Tội ác chống nhân loại của chế độ Syria bị đưa ra trước tòa án Đức ; tổng thống Mỹ Donald Trump phô trương tư thế người hùng chống Covid-19 : Đây là hai chủ đề quốc tế quan trọng được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 07/10/2020 đưa lên trang nhất. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa hai đại gia ngành cung cấp nước tại Pháp cũng thu hút sự chú ý.
Về tình hình Syria, Le Monde đã chạy hàng tựa lớn trải dài năm cột báo ngay trang nhất : "Cuộc chiến tranh hóa học của Assad bị đưa ra trước công lý".
Đối với Le Monde, các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chế độ Bashar-al-Assad trong cuộc nội chiến bùng lên từ cách nay gần 10 năm sẽ trở thành đối tượng của một cuộc điều tra hình sự.
Hồ sơ kiện gồm hàng triệu trang tài liệu
Mọi sự bắt nguồn từ việc ba tổ chức phi chính phủ, hôm 05/10 vừa qua, đã nộp đơn lên tòa án Karlsruhe ở Đức, kiện chế độ Damascus hiện thời về tội ác chống nhân loại.
Hồ sơ kiện rất dày, bao gồm hàng triệu trang lời khai và cũng như mệnh lệnh của chế độ, kèm theo hình ảnh và video, tất cả đều đã được các nhân viên điều tra xác minh.
Trong bài viết chính bên trong mang tựa đề "Tại Đức, đơn kiện đầu tiên về tội ác chống nhân loại nhắm vào các cuộc tấn công hóa học do chế độ Syria tiến hành", Le Monde nói rõ rằng đây là sáng kiến của ba tổ chức phi chính phủ Syria và quốc tế, kiện chính quyền của tổng thống Bachar al Assad về hai vụ tấn công bằng khí sarin, vào năm 2013 ở Đông Ghouta và năm 2017 ở Khan Sheikhoun.
Hai vụ tấn công tàn khốc Đông Ghouta và Khan Sheikhoun
Về vụ thứ nhất, Le Monde nhắc lại rằng cuộc tấn công bằng khí sarin, một chất độc thần kinh, không màu sắc, không mùi vị đã xảy ra vào ngày 21/08/2013, ở Đông Ghouta, vùng ngoại ô Damascus, gây tử vong cho 1.200 người. Vụ thứ hai, cũng bằng loại khí độc này, diễn ra ngày mồng 4/4/2017 tại Khan Sheikhoun, một thị trấn với khoảng 30.000 dân, nằm trên con đường chiến lược nối Damascus với Alep. Cuộc tấn công đã khiến 200 người chết.
Le Monde đã trích lời chứng của Artino, một phóng viên nhiếp ảnh chiến trường người Syria, đã sống sót sau vụ thảm sát Ghouta, mô tả tính chất kinh hoàng của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà theo ông "vượt xa bất kỳ một cuộc tấn công nào khác" bằng bom đạn bình thường.
Trách nhiệm đến từ cấp cao nhất
Còn ông Steve Kostas, thuộc tổ chức Open Society Justice Initiative, một trong ba NGO đã đệ đơn kiện, thì nêu bật vai trò của Nhà nước Syria : "Đằng sau các vụ tấn công bằng khí sarin, có toàn bộ chương trình nghiên cứu khoa học và sản xuất vũ khí hóa học của chế độ Syria, và việc sử dụng phương tiện này đã được quyết định ở cấp cao nhất của chính phủ".
Theo lời khai của một người lính Syria đã đào ngũ được trích dẫn trong đơn khiếu nại, thì cuộc tấn công vào Đông Ghouta, đã được chính tổng thống Bashar Al-Assad "cho phép" và sau đó do em trai ông là Maher al-Assad, chỉ huy sư đoàn 4 ra lệnh thực hiện.
Tướng Ghassan Abbas, người đứng đầu chi nhánh 450 của Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Khoa học (CERS), chương trình hóa học Syria được thành lập từ những năm 1970, đã "hiện diện" vào lúc tấn công để "giám sát các khẩu pháo mang đầu đạn hóa học".
Còn về cuộc tấn công vào Khan Cheikhoun, chiến dịch này cũng được tổng thống Syria phê duyệt, còn việc thực hiện được giao cho Ali Abdullah Ayyoub, bộ trưởng quốc phòng kiêm tham mưu trưởng quân đội vào thời điểm đó, và một số sĩ quan không quân.
Sở dĩ tòa án Karlsruhe được chọn đó là vì tại Đức, ngành tư pháp được trao thẩm quyền phổ quát.
Cả một hệ thống khủng bố người dân từ năm 2011
Bài viết thứ hai trong hồ sơ tội ác của chế độ Damascus đã đề cập đến một phiên tòa khác đang diễn ra tại Đức : "Bộ Phận 251 và chế độ Syria trên ghế bị cáo tại Koblenz".
Tại thành phố gần Bonn, thủ đô Tây Đức cũ, một phiên tòa đã mở ra để xét xử một đại tá Syria và một thuộc cấp của ông về tội sát hại 58 người và tra tấn hơn 4.000 người khác tại Syria trong những năm 2011-2012.
Có điều là trong tiến trình thẩm tra tại tòa, nhiều tài liệu chưa từng công bố đã được trình ra, cho thấy tính chất có hệ thống của các vụ tra khảo, sát nhân nhằm khủng bố người Syria kể từ năm 2011. Và thủ phạm không chỉ là các cá nhân, mà là cả chế độ của tổng thống Bachar-al-Assad.
Donald Trump khoe mình là anh hùng thắng Covid
Cũng chú ý đến thời sự quốc tế, nhật báo Pháp Le Figaro đã chú ý đến diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ. Tựa lớn trang nhất của tờ báo nêu bật "Gặp khó khăn, Trump phô trương hình ảnh mình là người chiến thắng Covid-19".
Theo tờ báo, bị chỉ trích là đã xử lý đại dịch một cách kém cỏi, tổng thống Mỹ đã quyết định dàn dựng sự kiện ông xuất viện để gợi ý rằng, giống như ông, đất nước Mỹ có thể chiến thắng dịch Covid-19.
Tờ báo nêu bật các chi tiết : Vào sáng thứ Hai, tổng thống Mỹ đã bắt đầu bằng việc tuyên bố tự mình xuất viện trên tài khoản Twitter của ông trong một thông điệp nhằm trấn an công chúng Mỹ.
Sau đó, trong một bộ đồ màu sẫm quen thuộc, và đeo khẩu trang, một điều rất khác lạ, ông Trump rời bệnh viện vào cuối ngày, vẫy tay chào các phóng viên bằng ngón tay cái trước khi đi đến trực thăng của mình. Việc ông bước trên sân cỏ Nhà Trắng được quay như thể đó là biểu tượng của việc ông trở lại làm việc trong Phòng Bầu Dục…
Sau đó, trên ban công của Nhà Trắng, với ánh mắt nhìn chằm chằm vào đường chân trời, ông Trump đã gỡ khẩu trang một cách khoa trương, trước khi bỏ nó vào túi, như thể báo hiệu sự kết thúc của tập phim y tế bất ngờ này.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, trong một khoảnh khắc, tổng thống Mỹ đã cho thấy là ông bị khó thở. Những lời giải thích bối rối của các bác sĩ ngay trong buổi chiều hôm đó không xóa bỏ được mọi nghi ngờ về khả năng hồi phục hoàn toàn của ông.
Và bên trên tất cả là sau ba ngày vắng mặt, tổng thống Mỹ đã trở lại một Nhà Trắng gần như hoang vắng, với hàng chục cộng tác viên thân cận và khách mời bị xét nghiệm dương tính với vi rút, bao gồm cả đệ nhất phu nhân Melania và phát ngôn viên tổng thống Kayleigh McEnany.
Hàng trăm ngàn người thất nghiệp vô hình tại Pháp
Nhật báo La Croix cũng tập trung trên chủ đề nước Pháp, những xoáy mạnh vào khía cạnh xã hội với tựa lớn trang nhất "Những người thất nghiệp bị che khuất". Tờ báo công giáo Pháp tìm hiểu xem con số hàng trăm ngàn người Pháp mà công ăn việc làm bị xóa sổ từ đầu dịch Covid-19 bao gồm những tầng lớp nào.
Trong một bài phân tích bên trong với tựa đề : "Những người thất nghiệp vô hình này là ai ?", La Croix ghi nhận là sự gia tăng của các kế hoạch bảo vệ biên chế chỉ thể hiện một phần rất nhỏ của các vụ cắt giảm công ăn việc làm từ nay đến cuối năm.
Nạn nhân của các vụ cắt giảm này là các nhân viên làm theo thời vụ, những người chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn và những người hành nghề tự do. Họ đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng một cách âm thầm lặng lẽ, mà không được ghi nhận trong số liệu thống kê.
Pierre-Édouard Magnan, chủ tịch Phong trào Toàn quốc của những người thất nghiệp và có việc làm bấp bênh, nhận xét : "Khi nhân viên bị sa thải hàng loạt ở các đơn vị lớn, nơi các công đoàn hoạt động tốt, điều đó thu hút giới truyền thông. Thế nhưng lượng người đó chẳng thấm vào đâu so với số đông những người bị mất việc". Theo ông, "bi kịch đang diễn ra trong các doanh nghiệp nhỏ, nơi những nhân viên có hợp đồng ngắn hạn và những người tự kinh doanh".
La Croix nêu bật một ví dụ. Trong các công ty lớn chẳng hạn, người ta đã ghi nhận được 65.000 việc làm bị xóa bỏ từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 9. Đây chỉ là một phần rất nhỏ của làn sóng sa thải hay mất việc. Theo viện thống kê INSEE, 715.000 việc làm đã bị phá hủy trong nửa đầu năm nay và con số này có thể lên tới 900.000 vào cuối năm, theo Unédic.
Suez-Veolia-Engie : trận chiến giành nước
Cũng ở trang nhất, cả Libération lẫn Les Echos đều chú ý đến một chủ đề thuần túy Pháp : Cuộc đấu tranh giành quyền cung cấp nước giữa hai đại gia số 1 và số 2 tại Pháp trong lãnh vực này là Veolia và Suez.
Sau sáu tuần vật lộn với nhau, Veolia, tập đoàn số 1 của Pháp về xử lý nước và chất thải đã mua lại được một lượng lớn phần hùn của Suez, tập đoàn số 2 trong lãnh vực này tại Pháp, và đã giành được phần nào quyền khống chế đối thủ cạnh tranh.
Điều đáng nói là số phần hùn mà Veolia mua được là do tập đoàn năng lượng Engie bán lại, bắt chấp sự phản đối của chính phủ vốn nắm giữ 23,6 % vốn của Engie.
Thái độ bướng bỉnh của Engie đã thu hút sự chú ý của Libération, đã chạy trên trang nhất một tựa rất hóm hỉnh về bộ trưởng kinh tế Pháp Le Maire trong vụ này, với một phần trên trang nhất : "Le Maire không phải là đã gặp nước xuôi" và phần còn lại trong bài viết bên trong "mà đã bị ngập nước".
Còn nhật báo Les Echos thì nghiêm túc hơn, chạy tựa lớn trang nhất : "Suez-Veolia : Hậu trường của cuộc đấu"
Trọng Nghĩa