Kazakhstan công bố số liệu chính thức về cuộc bạo loạn, cáo buộc "khủng bố nước ngoài"
Chi Phương, RFI, 16/01/2021
Chính quyền Kazakhstan hôm thứ bảy 15/01/2022, công bố con số thiệt hại về người sau cuộc bạo loạn hồi đầu tháng lên đến 225 người, cao hơn nhiều so với các con số đưa ra trước đó (dưới 50 người). Theo hãng tin Pháp AFP, chính phủ Kazakhstan cũng cáo buộc "những kẻ khủng bố" nước ngoài đứng sau các cuộc bạo động, nhằm che đậy sự phẫn nộ của dân chúng trong cảnh nghèo khó và các tranh giành quyền lực nội bộ.
Thành viên của tổ chức Free Kazakhstan biểu tình bên ngoài Nhà Trắng với biểu ngữ "Chấm dứt việc giết người biểu tình ôn hòa", để yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp hỗ trợ người biểu tình chống chế độ ở Kazakhstan, ngày 15/01/2022. © AP - Jose Luis Magana
Theo đại diện bộ trưởng bộ Tư Pháp Kazakhstan, thi thể của 255 người đã được đưa vào nhà xác, trong đó có 19 người thuộc quân đội. Số còn lại là "những tên cướp có vũ trang đã tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố". Ông nói thêm, xin trích : "thật không may dân thường cũng là nạn nhân của các hành động khủng bố". Về phía bộ Y Tế, phát ngôn viên Asel Artakshinova cho biết 2600 người đã phải nhập viện, 67 người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch.
Tình trạng bất ổn bạo lực ở Kazakhstan bắt đầu từ ngày 02/01 qua các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối việc tăng giá năng lượng. Đến ngày 05-06/01, bạo lực lên đến đỉnh điểm ở Almaty, biến thành phố thành bãi chiến trường, nhiều tòa nhà bị đốt cháy, cửa hàng bị cướp phá. Nhiều cuộc đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và quân đội. Giới chức Kazakhstan cáo buộc những kẻ khủng bố quốc tế, được đào tạo ở nước ngoài, đứng sau các vụ tấn công bạo lực các cuộc biểu tình.
Các tuyên bố chính thức đã khiến người dân không khỏi phẫn nộ. Trả lời AFP, gia đình của Dauren Bitkembayev, một nạn nhân thiệt mạng trong cuộc bạo loạn cho biết, xin trích :
Mọi người đều nói là quân đội đã nổ súng vào người biểu tình (…). Chúng ta có thể thấy đó là những ông già hoặc bà già, thì làm sao họ có thể là những tên cướp hay khủng bố được ?
Tuy nhiên, theo nhà bình luận chính trị Daniyar Moldabékov, được AFP trích dẫn, một bộ phận dân chúng Kazakhstan đã "tiếp nhận thông tin mang tính tuyên truyền" này và cho rằng "tất cả những người xuống đường biểu tình đều là những kẻ khủng bố và côn đồ", nhưng cũng có một số người nhận ra rằng nhiều thường dân bị thiệt mạng và nhiều người vô tội đang ở trong tù.
Theo AFP, một số người biểu tình mà nhà báo của họ đã gặp đã giải thích rằng họ tức là vì nạn tham nhũng và đời sống khó khăn, trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ.
Chi Phương
************************
Điều tra của France 24 : Bạo động ở Kazakhstan có thể do tranh chấp quyền lực nội bộ
Trọng Thành, RFI, 14/01/2022
Nga tố cáo "khủng bố" nước ngoài can thiệp gây bạo loạn tại Kazakhstan, Trung Quốc ủng hộ can thiệp quân sự Nga, lên án "cách mạng màu". Trong lúc liên quân do Nga đứng đầu loan báo bắt đầu rút khỏi Kazakhstan, đài Pháp France 24 hôm qua, 13/01/2022, có mặt tại chỗ để tìm hiểu lý do vì sao các cuộc biểu tình ôn hòa lại đột ngột biến thành bạo động đẫm máu.
Một nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài trung tâm hành chính bị đốt cháy trong các cuộc biểu tình tại Almaty, Kazakhstan, ngày 12/01/2022. Reuters – Pavel Mikheyev
Điều gì thực sự đã diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng Giêng, khi cuộc biểu tình hòa bình tại thủ phủ kinh tế Almaty biến thành cuộc đọ súng trên đường phố ? Phải chăng đã có một cuộc đảo chính ? Đây là câu hỏi là nhiều chuyên gia về khu vực đặt ra. Một tuần sau cuộc đàn áp đẫm máu chống lại phong trào phản kháng chống tăng giá nhiên liệu, và nạn tham nhũng.
Dinara, một nhân chứng sống tại khu vực tòa thị chính thành phố cho France 24 biết sự việc thay đổi quá nhanh. Buổi tối hôm 05/01, khi ra khỏi nhà, nhân chứng này nhìn thấy khói bốc lên từ một tòa nhà bốc cháy. Ngay trong đêm hôm đó, trung tâm thành phố bị phá phách tan hoang, sáng hôm sau, xác người đầy trên đường phố. Cho đến giờ nữ nhân chứng này cho biết "không hiểu điều gì đã xảy ra, ai có lợi khi làm cho tình hình tại Kazakhstan trở nên bất ổn định như vậy".
Theo thông báo của chính quyền, tổng thống đã đến tận Almaty để đích thân xem xét các hậu quả của cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, ông Bolatbek Bulgakbaev, cựu đại tá của KNB, tức cơ quan an ninh quốc gia, hoàn toàn không tin vào giải thích này. Theo viên cựu đại tá an ninh này, rất có thể các phe cánh chính trị tại Kazakhstan đã sử dụng tình huống này để tranh giành quyền lực, bởi cho đến nay, chính quyền chưa hề chỉ ra cho nhân dân, cho cộng đồng quốc tế "bất kỳ một phần tử khủng bố nào", "hàng chục nghìn kẻ khủng bố"mà người ta nhắc đến hiện đang ở đâu ?
Cựu sĩ quan ninh nói trên cho biết thêm, tại Kazakhstan, "mỗi phe nhóm có các lực lượng vũ trang riêng, lực lượng an ninh, cận vệ riêng", người ta chỉ cần trả tiền cho những phần tử này, để thực thi các hành động gây hỗn loạn.
Hiện tại, chính quyền Kazakhstan chưa công bố số liệu nào về nạn nhân là thường dân. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International kêu gọi nhà cầm quyền thông báo chính thức về các nạn nhân.
Phan Minh, RFI, 13/01/2022
Bộ quốc phòng Nga cho biết, lực lượng giữ gìn hòa bình trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) đã bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan vào hôm nay 13/01/2022.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể Stanislav Zas (trái) và tướng Nga Andrei Serdyukov, chỉ huy lực lượng OTSC trong lễ rút quân, Almaty, Kazakhstan, ngày 13/01/2022. AP - Vladimir Tretyakov
Theo nguồn tin của AFP, sáng nay, tại Almaty, thành phố lớn của Kazakhstan đã diễn ra một buổi lễ long trọng quy tụ các binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC), một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, tham gia chiến dịch "duy trì hòa bình", từ ngày 06/01/2022, sau khi chính quyền Kazakhstan kêu gọi hỗ trợ đối phó với các vụ biểu tình, bạo loạn phản đối việc tăng giá khí đốt.
Tướng Nga Andrei Serdyukov chỉ huy lực lượng OTSC tuyên bố : "Hoạt động gìn giữ hòa bình đã kết thúc thành công, các nhiệm vụ đã được hoàn thành".
Theo bộ quốc phòng Nga, các thiết bị quân sự và kỹ thuật đang được chuyển lên máy bay của không quân Nga để đưa về căn cứ quân sự thường trực. Theo OTSC và chính quyền Kazakhstan, việc rút quân sẽ kết thúc trước ngày 22/01.
Kazakhstan tuần trước đã hứng chịu một cuộc bạo động chưa từng có kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991. Vụ bạo động này đã khiến hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương và ít nhất 12.000 bị bắt.
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) được thành lập năm 1999 là một liên minh quân sự-chính trị, hiện bao gồm 6 thành viên là Nga, Kazakhstan, Belarus, Arrménia, Tadjikistan và Kirghizstan.
Phan Minh
*********************
Trọng Thành, RFI, 10/01/2022
Trong lúc tình hình tạm lắng tại Kazakhstan, hôm 10/01/2022, tổng thống Nga khẳng định các lực lượng Nga và đồng minh triển khai tại quốc gia này sẽ "sớm rút" một khi hoàn thành nhiệm vụ. Ngoại trưởng Mỹ tố cáo chính quyền Kazakhstan ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn vào người biểu tình.
Một chiếc xe tải quân đội bị thiêu rụi trong một cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh tại Almaty, Kazakhstan. Ảnh chụp ngày 09/01/2022. AP - Vladimir Tretyakov
Khoảng 2.030 quân nhân, thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), do Nga đứng đầu, cùng 250 xe quân sự, đã được triển khai tại Kazakhstan, theo yêu cầu của tổng thống nước này. Trong một cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo của CSTO, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định : "Các hoạt động chống khủng bố quy mô lớn sắp khép lại, và sứ mạng của các đơn vị (thuộc CSTO) cũng sẽ kết thúc thành công".
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh là Moskva không cho phép diễn ra tại các nước thuộc Liên Xô cũ, "các cuộc cách mạng mầu", từ ngữ vốn được dùng để lên án các cuộc nổi dậy do phương Tây giật dây, theo điện Kremlin. Theo ông Putin, Kazakhstan là nạn nhân của "khủng bố quốc tế", với việc nhiều băng nhóm vũ trang được đào tạo ở nước ngoài "rõ ràng có kinh nghiệm chiến đấu", hiện diện ở đây.
Về khủng hoảng Kazakhstan, hôm qua, ngoại trưởng Mỹ lên án chính quyền ra lệnh "bắn chết" người biểu tình. Trên kênh truyền thông ABC, ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định : "Lệnh bắn giết như vậy là vô nhân đạo và cần được hủy bỏ". Trước đó, hôm thứ Sáu, trên truyền hình tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokaïev, đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội "nã súng mà không cần cảnh báo".
Ít nhất 164 người chết theo Bộ Y tế
Theo chính quyền Kazakhstan, ít nhất 164 người chết trong các cuộc bạo động làm rung chuyển Kazakhstan tuần qua, bùng lên với những cuộc biểu tình nhiều nơi trên toàn quốc chống giá khí hóa lỏng tăng cao, và chính quyền tham nhũng. Riêng tại thủ phủ kinh tế Almaty, Bộ Y tế ghi nhận 103 người chết.
Con số nói trên cao hơn rất nhiều so với thông tin từ chính quyền. Cho đến nay, chính quyền chỉ đưa ra con số 26 người biểu tình thiệt mạng. Chính quyền đặc biệt nhấn mạnh đến các thiệt hại về phía cảnh sát, gồm 16 cảnh sát thiệt mạng và hơn 1.600 bị thương.
Về số lượng người bị bắt giữ, chính quyền hôm nay đưa ra con số khoảng 8.000 người.
Tình hình dần trở lại bình thường tại thủ phủ kinh tế Almaty, với việc mạng internet, điện thoại, và phương tiện công cộng dần dần hoạt động trở lại hôm nay.
Trọng Thành
*********************
Tổng thống Kazakhstan ra lệnh quân đội ‘bắn bỏ’ người biểu tình
VOA, 07/01/2022
Lực lượng an ninh Kazakhstan dường như đã giành lại đường phố của thành phố chính hôm 7/1 sau nhiều ngày bạo động, và tổng thống được Nga hậu thuẫn của nước này cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội bắn bỏ người biểu tình để dập tắt cuộc nổi dậy trên toàn quốc.
Cảnh sát chống bạo loạn Kazakhstan chuẩn bị đối phó với người biểu tình trong một cuộc tuần hành ở Almaty hôm 5/1
Một ngày sau khi Moscow điều lính dù đến nước này để giúp nghiền nát cuộc nổi dậy, cảnh sát đang tuần tra trên các đường phố đầy các mảnh vỡ ở Almaty, mặc dù vẫn còn nghe thấy tiếng súng.
Hàng chục người đã thiệt mạng và các công trình công cộng trên khắp Kazakhstan đã bị cướp phá và đốt cháy trong vụ bạo loạn tồi tệ nhất sau 30 năm nước này giành được độc lập.
Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết ‘những kẻ khủng bố được nước ngoài huấn luyện’ phải chịu trách nhiệm về bạo loạn.
"Bọn chúng không hạ vũ khí, chúng tiếp tục phạm tội ác hoặc đang chuẩn bị gây tội", ông nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
"Bất cứ kẻ nào không đầu hàng sẽ bị tiêu diệt. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan chấp pháp và quân đội bắn bỏ mà không cần cảnh cáo".
Moscow cho biết hơn 70 máy bay đang đưa binh lính Nga vào Kazakhstan, và các binh lính Nga hiện đang giúp kiểm soát sân bay chính ở Almaty, mà quân chính phủ đã giành lại từ tay những người biểu tình hôm 6/1.
Các cuộc biểu tình bắt đầu để phản ứng trước việc tăng giá nhiên liệu đã mở rộng ra thành một phong trào rộng lớn chống lại chính phủ và cựu lãnh đạo Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, nhà cai trị lâu năm nhất ở bất kỳ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô trước đây.
Ông đã chuyển giao chức tổng thống cho ông Tokayev ba năm trước nhưng gia đình ông được cho là vẫn giữ được ảnh hưởng ở Nur-Sultan, thủ đô được xây dựng nhằm mang tên ông.
Những người biểu tình ở Almaty dường như chủ yếu đến từ vùng ngoại ô nghèo khó của thành phố hoặc các thị trấn và làng mạc xung quanh. Bạo động đã gây sốc cho dân Kazakhstan thành thị, vốn từng ca ngợi đất nước mình so với với các nước láng giềng Trung Á bất ổn và đàn áp thuộc Liên Xô trước đây.
"Vào ban đêm khi nghe thấy tiếng nổ, tôi rất sợ hãi", một phụ nữ có tên Kuralai nói với Reuters. "Thật đau lòng khi biết rằng những người trẻ đang bỏ mạng. Điều này rõ ràng đã được lên kế hoạch Có lẽ chính phủ chúng tôi đã nương nhẹ phần nào".
Ở một đất nước mà chống đối chính trị không được dung thứ, không có nhà lãnh đạo cấp cao nào của phong trào biểu tình xuất hiện để đưa ra bất kỳ yêu cầu chính thức nào.
Một người đàn ông tham gia đêm biểu tình đầu tiên và không muốn nêu danh tính cho biết hầu hết những người xuất hiện lúc đầu đã đến để ‘thể hiện tình đoàn kết một cách tự phát’, trước khi 100-200 ‘thanh niên hung hăng’ bắt đầu ném đá vào cảnh sát.
Ông nói ông đã mong đợi một số chính trị gia đối lập đưa ra yêu sách, nhưng vô ích.
Mukhtar Ablyazov, từng là chủ nhà băng và bộ trưởng nội các sau trở thành người đối lập với chính phủ hiện đang sống lưu vong, nói rằng phương Tây phải cản bước đi của Nga.
"Nếu không, Kazakhstan sẽ biến thành Belarus và (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sẽ áp đặt một cách có phương pháp chương trình của mình – thiết lập một chế độ giống như Liên Xô", ông Ablyazov nói với Reuters từ Paris.
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết 26 ‘tội phạm vũ trang’ đã bị ‘thanh toán’, trong khi 18 cảnh sát và thành viên vệ binh quốc gia đã chết, nhưng con số này dường như không được cập nhật kể từ 6/1. Truyền hình nhà nước đưa tin có hơn 3.700 vụ bắt giữ.
Vào ngày 7/1, có thêm tiếng súng được nghe thấy gần quảng trường chính ở Almaty, nơi quân đội đã chiến đấu với người biểu tình. Xe bọc thép chở quân và binh lính đã chiếm quảng trường.
Cách đó vài trăm mét, một thi thể nằm trong một chiếc xe dân sự tan tành. Ở một nơi khác của thành phố, một cửa hàng đạn dược đã bị cướp phá.
Bạo loạn cũng đã được ghi nhận ở các thành phố khác, nhưng Internet đã bị đứt kể từ ngày 5/1, gây khó khăn cho việc xác định quy mô bạo lực.
Việc Moscow triển khai lực lượng nhanh chóng cho thấy ông Putin sẵn sàng sử dụng vũ lực để duy trì ảnh hưởng ở khu vực thuộc Liên Xô trước đây.
Việc điều quân này nằm trong danh nghĩa Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm Nga và năm đồng minh cũ thuộc Liên Xô. Moscow cho biết lực lượng của họ sẽ có khoảng 2.500 lính.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Moscow đang ‘hành động theo cách đồng minh nên làm’.
Một ước láng giềng lớn khác của Kazakhstan là Trung Quốc, đã ủng hộ ông Tokayev. Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ông rằng Bắc Kinh phản đối sử dụng vũ lực để gây bất ổn cho Kazakhstan.