Ba lý do khiến tổng thống Mỹ mạnh tay "đánh" Hoa Vi
Dồn dập tung ra một loạt biện pháp mạnh tay, rồi hoãn thi hành một số điều khoản, tổng thống Mỹ tiếp tục sử dụng ngón đòn quen thuộc từng giúp ông thành công trong kinh doanh để gây sức ép với Hoa Vi.
Ảnh minh họa : Logo Hoa Vi và quốc kỳ Mỹ. REUTERS/Dado Ruvic
Sau ZTE, biện pháp này đang được áp dụng với Hoa Vi, nhưng lại là một đối thủ nặng ký, theo hai bài phân tích trên Le Monde và Le Figaro.
Vậy đâu là những lý do giải thích cuộc khủng hoảng mà Hoa Vi đang trải qua ? Nhật báo Le Monde đưa ra ba suy luận trong bài viết : "Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ".
Thứ nhất, Hoa Kỳ trừng phạt Hoa Vi để gây sức ép trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Sai lầm có lẽ bắt đầu từ việc chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá tổng thống Trump dường như bị suy yếu vì nền kinh tế Mỹ chững lại (nhưng thực tế ngược lại) và đổi giọng không muốn đưa các cam kết liên quan đến chuyển giao công nghệ, mở cửa nền kinh tế Trung Quốc… vào thỏa thuận. Dĩ nhiên Bắc Kinh không để yên cho Washington trừng phạt niềm tự hào của Trung Quốc.
Thứ hai, hồ sơ Hoa Vi có lẽ còn liên quan đến mối quan ngại chiến lược-quân sự. Trên thực tế, các sản phẩm của Hoa Vi đã bị loại khỏi lãnh thổ Mỹ từ năm 2012. Hiện Washington muốn ngăn cản tập đoàn Trung Quốc triển khai công nghệ 5G trên khắp thế giới. Mạng 5G mạnh hơn và mang tính chiến lược hơn 4G vì có thể xử lý những dữ liệu rất nhạy cảm, kết nối với Internet, để điểu khiển ô tô tự động, thiết bị y tế hoặc các nhà máy.
Lý do thứ ba đơn thuần chỉ là một cuộc chiến công nghệ. Washington không chấp nhận việc Trung Quốc trở thành một đối thủ chiến lược trong thế kỷ XXI và đứng ngang hàng với các tập đoàn Mỹ. Trong cuộc đối đầu này, việc Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp, sao chép công nghệ chỉ là lý do thứ yếu, mà phải làm thế nào để các tập đoàn Trung Quốc không tiếp cận được công nghệ tân tiến.
Trung Quốc bị phụ thuộc vào bộ vi xử lý của các tập đoàn Mỹ nhiều hơn là dự báo của giới quan sát. Chỉ cần lấy vị dụ tập đoàn ZTE lao đao trong vòng ba tháng sau khi Mỹ cấm xuất khẩu chíp bán dẫn. Chính quyển của tổng thống Trump muốn giữ ưu thế này.
Vẫn theo Le Monde, nếu chiến lược của tổng thống Mỹ tiếp tục được duy trì, tiến trình toàn cầu hóa có thể bị đảo lộn với việc hình thành hai cực công nghệ trong tương lai. Khi muốn cô lập Trung Quốc hòng ngăn chặn cường quốc này bắt chước và phổ biến công nghệ, nhưng trên thực tế, những biện pháp trừng phạt càng làm Trung Quốc tự phát triển công nghệ riêng, trong mọi lĩnh vực, để không còn bị phụ thuộc vào Mỹ.
Đánh Hoa Vi, Trump làm các tập đoàn Mỹ bị vạ lây
Vẫn bài viết trên của Le Monde lẫn bài "Trump gây mập mờ về Hoa Vi" của Le Figaro đều cho rằng Hoa Vi, bị tổng thống Trump liệt vào danh sách đen gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đang chịu chiến thuật dồn dập gây sức ép, rồi nới lỏng một vài biện pháp với hy vọng đổi lấy nhượng bộ từ phía đối thủ trước khi đánh đòn quyết định.
Nhật báo Le Monde trích nhận định của nhà sáng lập Hoa Vi, tỉ phú Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), rằng Hoa Kỳ đã "đánh giá thấp đối thủ". Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Vu Đô (Yudu), nơi xuất phát cuộc "Trường Chinh" năm 1934, và thăm nhà máy sản xuất đất hiếm ngày 20/05 như cho thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng quyết chiến đến cùng với Mỹ.
Các tập đoàn Mỹ muốn làm ăn với Hoa Vi phải xin giấy phép, mà theo ông Trump hứa, thì "có lẽ sẽ không nhận được". Dĩ nhiên, Hoa Vi là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Nhưng các tập đoàn Mỹ cung ứng công nghệ cho Hoa Vi cũng hứng chịu cú tát bất ngờ.
Sau Qualcomm, Intel, hai nhà cung cấp chip điện tử, đến lượt Alphabet, công ty mẹ của Google, lần lượt thông báo ngừng cung cấp cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc hệ điều hành Android được sử dụng trong điện thoại thông minh Hoa Vi, cũng như một số ứng dụng như Chrome, YouTube, Gmail, Maps. Phải chăng vì vậy mà tổng thống Mỹ lại hoãn chiến, cho phép Hoa Vi tiếp tục sử dụng sản phẩm của Google trong vòng 90 ngày ?
Trái lại, cuộc chiến thương mại, công nghệ Mỹ-Trung đang thổi bùng ngọn lửa dân tộc ở Trung Quốc. Và điều này chỉ có lợi cho chủ tịch Tập Cận Bình và nâng cao tính chính đáng của đảng cộng sản. Những lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ nở rộ trên mạng internet. Các công ty Trung Quốc, điển hình là HiSilicon, chi nhánh sản xuất chip điện tử của Hoa Vi, kêu gọi tự lực tự cường.
Một ví dụ tự chủ về công nghệ của Hoa Vi được Le Figaro nhắc đến là Hoa Vi đã phát triển hệ điều hành riêng cho sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc, mà không sử dụng đến Android, và có cửa hàng ứng dụng riêng. Android hiện được Hoa Vi sử dụng cho các thị trường khác trên thế giới.
Hoa Vi dường như đang cười vào chiến lược của Washington chặn tập đoàn công nghệ Trung Quốc phát triển được mạng 5G trên thế giới khi khẳng định mọi chuyện sẽ diễn ra như kế hoạch, sẽ không có bất kỳ chậm trễ nào.
Tăng trưởng thế giới giảm vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đã giảm dự kiến tăng trưởng trung bình của thế giới xuống còn 3,2% cho năm 2019. Lý do được nhật báo kinh tế Les Echos nêu lên : "Tăng trưởng thế giới, nạn nhân của cuộc chiến thương mại".
Theo thẩm định của OCDE, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (GDP) đạt 6,2% vào năm 2019 nhưng sẽ chỉ còn 6% vào năm 2020. GDP của Mỹ không bị ảnh hưởng, duy trì mức tăng 2,8% trong năm 2019 và xuống còn 2,3% vào năm 2020. Ngược lại, GDP của Nhật Bản, các nước Đông Á và các nước xuất khẩu sẽ bị tác động nặng nhất. Tăng trưởng trung bình của khối sử dụng đồng euro chỉ ở mức 1,2%, trong đó Đức và Ý chịu thiệt hại hơn cả, còn tăng trưởng Pháp có thể đạt mức 1,3%.
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Nhập cư và tự do đi lại trong khối Schengen
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu tiếp tục là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp. Các cuộc vận động tại Pháp, hai chủ đề nhập cư và tự do đi lại trong khối Schengen được các báo Pháp phân tích.
Trang nhất của Le Monde là hình ảnh tổng thống và thủ tướng Pháp với hàng tựa : "Macron và Philippe lên tuyến đầu trong cuộc bầu cử". Tổng thống Pháp không hài lòng khoanh tay làm "khán giả", còn thủ tướng Edouard Philippe liên tục tham gia các buổi mit-tinh để thu hút cử tri trung hữu.
Le Monde phác chân dung "Ba gương mặt cực hữu đang cầm quyền ở Châu Âu" : Từ "sắc lệnh an ninh" cấm cứu di dân bị nạn ở ngoài khơi của bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini (đảng cực hữu Liên Đoàn) đến nền dân chủ "khác biệt", nhưng thực ra là độc đoán hơn, ít mở cửa hơn cho nhập cư và đa văn hóa, mà thủ tướng Hungary Victor Orban muốn thực hiện đến loạt từ chức của bốn bộ trưởng Áo sau khi bộ trưởng Nội vụ bị bãi nhiệm, cho thấy sự tan rã của liên minh cánh hữu và cực hữu tại Áo.
Vẫn về cực hữu tại Châu Âu, Libération phân tích những phát biểu, hành động chống phụ nữ của "Trục nam quyền" của các đảng cực hữu từ Ý, đến Hungary, Tây Ban Nha và Ba Lan.
"Nhập cư, một chủ đề vận động tranh cử được ưa chuộng trong khắp Liên Hiệp Châu Âu" được Les Echos phân tích. Nhật báo Le Figaro quan tâm đến : "Đường biên giới : Khối Schengen trong tâm điểm tranh luận Châu Âu". Trả lời phỏng vấn một nhật báo địa phương, tổng thống Pháp "muốn lập lại hoàn toàn khối Schengen, với một không gian có thể nhỏ hơn nếu cần thiết, nhưng đường biên giới chung được bảo vệ tốt hơn và có chính sách hài hòa về quyền tị nạn".
Tuy nhiên, xã luận của Le Figaro cho rằng ý tưởng của tổng thống Macron không phải là mới. Đã có rất nhiều sáng kiến về chủ đề này, nhưng lại không được các nước Liên Hiệp Châu Âu cùng chia sẻ. Theo bài xã luận, "Châu Âu bị dồn vào chân tường", giờ đến lúc "ngừng những khẩu hiệu nhân danh bảo vệ nhân quyền. Các thỏa thuận về khối Schengen đã lỗi thời, phải xóa bỏ. Chính sách phân bổ người nhập cư chưa bao giờ là một giải pháp…".
Hơn 1 triệu người nhập cư vào Châu Âu trong năm 2015, vì vậy chủ đề di dân vẫn là mối bận tâm của công dân Châu Âu. Nhờ đó, có thể các đảng bài nhập cư sẽ thu thêm được phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra từ 23-26/05/2019. Tuy nhiên, theo một bài viết trên Le Figaro, "tỉ lệ vắng mặt cao khiến các ứng viên lo lắng" vì bầu cử Châu Âu chưa bao giờ thu hút đông đảo cử tri.
Brexit : Anh Quốc là nước đầu tiên đi bầu Nghị Viện Châu Âu
Anh Quốc tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu vì vẫn dùng dằng chưa cắt đứt được với Bruxelles. Cử tri Anh nằm trong số những người đầu tiên đi bầu Nghị Viện Châu Âu ngày 23/05, trong bối cảnh "Anh Quốc bị mất phương hướng", theo trang nhất của nhật báo công giáo La Croix.
Xã luận của La Croix đặt câu hỏi : Liệu Anh Quốc đang trả giá cho "sự quá ích kỷ" ? Chính phủ từ chức, phe bảo thủ có nguy cơ mất điểm trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, nội bộ đảng cầm quyền bất đồng, xã hội bị chia rẽ sâu sắc…, những thù hằn, những lời nói dối định hướng đa số cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên Hiệp Châu Âu năm 2016 đã không mang lại những kết quả như trông đợi của những người ủng hộ Brexit.
Trong khi đó, "Tại Ireland, làn sóng Brexit lại kích thích phe thân Châu Âu", theo nhận định của Le Monde, vì có đến 93% ý kiến thăm dò ủng hộ Ireland ở lại Liên Hiệp.
Dân Mỹ tuần hành bảo vệ quyền được phá thai
Le Figaro và Le Monde chú ý đến lệnh cấm phá thai mới được công bố tại bang Alabama, sắp tới là bang Missouri, nhưng đã được áp dụng ở nhiều bang Mỹ (Ohio, Kentucky, Mississippi, Georgia). Trong bài xã luận, Le Monde đánh giá "Phá thai : Sự thụt lùi nguy hiểm của Mỹ".
Hơn 500 cuộc tuần hành đã diễn ra ngày 21/05/2019 để bảo vệ quyền được phá thai. Le Figaro đánh giá sự kiện này qua bài viết : "Tại Mỹ, phá thai trở thành chủ đề trong cuộc vận động tranh cử cho năm 2020". Hiện tại, những người tiến hành nạo phá thai bị trừng phạt, nhưng ứng viên Donald Trump, trong đợt vận động tranh cử tổng thống năm 2016, từng gợi ý "trừng phạt những phụ nữ" phá thai.
Thu Hằng