Hai chủ nhân mới của thế giới : Donald Trump và Elon Musk
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump là đề tài được các tuần báo quan tâm nhất. L’Express nhấn mạnh "Elon Musk và Donald Trump, những ông chủ mới của thế giới".
Ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump nghe Elon Musk phát biểu trong cuộc mít-tinh tại Butler Farm Show, Pennsylvania (Hoa Kỳ) ngày 05/10/2024. AP - Julia Demaree Nikhinson
Courrier International đưa tít trang bìa "Nước Mỹ của Trump", Le Nouvel Obs đăng hình vẽ tổng thống Mỹ thứ 47 đang chống tay lên quả địa cầu, chạy tít "Thế giới theo như Trump". L’Express phỏng vấn Boris Johnson, cựu thủ tướng Anh khẳng định "Trump sẽ làm tốt hơn những gì mà các bạn nghĩ". The Economist đặt câu hỏi "Những gì sắp xảy ra với kinh tế thế giới ?". Le Point nhìn sang phía Nga, đăng ảnh Vladimir Putin với dòng tít "Ai có thể chặn ông ta lại ?"
Giàu nhất thế giới, Elon Musk nay có thêm quyền lực chính trị to lớn
L’Express ghi nhận bức ảnh gia đình chụp tại Mar-a-Lago sau khi đắc cử hầu như không thay đổi, ngoài sự xuất hiện của người giàu nhất thế giới Elon Musk bên phải tấm hình. Trump và Musk đang hình thành một liên minh về ý tưởng, kinh tế, công nghệ, chính trị, địa chính trị và thậm chí quân sự.
Loan báo đầu tiên về việc giao trách nhiệm tổ chức lại các cơ quan liên bang nhằm cắt giảm chi phí, có vẻ sớm thành hiện thực. Elon Musk sau khi mua lại Twitter năm và đổi tên thành X, đã giảm được 80% quỹ lương, số nhân viên từ 7.500 chỉ còn 1.500 (nay lên 2.840). Tháng 4, ông sa thải 14.000 nhân viên Tesla. Ryan Mac, tác giả cuốn "Làm thế nào Elon Musk phá vỡ Twitter" lưu ý : "Một người giàu có như vậy, ngự trị trên một đế chế rộng lớn như vậy và lại là tai mắt của tổng thống Mỹ, là điều chưa từng thấy". Nhà tỉ phú với gia tài 300 tỉ đô la nay là nhân vật không phải dân cử quyền lực nhất thế giới.
Quan hệ giữa Musk với ông Trump chỉ mới trở nên thân thiết từ tháng 3, nhưng đến tháng 7 sau vụ mưu sát bất thành, Elon Musk mới thực sự tham gia phe MAGA. Bằng chứng là Musk bên cạnh ông Trump và tham gia cuộc điện đàm hôm 06/11 với tổng thống Volodymyr Zelensky. Cả một sự đảo lộn, vì hồi 2020 Elon Musk khuyên người thất cử nên "đi về phía hoàng hôn" và biến mất trên chính trường. Về phía Donald Trump gọi Musk là "kẻ lừa đảo" vì năm 2023 đã ủng hộ ứng cử viên Ron DeSantis chống lại Trump.
Tuy vậy Musk cũng không ưa đảng Dân Chủ và cánh tả Mỹ nói chung. Nhà đại tỉ phú không quên hồi tháng 8/2021 Nhà Trắng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về tương lai xe điện mà không mời ông chủ Tesla, trong khi đây là hãng dẫn đầu thế giới trong lãnh vực này. Elon Musk, cha của 11 đứa trẻ với ba đời vợ, cũng cho rằng cánh "cấp tiến" trong đảng Dân Chủ phải chịu trách nhiệm trong việc Xavier, con trai ông chuyển giới thành nữ lấy tên Vivian năm 2022, từ chối nói chuyện với cha và loan báo rời Hoa Kỳ. Theo Musk, con ông đã bị "con virus ‘woke’ giết mất".
"Chuyện tình" Trump-Musk có bền vững ?
L’Express ví von, vào mùa hè, nhân vật đã gởi trên 400 hỏa tiễn lên vũ trụ và mơ đô hộ Hỏa tinh, bỗng quyết định đặt Donald Trump vào quỹ đạo, để Kamala Harris rơi vào khoảng chân không. Musk tặng 120 triệu đô la, trực tiếp tham gia một số cuộc mít-tinh, mở thưởng 1 triệu đô la mỗi ngày cho cử tri các bang chiến địa – người tham gia phải ký vào kiến nghị ủng hộ tự do ngôn luận và quyền mang súng.
Với những đòn này, Musk qua mặt J.D. Vance và trở thành ngôi sao trong chiến dịch tranh cử, chói sáng hơn cả Taylor Swift, Beyoncé… bên phía Dân Chủ. Nhưng nhất là dùng thuật toán để lăng-xê các nội dung ủng hộ Trump trên X. Chuyên gia François Guillot nhận thấy trong 100 tweet có lượt đọc nhiều nhất trước bầu cử (15 đến 118 triệu lượt) có đến 82 tweet kêu gọi bỏ phiếu cho Donald Trump. Bản thân Elon Musk có 204 triệu người theo dõi cũng tweet đến trên 100 lần mỗi ngày. Nhà tỉ phú nổi tiếng hiểu sớm hơn ai hết, rằng chính trị không còn được quyết định nơi báo chí truyền thống, mà trên mạng xã hội.
Đế chế Elon Musk được cho là sẽ nhận được những hợp đồng quy mô của Nhà nước. Trong khi chờ đợi, cổ phiếu SpaceX đã tăng 15% ngay sau bầu cử. Vốn là người đầy tham vọng, Elon Musk cũng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, từng gặp gỡ nhiều nguyên thủ. Musk duy trì quan hệ với các nhà độc tài để vào được thị trường và có nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn tại Trung Quốc, Tesla sản xuất xe điện và mua được lithium, hay nước Nga vốn giàu có tài nguyên.
Nhưng "bộ đôi gây sốc" với lợi ích đôi khi khác nhau liệu sẽ tồn tại lâu dài ? Trump không quan tâm đến khí hậu, có thể giảm trợ cấp khi mua xe điện (Tesla đang hưởng lợi lớn). Và nhất là tổng thống tân cử quyết đánh thuế nặng lên hàng Trung Quốc, trong khi Musk không hề muốn căng thẳng thương mại. Còn lại câu hỏi : Donald Trump và Elon Musk đều tự kiêu, liệu tổng thống có muốn chia sẻ sự nổi tiếng với Musk ? Một nhà lãnh đạo Châu Âu từng tiếp xúc với cả hai cho rằng, một khi Musk còn phục vụ cho lợi ích của Trump thì mối quan hệ còn tồn tại.
Chiến thắng vang dội của Trump thách thức phe cấp tiến toàn thế giới
Tuần báo thiên tả Le Nouvel Obs cho rằng "Trump II là thách thức cho phe cấp tiến". Cần phải có thời gian để đo lường tầm cỡ của trận động đất từ bầu cử tổng thống Mỹ đối với tương lai các nền dân chủ. Chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump, đã đè bẹp đối thủ Kamala Harris, không chỉ gây sững sờ cho phe Dân Chủ Mỹ mà còn làm hoang mang cho các lực lượng cấp tiến trên toàn thế giới. Không phải là một sự "ăn may", mà là sự chọn lựa rõ ràng của người Mỹ, được biểu lộ qua số phiếu phổ thông và Cộng Hòa chiếm phần thắng tại Quốc hội. Hoàn toàn với ý thức, nền dân chủ số một thế giới chuyển sang cực hữu với một tổng thống quyết tâm phục thù, ghi đậm dấu ấn. Người Mỹ đòi hỏi "America First", trong một nghịch lý vừa quyền lực lại vừa khép kín.
Đó là một thách thức cho cánh tả tất cả các nước : thời kỳ Biden đã đóng lại, những người cấp tiến phải tự đối mặt với định mệnh. Chiến thắng của ông Trump là đòn nặng cho tương quan địa chính trị hậu Đệ nhị Thế chiến vốn đã mong manh, và cho hy vọng về việc Hoa Kỳ vẫn là ngọn cờ đầu của dân chủ phương Tây. Không còn "pax americana" (hòa bình Mỹ), thế giới đã bước hẳn vào chủ nghĩa biệt lập và kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa-dân túy đang nở rộ từ sự bất mãn của những người đứng bên lề toàn cầu hóa.
Mối đe dọa từ các lực lượng phi dân chủ
Từ Brexit đến việc Trump tái đắc cử, từ chiến thắng của Giorgia Meloni ở Ý đến ảnh hưởng gia tăng của Viktor Orbán ở Hungary, các lực lượng phi dân chủ thống trị phương Tây, đe dọa khế ước xã hội và căn bản Nhà nước pháp quyền. Pháp vừa thoát được nguy cơ này trong kỳ bầu cử Quốc hội nhưng cái giá phải trả là ảnh hưởng bị giảm sút, Đức yếu đi vừa về kinh tế vừa về chính trị khi liên minh cầm quyền tan vỡ. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế để nhận ra những mầm mống nuôi dưỡng cực hữu, từ sự hình thành đế chế truyền thông, đến cảm giác đời sống sa sút, ám ảnh di dân để đối phó, nếu không muốn bị chuyển sang chủ nghĩa phi tự do.
Ông Trump đắc cử, Châu Âu bị kẹt giữa chủ nghĩa đế quốc của Putin và sự ích kỷ của Mỹ. Trước mối đe dọa từ Nga về an ninh, Châu Âu phải kiên quyết ủng hộ Ukraine và không tự bằng lòng với vai trò thứ yếu. Trong hồ sơ này, sự tương trợ của phe cấp tiến nhiều nước, nhất là Ba Lan, là yếu tố quyết định để củng cố quốc phòng Châu Âu. Theo Le Nouvel Obs, không nên nhượng bộ bất cứ điều gì với Orbán - đồng minh công khai của Trump và Putin, người đang làm mọi cách để Châu Âu bị yếu đi.
Ukraine, thất bại được báo trước ?
Le Nouvel Obs tỏ ra bi quan về "thất bại được báo trước" ở Ukraine. Ông chủ sắp tới của Nhà Trắng nói rằng sẽ kết thúc chiến tranh "trong vòng 24 giờ". Nhưng với cái giá nào ? Dù đã được viện trợ 60 tỉ đô la trong gần ba năm qua, nhưng Kiev thất vọng vì chính quyền Dân Chủ vẫn không cho phép sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công sâu vào đất Nga, nơi xuất phát những chiếc phi cơ thả bom sát hại thường dân Ukraine. Cứ như là Hoa Kỳ sợ rằng Nga sẽ sụp đổ nên không muốn Ukraine chiến thắng. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định sẽ chi thêm 6 tỉ đô la còn lại cho Kiev trước khi Donald Trump lên nắm quyền, nhưng sau đó thì sao ? Ai có thể thay thế Mỹ ?
Các nhà lãnh đạo Ukraine hy vọng thuyết phục được Châu Âu lấp vào chỗ trống, nhưng Liên hiệp Châu Âu vẫn tỏ ra bất lực trong việc lập một mặt trận chung đối phó với Nga. Phải chăng Kiev đành phải đặt cược vào Trump ? Kế hoạch hòa bình của Trump ra sao vẫn chưa biết được, nhà tỉ phú nói rằng người ta không xòe bài ra trước khi thương lượng. Nhưng theo BBC thì Bryan Lanza, một chiến lược gia Cộng Hòa nói rằng "sẽ tập trung cho tái lập hòa bình thay vì giúp Ukraine thu hồi các lãnh thổ bị Nga chiếm đóng", "Crimea không còn tồn tại".
Theo những nguồn ẩn danh được "Washington Post" nêu ra, hai ngày sau khi đắc cử Trump đã yêu cầu Putin không leo thang, nhưng Kremlin bác tin. Phó tổng thống tương lai J. D. Vance nói về một vùng phi quân sự trên đất Ukraine dọc theo tiền tuyến, Kiev chịu mất số 18,2% lãnh thổ đã bị Nga chiếm, cam kết không tham gia NATO trong 20 năm. Cuộc xung đột đóng băng này là một thất bại cho Ukraine. Còn 11 tuần nữa là đến lúc ông Trump nhậm chức, Putin tiếp tục tấn công Donbass để chiếm thêm đất. Le Nouvel Obs tự hỏi, Châu Âu có phản ứng trước mối đe dọa nặng nề ở sườn đông hay không ? Có đủ thời gian và quyết tâm hay không ?
Chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ ?
Tuy nhiên trên The Economist, cựu ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định chiến tranh ở Ukraine sẽ còn gia tăng dưới thời Trump, vì người Ukraine không bao giờ chịu đầu hàng. Putin tin rằng sẽ thắng vì các đối tác phương Tây, nhút nhát và thiếu quyết đoán, không thể cung cấp cho Kiev những phương tiện để đối đầu ngang sức với Nga. Nhưng nếu Putin thực sự mạnh, thì tại sao phải nhập cảng hàng ngàn lính và dựa vào đạn pháo của Bắc Triều Tiên ?
Các nhà phân tích dường như xây dựng mô hình hòa bình trên giả định Putin là một nhà lãnh đạo chừng mực. Nhưng ý tưởng "đổi đất lấy hòa bình" là sai lầm. Chiến tranh không kết thúc khi Ukraine thu hồi được đến biên giới năm 1991, hay hai bên đạt thỏa thuận về một đường biên giới mới. Bom đạn chỉ ngưng rơi khi ông Putin chấp nhận quyền hiện hữu của Ukraine, với tư cách một quốc gia phương Tây độc lập và dân chủ. Putin không thể để mất trên phương diện pháp lý các vùng đất chiếm được, và Ukraine không thể chấp nhận mất lãnh thổ. Thế nên dù tìm được một giải pháp tạm thời, xung đột vẫn sẽ nổ ra sau này.
Trên L’Express, cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson trấn an, Donald Trump với quyết tâm "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", liệu có thể để Nga lăng nhục Mỹ quốc ? Có thể khởi đầu nhiệm kỳ bằng cách để cho Putin khoác lên mình sự vĩ đại của đế quốc Liên Xô cũ ? Năm 2019, chính ông Trump đã giao hỏa tiễn chống tăng lợi hại Javelin cho Ukraine, trục xuất các gián điệp Nga.
Mười tuần lễ chuyển tiếp : Hợp tác để tránh hỗn loạn
The Economist quan tâm đến việc làm thế nào có sự chuyển đổi êm thắm từ nay cho đến lúc Donald Trump nhậm chức ngày 20/01/2025, trong khi thế giới vẫn bất ổn, và quyền lực của chính quyền "vịt què" Joe Biden đang suy giảm. Tuần báo cho rằng bất chấp những khác biệt, ê-kíp của ông Biden và ông Trump phải hợp tác với nhau để ngăn chặn các kẻ thù của nước Mỹ thừa cơ phá hoại. Vladimir Putin có thể leo thang để cố gắng chiếm thêm lãnh thổ Ukraine trước khi bất kỳ cuộc hòa đàm bắt đầu. Israel có thể tấn công Gaza, Lebanon… hoặc xa hơn nữa. Trung Quốc sẽ có những động thái thăm dò để xem có thể cưỡng bức Đài Loan hoặc Philippines đến mức độ nào mà không gây ra phản ứng nghiêm trọng, Biển Đông sẽ căng thẳng hơn.
Chính quyền Biden và Trump không ưa nhau, nhưng có chung lợi ích trong việc răn đe các nhân tố trên. Ông Biden có nhiệm vụ sử dụng ảnh hưởng còn lại của mình, chủ yếu từ việc viện trợ quân sự cho các đồng minh, để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn của thời kỳ "vịt què". Nếu ông Trump muốn một hồi kết hỗn loạn của nhiệm kỳ Biden, ông sẽ phải suy nghĩ lại. Bước vào Phòng Bầu dục với thất bại ở Ukraine, Trung Đông bốc cháy và tàu Trung Quốc tha hồ làm mưa làm gió trên Biển Đông, nhiệm vụ của Donald Trump sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Để kềm chế một Putin tham lam vô độ, Hoa Kỳ cần phải gởi thêm vũ khí cho Ukraine và hủy bỏ hạn chế về hỏa tiễn tầm xa. Tại Trung Đông, hai ê-kíp cựu và tân cần thuyết phục Israel không đơn phương tấn công các địa điểm nguyên tử Iran, nếu không Mỹ sẽ không hỗ trợ. Trên Biển Đông, Trung Quốc phải hiểu rằng quan điểm của Hoa Kỳ về quyền tự do hàng hải là bất di bất dịch. Các nhà sử học tương lai có thể viết rằng mười tuần lễ tới là thời điểm nước Mỹ chuyển từ chủ nghĩa quốc tế hậu 1945 sang chủ nghĩa biệt lập. Nhưng nếu ê-kíp Biden và Trump hành động với sự khôn ngoan, thời kỳ chuyển tiếp sẽ không dẫn đến sự hỗn loạn toàn cầu.
Thế giới trong kỷ nguyên Trump
La Croix Hebdo nhận định, với việc Donald Trump đắc cử, thế giới bước vào một thời kỳ lịch sử có thể xáo trộn cuộc sống của từng người. Nhà văn Stefan Zweig thú nhận không thể nhớ được lần đầu tiên nghe nói đến Hitler là lúc nào, tuy cần thiết phải nhận ra những phong trào quan trọng có thể định hình thời kỳ đang sống. Trong "Bác sĩ Jivago" của Boris Pasternak, tất cả các nhân vật dù tính cách, giai cấp và quan điểm như thế nào, đều bị cuốn theo làn sóng dữ dội của phong trào lịch sử đã làm đảo lộn nước Nga trong những năm đầu thế kỷ 20. Theo La Croix, có thể chúng ta đang trong tình cảnh tương tự. Đáng sợ nhất là cảm giác bước vào một thế giới bất ổn, không thể đoán trước điều gì, như Pasternak, Zweig và các nhân vật của họ đã phải đối mặt.
Thụy My