạp… và cả các định chế ở Bruxelles, sau vụ thảm sát Bucha.
Trên thực tế, nhiều nước đã truy quét gián điệp Nga từ cuối tháng Ba, nhằm giảm đi các hoạt động gây ảnh hưởng để phá rối chính trị, chia rẽ Châu Âu. Lâu nay vẫn được để yên, nhưng từ sau khi Nga chiếm Crimea năm 2014 và bị đuổi khỏi nhóm G8, hoạt động gián điệp của Nga càng mạnh. Đến 2018 khi cựu nhân viên tình báo Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh, Châu Âu hiểu rằng tình báo quân đội Nga (GRU) không từ một điều gì, sau đó 160 nhân viên Nga đã bị phương Tây trục xuất.
Chiến tranh càng kéo dài, những vụ tàn sát dã man được phát hiện, danh sách trừng phạt của phương Tây càng mở rộng. Bên cạnh việc cấm nhập than đá Nga, dầu khí cũng bị nhắm đến. Lệnh cấm xuất khẩu máy móc và công nghệ phương Tây trong lãnh vực khai thác dầu khí sẽ gây tác động lớn lên điểm mạnh duy nhất của nền kinh tế Nga.
Chuyên gia Cristi Tataru nhận định, nếu Gazprom hay Rosneft không còn được hỗ trợ kỹ thuật, các phần mềm không được cập nhật, không có phụ tùng thay thế, sẽ gặp khó khăn lớn trong sáu tháng hoặc một năm nữa. Đa số các mỏ dầu khí đang và sẽ khai thác đều là liên doanh với các tập đoàn Âu-Mỹ, dựa vào công nghệ phương Tây. Nga không nắm được kỹ thuật sản xuất một số mũi khoan dầu và một số công nghệ hóa lỏng khí đốt. Trừng phạt sẽ giết chết từ trong trứng những dự án khai thác dầu khí mới, trong khi Moskva có nhiều tham vọng về phát triển khí hóa lỏng (GNL) ở Siberia, còn các mỏ hiện có thì sản lượng đang giảm dần.
Trước đây, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, phương Tây đã cấm xuất khẩu mọi công nghệ khai thác ngoài khơi xa ở Bắc Cực, khai thác dầu và khí đá phiến. Do đây là công nghệ độc quyền phương Tây, từ đó đến nay Nga đành xếp xó mọi dự án liên quan.
Về mặt ngoại giao, nhất là sau vụ thảm sát Bucha, có nên tiếp tục đối thoại với Vladimir Putin - người bị tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là "tội phạm chiến tranh" hay không ? Le Monde và La Croix cùng đặt câu hỏi.
Le Mondenhắc lại cách đây 5 năm, Nga từng phá rối chiến dịch tranh cử của Emmanuel Macron : tung ra những tin đồn về đời sống riêng tư, đột nhập hộp thư ê-kíp ông Macron và phát tán hàng mấy chục ngàn email trộn lẫn cả giả lẫn thật. Một cuộc điều tra của Le Monde hai năm rưỡi sau cho thấy có bàn tay của GRU, tình báo quân đội Nga. Đắc cử tổng thống, Macron vẫn kỳ vọng khởi đầu thương lượng về một "cấu trúc an ninh Châu Âu" thế kỷ 21, trong đó có sự tham gia của Nga.
Giấc mơ này đã tan vỡ trên tàn tích của những thành phố Ukraine bị quân đội Nga oanh tạc từ ngày 24/02. Làm thế nào bàn về an ninh với Nga trong một Châu Âu phải tái vũ trang và chuẩn bị một bức màn sắt mới, với một nhân vật đã từ chối cho ngưng bắn chỉ vài tiếng đồng hồ để di tản thường dân ở Mariupol ? Ba tháng gần đây, những tiếp xúc giữa tổng thống Macron với Putin chỉ là đối thoại giữa người điếc. Emmanuel Macron đã thử mọi cách, từ kiên nhẫn thuyết phục đến cao giọng, và mỗi lần ông đều đụng phải một bức tường trơ trơ.
Élysée giải thích cần "duy trì đối thoại", Putin cần phải biết những đòi hỏi của phương Tây và cái giá phải trả nếu không đáp ứng. Hôm thứ Hai 04/04, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki kịch liệt chỉ trích : "Chúng ta không thương lượng với những tên tội phạm mà phải chiến đấu" và đặt câu hỏi với ông Macron "Thưa tổng thống, liệu ngài có thương thảo với Hitler, Stalin, Pol Pot không ?". Tại Đức, tổng thống Frank-Walter Steinmeier hôm 03/04 nhìn nhận đã sai lầm khi thông qua dự án Nord Stream 2 (mà Paris phản đối). Ông nói : "Tôi không nghĩ rằng Vladimir Putin sẵn sàng đẩy nhanh sự sụp đổ toàn bộ đất nước, về đạo đức, chính trị và kinh tế, với tham vọng đế quốc điên cuồng của ông ta".
Nghịch lý là không có đối thủ nào của Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống tấn công ông về chủ đề này, vì họ có nhiều mối liên hệ với Moskva. Đặc biệt Marine Le Pen từng lớn tiếng đòi liên minh với Nga. Nhà sử học Pierre Grosser trên La Croix nói về "án lệ Kadhafi" : để bảo đảm an ninh cho người dân và cho thế giới, cần phải có một nhà lãnh đạo khác ở điện Kremlin. Nhưng đó sẽ là ai, và làm cách nào ? Trên thực tế, ngay cả trong thời chiến, đối thoại vẫn không hoàn toàn bị cắt đứt. Thời chiến tranh Triều Tiên, lúc đó Stalin ngự trị với bàn tay sắt, vẫn có những trao đổi với Kremlin.
Theo ông Grosser, nói chuyện không có nghĩa là thương lượng, và thương lượng không có nghĩa là "ký kết một thỏa thuận". Một trong những bài học của cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962 là vào thời đại nguyên tử, cần phải duy trì một kênh "điện thoại đỏ" trực tiếp. Còn việc thương thảo có thể thông qua các đại sứ quán và các kênh riêng, kể cả với những người thân cận với Putin đang bị trừng phạt ; một cách bí mật, tránh bị đối phương dùng để tuyên truyền. Để tìm ra một lối thoát, cần cho họ thấy khả năng trừng phạt được dỡ bỏ.
Cây bút Nicolas Tenzer phân biệt ba hình thức : thảo luận, đối thoại và thương lượng với Vladimir Putin. Theo ông, không thể đối thoại được với Putin vì tổng thống Nga theo đuổi xu hướng dối trá, lừa gạt và tội ác, không thể có những nguyên tắc chung. Cũng không thể thương lượng vì ông ta chỉ muốn hủy diệt : ở Syria, Chechenya, Georgia, và Ukraine. Cần phải nói rõ, cho dù chiến tranh kết thúc, không thể có hòa bình tại Châu Âu một khi Vladimir Putin còn nắm quyền, và thảo luận không có nghĩa là tái cam kết với Putin.
Về cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Libération chạy tựa trang nhất "Cực hữu, mối nguy hiểm hơn bao giờ hết". La Croix băn khoăn về "Sự bất định lớn lao" : chỉ còn vài ngày nữa đi bầu, nhưng nhiều cử tri khẳng định vẫn chưa biết bỏ phiếu cho ai. Nhiều cuộc thăm dò cho biết số không đi bầu Chủ nhật này sẽ lên đến mức kỷ lục. Đài truyền hình TF1 dự kiến kết thúc sớm chương trình đặc biệt về bầu cử thay vì kéo dài đến khuya như thường lệ. Trong một chính trường mà các đảng truyền thống không còn thống trị, cử tri mất phương hướng nên không có gì ngạc nhiên khi họ vẫn phân vân đến giờ chót. Tình trạng này khiến những ai lo ngại cho nền dân chủ Pháp phải toát mồ hôi hột.
Libérationđặc biệt lo ngại vì thủ lãnh đảng cực hữu, bà Marine Le Pen đang có nhiều thuận lợi hơn so với kỳ bầu cử trước : tạo được hình ảnh dễ chấp nhận hơn, cánh tả không ưa ông Macron… Bận rộn với cuộc chiến tranh Ukraine do Vladimir Putin khởi động, tổng thống Emmanuel Macron đợi đến phút cuối mới bắt đầu chiến dịch tranh cử, và những đề nghị của ông không có gì mới mẻ. Trong khi đó Les Echos nhận thấy bà Le Pen khôn khéo tránh né việc bà ủng hộ Putin, tập trung vào sức mua, mối quan tâm của nhiều người dân hiện nay, và khoảng cách giữa hai đối thủ đang thu ngắn lại một cách nguy hiểm. Tờ báo nhắc lại, đừng quên bà từng khẳng định "ngưỡng mộ Vladimir Putin" (2011), tuyên bố muốn Pháp ra khỏi NATO để liên minh quân sự với Nga (2014), và quan điểm thân Putin nay vẫn không thay đổi.
Thụy My