Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giải pháp nào cho tình trạng bế tắc của chính trường Pháp ?

Chủ tịch Hạ Viện Pháp Yaël Braun-Pivet tái đắc cử, J. D. Vance trở thành ứng viên phó tổng thống Mỹ, tình hình Ukraine là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 19/07/2024.

betat1

Bà Yaël Braun-Pivet sau khi tái đắc cử chủ tịch Hạ Viện Pháp, Paris, Pháp, ngày 18/07/2024. AFP – Bertrand Guay

Sau khi chủ tịch Hạ Viện Yaël Braun-Pivet tái đắc cử, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro tỏ ra ngao ngán với hiện thực mà người dân Pháp đang trải qua. Người đi bộ phải xuất trình mã QR để vượt qua hàng loạt rào chắn kim loại lộn xộn ở hai bên bờ sông Seine, hàng nghìn cảnh sát tuần tra ở Paris, nhưng vẫn có những sự cố đáng tiếc xảy ra, điển hình là ở khu vực Père-Lachaise, một người đã thiệt mạng và sáu người bị thương sau vụ một chiếc xe lao lên vỉa hè do người lái xe trong tình trạng say rượu.

Nhật báo thiên hữu nhận định hiện thực nêu trên cũng được phản ánh trong nền chính trị Pháp, hiện giống như một mớ hỗn độn. Dường như tất cả các bên đều muốn "giữ miếng" trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Nói cách khác, từ giờ đến năm 2027, không bên nào muốn "tự bắn vào chân" với việc xây dựng một liên minh, một chính phủ rồi bị mất uy tín theo thời gian.

Việc phe tổng thống không có được đa số trong Hạ Viện lẽ ra sẽ giúp cho tiếng nói của bên lập pháp rất có trọng lượng, nhưng lá phiếu của cử tri dường như không "đồng nhất" với những toan tính của các đảng phái trong Quốc hội. Trong bối cảnh đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và đồng minh có được hơn 140 ghế trong Hạ Viện, mọi quyết định cũng sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Từ giờ đến khi mọi chuyện an bài, Le Figaro cho rằng đất nước sẽ phải đối mặt với những vấn đề cấp bách nhất, như khả năng cánh tả tiến vào điện Matignon (phủ thủ tướng Pháp) hay hai tuần căng thẳng sắp tới khi diễn ra Thế Vận Hội Paris 2024. Sau đó, tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải nhìn vào thực tế. Ông không có đa số trong Hạ Viện khiến cơ quan hành pháp bị "đóng băng", đồng thời ông cũng không thể ra tranh cử vào năm 2027. Chủ nhân điện Elysée sẽ nhận ra rằng ông không chỉ giải tán Quốc hội, mà đã giải tán luôn chính nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cầm cự được bao lâu ?

Về tình hình Ukraine, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération quan tâm đến tình trạng khan hiếm năng lượng trầm trọng ở nước này. Thời gian đang thực sự bất lợi cho Ukraine và thuận lợi cho Nga, trong bối cảnh điện Kremlin gia tăng các cuộc oanh kích ở Ukraine, làm suy yếu thêm cơ sở hạ tầng và tinh thần của người dân trong nước. Trong trường hợp Donald Trump trở lại lãnh đạo Hoa Kỳ và chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, tình hình sẽ trở nên "khốc liệt". Quân đội Ukraine đang rất cần vũ khí của phương Tây nếu muốn tiếp tục cầm cự trong cuộc chiến chống quân đội Nga, đang "nghiền nát" các cơ sở hạ tầng Ukraine.

Kể từ đầu năm nay, 90% nhà máy nhiệt điện và thủy điện của Ukraine đã bị tên lửa Nga phá hủy. Khi nhiệt độ lên tới 40 độ C vào mùa hè và xuống dưới 0 độ C vào mùa đông, đây thực sự là một thảm kịch đối với nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày. Mặc dù người dân Ukraine đã thể hiện sự kháng cự phi thường kể từ khi nổ ra chiến tranh, nhưng việc sửa chữa các nhà máy điện bị hư hỏng nặng đang trở nên hết sức phức tạp, và sinh sống ở một đất nước không có điện là một thách thức không hề nhỏ.

Để tìm cách cứu vãn tình hình, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không ngừng nghỉ đi khắp nơi để kêu gọi các đồng minh viện trợ. Tình hình cũng trở nên rắc rối khi thủ tướng Hungary Viktor Orban, với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu thực hiện những "sứ mệnh hòa bình" tại Nga và Trung Quốc, khiến các thành viên Liên Âu càng ngỡ ngàng.

Nhật báo thiên tả kết luận Nga đang thực sự mong chờ tình trạng này sẽ kéo dài cho đến khi nguồn lực của Ukraine cùng với sự hỗ trợ từ bên ngoài cạn kiệt.

J. D. Vance trở thành ứng viên phó tổng thống Mỹ, vố đau với Ukraine

Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của nhật báo Le Monde nhận định việc cựu tổng thống Donald Trump chọn James David Vance làm người đứng liên danh phó tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 là một thông điệp rõ ràng gửi tới chính quyền Zelensky, trong bối cảnh quân đội Nga tiếp tục chiến dịch "gặm nhấm" ở miền đông Ukraine, một năm sau cuộc phản công thất bại của Kiev.

Là một nhân vật có tiếng nói bên đảng Cộng hòa, hiện thân của đường lối cứng rắn trong số những người ủng hộ Trump, ông Vance đã đưa ra nhiều tuyên bố mang tính miệt thị nhắm vào một quốc gia đang phải vật lộn trong cuộc chiến sinh tồn chống lại nước Nga của Vladimir Putin. Hồi đầu năm 2022, J. D. Vance từng khẳng định "không hề quan tâm đến những gì xảy ra ở Ukraine". Cho đến nay, Vance vẫn giữ vững lập trường đó và duy trì những lời đồn đoán về việc viện trợ của Hoa Kỳ đã không tới Ukraine. Sau khi trở thành thượng nghị sĩ, J. D. Vance phản đối việc viện trợ quân sự cho Ukraine, khẳng định Washington không có các phương tiện quân sự cần thiết để giúp cho Kiev giành chiến thắng và cho rằng Ukraine bị "hoang tưởng" khi đề ra mục tiêu chiếm lại những vùng lãnh thổ mất vào tay Nga từ một thập kỷ qua.

Bài xã luận cho rằng những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ có thể sẽ khiến tổng thống Volodymyr Zelensky buộc phải chấp nhận đàm phán vô điều kiện với Moskva. Nguyên thủ Ukraine có thể sẽ đề cập đến điều này trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình được tổ chức trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, việc Nga tỏ ra "thận trọng" sau lời mời gọi tham dự thượng đỉnh của Zelensky cho thấy hiện giờ vẫn chưa có sự tiến triển nào về mặt ngoại giao giữa hai bên.

Le Monde kết luận Ukraine giờ đây chỉ còn trông chờ vào Liên Âu, và khối này sẽ buộc phải xích lại gần nhau trong trường hợp Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, có thể khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương được vun đắp từ nhiều thập kỷ qua gặp nhiều biến động.

Mỹ : Tổng thống Joe Biden có nên tiếp tục tranh cử ?

Vẫn tại Hoa Kỳ, tờ La Croix đặt câu hỏi liệu Covid-19 có đặt dấu chấm hết cho chiến dịch tranh cử của Joe Biden hay không ? Đây có thể coi là cuộc chiến mang tính sống còn đối với sự nghiệp chính trị của chủ nhân Nhà Trắng, sau màn trình diễn thảm hại vào cuối tháng 6 trong cuộc tranh luận với Donald Trump, làm dấy lên những câu hỏi về thể chất và tinh thần của Biden. Không chỉ các nhà tài trợ, mà giờ cả các chính trị gia có tiếng nói của đảng Dân chủ cũng kêu gọi ông rút lui.

Ray La Raja, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Massachusetts ở Amherst, lưu ý rằng "những nhân vật có ảnh hưởng trong đảng Dân chủ như Schumer, Pelosi hay Jeffries đang lắng nghe các thành viên trong đảng và thăm dò ý kiến của họ để đánh giá xem Biden có còn khả năng giành chiến thắng hay không". Tuy nhiên, nhật báo công giáo nhận định những nhân vật nói trên đang có dấu hiệu mất kiên nhẫn khi sắp đến đại hội đảng Dân chủ, sẽ diễn ra tại Chicago vào ngày 19/08, chính thức đề cử một ứng viên cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Truyền thông Mỹ tiết lộ rằng Joe Biden đã gặp riêng lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng Viện, Chuck Schumer, cũng như lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ Viện, Hakeem Jeffries, và cả hai quan chức đều bày tỏ "quan ngại về khả năng Biden sẽ khiến họ không nắm được đa số trong Quốc hội lưỡng viện".

Cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, vẫn rất có ảnh hưởng, cũng nói với Biden rằng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông có thể khiến đảng Dân chủ thất bại trong việc giành được đa số tại Hạ Viện cũng như chiếc ghế tổng thống. Ngoài ba nhân vật nêu trên, khoảng hai chục chính trị gia khác trong đảng Dân chủ cũng kêu gọi Biden "nhường chỗ cho người khác".

Georgia có còn cơ hội gia nhập EU ?

Quay trở lại Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về những biến động mới ở Georgia (Gruzia), 3 tháng sau cuộc cách mạng bất thành. Salomé Zourabichvili, tổng thống thân phương Tây của nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở vùng Kavkaz này hôm 15/07 đã yêu cầu Tòa án Tối cao bãi bỏ luật về "ảnh hưởng của nước ngoài", được thông qua vào cuối tháng 5, bất chấp làn sóng phản đối rầm rộ kéo dài 2 tháng, với những cuộc tuần hành chưa từng có trên đường phố Tbilisi tố cáo một văn bản "phi tự do". Đạo luật này do chính phủ theo đảng Giấc Mơ Georgia ban hành có biệt danh là "luật Nga", mô phỏng theo một văn bản cho phép điện Kremlin bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến từ năm 2012.

Theo tổng thống Zurabichvili, đạo luật này vi hiến và dứt khoát phải bị bãi bỏ, vì nó cản trở Georgia hội nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) và NATO. Bruxelles vào cuối tháng 6 đã thông báo tiến trình gia nhập Liên Âu của Georgia "trên thực tế" đã bị đình chỉ. Đây thực sự là một vố đau đối với phe thân phương Tây trong nước, sau khi Tbilisi phải rất vất vả mới được EU trao tư cách ứng viên vào tháng 12/2023. Đầu tháng 7, Liên Âu đã đóng băng khoản hỗ trợ tài chính 30 triệu euro cho Georgia, còn Washington cũng tuyên bố "đánh giá lại mối quan hệ" với Tbilisi, đồng thời hủy bỏ các cuộc tập trận với Georgia dự kiến cuối tháng Bảy.

Hơn 120 tổ chức phi chính phủ cũng đã lên tiếng ủng hộ tổng thống Georgia, yêu cầu rút lại đạo luật, nhưng dường như khó có khả năng thành công. Quốc hội Georgia do đảng Giấc Mơ Georgia của nhà tỷ phú và cựu thủ tướng Bidzina Ivanishvili thống trị, đã phớt lờ quyền phủ quyết của tổng thống và chính thức thông qua đạo luật. Ivanishvili bị nghi ngờ có liên kết với điện Kremlin, được cho là lãnh đạo thực sự của đất nước.

Phan Minh

Published in Quốc tế