Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp tái phong tỏa : Biện pháp "không thể tưởng tượng nổi" đã thành "không thể tránh khỏi"

"Nước Pháp lại chìm trong phong tỏa", "Covid-19", "bài phát biểu của tổng thống Macron", đó là những từ xuất hiện dày đặc trên báo chí Pháp ngày hôm nay. Hôm qua, trong bài phát biểu từ điện Elysée và được truyền hình trực tiếp, nguyên thủ Pháp thông báo kể từ 0h thứ Sáu 30/10/2020 nước Pháp áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa ít nhất là cho đến ngày 01/12. Các báo Pháp đều chạy trang nhất và dành rất nhiều trang bài cho đề tài này.

confinement1

Tối 28/10/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu từ điện Elysée thông báo tái phong tỏa đất nước để chống làn sóng dịch Covid thứ hai.  AFP Pool / Ludovic Marin

Sáu tháng sau đợt phong tỏa đầu tiên, lại một lần nữa nguyên thủ Pháp Macron phải chọn biện pháp cũ kỹ, lạc hậu nhất, tốn kém nhất và có tính phá hủy cao nhất : "nhốt người dân trong nhà để bảo vệ họ". Le Figaro ví von cảnh người dân quanh quẩn trong nhà với cảnh những chú sư tử bị nhốt trong chuồng. Đằng sau đó là các công ty ồ ạt phá sản, hàng chục hàng trăm ngàn lao động sẽ bị sa thải, giới trẻ sẽ không thể tìm được việc làm… Biện pháp mà chức trách Pháp từng coi là "không thể nghĩ tới" nay được coi là "không thể tránh được".

Le Figaro đặt câu hỏi chính phủ đã làm gì trong suốt mùa hè và chỉ trích chính quyền đã không biết cách xây dựng một hệ thống để áp dụng có hiệu quả sách lược nổi tiếng "xét nghiệm rà soát, tìm kiếm và cách ly", cũng như không tăng số giường cấp cứu và hồi sức cho bệnh nhân Covid. Kết quả là khi làn sóng dịch thứ hai ập đến, nước Pháp vẫn không được trang bị gì tốt hơn so với đợt 1.

Nhưng Le Figaro nhấn mạnh giờ nước Pháp không còn thời gian để tiếc nuối nữa, đã đến lúc hành động, bù đắp thời gian đã để lỡ. Phải khẩn trương có thêm các giường cấp cứu như Đức đã làm. Phải đào tạo hoặc tuyển thêm y tá nhưng Ý đã làm. Phải xây dựng các bệnh viện tạm thời như ở Israel… Tờ báo thiên hữu kết luận điều tệ hại nhất là sau khi thoát khỏi đợt phong tỏa thứ hai, nước Pháp sẽ lại không đạt được gì tốt hơn ban đầu. Đợt phong tỏa thứ hai là một tấn bi kịch quốc gia, đợt ba nếu xảy ra sẽ là đại thảm kịch !

Thử thách khó khăn

Ngoài những bài phân tích các phát biểu của tổng thống, báo công giáo La Croix có bài xã luận "Thử thách khó khăn". Về mặt lý trí, nhìn vào các số liệu, ai cũng hiểu chính phủ cần thắt chặt các biện pháp phòng dịch, nhưng về mặt tâm lý thì thực sự khó khăn. Nỗi sợ ngự trị : sợ dịch bệnh lây lan, sợ các mối liên hệ xã hội trở nên xa cách, sợ thảm họa kinh tế… Các tín đồ tôn giáo thì sợ các hoạt động tôn giáo tập trung đông người bị đình chỉ. La Croix chơi chữ : Dịch bệnh đang đùa giỡn các dây thần kinh của người Pháp.

Tất cả đều chệch hướng

Le Figaro cảm thán : "Từ giải tỏa đến suy sụp : Làm thế nào mà chúng ta lại đến nước này". Tờ báo kể lại câu chuyện với 5 chương. Hồi tháng 06, sau khi nước Pháp ra khỏi phong tỏa, dịch bệnh không bùng phát ngay lập tức khiến mọi người khi đó nghĩ rằng cơn ác mộng Covid-19 đã kết thúc. Đến tháng 07, hè về, virus corona vẫn thầm lặng tiến bước, nhiều người trong giới trẻ nhiễm bệnh nhưng ít ca bệnh nặng khiến mọi người cảm thấy "vô lo".

Qua tháng 08, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhưng không mạnh như hồi mùa xuân, vì thế không ai muốn nghe những lời cảnh báo của các chuyên gia, chiến dịch xét nghiệm đại trà khiến các xơ sở xét nghiệm và cơ quan theo dõi tìm kiếm người nhiễm virus đều quá tải, người Pháp thiếu ý thức kỷ luật, còn chính phủ vẫn kiên trì theo quan điểm "phải sống chung với virus". "Tất cả đều chệch hướng". Rồi đến tháng 09, virus corona lây lan nhanh chóng, các khoa hồi sức tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân, nhiều vùng chuyển sang cấp báo động đỏ. Và cuối cùng, vào tháng 10 "dịch bệnh đã thành ngoài tầm kiểm soát" !

Cùng chung nhận định với Le Figaro, tờ báo thiên tả Libération cho rằng tình hình dịch bệnh tạm lắng dịu hồi mùa hè vừa qua đã tạo ra một "ảo ảnh" và "Sau ảo ảnh mùa hè, các ca tử vong bùng nổ".

Từ thả lỏng đến mất kiểm soát

Trong bài viết "Covid : Từ thả lỏng đến mất kiểm soát", La Croix tổng hợp nhận định của nhiều chuyên gia dịch tễ. Làn sóng dịch thứ hai không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng Pháp đã đánh giá quá thấp tốc độ lây lan của virus, dẫn đến bị bất ngờ. Các biện pháp phòng dịch không phải là vô ích nhưng là không đủ. Việc không duy trì phương thức làm việc từ xa sau khi dỡ bỏ phong tỏa là một sai lầm đáng tiếc. 

Người Pháp sẽ giữ được kỷ luật đến khi nào ?

Được phát hành sớm từ chiều hôm qua, trước khi tổng thống Macron có bài phát biểu trên truyền hình, báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Chính phủ chuẩn bị tư tưởng cho công chúng để phong tỏa". Trong bài viết "Các hướng đi của chính phủ để đối phó với đại dịch", Le Monde cho biết quan điểm của chính phủ Pháp đã thay đổi rất nhanh khi tình hình dịch bệnh trở nên nguy cấp. Sáng sớm thứ Ba (27/10), nhiều quan chức lãnh đạo mới nói đến biện pháp tăng cường giới nghiêm từ 17h và chỉ phong tỏa hai ngày cuối tuần kể từ 00h thứ Bảy 31/10 và chỉ ở các vùng Paris, Lyon, Marseille.

Thế nhưng, trong cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái chính trị vào chiều thứ Ba, thủ tướng Jean Castex đã tỏ ra bi quan hơn và lần đầu tiên nói đến khả năng tái phong tỏa. Theo các cuộc thăm dò dư luận, người Pháp hiện vẫn tôn trọng các quy phòng dịch nhưng nhiều nhân vật trong nội các sợ rằng rồi thì dân chúng sẽ suy sụp. Một cố vấn của chính phủ đặt câu hỏi : Dân tộc Pháp có tinh thần kỷ luật, nhưng sẽ giữ được cho đến khi nào ?

Trump-Biden : Cuộc chiến quảng cáo kỹ thuật số

Nhìn sang nước Mỹ, nơi hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đang có cuộc đua nước rút khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bỏ phiếu chính thức bầu tổng thống, Le Figaro nói về cuộc chiến quảng cáo kỹ thuật số của hai đối thủ Trump – Biden trên mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm Google.

Đây là cuộc chiến chưa từng có và tốn kém nhiều tỉ đô la để hai ứng viên tiếp cận thêm nhiều nhóm cử tri, trong khi đó hồi năm 2008, Barack Obama, ứng viên đầu tiên sử dụng phương thức quảng cáo trên mạng, chỉ tốn 8 triệu đô la cho quảng cáo bằng kỹ thuật số. Một chiến lược gia truyền thông và cố vấn về các chiến dịch chính trị của Bully Pulpit Interactive nhấn mạnh do tác động của khủng hoảng Covid-19, kỹ thuật số ngày càng có vai trò quan trọng ở mỗi chặng của chiến dịch vận động tranh cử.

Điều đáng ngạc nhiên là với chi phí tương đương, ông Trump đã quảng cáo được nhiều gấp 3 lần so với đối thủ Biden. Chẳng hạn, với 5 triệu đô, từ ngày 01 đến ngày 07/10, ông Trump có 30.000 quảng cáo trên Facebook, trong khi ứng viên Dân Chủ chỉ có 7.000. Thành công của Donald Trump là nhờ ông đã khôn ngoan xác định được mục tiêu là mỗi đoạn quảng cáo ngắn với chi phí thấp chỉ nhắm vào một nhóm cử tri nhỏ, dựa theo mối quan tâm và nơi sinh sống của họ.  

Xung đột Thượng Karabakh : Tai họa "trời giáng"

Nhìn sang vùng Thượng Karabakh, Le Monde có bài phóng sự về nỗi ám ảnh về cuộc chiến máy bay không người lái ở vùng Thượng Karabakh. Đặc phái viên của Le Monde tại Armenia cho biết 60% dân vùng Thượng Karabakh đã phải di tản do quá sợ những đợt tấn công "từ trên trời giáng xuống". Phía Armenia cho rằng quân Azerbaijan có thể tiến nhanh nhờ sự hỗ trợ của các máy bay không người lái mà Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cung cấp cho Baku.

Với các "drone sát nhân", cuộc xung đột Thượng Karabakh trở thành một "cuộc chiến tàn khốc". Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu do bị bắn bằng máy bay không người lái, chứ không phải do các hình thức giao tranh khác. Chính vì thế, nhiều người Armenia thấy tuyệt vọng vì tổng thống Vladimir Putin không muốn kích hoạt hệ thống tác chiến điện tử Krasukha có khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái của Azerbaijan để trợ giúp đồng minh Armenia.

Nghịch lý Iran

Trong bài viết thứ hai, Le Monde phân tích thái độ của Iran về cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Ban đầu, dường như Iran ngả sang Armenia, một đồng minh lâu năm, nhưng Tehran luôn bác bỏ những lời chỉ trích theo đó Iran hậu thuẫn chính quyền Erevan bằng cách trung chuyển vũ khí từ Nga sang Armenia. Thế nhưng, hiện nay, Tehran ngày càng công khai ủng hộ Azerbaijan, nước Hồi giáo phái Shia giống Iran, thậm chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan. Một cố vấn ngoại giao thân cận của Giáo chủ Ali Khamenei còn yêu cầu Armenia rút khỏi khu vực đã chiếm của Azerbaijan.

Đối với Le Monde, đây là một nghịch lý bởi Azerbaijan là đồng minh thân cận của Israel, "kẻ thù không đội trời chung" với Iran, trong khi đó Iran vốn dĩ luôn có những trao đổi giao thương tích cực với Armenia. Iran cung cấp khí đốt cho Armenia còn Armenia cung cấp điện cho Iran. Thêm vào đó, quan hệ giữa Iran và Azerbaijan có những lúc rất phức tạp, thậm chí là bấp bênh, chẳng hạn về hải giới trên biển Caspian, hay vấn đề người Azeris - thiểu số Azerbaijan tại Iran - mà các đòi hỏi về sắc tộc và việc dạy ngôn ngữ tại trường học luôn bị Tehran cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ngược lại, Bakou tố cáo Tehran hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Sanam Vakil, phó giám đốc cơ quan tư vấn Chatham House của Anh cho rằng Iran hiện đang phải rất thận trọng vì trong nước có đông dân là người Azeris, ngoài ra cũng do hiện đã có nhiều tác nhân trong cuộc xung đột, nhất là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Iran đang tìm cách khẳng định Tehran là một đối tác có thể làm giảm căng thẳng trong vùng, cho dù những nỗ lực kêu gọi để Iran làm trung gian hòa giải cho Armenia và Azerbaijan hiện nay vẫn chưa có tác dụng.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế