Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ định hình lại các liên minh quốc tế

Ngày 11 tháng 11 năm 2018 là đúng 100 năm ngày chấm dứt cuộc Thế Chiến Thứ I (1914-1918). Các tuần báo xuất bản nhân dịp này dĩ nhiên đã dành không ít trang, bài để đề cập đến những khía cạnh khác nhau của cuộc chiến.

trump1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp đồng nhiệm Mỹ Donald Trump tại điện Elysée (Paris) ngày 10/11/2018. Reuters/Vincent Kessler

Đáng chú ý là hồ sơ chính trên tuần báo Pháp Courrier International, phân tích về "các liên minh mới" - tựa lớn trang bìa - đang chi phối thế giới ngày nay.

Đối với Courrier International, một thế kỷ sau khi kết thúc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất, chưa bao giờ sự cân bằng của thế giới lại có vẻ bấp bênh như ngày nay. Từ cuộc chiến Syria, vấn đề hạt nhân, cho đến thương mại hay di dân nhập cư, các quốc gia thời nay thường liên kết hay đối đầu với nhau tùy theo những tình huống cụ thể.

Theo tuần báo Pháp, một trong những nhân tố quan trọng khuấy động cục diện thế giới hiện nay là đường lối "nước Mỹ trên hết" của đương kim tổng thống Mỹ áp dụng vào chính sách đối ngoại, với hệ quả là cách hành xử đơn phương của Mỹ đã khiến cho các đồng minh thân cận nghi ngại, và tạo điều kiện cho các đối thủ vươn lên.

Xu hướng đơn phương của Trump : Món bở cho Nga và Trung Quốc

Courrier International đã trích dịch một bài viết trên nhật báo Anh Quốc The Guardian cho rằng "Trump đã bắn phát súng ân huệ vào thời kỳ Pax Americana", tức là vào thời kỳ hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ, với Hoa Kỳ nắm quyền lực toàn cầu.

Theo bài báo, tổng thống Trump đã phá hoại quyền lực mềm của Mỹ, vốn rất quan trọng trong việc giúp Mỹ ngự trị trên thế giới. Không chỉ thế, ông Trump còn khiến các đồng minh bất bình khi rút Mỹ ra khỏi hầu như tất cả các hiệp ước quốc tế quan trọng, từ hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, cho đến Hiệp ước Khí hậu Paris.

Nhận định của tờ báo Anh rất nghiêm khắc : "Donald Trump đã phá hủy nền móng của ảnh hưởng Mỹ mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã phải tốn 3 phần tư thế kỷ để xây dựng"…

Đối với The Guardian, ông Trump đã coi thường quyền lực mềm (soft power) mà chỉ chú ý đến quyền lực cứng (hard power) mà không biết rằng sức mạnh của Mỹ trên thế giới đa phần dựa trên quyền lực mềm :

"Sở dĩ Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường, đó là vì phần còn lại của thế giới muốn như vậy. Mỹ có quân đóng tại hơn 170 quốc gia, có liên minh với khoảng 60 nước gia vì hầu hết các quốc gia khác trên thế giới không cảm thấy bị sức mạnh của Mỹ đe dọa… Hoa Kỳ hùng mạnh nhưng không gây sợ hãi hay kinh tởm như một số thế lực quân sự và tham lam trước đó, từ Tây Ban Nha thời triều đại Habsbourg, Pháp thời Napoléon, cho đến Liên Xô hay là Đức thời Wilhelm II và thời Quốc Xã.

Các siêu cường đó đã bị các nước khác liên minh lại với nhau để chống lại, và đã bị khuất phục, trong lúc Mỹ không hề phải đối phó với một liên minh quốc tế nào như vây, vì được đánh giá là một siêu cường tốt. Trong quá khứ, Mỹ không hề bị cô lập, mà trái lại, chính các đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc mới bị cô lập. Hai cường quốc độc đoán này có một số đàn em, nhưng hầu như không có bạn bè thực thụ, luôn luôn bị các láng giềng nhìn với một con mắt nghi kỵ và thiếu thiện cảm.

Tuy nhiên, chủ nghĩa đơn phương hiện nay của Donald Trump đang tạo ra những khoảng trống mà hai Nhà Nước phi tự do đó có thể nhanh chóng trám vào để tranh đoạt một số quyền lực của Hoa Kỳ.

Liệu có đồng minh nào tiếp tục tin tưởng vào Mỹ hay không ?

Kết luận của The Guardian khá bi quan : Sức mạnh của Mỹ đã bắt đầu suy giảm từ rất lâu trước khi tổng thống Trump nhậm chức, với một trong những nguyên nhân là sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc. Ông Trump đã chỉ đẩy mạnh tiến trình suy sụp, thậm chí là cho tiến trình này không thể đảo ngược.

Theo tờ báo Anh, ngay cả khi một tổng thống Mỹ tương lai có quay trở lại với chủ nghĩa quốc tế và đường lối tự do thương mại, phần còn lại của thế giới sẽ vẫn nhận thức đầy đủ rằng một ngày nào đó, cử tri Mỹ sẽ có thể chọn lại một tổng thống theo xu hướng cô lập và bảo hộ mậu dịch.

Như vậy, có thể cho là ông Donald Trump đang kết liễu cái gọi là Pax Americana, Hòa Bình kiểu Mỹ và tạo điều kiện cho sự ra đời của một thế kỷ của Trung Quốc, hoặc một thời kỳ rối loạn thế giới mới, nơi luật pháp quốc tế không tồn tại…

Các liên minh mới và sự vươn lên của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải

Hồ sơ của Courrier International đã nêu bật một số ví dụ về các liên minh mới đã và đang hình thành trên thế giới. Trong bài viết mang tựa đề "Trật tự thế giới dịch chuyển từ Tây sang Đông", tuần báo Pháp nói về Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc và Nga kết hợp hình thành.

Theo Courrier International, ra đời một cách kín đáo vào năm 2001 với các mục tiêu giới hạn về an ninh khu vực, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đang ngày càng trở nên quan trọng.

Trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, chủ tịch câu lạc bộ báo chí Tashkent tại Uzbekistan, một trong 6 thành viên ban đầu của tổ chức này, đã ghi nhận : "Một số nhà phân tích cho rằng SCO là một cơ chế quản trị toàn cầu ‘phi phương Tây’ mới, hay gọi đó là mô hình mới của quan hệ quốc tế".

Ngoài Uzbekistan, các thành viên sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm có Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Với việc kết nạp Ấn Độ và Pakistan vào năm 2017, SCO hiện nay đại diện cho "gần một nửa dân số thế giới, một phần tư GDP và khoảng 80% lãnh thổ Á-Âu". Đà mở rộng vẫn tiếp tục với đơn xin gia nhập của Afghanistan và Iran.

Điều được một quan sát viên nêu bật trên The Diplomat, là vào tháng 6 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp Ttác Thượng Hải ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc) đã phô trương một bộ mặt đoàn kết, trái hẳn với Thượng Đỉnh G7, tổ chức cùng thời điểm tại Canada, đã phơi bày bất hòa trước mắt toàn thể thế giới.

Theo tác giả trên The Diplomat, cuộc họp Thanh Đảo đã trưng ra hình ảnh về một "trật tự thế giới chuyển dịch từ Tây sang Đông", với "phương Tây đang rệu rã trong lúc phương Đông đang củng cố".

Tuy vậy, đằng sau các đồng thuận được phô trương, là nhiều mâu thuẫn tiềm tàng : Ấn Độ đã không tham gia sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, và câu hỏi đặt ra là liệu Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có thể tồn tại khi tranh chấp bùng nổ giữa Ấn Độ và Pakistan, hoặc quan hệ xấu đi giữa Ấn Độ và Trung Quốc hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ vẽ lại các liên minh ở Trung Đông

Một ví dụ khác về sự thay đổi liên minh đã được Courrier International nêu lên trong bài viết chạy tựa "Ankara, kẻ thắng lớn", đề cập đến các liên minh mới mà Thổ Nhĩ Kỳ đang củng cố để phục vụ tham vọng khu vực của mình.

Tạp chí Pháp đã trích dẫn các nhà nghiên cứu Colin P. Clarke và Ariane T. Tabatabai trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs thẩm định rằng "Ở Trung Đông, các liên minh luôn luôn được vẽ lại", nêu lên trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong nhiều thập kỷ qua là một đồng minh trung thành của Washington và thế lực chính đối lập với Iran, hiện lại đang xích lại gần Iran và Nga, hai đối thủ của Mỹ.

Đối với các tác giả, sự thay đổi này bắt nguồn từ ý thức hệ Hồi giáo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, muốn xa rời phe phương Tây, từ bỏ chủ nghĩa thế tục nổi tiếng do Kemal Atatürk sáng lập ra vào đầu thế kỷ 20.

Tranh thủ các diễn biến tại Syria, nơi Mỹ đã bộc lộ thái độ miễn cưỡng, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên kết với Nga và Iran, hai nước có nhiều điểm tương đồng trên hồ sơ này và lập ra một trục liên kết Ankara-Tehran-Moskva-Damascus.

Để kết thân thêm với Nga, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất, bất chấp phản đối của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO mà Ankara là thành viên.

Lợi dụng đối thủ Saudi Arabia đang bị suy yếu do vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi, ông Erdogan đã liên minh với Qatar, kẻ thù dữ dằn nhất của Riyadh.

Đối với Foreign Affairs, tại Cận Đông "Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là người chiến thắng lớn. Ankara đang chơi trên cả hai mặt của cuộc xung đột Syria, kiếm được điểm cho các cuộc đàm phán trong tương lai".

100 năm sau Thế Chiến I, Paris muốn tái lập vai trò trung tâm hòa bình

Cùng khai thác chủ đề 100 năm kết thúc cuộc thế chiến thứ nhất, giống như Courrier International, tuần báo Le Point cũng dành trang bìa cho sự kiện này, với tựa chính "1918, các bí mật, các anh hùng, các bài học lịch sử", bên trên một bức ảnh tư liệu đen trắng cho thấy các binh sĩ thời ấy đang di chuyển trong chiến hào.

Bên trang trong Le Point đã dành gần 20 trang để nói về nhu cầu gọi theo người Việt là "ôn cố tri tân" : "Khi chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày Đình Chiến – Armistice là tên chính thức của ngày kỷ niệm chấm dứt Thế Chiến I tại Pháp – với Châu Âu đang ở trong một tình trạng căng thẳng mới, cuộc Đại Chiến vẫn còn rất nhiều điều để dạy chúng ta".

Le Point nhắc lại rằng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Đình Chiến, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn Paris về Hòa Bình, từ ngày 11 đến 13/11 để "nhắc nhở rằng vẫn cần hành động khẩn cấp, đòi hỏi mọi người phải có hành động cụ thể, thảo luận tự do và đối thoại cởi mở. Đã có gần 60 nguyên thủ quốc gia nhận lời mời đến Paris.

Theo tạp chí Pháp, như vậy là gần một thế kỷ sau Hội Nghị Hòa Bình Paris vào tháng Giêng 1919, thủ đô nước Pháp một lần nữa sẽ trở thành đầu não của các cuộc thảo luận để tạo ra "một cách tổ chức mới của thế giới", theo lời của chính tổng thống Macron.

Sáng kiến của Pháp có thiết thực hay không, hay là chỉ mang tính chất hình thức hào nhoáng bề ngoài ? Theo Le Point, nếu thế giới của năm 2018, với nhiều cơ chế ngăn chặn xung đột, hoàn toàn khác biệt với thời điểm năm 1914, khi Đại Chiến Thứ I bắt đầu, nhưng việc ôn cố tri tân vẫn rất cần thiết, đặc biệt để hiểu được vì sao hòa bình lại không được duy trì vào khi ấy.

Đối với Le Point, 1914 là một ví dụ hoàn hảo của một thảm họa từng được sử gia Christopher Clark cho là "không hề không thể tránh khỏi, ít ra là cho đến lúc nổ ra".

Một chính quyền Mỹ chia rẽ sau bầu cử giữa kỳ

Là tuần báo tối thứ Năm 08/11/2018 mới lên khuôn, tức là hai hôm sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, tờ The Economist đã dành trang bìa cho sự kiện này. Trên bức ảnh vẽ tổng thống Mỹ Donald Trump trên lưng một con lừa, biểu tượng của đảng Dân Chủ Mỹ, nhưng người lại hướng về phía sau, tuần báo Anh chạy tựa ngắn gọn Where’s next ? – Sắp tới đây sẽ ra sao ?

Trong bài phân tích trang trong, The Economist nhận định rằng "Cuộc bầu cử giữa kỳ đã tạo ra một chính quyền bị chia cắt trên một đất nước bị chia cắt".

Đối với tờ báo Anh, ít ra là lần này, kết quả được dự đoán thực sự xảy ra. Đảng Dân Chủ chiếm Hạ Viện, và sẽ cho phép giám sát một số việc làm của Nhà Trắng. Đảng Cộng Hòa thì giữ được Thượng Viện với đa số lớn hơn – giúp cho các quyết định bổ nhiệm của tổng thống được thông qua dễ dàng hơn.

Cả hai bên đều tuyên bố thắng lợi, nhưng thực tế cho thấy là một quốc gia từng bị chia rẽ giờ đây có một chính phủ bị chia cắt, với đảng Dân Chủ nắm Hạ Viện, đối lập với đảng Cộng Hòa và tổng thống Trump trong các cơ chế khác.

Điều này, theo The Economist, sẽ làm cho nước Mỹ khó điều hành hơn trong một tương lai gần.

Quyền thừa kế Johnny Halliday : Toàn bộ các con không được gì ?

Trên trang bìa, và trong một hồ sơ 12 trang, tạp chí L’Obs đã tập trung nói về "Chuyện trinh thám về thừa kế di sản" của Johnny Hallyday. Tạp chí như rất thích thú vì có được một cuộc phỏng vấn "độc quyền" nữ ký giả Léna Lutaud của tờ Figaro, người đã viết một quyển sách về chuyện dài nhiều tập đáng buồn này.

Có thể tóm tắt câu chuyện này như sau : Di chúc mà cố ca sĩ Pháp để lại dường như không đơn thuần là để truất quyền thừa kế của các đứa con đầu tiên của Johnny là David và Laura, mà là chủ yếu là để cho bà vợ của Laetitia ‘tránh được thuế’. Suy đoán này, theo Lutaud, lại càng có lý hơn khi Laetitia đã nắm được một nửa gia sản của Johnny.

Người ta cũng được biết là Jade và Joy, hai người con gái nuôi của Laetitia và Johnny cũng không nhận được gì cả, vì bản di chúc Mỹ của Johnny không cho hai cô bé này bất kỳ một tài sản nào, cũng như đối với Laura và David.

Theo Lutaud thì tư pháp nước Pháp sẽ quyết định : "Ngày 30/11 này, tòa án Nanterre, nơi David và Laura nộp đơn kiện, sẽ cho biết là ngành tư pháp của Pháp có thẩm quyền phán xét vụ thừa kế gia tài này hay không trong bối cảnh Johnny, vốn thường trú tại Los Angeles, đã lập di chúc thừa kế theo luật của Mỹ.

Tòa án Nanterre đã tạm thời cho phong tỏa tạm thời tài sản bên Pháp của cố ca sĩ, hai ngôi nhà ở Marnes-la-Coquette (ngoại ô Paris) và ở Saint-Barth, và cả tác quyền… Nếu tòa án Pháp quyết định thụ lý hồ sơ này thì đây sẽ là một vụ xét xử lớn của thập niên này.

Người Pháp còn có thể ăn chung với nhau hay không

Trang bìa của tạp chí L’Express và hồ sơ chính tuần này được dành cho một vấn đề xã hội, xuất phát từ việc ngày nay người Pháp có những chế độ ăn uống rất khác nhau. Tựa chính thấy trên trang bìa rất dài và rất hóm hỉnh : "Không gluten, không thịt, không sữa, không rượu…, to tiếng trên bàn ăn (và nhức đầu trong nhà bếp).

Bài viết của L’Express nêu bật lời thú nhận của Sophie, một nữ nhân viên làm việc trong ngành quảng cáo, gia đình chỉ có 4 người : hai vợ chồng và hai đứa con. Thế nhưng khi cuối tuần cả nhà ăn chung thì quả là một bài toán nan giải, như lời giải thích của Sophie : "Chồng tôi thì thích ăn thịt đỏ, còn tái. Tôi thì ăn thức ăn bio (sạch), con gái tôi thì thích thịt trắng, con trai tôi thì ăn chay (rau quả)…".

Những chế độ ăn uống khác nhau đó, kèm theo thái độ kiên quyết không thay đổi, đã khiến cho những bữa ăn tối trong nhà biến thành những đấu trường, từ đó làm dấy lên câu hỏi : "Liệu chúng ta còn có thể ngồi ăn chung với nhau hay không".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế