Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Diễn đàn Davos trải thảm đỏ cho Ukraine

Thụy My, RFI, 23/05/2022

Sau hai năm rưỡi vắng bóng vì đại dịch Covid-19, Diễn đàn Davos long trọng khai mạc hôm 23/05/2022, với ít nhất 2.500 người tham dự. Nguyên thủ, lãnh đạo các tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế và những nhân vật thuộc xã hội dân sự được chờ đợi tại địa điểm trượt tuyết quen thuộc ở Thụy Sĩ. Nhưng năm nay không có trứng cá Nga ở Davos, Diễn đàn đã chọn lựa trải thảm đỏ cho Ukraine.

davos1

Triển lãm "Ngôi nhà tội phạm chiến tranh Nga" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 22/05/2022.  Reuters - ARND WIEGMANN

Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi gởi về bài tường trình :

"Các nhà tài phiệt Nga vốn là những khách mời thường niên không thể thiếu vắng trong số những nhà tài trợ chính của Diễn đàn. Những dạ tiệc do họ khoản đãi thường linh đình nhất và được ưa chuộng nhất. Nhưng năm nay, tài phiệt Nga không còn được chào đón. Và trên con đường Promenade, "Ngôi nhà Nga" đã biến thành "Nhà triển lãm tội phạm chiến tranh Nga". Ở đây không có món trứng cá lẫn rượu vodka, mà là một màn hình lớn, trên đó lần lượt chiếu những cảnh tàn bạo đã diễn ra ở Ukraine.

Bjorn Geledhof, người tổ chức cuộc triển lãm này, cho biết : "Tại đây, các bạn có một tấm bản đồ mà chúng tôi đã thực hiện cùng với Ân Xá Quốc Tế và tổng chưởng lý, chỉ trưng bày những trường hợp đã rõ ràng là hãm hiếp và sát nhân. Những ca này đã được mở điều tra. Còn như Mariupol chẳng hạn, được để một dấu hỏi vì chúng tôi chẳng biết được gì, do không vào được nên chúng tôi không thể xác minh".

Đối với ông Bjorn Geledhof, không có mặt tại Davos không phải là một sự chọn lựa. Ông nói tiếp : "Ở đây chúng ta có thói quen hình dung ra thế giới trong thời gian tới, và một phần lớn tương lai này đang được đặt cược tại Ukraine. Bởi vì cuộc chiến tranh này không chỉ là một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, và Ukraine không chỉ chiến đấu cho quyền được hiện hữu của mình, mà còn nhằm bảo vệ các giá trị của chúng ta".

davos2

Được mời khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 51, tổng thống Zelensky sẽ không quên nhắc nhở điều ấy".

Macron đề nghị các thành viên WHO lên án Nga xâm lược Ukraine

Cũng về Ukraine, hôm qua 22/05 tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị các nước thành viên dự Hội nghị Y tế Thế giới tại Genève ủng hộ một nghị quyết lên án Nga đưa quân xâm chiếm Ukraine. Đồng thời, Macron tái khẳng định tình liên đới của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu với Kiev. Tổng thống Pháp tố cáo hậu quả tàn khốc của cuộc chiến về mặt y tế, đối với dân chúng và các nhân viên, cơ sở y tế bị coi là mục tiêu; cũng như nguy cơ thiếu hụt thực phẩm trên thế giới.

Trong cuộc họp kéo dài một tuần lễ, chiến tranh Ukraine và đại dịch Covid là hai vấn đề chính được 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu tâm. AFP dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết nghị quyết do Ukraine đề xướng có thể được thông qua vào ngày mai 24/05, nhưng "sẽ không có nước nào bị trục xuất".

Do không có đối thủ, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục làm tổng giám đốc 5 năm tới, dù nhiệm kỳ đầu bị một số chỉ trích như thái độ quá khoan hòa đối với Trung Quốc về Covid-19.

Hội nghị lần này bàn bạc về chế độ đóng góp tài chánh cho WHO : tỉ lệ đóng góp bắt buộc hiện là 16 % có thể được nâng dần lên 50 % trong vòng 12 năm để giúp Tổ chức Y tế Thế giới làm tốt hơn nhiệm vụ, đi kèm với việc cải cách phương thức hoạt động. Việc thành lập Ủy ban thường trực về các vấn đề khẩn cấp cũng được nêu ra, để có thể kích hoạt trong vòng 24 giờ nếu xảy ra đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, còn có một nỗi lo mới là bệnh đậu mùa khỉ từ Châu Phi đã lan sang Bắc Mỹ và Châu Âu.

Thụy My

***********************

Diễn Đàn Davos khai mạc trong nỗi quan ngại về tình hình Trung Quốc và cuộc chiến Ukraine

Trọng Nghĩa, RFI, 22/05/2022

Diễn Dàn Kinh Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ), nơi gặp gỡ các ông chủ lớn và các nhà lãnh đạo chính trị của hành tinh khai mạc vào hôm 22/05/2022, và sẽ kéo dài cho đến ngày 26/5. Davos mở ra trong một bầu không khí u ám, với nhiều mối quan ngại liên quan đến tình hình kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine. 

davos3

Hình ảnh tấm áp phích diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, 22/05/2022.  AFP - FABRICE COFFRINI

Theo hãng tin Pháp AFP, sẽ có khoảng 2.500 người tham gia các buổi họp tại Davos lần này, bao gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 50 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ. Điểm đáng chú ý năm nay tuy nhiên là sự vắng mặt của các gương mặt tên tuổi như tổng thống Mỹ hay chủ tịch Trung Quốc.  

Theo nhật báo Pháp Le Monde, dù không có lãnh đạo cao cấp đến dự, nhưng tình hình Trung Quốc, động cơ chính của nền kinh tế thế giới, chắc chắn sẽ được tranh luận tại Davos. Do dịch Covid-19, Bắc Kinh, Hồng Kông, thậm chí Đài Loan đều không cử người đến Thụy Sĩ. 

Ông Jean-Pierre Clamadieu, chủ tịch tập đoàn năng lượng Engie của Pháp ghi nhận: "Covid-19 là cuộc khủng hoảng chính ảnh hưởng đến các công ty công nghiệp ngày nay: Sự đứt đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc. Tất cả các công ty dựa vào toàn cầu hóa đều tự đặt câu hỏi về sự phân mảnh của thế giới. Mặc dù thiếu vắng diễn viên chính, sự phân mảnh này sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận, cũng như tình trạng thiếu lao động".

Bên cạnh tình hình Trung Quốc, Davos cũng sẽ bị cuộc chiến tranh tại Ukraine chi phối. Đối với ông Klaus Schwab, sáng lập viên Diễn Đàn Kinh tế Thế giới : "Hành vi xâm lược của Nga (...) sẽ được sử sách coi là sự sụp đổ của trật tự nẩy sinh sau Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Lạnh".  

Ông Schwab khẳng định rằng Davos sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine và công cuộc tái thiết đất nước này. 

Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky sẽ là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có bài phát biểu vào ngày 23/05. Nhiều chính trị gia Ukraine sẽ đích thân đến Davos. 

Mặt khác, theo chủ tịch Diễn Đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende, năm nay sẽ không còn thấy các phái đoàn Nga lũ lượt đến Davos. Theo ông, việc cấm cửa người Nga, nhất là giới đại gia, là "quyết định đúng đắn". Tuy nhiên, nhân vật này cũng hy vọng rằng Nga "sẽ đi một con đường khác (...) trong những năm tới, đó là tôn trọng hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nghĩa vụ quốc tế của tổ chức này".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế