Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiếm trang nhất của hầu hết các báo Pháp hôm nay là đề tài bầu cử tổng thống Pháp, không chỉ bởi cuộc đua vào điện Elysée đang ở vào giai đoạn nước rút, mà còn vì tối qua lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả 11 ứng viên cùng tham dự cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Các báo đều có những phản ứng khác nhau về màn trình diễn mới mẻ này. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu đang theo dõi rất sát kỳ bầu cử Pháp với không ít lo âu.

baucu1

Nhiều người so sánh lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Pháp Le Pen với tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh : France24

Le Figaro tỏ thái độ thất vọng về cuộc tranh luận, nhận định bằng hàng tựa "Mớ hỗn độn lớn của bầu cử tổng thống", trong đó tờ báo phê phán cuộc tranh luận đông đúc và đầy huyên náo này chẳng mang lại được gì nhiều. Xã luận Le Figaro viết : "Với 11 (ứng viên), sự lựa chọn giữa đơn điệu và hỗn tạp, và người ta có được cả hai".

Tương tự, nhật báo Les Echos nhận định "cuộc tranh luận không giữ được hứa hẹn". Còn đối với nhật báo Libération, cuộc trình diễn trên truyền hình tối qua của 11 ứng viên, chẳng khác gì "một đội bóng đá trong đó đại đa số các cầu thủ đều muốn chơi ở vị trí trung phong. Một thời điểm lịch sử của truyền hình, nhưng không bảo đảm chất lượng".

Trong bối cảnh bầu cử tổng thống Pháp, nhật báo Le Monde số ra từ chiều hôm qua, có bài viết đáng để suy nghĩ, mang tiêu đề "Bầu cử tổng thống Pháp khiến Liên Hiệp Châu Âu lo lắng".

Châu Âu lo sợ gì ? Trong bối cảnh Brexit, các quan chức tại Bruxelles lo về một viễn cảnh Pháp cũng theo chân Anh làm một vụ ly dị Frexit, nếu như ứng cử viên Marine Le Pen thắng cử. Ứng viên của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) này liên tục dẫn đầu các cuộc thăm dò bỏ phiếu vòng 1 thời gian gần đây.

Theo Le Monde, "các định chế trong Liên Hiệp Châu Âu bảo đảm họ không dự trù kế hoạch B trong trường hợp bà Marine Le Pen giành chiến thắng". Tờ báo đặt câu hỏi : "lãnh đạo của các định chế Châu Âu không dự kiến hay không muốn dự kiến" kịch bản như vậy ? Đó là về mặt chính thức, bên trong đã xuất hiện không ít lo âu về khả năng này xảy ra.

Nhiều quan chức Châu Âu, rút ra từ các sự kiện bầu cử Mỹ và Brexit, đang rất quan tâm theo dõi sát cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Tờ báo trích dẫn một nhà ngoại giao ở Bruxelles cảnh báo : "Một chiến thắng như vậy (của Marine Le Pen) sẽ tồi tệ hơn cả chiến thắng của Donald Trump, vì tổng thống Pháp là người có nhiều quyền hành".

Ở cấp lãnh đạo, từ chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk hay chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker đều tránh nói đến một kịch bản tai họa là đảng cực hữu lên nắm quyền tại Pháp, nhưng tất cả đều gần xa khẳng định nguy cơ là có thực, nhất là trong bối cảnh trào lưu dân túy đang lên cao ở Châu Âu, cho dù ở Áo, Hà Lan gần đây trào lưu này đã thất bại ở bậc thang cuối cùng dẫn đến quyền lực.

Các chuyên gia ở Châu Âu, như giáo sư triết học chính trị người Hà Lan Luuk Van Midelaar được Le Monde trích dẫn, đánh giá : "Chiến thắng của bà Le Pen vẫn còn ít khả năng xảy ra, thậm chí rất ít, nhưng không còn là điều không tưởng". Theo chuyên gia trên, cần phải biết phân tích những hậu quả có thể một sự kiện như thế xảy ra.

Le Monde ghi nhận : Giờ đây, cuộc bầu cử tổng thống Pháp vẫn thường xuyên được gợi ra trong Liên Hiệp Châu Âu và làm dấy lên nhiều lo lắng về thực trạng của nước Pháp. Tuy nhiên vẫn có những người lạc quan hy vọng Châu Âu sẽ có được đà mới trong trường hợp ứng viên Emmanuel Macron giành chiến thắng. Theo họ, "Le Pen tức là đóng cửa nước Pháp với các láng giềng và thế giới ; Macron tức là mở cửa" hay với "Le Pen sẽ là kết thúc Liên Hiệp". 

Mối lo ngại trên cho thấy rõ ràng là Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là đang rệu rã, cần phải có "giải pháp tốt" để Châu Âu lấy lại động lực mới. Le Monde dặt câu hỏi : "Liệu tiếng kèn hiệu của trào lưu dân túy có làm thức tỉnh Bruxelles, đang trong cơn hôn mê bởi nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm qua ?". 

Syria : Phẫn nộ với vụ tàn sát thường dân bằng vũ khí hóa học

Syria một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học làm thiệt mạng hàng chục dân thường ngày hôm qua tại thành phố Khan Cheikhoun, hiện do quân nổi dậy chiếm giữ.

Libération sáng nay nhận định một cách phẫn nộ : "Cần phải đến khi có tới 60 thường dân chết ngạt để thế giới phản ứng". Tất nhiên là cả báo chí cũng có phản ứng trước sự kiện vũ khí hóa học được sử dụng trên chiến trường Syria. Libération dẫn lời một nhân viên cứu hộ, nhân chứng tại chỗ nói : "Người ta chờ đến khi có cuộc thảm sát kinh hoàng xảy ra mới phản ứng, trong khi đó không ai đả động gì đến các vụ sát hại hàng ngày".

Còn La Croix trong bài xã luận mang tiêu đề "Syria chết ngạt" viết : "Những bức ảnh lan truyền khắp thế giới cho thấy những trẻ em mình trần, co quắp, miệng mở hớp chút không khí trong tuyệt vọng".

Le Figaro cũng dẫn lời nhân chứng là một nhà báo người Syria, tới hiện trường 2 giờ sau vụ ném bom, kể lại : "Khi tôi tới nơi, tôi vẫn ngửi thấy mùi khí độc trong không khí. Hỗn loạn và hoảng loạn ! Phim của chúng tôi đã ghi lại từng chi tiết : Những miệng hố bom, người cứu hộ cố gắng hồi sức cho các nạn nhân đang còn sùi bọt mép và cả những con chim bồ câu chết gục vì khí độc".

Nhật báo Le Parisien chạy hàng tựa với giọng lên án : "Cuộc tấn công bỉ ổi bằng vũ khí hóa học", và tờ báo bình luận : "Như năm 2013, Bachar al-Assad dựa vào hậu thuẫn của các đồng minh của họ để không bị trừng phạt. Những ai ủng hộ chế độ này có thể một lần nữa đo được phạm vi trách nhiệm chính trị và đạo đức của họ… Cuộc họp Hội Đồng Bảo An hôm nay rồi sẽ lại vô ích".

Brexit : Hệ lụy đến chủ quyền lãnh thổ

Trở lại Châu Âu với Libération. Thủ tục ly dị đình đám của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu mới chỉ bắt đầu và đã có những khúc mắc nan giải. Nhật báo Libération có bài : "Gibraltar, chướng ngại vật hậu Brexit".

Gibraltar là mỏm đất tận cùng Tây Ban Nha nhưng lại thuộc chủ quyền lãnh thổ của Vương Quốc Anh. Theo Libération, "cùng với việc Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu theo dự kiến, đòi hỏi chủ quyền của Madrid về vùng lãnh thổ Anh này được thổi bùng lên. Sắp tới, Bruxelles sẽ không còn có thể làm trọng tài cho nhiều bất đồng giữa hai nước. Thêm một vấn đề đau đầu cho Châu Âu".

Từ năm 1986, khi Tây Ban Nha gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, vấn đề chủ quyền Gibraltar luôn là cái gai trong quan hệ Madrid – Luân Đôn. Đã có không ít những cuộc khủng hoảng nho nhỏ nổ ra xung quanh các tranh chấp mẩu đất rộng có 6,5 km2 và 30 nghìn dân. Đây là mảnh đất do đế quốc Anh chinh phục và đã được thừa nhận bằng hiệp ước Utrecht từ 1713. Thế nhưng từ đó đến nay, người Tây Ban Nha vẫn không ngừng đòi hỏi chủ quyền.

Hàng ngày vẫn có khoảng hơn 10 nghìn người Tây Ban Nha qua lại vùng đất này để làm ăn. Bất đồng thì nhiều nhưng không mấy khi xảy ra các xung đột ngoại giao kéo dài giữa hai nước. Đó là nhờ có Bruxelles làm trọng tài.

Khi bước chân vào Liên Hiệp Châu Âu, Madrid đã phải chấp nhận sự tồn tại lịch sử của Gibraltar. Nhưng giờ đây khi Brexit tới gần, vấn đề Gibraltar lại nổi lên và Madrid sẽ có thể xem lại tất cả các quyết định liên quan đến vùng đất này. Theo Libération, "cùng với Brexit, Madrid có thể điều khiển cánh cửa biên giới Gibraltar như khóa hay mở một vòi nước tùy theo ý thích".

Chính quyền Trump lại tính chuyện đóng cửa nước Mỹ

Vẫn liên quan đến chuyện đóng mở biên giới, nhật báo kinh tế Les Echos nhìn sang nước Mỹ với hàng tựa trang nhất : "Kiểm soát biên giới : dự án sốc của Trump".

Theo Les Echos, chính quyền Trump có thể sẽ vượt qua một giai đoạn mới trong việc bảo vệ lãnh thổ bằng việc áp đặt đối với tất cả những người vào đất Mỹ các kiểm tra cực kỳ ngặt ngèo và phiền phức. Những người vào Mỹ có thể sẽ bị yêu cầu liệt kê danh sách các liên lạc điện thoại, an ninh cửa khẩu có thể đòi khách cung cấp mật khẩu truy cập vào nhắn tin riêng trên mạng xã hội hoặc các thông tin ngân hàng. Nếu từ chối họ có thể bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Thông tin này đã được các quan chức Nhà Trắng xác nhận với báo Mỹ Wall Street Journal. Quy định kiểm soát biên giới trên dự kiến áp dụng đối với tất cả người nước ngoài, kể cả công dân các nước được cho là "đồng minh" của Mỹ như Anh, Pháp, Đức.

Những biện pháp trên vẫn còn đang trong giai đoạn dự trù soạn thảo, nhưng đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Các chuyên gia đánh giá, ngoài tính bất hợp pháp, hiệu quả của việc kiểm soát như vậy là con số không, vì một đối tượng xấu có thể làm một động tác đơn giản là mang vào một máy điện thoại hoàn toàn mới, hoạc xóa hết dữ liệu cũ.

Việc kiểm tra như vậy không chỉ gây ùn tắc ở các cửa khẩu sân bay mà nó còn làm mất hứng du khách muốn đến Mỹ, vốn đã giảm nhiều dưới chính quyền Trump. Năm nay số lượng du khách đến Mỹ dự tính sẽ giảm 4 triệu người so với năm trước. Lượng giữ chỗ các tour du lịch từ Tây Âu tới Mỹ hai tháng đầu năm nay đã giảm 14%. Du khách đến từ Trung Đông giảm 38%. Chỉ có ngoại lệ là khách Nga có xu hướng tăng vọt.

Theo Les Echos, chính quyền Mỹ đã áp dụng một số biện pháp ngặt nghèo với những trường hợp xin visa vào Mỹ để làm việc cũng như đi học. Thí dụ những đối tượng xin visa phải cung cấp tất cả các địa chỉ internet và chi tiết các mạng xã hội mà họ sử dụng trong 5 năm qua. Theo Bộ ngoại giao Mỹ, các sứ quan Mỹ ở nước ngoài được yêu cầu giảm số lượng hàng ngày các cuộc phỏng vấn xin visa nhằm bảo đảm mỗi hồ sơ được sàng lọc kỹ càng.

Anh Vũ

Published in Quốc tế