Trump tiết lộ tin mật : Mỹ sẽ khó hợp tác tình báo với đồng minh ? (RFI, 17/05/2017)
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tin mật cho hai quan chức Nga cao cấp có thể khiến cho các đồng minh của Mỹ ngần ngại trong việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Hệ quả trên đây đã được hầu hết các nhà quan sát nêu bật trong hai ngày gần đây, sau khi vụ việc được Nhà Trắng công nhận, nhưng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) gặp ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (thứ hai trái sang) tại Nhà Trắng, ngày 10/07/2017. HO / RUSSIAN FOREIGN MINISTRY / AFP
Như để chứng minh rằng hệ quả của sự kiện trên sẽ rất nghiêm trọng, vào hôm qua 16/05/2017, một quan chức Châu Âu đã xác định với hãng tin Mỹ AP rằng nước ông có thể sẽ dừng việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Một nhân vật thứ hai, ông Burkhard Lischka, một nghị sĩ có uy tín tại Đức hiện nay cũng đánh giá rằng việc tổng thống Mỹ tiết lộ những thông tin nhạy cảm "rất đáng lo ngại".
Vào hôm nay, đến lượt báo chí Israel nhất loạt lên tiếng khẳng định rằng các tiết lộ của ông Trump cho phía Nga đe dọa trực tiếp các điệp viên của Israel đang hoạt động trong vùng Cận Đông, vì các tin này có thể đến tai Iran, kẻ thù của Nhà Nước Do Thái.
Một tờ báo Israel còn trích dẫn một nguồn tin chính thức cho rằng kể từ nay, nước này sẽ phải rà soát lại các thông tin mình thu thập được để xem các tin nào thì cung cấp cho Mỹ được, các tin nào thì không.
Tóm lại theo như nhận xét của AP, trong nhiều tháng trời, các đồng minh của Mỹ từng lo lắng tự hỏi là có thể tin tưởng được nơi tổng thống Mỹ Donald Trump để trao cho ông những bí mật thuộc loại nhậy cảm nhất hành tinh hay không ? Với vụ tiết lộ tin mật mới đây, ông đã cung cấp cho đồng minh những lý do để lo lắng, đe dọa việc thực hiện một cách đúng đắn các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ với các đồng minh.
Hãng tin Pháp AFP đã trích lời cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cũng là cựu giám đốc cơ quan CIA Leon Panetta, cảnh báo rằng hành vi của ông Trump có nguy cơ tác hại đến quan hệ giữa các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ với các đồng minh.
Phát biểu trên đài tuyền hình Mỹ CNN, ông Panetta cho rằng tổng thống Mỹ "không thể nào cứ tiếp tục tiết lộ thông tin mật, mà không gây ra một số vấn đề nghiêm trọng trong cộng đồng tình báo".
Theo ông Panetta, thông tin mật mà ông Trump tiết lộ cho người Nga, đã được một quốc gia Trung Đông cung cấp, và nước này từng cho biết rõ là "họ không muốn Mỹ chia sẻ thông tin này" cho một nước khác. Hệ quả, theo viên cựu giám đốc CIA, là quốc gia đó "có thể đình chỉ việc cung cấp cho Hoa Kỳ bất kỳ loại thông tin tình báo nào hệ trọng đối với an ninh của họ".
Douglas Smith, cựu trợ lý bộ trưởng An Ninh Nội Địa, cũng tự hỏi là một chính phủ nước ngoài sẽ cảm thấy như thế nào khi những thông tin mà họ cho là cực kỳ nhạy cảm, mà họ đã khổ nhọc bí mật thu thập, lại bị Mỹ đưa ra cho một thế lực nước ngoài không phải là bạn bè.
Tóm lại, tương lai hợp tác tình báo giữa Mỹ và các đồng minh, một nhân tố tối quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố đã bị hành động của chính tổng thống Hoa Kỳ đe đọa.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo là hành động của ông Trump đã "gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại đến các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, và có thể làm suy yếu thái độ sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với nước Mỹ trong tương lai".
Trọng Nghĩa
***************************
Cuộc gặp Trump-Lavrov : Nga đăng ảnh, Nhà Trắng bối rối (RFI, 17/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump (T) tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng - Washington DC, ngày 10/05/2017. HO / RUSSIAN FOREIGN MINISTRY / AFP
Tranh cãi hiện đang bùng lên dữ dội sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhật báo The Washington Post ngày 15/05/2017 cho là đã tiết lộ các "bí mật quốc phòng" nhân cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 10/05 vừa qua tại Nhà Trắng. Tranh cãi này đã khiến dư luận bớt chú ý đến vụ hình ảnh cuộc gặp đó đã bị phía Nga công bố một hôm sau, trong lúc phía Mỹ hoàn toàn giữ kín. Theo báo chí Mỹ, Nhà Trắng đã bị bất ngờ và khá bối rối vì đã lại sơ suất, để bị Điện Kremlin lợi dụng !
Một trong những bức ảnh cho thấy ông Donald Trump tươi cười bắt tay ngoại trưởng Lavrov. Đại sứ Nga ở Washington, ông Sergey Kisliak, đứng bên cạnh hai người trong Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng.
Cuộc tiếp xúc được xem như một cú tuyệt vời của ngành ngoại giao Nga, với ngoại trưởng Lavrov được Mỹ trải thảm đỏ, chỉ vài tháng sau khi Washington thông báo các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Theo hãng tin Pháp AFP, các nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, hôm 11/05, đã tự hỏi về lý do tổng thống Mỹ chấp nhận đón tiếp hai quan chức Nga như thế, một vinh dự thường chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia, và nhất là trong bối cảnh đó là những nhân vật trọng tâm của một vụ tai tiếng chính trị không nhỏ ở Mỹ.
Chính quyền Mỹ vẫn còn bị vướng vào vụ tai tiếng liên quan đến việc nhiều người thân cận ông Donald Trump, bị tố cáo thông đồng với quan chức Nga, trong đó có đại sứ Kisliak, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên Trump trước đối thủ Hillary Clinton trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, 2016. Hiện có 3 cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành ở Quốc Hội Mỹ và cơ quan FBI.
Theo AFP, những hình ảnh về cuộc tiếp đón ở Nhà Trắng được công bố tạo ra cảm nhận là Nga đã giành được một thắng lợi trên bình diện ngoại giao và Nhà Trắng đã bị thao túng. Hãng tin Pháp ghi nhận là chính bộ Ngoại Giao Nga đã công bố các bức ảnh trên tài khoản Flickr của họ, với ghi chú của chính phát ngôn viên bộ này là : "Phía Mỹ không yêu cầu đừng công bố ảnh" !
Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Moskva đã lên tiếng châm biếm : "Xin chúc mừng các đồng nghiệp đã có được những hình ảnh này ! Một cú ngoạn mục đấy !".
Trước công chúng thì Nhà Trắng cố giữ vẻ bình thản. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, đã gạt ngang những lời chỉ trích, và cho là việc tổng thống Mỹ gặp ngoại trưởng Nga chỉ là "chuyện bình thường". Thế nhưng trong nội bộ, các quan chức phủ tổng thống Mỹ đã rất giận dữ trước điều mà họ cho là lạm dụng sự tin tưởng.
Theo họ, chính tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu có cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Lavrov và ông Trump, để đáp ứng lại việc ông Putin đã tiếp kiến ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Moskva.
Nhà Trắng được thông báo là sẽ có một nhiếp ảnh gia chính thức của Nga có mặt tại cuộc gặp, ngầm cho hiểu là hình ảnh chụp được chỉ dành cho tư liệu – không phải là để công bố ngay. Một trợ lý Mỹ nói gọn sau cuộc gặp : "Nhiếp ảnh gia của chúng ta và của họ đều có mặt, thế thôi". Nhưng khi các bức ảnh được truyền thông Nga công bố trên toàn thế giới thì quả nhiên Nhà Trắng đã vô cùng tức giận vì đã bị lừa như vậy.
Đô đốc Mike Rogers, giám đốc bộ phận nghe lén và theo dõi của NSA, trong cuộc điều trần hôm thứ 11/05 vừa qua, giải thích là ông không hề được tham khảo ý kiến liên quan đến khả năng tin tặc nhắm vào cuộc gặp ở Nhà Trắng và ông cũng không nghe thấy là cơ quan NSA đã được tham khảo.
Cuộc gặp tại Phòng Bầu Dục diễn ra vài giờ sau khi lãnh đạo FBI, James Comey, bị ông Trump cách chức. FBI đang điều tra về khả năng có sự thông đồng giữa ê kíp vận động tranh cử của ông Trump với phía Nga trong thời gian qua hay không.
Việc đại sứ Nga Kisliak hiện diện trong Phòng Bầu Dục càng làm sự nghi ngờ gia tăng, vì quan hệ giữa ông và một số nhân vật thân cận của ông Trump là đầu mối nghi ngờ. Michael Flynn, đã phải rời chiếc ghế giám đốc an ninh quốc gia vào tháng Hai, vì đã giấu việc đã có trao đổi với đại sứ Nga.
Mai Vân
********************
Tin nói ông Trump lộ thông tin mật cho Nga (VOA, 16/05/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga trong cuộc họp giữa đôi bên hồi tuần trước và việc này có thể gây phương hại một nguồn tin tình báo về Nhà nước Hồi giáo, Reuters dẫn tin từ Washington Post ngày 15/5 cho hay.
Donald Trump - Ảnh minh họa
Phản hồi trước tin này, Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin nói hành xử của Tổng thống Trump là ‘nguy hiểm’ và ‘khinh suất’, còn Thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Corker, nói nếu thật sự có chuyện này thì ‘cực kỳ rất đáng quan ngại.’
Washington Post trích thuật một số giới chức đương thời cũng như một số cựu giới chức nói rằng thông tin mà ông Trump tiết lộ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga Sergei Kislyak là từ một đối tác Mỹ cung cấp, thông qua một thỏa thuận chia sẻ thông tin có tính nhạy cảm cao độ.
Đối tác này không cho phép Washington chia sẻ tài liệu đó với Moscow, và hành động của ông Trump có thể đánh mất sự hợp tác từ một đồng minh có tiếp cận với các hoạt động bên trong của Nhà nước Hồi giáo, tờ Washington Post dẫn lời một số giới chức không muốn nêu tên cho biết.
Trong cuộc họp với ông Lavrov và Kislyak ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump đã mô tả chi tiết về một mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo liên hệ tới việc dùng máy tính xách tay trên máy bay, các giới chức nói.
Vẫn theo nguồn tin này, trong cuộc trao đổi với giới chức Nga, ông Trump dường như đã khoe khoang hiểu biết về các mối đe dọa đang phát sinh và nói với họ rằng ông được báo cáo từ ‘những nguồn tình báo cừ khôi’ mỗi ngày.
Dù thảo luận các vấn đề mật có thể là bất hợp pháp, nhưng Tổng thống có quyền bạch hóa những thông tin mật nhà nước, cho nên, hành động vừa rồi của ông Trump có thể không phạm luật, theo Washington Post.
Cuộc họp giữa Tổng thống Trump với ông Lavrov và Kislyak tại Tòa Bạch Ốc diễn ra 1 ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey, lãnh đạo cơ quan điều tra về các liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow.
Cố vấn an ninh quốc gia McMaster, người có tham dự cuộc họp giữa Tổng thống Trump với hai giới chức Nga, nói không một nguồn tin tình báo hay cách thức tình báo ‘mật’ nào được đề cập tới trong cuộc gặp. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về nguồn tin Washington Post đăng tải.
***********************
Sau truyền thông báo chí loan tin Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ thông tin mật với các giới chức Nga trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã viết trên Twitter hôm thứ Ba rằng ông muốn chia sẻ "các thông tin liên quan đến khủng bố và an toàn hàng không" và yêu cầu Nga phải có thêm hành động chống Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Trump nói thêm rằng trong tư cách tổng thống, ông có "quyền tuyệt đối" chia sẻ những thông tin đó.
Nhiều hãng tin của Mỹ nói rằng Tổng thống Trump đã tiết lộ những thông tin được xếp loại có độ bảo mật cao cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ðại sứ Nga Sergey Kislyak trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hồi tuần trước.
Nhật báo Washington Post bình luận rằng ông Trump dường như muốn khoe khoang kiến thức của ông về mối đe dọa sắp tới đối với ngành hàng không.
Còn tờ New York Times thì nói rằng các thông tin vốn được xem là đặc biệt nhậy cảm đó thậm chí còn không được chia sẻ rộng rãi trong nội bộ chính phủ Mỹ hay với các đồng minh.
Hai nhật báo lớn này và các hãng tin khác cón nói thêm rằng các thông tin đó được tiết lộ có thể sẽ đặt ra một mối nguy hiểm cho các nguồn cấp thông tin tình báo về Nhà nước Hồi giáo và cách thức thu thập các thông tin tình báo đó.
Tổng thống Mỹ có quyền giải mật hầu như mọi thông tin, do đó việc Tổng thống Trump làm sẽ không bị xem là bất hợp pháp. Nhưng các giới chức tình báo được các hãng tin trích lời bày tỏ lo ngại rằng việc tiết lộ thông tin tình báo được một chính phủ đối tác của Mỹ cung cấp đó có thể gây phương hại đến các mối quan hệ trọng yếu của Mỹ với các đồng minh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông H. R. McMaster và các giới chức khác trong chính quyền Tổng thống Trump phủ nhận tính chính xác của các bản tin trên truyền thông báo chí.
Ông McMaster nói với các phóng viên báo chí tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai rằng tin tức này đầu tiên do báo Washington Post loan tải là "tin thất thiệt". Ông nói tiếp rằng : "Không có một nguồn tin tình báo hay cách thức thu thập tin tình báo nào được mang ra thảo luận, và tổng thống không tiết lộ bất cứ cuộc hành quân nào chưa được công bố".
Ông McMaster kết luận : "Tôi có mặt tại cuộc họp. Không có chuyện đó xảy ra". Thông báo xong, ông McMaster quay lưng bước vào Cổng Tây của Tòa Bạch Ốc và không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson cũng dự cuộc họp hôm 10/5 với Ngoại trưởng và Ðại sứ Nga. Ông Tillerson bênh vực phát biểu của ông McMaster và trong một thông báo nói rằng "rất nhiều đề tài trong nhiều lãnh vực được mang ra thảo luận, trong đó có các nỗ lực chung và những mối đe dọa chung liên quan đến việc chống khủng bố".
Cả hai giới chức này đề phủ nhận việc tiết lộ thông tin bảo mật.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Ba cũng bác bỏ tin này vào nói rằng đó là "tin thất thiệt".
Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) từ chối bình luận khi VOA liên lạc.
Ngay từ những ngày đầu của chính quyền ông Trump, vị tổng thống này dường như tỏ ra sẵn lòng làm việc với Nga đã khiến cho một số đồng minh của Mỹ cảm thấy không an tâm.
Một giới chức ngoại giao không muốn nêu tên nói với đài VOA rằng : "Đó là mối lo ngại chính. Nga là nước thường phá hoại".
Nhưng một số cựu giới chức tình báo cho rằng ảnh hưởng từ cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc trong tuần qua, nếu có thì cũng sẽ không lớn.
Ông Michael Pregent, một cựu giới chức tình báo hiện đang cộng tác với viện nghiên cứu Hudson ở Washington, nhận định rằng : "Sẽ chẳng có thiệt hại gì cả. Chẳng có nguồn tin hay cách thu thập tin tình báo nào bị tiết lộ".
Ông Pregent, người từng làm việc với ông McMaster ở Iraq, nói rằng ông Cố vấn An ninh Quốc gia chắc không thể để cho tổng thống vượt qua lằn ranh nguy hiểm.
Theo ông Pregent, thì ngược lại cuộc họp của các giới chức Nga tại Tòa Bạch Ốc có thể là một cơ hội cho Washington.
Ông nói : "Chia sẻ thông tin với Nga và kêu gọi họ thực hiện những hành động chưa được thực hiện để chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria".
Steve Herman
*******************
Trump 'chia sẻ thông tin mật với Nga' (BBC, 16/05/2017)
Trump và Lavrov họp mặt - Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ thông tin mật về Nhà nước Hồi giáo (IS) với Ngoại trưởng Nga, giới chức nói với truyền thông Mỹ.
Washington Post cho hay thông tin này đến từ một đối tác của Hoa Kỳ và lẽ ra Mỹ không được phép chia sẻ với Nga.
Vụ việc xảy ra khi ông Trump hội đàm với ông Sergei Lavrov tại phòng Bầu dục hồi tuần trước, tờ báo cho hay.
Tuy nhiên, một quan chức an ninh cao cấp cho biết bài báo không đúng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Herbert Raymond McMaster nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng rằng "Bài báo đưa thông tin sai".
"Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng Nga đánh giá một loạt các mối đe dọa chung cho hai nước, gồm những mối đe dọa đối với hàng không dân dụng".
"Họ không còn thời gian để thảo luận về các nguồn tin hay phương cách tình báo, và tổng thống không hề tiết lộ bất kỳ chiến dịch quân sự nào chưa được công khai".
Cáo buộc về liên hệ của ông Trump với Moscow đeo đuổi ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống và là một phần của một số cuộc điều tra.
Nhưng tổng thống bác các cáo buộc là "tin giả".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần chỉ trích đối thủ Dân chủ Hillary Clinton về cách bà xử lý những tài liệu nhạy cảm.
'Dao đâm sau lưng'
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington phân tích :
Hệ lụy của bài báo này có thể rất lớn và không chỉ vì nó dẫn lời nhiều giới chức đảng Cộng hòa trong năm qua nhắm vào bà Clinton - về mức quan trọng tuyệt đối của việc bảo vệ thông tin bí mật hàng đầu.
Dĩ nhiên, đó là về mối liên hệ với Nga.
FBI hiện đang điều tra chiến dịch của Trump về các mối liên hệ khả dĩ đem lại lợi ích cho Nga. Các cuộc gặp với Đại sứ Nga Sergei Kislyak là nguyên nhân chính khiến cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn bị sa thải và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tự loại ông ra khỏi cuộc điều tra về liên hệ với Nga.
Tiếp đó là câu hỏi liệu các đồng minh của Mỹ rồi đây sẽ miễn cưỡng chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với Hoa Kỳ do quan ngại tổng thống Trump sẽ đặt các nguồn tin vào nguy cơ nào đó.
Ngoài ra, sự vụ này càng khiến những người chỉ trích Trump tin rằng tổng thống khinh suất và thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại, và việc ông phát ngôn bất cẩn mang lại nguy cơ.
Cuối cùng, cần lưu ý là ông Trump có ác cảm với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Phải mất ít hơn một tuần để câu chuyện đáng xấu hổ này bị rò rỉ. Nếu việc tiết lộ này là con dao đâm sau lưng tổng thống, không khó để nghi ngờ nó phát xuất từ đâu.
********************
Tổng thống Mỹ tiết lộ cho Nga thông tin mật ? (RFI, 16/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump (T) tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ 2 từ trái) tại Nhà Trắng - Washington, DC ngày 10/05/2017. Bộ Ngoại Giao Nga/ AFP
Tờ Washington Post hôm qua 15/05/2017 cho biết ông Donald Trump đã tiết lộ các thông tin được xếp loại bí mật quốc phòng cho các vị khách Nga vào tuần trước. Tổng thống Mỹ đã tiếp ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cùng với đại sứ Kislyak và nhiều quan chức tại Phòng Bầu Dục, một hôm sau khi cách chức giám đốc FBI James Comey.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình :
"Theo Washington Post, ông Donald Trump đã tiết lộ với phía Nga các thông tin về những hoạt động đang tiến hành ở Irak và Syria. Vấn đề là thông tin mật này được tình báo một nước đồng minh cung cấp cho Mỹ, và không hề cho phép Washington chia sẻ, thậm chí với cả các thành viên khác trong liên minh, còn với Nga thì tất nhiên là không. Bao nhiêu là chi tiết nhạy cảm.
Có thể hình dung ra được sự hoảng hốt của các cố vấn Mỹ tại Phòng Bầu Dục khi nghe thấy tổng thống khoe khoang có được những tin tình báo rất tốt và mô tả cho những người khách Nga đang hớn hở.
Cũng theo tờ báo, một trong những cố vấn ngay lập tức đã gọi cho CIA và NSA để thông báo tình hình. Báo cáo về cuộc họp đã bị lược bớt đi.
Làm thế nào mà những chi tiết ấy lại xuất hiện trên tờ Washington Post ? Vụ rò rỉ sẽ làm tổng thống nổi cơn thịnh nộ, có lẽ là tác phẩm của một nhân vật đầy tinh thần cảnh giác. Có vẻ khá nhiều người trong các cơ quan tình báo nghi ngờ về tính chính danh của một tổng thống Mỹ chừng như chưa ý thức được về nhiệm vụ của mình, trong khi ê-kíp của ông đang bị điều tra về khả năng thông đồng với Nga".
Nhà Trắng cải chính
Nhà Trắng cải chính những thông tin này. Tướng H.R.McMaster, cố vấn an ninh quốc gia nói với báo chí, những vấn đề nêu ra trong cuộc đối thoại là các mối đe dọa chung cho hai nước chứ không có hoạt động quân sự nào bị tiết lộ. Ngoại trưởng Rex Tillerson trong một thông cáo cho biết chủ yếu hai bên nói về đấu tranh chống khủng bố.
Tuy nhiên những nỗ lực này không trấn an được chính giới, kể cả từ phía Cộng Hòa. Thượng nghị sĩ John McCain khi trả lời CNN cho rằng : "Nếu đây là sự thật, thì rõ ràng hết sức đáng ngại". Doug Andres, phát ngôn viên của Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện nói : "Chúng tôi không có cách nào biết được những gì đã nói ra, nhưng việc bảo vệ các bí mật quốc gia là hết sức quan trọng", còn bản thân ông Ryan "hy vọng có được sự giải thích đầy đủ của chính phủ".
Phe Dân Chủ thì yêu cầu giải trình về các tiết lộ trên. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, người đứng đầu phe Dân Chủ tại Thượng Viện tuyên bố : "Tổng thống cần phải giải thích cụ thể cho giới tình báo, cho người dân Mỹ và Quốc hội".
Tuy tổng thống Hoa Kỳ có quyền "giải mật" theo ý mình, nhưng khi đưa ra những thông tin mà không tham khảo đối tác, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài với đồng minh. Trước đây trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng gay gắt chỉ trích việc ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton sử dụng email riêng khi còn là ngoại trưởng có thể ảnh hưởng đến thông tin bí mật.
Bà Hillary Clinton thành lập tổ chức chính trị riêng
Trong khi đó, đối thủ cũ của ông Trump, bà Hillary Clinton hôm qua loan báo thành lập một tổ chức mang tên "Onward Together" ("Cùng Tiến Bước"), nhằm hỗ trợ cho các công dân muốn tham gia hoạt động chính trị và chống lại các hành động của tổng thống Donald Trump.
Trang web của tổ chức này kêu gọi : "Trong những tháng gần đây, chúng ta đã thấy khả năng người dân tập hợp lại để phản kháng trước những quấy nhiễu, oán thù, dối trá, chia rẽ ; bảo vệ một nước Mỹ công bằng hơn", cổ vũ các công dân tích cực hành động "cho 2017, 2018, 2020 và xa hơn nữa". Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần tới sẽ diễn ra vào năm 2020.
Trong một loạt Twitter, bà Clinton khen ngợi nỗ lực nhiều tổ chức chống phân biệt, hay trợ giúp những đảng viên Dân Chủ ra ứng cử mà Onward Together sẽ hỗ trợ (như Indivisible Team, Swing Left, Color of Change, Emerge America, Run for Something).
Thụy My
*************************
Tổng thống Trump ráo riết tìm giám đốc mới cho FBI (VOA, 16/05/2017)
Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe tại cuộc điều trần trước Quốc hội ở Washington hôm 11/5/2017
Tổng thống Donald Trump đang tìm giám đốc mới cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) thay chỗ ông James Comey, người bị cách chức hồi tuần trước.
Ít nhất 8 ứng viên cho chức giám đốc FBI đã được phỏng vấn, và Tổng thống Trump nói rằng ông có thể sẽ có quyết định trước khi ông bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào thứ Sáu tới.
Tổng thống Trump nói : "Việc này phải được tiến hành nhanh chóng. Các ứng viên nhất thiết phải được xem xét chặt chẽ xuyên suốt sự nghiệp của họ, nổi tiếng, được kính trọng, thực sự có tài. Và đó là những gì chúng ta cần cho FBI".
Tổng thống Trump tiếp tục là tin hàng đầu trên báo chí, trong lúc các nhà lập pháp của cả hai đảng chỉ trích việc sa thải ông Comey vẫn chưa nguôi với những hành động của Tổng thống Trump hồi tuần trước, trong đó có những giải thích bất nhất về quyết định sa thải và một thông báo đăng trên Twitter có ý cảnh cáo ông Comey không nên bình luận với truyền thông báo chí.
Hôm Chủ nhật, các nhà lập pháp kêu gọi Tổng thống Trump cung cấp tất cả ghi âm đối thoại với ông Comey. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Ðảng Cộng hòa nói rằng Tòa Bạch Ốc phải nói rõ ràng liệu có bất cử cuộc đàm thoại nào của ông Comey bị ghi âm hay không.
Ông Graham nói trong chương trình Meet the Press trên kênh truyền hình NBC rằng "Nếu có bất cứ ghi âm nào về cuộc đàm thoại đó thì cần phải được đưa ra".
Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói : "Tôi không mập mờ về việc liệu có băng ghi âm hay không. Nhưng thực tế là Tổng thống Trump không rõ ràng về việc đó và rồi Tòa Bạch Ốc không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Trước hết tôi muốn bảo đảm rằng các ghi âm này, nếu có, chúng sẽ không thể bí ẩn biến mất. Do đó tôi và các giới chức khác đã yêu cầu phải giữ các ghi âm đó. "
Phe Dân chủ cũng cáo buộc Tổng thống Trump tìm các cản trở cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga phá cuộc bầu cử Mỹ, và khả năng có những liên hệ giữa Moscow với ban vận động bầu cử của ông Trump. Nhiều người đòi mở cuộc điều tra độc lập.
*********************
Giới lập pháp yêu cầu ông Trump nộp băng ghi âm (VOA, 16/05/2017)
Tổng thống Trump, cựu Giám đốc FBI, và Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein
Các nhà lập pháp Mỹ ngày 14/5 kêu gọi Tổng thống Donald Trump giao nộp các đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa ông Trump với Giám đốc FBI James Comey vừa bị ông sa thải.
Trong các tin nhắn trên Twitter tuần trước, Tổng thống ám chỉ rằng ông có ghi âm lại cuộc trò chuyện với ông Comey và cảnh cáo ông Comey nên cẩn trọng khi phát ngôn với báo giới. Cho tới nay, cả ông Trump lẫn phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc đều từ chối xác nhận hay phủ nhận về việc có ghi âm đoạn hội thoại hay không.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thúc giục Tòa Bạch Ốc nên rõ ràng trắng đen về việc này.
Phát biểu trên chương trình ‘Meet the Press’ của đài NBC, ông Graham nói "Nếu có bất kỳ đoạn ghi âm nào về cuộc trao đổi đó, cần phải trưng ra".
Ông Trump khuấy động cơn bão chính trị khi đột ngột sa thải cựu lãnh đạo FBI vào tuần trước trong lúc cơ quan này đang điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow.
Bên Dân chủ tố cáo rằng ông Trump đang tìm cách chi phối cuộc điều tra của FBI và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về việc này.
Tổng thống Trump nói ông bãi chức ông Comey vì ông Comey không làm tốt phận sự và rằng ông Comey đánh mất sự ủng hộ từ các nhân viên FBI.
Thượng nghị sĩ Mike Lee nói với chương trình ‘Fox News Sunday’ rằng nếu có băng ghi âm, Tòa Bạch Ốc sẽ phải công bố.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer bên đảng Dân chủ nói Tổng thống Trump phải cung cấp ngay lập tức cho Quốc hội nếu có băng ghi âm, đồng thời khuyến cáo rằng sẽ là hành vi phạm pháp nếu cho thủ tiêu các đoạn băng đó.
Ông Schumer cũng cho biết rằng các Thượng nghị sĩ Dân chủ đang cân nhắc xem có nên từ chối biểu quyết thông qua tân Giám đốc FBI cho tới khi nào có được một công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra các mối quan hệ có thể có giữa ông Trump với Nga hay không.
Từ thứ bảy, Bộ Tư pháp bắt đầu phỏng vấn các ứng viên cho vị trí Giám đốc FBI, trong số này có quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe và Thượng nghị sĩ John Cornyn.
Kết quả cuộc thăm dò do hai hãng truyền thông NBC và Wall Street Journal thực hiện công bố hôm 14/5 cho thấy 29% dân Mỹ tán thành quyết định của Tổng thống sa thải ông Comey, 38% không đồng ý.