Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có nên sợ đầu tư Trung Quốc vào Trung và Đông Âu ? (RFI, 23/04/2019)

Kết nạp thêm một thành viên mới là Hy Lạp, Trung Quốc tiếp tục lôi kéo các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu về phía Bắc Kinh. Lá bài đầu tư Trung Quốc và dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 tiếp tục làm mê hoặc, nhưng cũng bắt đầu gây nên mối hoài nghi ngay cả với 17 đối tác Châu Âu của Bắc Kinh trong nhóm vừa được đổi tên 17 +1.

dautu1

Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước khi khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Trung, Đông Âu và Trung Quốc tại Dubrovnik, Croatia, ngày 12/04/2019. Reuters/Stringer

Phải chăng đó là do một số quốc gia trong khối này bắt đầu thất vọng trước những hứa hẹn "có lợi cho cả đôi bên" luôn được Bắc Kinh rao giảng ?

Ngày 12/04/2019, thượng đỉnh Dubrovnik - Croatia hạ màn, thủ tướng Trung Quốc kết thúc một tuần công du Châu Âu. Trước đó ba hôm, tại chặng dừng Bruxelles, ông Lý Khắc Cường đã vất vả trấn an các nước tây Âu rằng Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn nữa thị trường với gần 1,5 tỷ dân này cho các doanh nghiệp nước ngoài, trao đổi mậu dịch với phương Tây trên cơ sở luật pháp và công bằng, không áp dụng chính sách bảo hộ …

Ngược lại, tại thành phố ven biển Adriatic, các đối tác của Bắc Kinh đã bày tỏ nhiều thiện cảm với thủ tướng họ Lý, vì biết chắc rằng "Trung và Đông Âu là mắt xích quan trọng" trong dự án Con Đường Tơ Lụa mới, mà chính quyền của hai ông Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường hứa đầu tư đến 1000 tỷ đô la trên bộ và trên biển, để kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Nhóm 16+1 mà giờ đây vừa đón nhận thêm Hy Lạp, được thành lập năm 2012, bao gồm Trung Quốc và các đối tác Châu Âu, trải dài từ vùng Baltic xuống đến Nam Âu (Estonia, Litva, Latvia, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Slovenia, Croatia, Bosnia–Herzegovina, Montenegro, Albania, Bắc Macedonia). Trong số này có 11 quốc gia và mới đây thêm Hy Lạp là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Trung Quốc chịu chi tiền

Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm 16+1 được tổ chức tại thủ đô Ba Lan trong bối cảnh Châu Âu phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và tài chính, khối euro bị đe dọa tan vỡ, vì Hy Lạp có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Bruxelles và Berlin đòi tất cả các thành viên áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Còn Bắc Kinh chủ trương mở van tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đầu tư ở nước ngoài.

Theo cơ quan nghiên cứu EPSR trực thuộc Nghị Viện Châu Âu, trong thời gian từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc đã đầu từ hơn 1, 2 tỷ euro vào Hy Lạp và một phần lớn khoản vốn nói trên được dành để phát triển hải cảng Pireus, một trong những "điểm chiến lược" của Con Đường Tơ Lụa mới. Hungary thu hút được 2,1 tỷ euro. Kế tới là Ba Lan với 1 tỷ, hay Romania với 900 triệu euro.

Tại khu vực vùng Balkan, trong một sớm một chiều tập đoàn khai thác quặng mỏ Zijin bỏ ra 1,46 tỷ đô la mua lại 63 % mỏ đồng tại Bor, cách thu đô Beograd 220 cây số về phía đông, thanh toán món nợ cỏn con 200 triệu đô la mà tập đoàn khoáng sản của Serbia không tài nào trả nổi từ hai thập niên qua. Chưa hết, Zijin còn hứa bảo đảm việc làm cho 5.000 thợ mỏ tại Bor và sẽ đầu tư thêm 1,3 tỷ đô la để làm sống lại niềm tự hào của nền công nghiệp khai thác quặng mỏ Nam Tư xưa kia. Đương nhiên, giới trong ngành thừa biết Bor là "một trong những mỏ đồng và mỏ vàng lớn nhất thế giới".

Cũng với Serbia, Bắc Kinh đã phát triển nhiều dự án bạc triệu khác, từ công trình xây dựng cây cầu bắt ngang dòng sông Danube tại Beograd, đến dự án đường xe lửa cao tốc xuất phát từ cảng Pireus của Hy Lạp đến tận thủ đô Budapest của Hungary, với một chặng dừng quan trọng là Beograd.

Vào lúc Hoa Vi đang tìm cách thoát khỏi vòng vây của Hoa Kỳ, tổng thống Serbia mở rộng cửa mời tập đoàn viễn thông Trung Quốc này vào hoạt động. Do đứng ngoài Liên Âu, Serbia không bị các chuẩn mực của Bruxelles về môi trường, y tế, hay lao động… ràng buộc.

Nhìn đến một quốc gia khác trong khu vực là Montenegro, kể từ khi ngân hàng ngoại thương Trung Quốc cho quốc gia này vay 809 triệu euro để xây một đoạn xa lộ, Bắc Kinh nắm giữ đến 40 % tổng số nợ của quốc gia nhỏ bé này trong vùng Balkan ; 20 % tổng số nợ nước ngoài của Macedonia cũng trong tay Trung Quốc ; Bosnia Herzegonia cũng vừa phải đi vay 600 triệu của Trung Quốc để tài trợ công trình xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Toàn bộ dự án do một tập đoàn Trung Quốc đảm nhiệm.

Sườn đông, cánh cổng dễ mở vào Châu Âu

Ngay từ đầu, Bắc Kinh quan niệm "diễn đàn" 16+1 là bệ phóng cho dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Kèm theo đó là mục tiêu mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn địa chính trị của Bắc Kinh tại Châu Âu.

Trả lời đài RFI Jean-François di Meglio, giám đốc trung tâm nghiên cứu Asia Centre, trụ sở tại Paris, nêu lên hai rủi ro gắn liền với việc Trung Quốc đang trở thành chủ nợ của nhiều nước Đông và Trung Âu :

"Trước hết là rủi ro về tầm ảnh hưởng. Thí dụ rõ rệt nhất là hồi năm 2016, khi Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bất lợi cho Trung Quốc, thì Mỹ và Úc đã mạnh dạn ủng hộ quyết định của Tòa Án. Ngược lại, Liên Hiệp Châu Âu đã không có được một tiếng nói chung, vì một số thành viên – trong đó có nhiều nước thuộc khối 16+1, đã chống đối quyết định bất lợi cho Bắc Kinh.

Rủi ro thứ nhì là nợ của Trung Quốc có một nét đặc thù. Tới nay, Trung Quốc không tham gia Câu Lạc Bộ Paris. Đây là một tổ chức không chính thức của các chủ nợ quốc tế. Câu lạc bộ này có thể xóa nợ hay triển hạn cho một quốc gia mang nợ có thêm thời gian để thanh toán … Trung Quốc không nằm trong Câu Lạc Bộ Paris, nên luôn giải quyết vấn đề nợ một cách song phương. Thành thử không ai biết là khi mất khả năng thanh toán, một quốc gia phải đàm phán những gì với Bắc Kinh, Trung Quốc có biện pháp khoan hồng nào hay là Trung Quốc Bắc Kinh mạnh tay siết nợ, bằng cách đòi được trả bằng nguyên và nhiên liệu …

Riêng với Châu Âu, cần lưu ý rằng khoản vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước Tây Âu phát triển mới là lớn, còn đầu tư vào các nước Trung và Đông Âu thật sự không nhiều.

Bức tranh màu hồng ?

Gần một chục năm sau khủng hoảng trên Lục Địa Già, sau tám thượng đỉnh với Trung Quốc, các nước Trung và Đông Âu nghĩ gì về sự hào phóng của Bắc Kinh ?

Tại Dubrovnik, thủ tướng Lý Khắc Cường muốn mở rộng thêm cánh cổng Châu Âu, giải tỏa bớp áp lực của Hoa Kỳ trong lúc đang phải đọ sức thương mại với Washington ; thủ tướng Tsipras xem việc được kết nạp vào nhóm 16+1 là một vinh dự đối với Athens ; thủ tướng Victor Orban vốn đang hục hặc với nhiều nước Tây Âu tuyên bố Hungary muốn "đẩy mạnh quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc". Còn Serbia cũng như Romania kỳ vọng ký được thêm nhiều hợp đồng với Trung Quốc trong thời gian thủ tướng Lý Khắc Cường có mặt tại Dubrovnik.

Nhìn lại chặng đường 7 năm Bắc Kinh đồng hành với 16 nước Trung và Đông Âu, không thể phủ nhận Bắc Kinh đã hứa hẹn nhiều và nhiều dự án đầu tư với vốn của Trung Quốc đã chào đời tại Trung và Đông Âu, cũng như trong vùng Địa Trung Hải. Dù vậy, các nhà quan sát và cả những quốc gia trong cuộc đều nhận thấy rằng, Bắc Kinh "hứa nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu".

Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc MERICS của Đức trong báo cáo gần đây cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu năm 2018 giảm đi mất 40 % so với hồi năm 2017. Nhiều dự án tại Ba Lan liên tục bị hoãn lại, thậm chí là bị bỏ dở.

Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của Mỹ Foreign Policy ngày 11/04/2019, chuyên gia người Romania Andreea Brinza, phó chủ tịch Viện nghiên cứu về Châu Á Thái Bình Dương, nhận định : "Năm nay, những thất vọng đã thay thế vào chỗ của những hứa hẹn ban đầu được thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra hồi năm 2012. Đối thoại giữa Trung Quốc với các đối tác Trung và Đông Âu là một chuỗi dài thất bại do Bắc Kinh đã không giữ đúng lời hứa. Nhiều chương trình hợp tác đã bị đình hoãn và thậm chí bị khai tử. Trung Quốc đã thất bại, vì không trấn an được các đối tác Châu Âu và cả các nước ở Tây Âu về những mục tiêu của mình tại Châu Âu (…) Bắc Kinh luôn nói đến một sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên, nhưng đó chỉ là một thông điệp trống rỗng (…) Bởi nhìn kỹ vào hợp tác Á-Âu này, người ta thấy Trung Quốc cấp vốn cho các đối tác Châu Âu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đó là những khoản tín dụng mà các con nợ của Trung Quốc không hề được hưởng những điều kiện ưu đãi".

Tệ hơn nữa, vẫn theo chuyên gia Andreea Brinza, Viện nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của Romania, tương tự như với Châu Phi, trong mỗi dự án, Bắc Kinh luôn áp đặt các đối tác Châu Âu phải nhận 50 % lao động Trung Quốc.

Về phía Trung và Đông Âu, một số quốc gia đã nhận ra rằng "chơi với Bắc Kinh không dễ", vay vốn của Trung Quốc không nhẹ lãi hơn vay của Liên Âu, các dự án đầu tư của Trung Quốc không là chiếc đũa thần giải quyết thất nghiệp tại nhiều nước Đông và Trung Âu.

Năm 2013 Bucarest ký hợp đồng với tập đoàn điện lực quốc gia Trung Quốc để xây dựng hai nhà máy điện tại Rovinari và Tarnita. Từ đó tới nay, sau 5 đời thủ tướng, mùa thu 2018, dự án tại Rovinari vừa mới được khởi công. Còn tại Tarnita, đôi bên đàm phán lại từ đầu …

Điểm sau cùng khiến một số đối tác của Bắc Kinh tại Trung và Đông Âu thất vọng, là Trung Quốc thường bắt chẹt các nước trong các cuộc đàm phán song phương và trong các cuộc thương lượng đó, một nước như Montenegro hay Croatia không có chọn lựa nào khác là phải tuân thủ luật chơi của Bắc Kinh.

Có điều, chính sự hiện diện ngày càng lớn của tư bản Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế tại Châu Âu gây nhiều lo ngại, cho dù trong mọi tuyên bố các lãnh đạo Trung Quốc đều mạnh mẽ khẳng định quyết tâm "thúc đẩy tiến trình hội nhập giữa các nước trong Liên Âu", nhưng nhìn từ Bruxelles thì Bắc Kinh luôn dùng đòn bài chia để trị. Chuyên gia Pháp, Jean-François di Meglio, giám đốc trung tâm Asia Centre phân tích :

"Về câu hỏi Trung Quốc có chơi trò "hai mặt" hay không, chúng ta thấy thông điệp chính thức của Bắc Kinh từ trước đến nay rất rõ ràng. Khác với Liên Xô xưa kia, Trung Quốc không muốn gây chia rẽ nội bộ Châu Âu. Ngược lại, Bắc Kinh luôn tuyên bố ủng hộ một khối Liên Hiệp Châu Âu phát triển, vững mạnh. Thế rồi, với dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, Trung Quốc muốn lôi kéo Châu Âu vào kế hoạch đầy tham vọng này, kể cả các nước Tây Âu.

Nhưng song song với những tuyên bố chính thức đó, Bắc Kinh luôn có những cuộc vận động ngầm và đặc biệt là qua việc Hy Lạp vừa tham gia nhóm 16+1, tức là giờ đây Trung Quốc có đến 17 đối tác tại Châu Âu. Đây là một bước ngoặt quan trọng".

Thanh Hà

*********************

Thủ tướng Nhật công du Châu Âu và Bắc Mỹ với Trung Quốc trong tầm nhắm (RFI, 23/04/2019)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Paris vào hôm nay, 23/04/2019, hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khuôn khổ chuyến công du 6 quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ, kéo dài đến ngày 29/04. Sau chặng đầu tiên là Pháp, ông sẽ ghé Ý, Bỉ và Slovakia, trước khi qua Mỹ và Canada.

dautu2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Nhật Shinzo Abe họp báo chung tại điện Elysée ngày 23/04/2019. Reuters/Philippe Wojazer

Mục tiêu chính thức được loan báo của vòng công du là chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng Sáu, nhưng giới quan sát cho rằng ý muốn của thủ tướng Abe là nâng cao vai trò của Nhật Bản trong tư thế một cường quốc đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc trong thương mại thế giới, mà không khiến Bắc Kinh tức giận.

Đối với ông Abe, vào thời điểm hiện nay, vai trò của tổng thống Macron rất quan trọng trên hai điểm : Pháp là nước sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 8 tới đây, do đó sự phối hợp giữa hai nước chủ tịch G20 và G7 là một điều rất có lợi. Ngoài ra, tổng thống Pháp đã cho thấy là ông rất muốn Liên Hiệp Châu Âu có một phản ứng thương mại chung đối phó với sự lấn lướt của Trung Quốc.

Chặng thứ hai trong vòng công du của thủ tướng Nhật là Ý, được cho là rất tế nhị, do việc Rôma vừa ký kết thỏa thuận tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Ông Shinzo Abe được cho là sẽ tìm cách thuyết phục giới lãnh đạo Ý rằng Nhật Bản hoàn toàn có thể tài trợ cho các cơ sở hạ tầng có lợi cho tăng trưởng, mà không tạo ra nguy cơ "bẫy nợ" thường được gắn liền với các đề xuất của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ có những cố gắng thuyết phục tương tự khi ông ghé Slovakia, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Nhóm Visegrad, bao gồm 4 nước Trung Âu là Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia, được cho là các đồng minh Châu Âu của Trung Quốc.

Chặng ghé Bruxelles của ông Abe cũng là dịp để thủ tướng Nhật thảo luận với đối tác Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc, đúng vào thời điểm Châu Âu được cho là đã "thức tỉnh" trước những ngón đòn thương mại của Bắc Kinh. Một hồ sơ quan trọng khác sẽ được nêu lên là Brexit.

Sau Châu Âu, ông Abe sẽ bay sang Bắc Mỹ, với hai chặng dừng ở Hoa Kỳ và Canada. Trên đất Mỹ, thủ tướng Nhật sẽ phải nỗ lực trấn an Donald Trump, đang rất muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại song phương để giảm thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Nhật Bản. Đây được cho là một cuộc đàm phán khẩn cấp đối với ông Abe, nếu ông muốn có thêm sức mạnh để đối phó với Trung Quốc.

Nhìn chung, vòng công du của thủ tướng Nhật Bản sẽ rất tế nhị, vì ông sẽ phải cố gắng để khỏi đụng chạm Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh-Tokyo đang càng lúc càng được cải thiện, mà dấu hiệu cụ thể nhất là việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời đến Osaka để dự hội nghị thượng đỉnh G20.

Mai Vân 

Published in Quốc tế