Biển Đông gây "xung đột" ngay cả trong cách đặt tên
Cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN với trọng tâm là Biển Đông, dấy lên câu hỏi có nên thống nhất cách gọi tên cho vùng biển tranh chấp ; Thế bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Liban ; Cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và Châu Âu, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Tàu tiếp tế Unaizah của Philippines (ở giữa), bị hai vòi rồng của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắn trúng, khiến nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị thương khi đang tiến vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), trên biển Đông, ngày 05/03/2024. © AP/Philippine Coast Guard
Trong tuần vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 cũng như các thượng đỉnh ASEAN với các đối tác đã diễn ra tại Vientiane, Lào, quy tụ nhiều lãnh đạo trong khu vực và các đối tác quốc tế với trọng tâm về khủng hoảng ở Miến Điện và đặc biệt là căng thẳng tại Biển Đông.
Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra gần đây giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cá của Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược, gây tranh chấp với nhiều nước thuộc ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia.
Một điểm đáng nói là vùng biển giàu tài nguyên này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh mối liên hệ, đa dạng về lịch sử, văn hóa và địa chính trị của khu vực, theo nhận định của The Diplomat.
Biển Đông, Biển Tây, hay Nam Hải...
Việt Nam gọi là Biển Đông, nhấn mạnh đến những di sản về hàng hải, coi vùng biển này là một tuyến đường huyết mạnh cho trao đổi thương mại và văn hóa. Cách gọi của Việt Nam cũng gợi lên những thách thức yêu sách của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Việt Nam có từ nhiều thế kỷ trước, bao gồm cả giai đoạn Bắc thuộc. Trong nhiều thế kỷ, vùng biển này được gọi là biển Champa, như một cách để công nhận sử kiểm soát của đế chế Champa ở miền trung Việt Nam và các khu vực quan trọng của miền đông Cam Bốt và Lào từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 15.
Nếu như Trung Quốc gọi vùng biển này là Nam Hải, để nhấn mạnh đến vị trí địa lý, nằm ở phía nam Trung Quốc, thì trong tiếng Anh, biển Đông được đặt tên là "South China Sea". Đối với phương tây, "South China Sea" – "biển phía Nam Trung Quốc" phản ánh quan điểm lấy Châu Âu làm trung tâm, bắt nguồn từ thời thực dân, thể hiện mối quan tâm với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, được coi là một đối tác thương mại lớn.
Philippines thì gọi là "biển Tây" được khởi nguồn từ động lực chính trị vào năm 2012, trước sự xâm nhập ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Sử dụng tên này cho thấy nỗ lực của Philippines trước những thách thức chủ quyền, và khẳng định lợi ích của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Với cùng lý do, vào năm 2017, chính phủ Indonesia cũng đã công bố một bản đồ chính thức mới đổi tên một phần biển Đông nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình thành "Laut Natuna Utara" hay Biển Bắc Natuna. Sáng kiến này xuất hiện sau nhiều lần tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập. Việc đổi tên này làm nổi bật mối quan tâm của Indonesia về quyền và chủ quyền của mình đối với EEZ xung quanh quần đảo Natuna.
Giáo sư Edmund Lin, giảng viên tại Viện nghiên cứu giáo dục quốc gia, thuộc Nanyang Technological University (Singapore), cho rằng "trước các tranh chấp hiện nay tại vùng biển tranh chấp mang nhiều tên gọi, chúng ta nên cân nhắc tìm ra một cái tên thay thế, thống nhất, để hợp tác và hiểu rõ hơn về khu vực này". Nhà nghiên cứu đề xuất đặt ra một tên mới là "Biển Đông Nam Á", một cái tên được công nhận vị trí địa lý và lợi ích chung, nhấn mạnh đến sự hợp tác hơn là cạnh tranh, làm nổi bật sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau.
"Một cái tên thể hiện tính bao hàm hơn" có thể thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng, và có thể làm nền tảng cho các sáng kiến hợp tác giải quyết các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, quyền đánh bắt và khai thác, cũng như an toàn và an ninh hàng hải.
Sự bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liban
Về thời sự tại Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban vẫn rất căng thẳng, hai binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Liban (FINUL) đã bị thương do cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái nhắm vào trụ sở tại Naqoura, miền nam Liban. Vụ việc đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây phẫn nộ.
Kể từ ngày 30/09, khi Israel mở chiến dịch tấn công lvào Liban, lực lượng Mũ Nồi Xanh, với nhiệm vụ giám sát việc chấm dứt chiến sự, bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo cho thường dân, đã ngừng các hoạt động tuần tra. Họ chỉ có thể quan sát tình hình chiến sự giữa Hezbollah và Israel từ căn cứ quân sự.
Được thành lập vào năm 1978, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tạo một vùng đệm giữa Israel và Liban. Lực lượng này hiện gồm 10 000 quân nhân, đến từ 50 quốc gia, cũng giúp hỗ trợ Nhà nước Liban khôi phục quyền lực ở miền nam nước này, chủ yếu do Hezbollah kiểm soát.
Tuy nhiên nhiệm vụ này hoàn toàn không khả thi. Thứ nhất là không bên nào tôn trọng nghị quyết 1701. Thứ hai, theo giáo viên lịch sử Guillaume Lasconjarias, tại đại học Paris Sorbonne của Pháp, trả lời Nouvel Obs , "lực lượng này chỉ có quyền tự vệ. Nếu không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp, thì họ buộc phải chờ đợi tại căn cứ và quan sát".
Nhà nghiên cứu về quân sự nói thêm "có một hình thức không phải là thiếu kiên quyết, mà đúng hơn là đạo đức giả từ phía các cường quốc... Họ muốn lực lượng này hiện diện tại một khu vực nhiều căng thẳng. Nếu lực lượng này không được triển khai thì tình hình có thể xấu đi, nhưng họ ở đó mà không được cấp phương tiện. Họ hiện diện ở đó, quan sát các hoạt động khác nhau, nhưng lại bị ngăn cản bởi cả Israel và Hezbollah và không có khả năng hành động. Đây là một loại "bất lực" trong quyền lực".
Bầu cử Hoa Kỳ tác động đến cuộc chiến ở Ukraine
Những diễn biến chính trị của Hoa Kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới các viện trợ cho Ukraine. Trong tuần vừa qua, vắng mặt tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc họp Ramstein, quy tụ khoảng 50 lãnh đạo ủng hộ Kiev, dự trù được tổ chức tại Đức trong tuần này đã bị hoãn lại vô thời hạn. Không tiếp cận được với Hoa Kỳ, tổng thống Ukraine đành phải tiếp tục chuyến công du Châu Âu để tìm kiếm viện trợ từ các đồng minh Anh, Pháp, Đức.
Vào tháng 9, trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày kế hoạch chiến thắng Nga trước Quốc Hội Mỹ. Thế nhưng chuyến thăm này đã bị Donald Trump và phe Cộng Hòa mạnh mẽ chỉ trích, chính quyền Biden cũng không đánh giá cao kế hoạch của ông Zelensky, theo nhận định của The Economist . Hiện, "không ai trong chính phủ của Biden tin rằng Ukraine có thể chiếm lại bằng biện pháp quân sự những vùng lãnh thổ đã đánh mất".
Sắp tới, cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ tạo ra những bước ngoặt nào cho cuộc chiến chống Nga ở Ukraine ? Theo The Economist, viễn cảnh tiến đến hòa bình cho Ukraine khá xa vời vì cả hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump, đều không có chiến lược rõ ràng đối với hòa bình cho Ukraine. Ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris khẳng định ủng hộ Kiev và tiếp tục tìm kiếm viện trợ quân sự, nhưng chưa chắc đã kiểm soát được Quốc Hội. Ông Trump thì rỏ ra thiếu nhất quán, mơ hồ, hứa hẹn chấm dứt chiến tranh, thúc giục Nga và Ukraine ngồi vào bàn đám phán.
The Economist đưa ra các kịch bản khác nhau. Nếu đảng Dân Chủ giành lại đa số tại Hạ Viện, hiện do phe Cộng Hòa nắm giữ, cũng như giữ được chức tổng thống thì viện trợ cho Ukraine sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Còn nếu ông Trump đắc cử, thì có điều không chắc là liệu ông sẽ trao quyền cho những người theo "chủ nghĩa quốc tế", hay "chủ nghĩa bảo hộ". Lời hứa của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh là "không thể tin được".
Valerii Chalyi, cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ trả lời trang RBC Ukraine giải thích : "Tương quan chính trị tại Quốc Hội Hoa Kỳ trên thực tế quan trọng hơn tên của tân tổng thống. Ví dụ, giữa việc Donald Trump nắm quyền kiểm soát cả Thượng và Hạ viện, và việc ông Trump chỉ kiểm soát Thượng Viện là hai chuyện khác nhau. Tương tự, nếu Kamala Harris không kiểm soát được Hạ Viện thì sẽ thiếu đòn bẩy về tài chính. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 05/11, đó là một ngày rất quan trọng với chúng tôi. Có vẻ như mọi người đều tin rằng, giải pháp chấm dứt chiến tranh với Nga sẽ được đưa ra sau đó, vào năm sau, và có thể thành hiện thực… Trên thực tế, Ukraine sẽ phải làm việc với bất kỳ ai được người dân Mỹ bầu ra, và chúng tôi cần có sự chuẩn bị… Tôi không nghĩ rằng nếu ứng viên của đảng Dân Chủ thắng thì sẽ dễ dàng hơn, bởi những người trong đội ngũ của Kamala Harris không hề dễ làm việc cùng. Tôi đã làm việc với họ, và hầu hết không muốn hỗ trợ Ukraine các loại vũ khí sát thương."
Thăm dò được The Economist trích dẫn, cho thấy hơn một nửa người dân Ukraine chấp nhận mất Donbass và bán đảo Crimée để đổi lấy chủ quyền đối với các khu vực bị chiếm đóng là Zaporijjia và Kherson. Khoảng 38% người Ukraine cho biết sẵn sàng chấp nhận ranh giới lãnh thổ hiện tại, nếu được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu và nhận được tài trợ để tái thiết. Con số này tăng lên 47% nếu Ukraine được chào đón vào NATO - đây có lẽ là câu hỏi nhạy cảm nhất đối với vị tổng thống tiếp theo.
Cuộc so găng thương mại giữa Trung Quốc và Châu Âu
Kể từ thứ Sáu này, các nhà xuất xuất khẩu rượu Cognac ở Châu Âu sẽ phải nộp một khoản "đặt cọc" trị giá khoảng 35 % giá trị các chai rượu xuất khẩu sang Trung Quốc cho hải quan Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, quyết định này là để chống tình trạng bán phá giá, được xem như biện pháp trả đũa về việc Bruxelles tăng thuế đối với các xe điện do Trung Quốc sản xuất được nhập vào khối.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm thông tin :
"Khoản đặt cọc tại hải quan Trung Quốc là để bù vào các khoản phụ phí có thể tăng trong tương lai. Đối với Châu Âu, điều này làm phức tạp việc xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi vì các nhà xuất khẩu rượu cognac có nguy cơ phải tăng giá, và có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và giá trên thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên theo ông Yuan, làm việc cho doanh nghiệp Tai De, nhập khẩu rượu mạnh, quyết định này tác động không đáng kể đến hoạt động của mình. Ông nói : "Thật may là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Chúng tôi xử lý rượu mạnh với số lượng lớn, hơn 200 lít, và chúng tôi nhập khẩu theo lô. Từ năm ngoái, thị trường đã không suôn sẻ, nhưng hiện đã cải thiện hơn. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là các nhà nhập khẩu các loại rượu thương hiệu lớn.
Một nhà kinh doanh khác thì giải thích rằng hiện nay hàng hóa trong kho đủ để bán cho người tiêu dùng Trung Quốc trong 3 năm tới, do vậy quy định mới này không tạo thành vấn đề trong ngắn hạn.
Một cuộc chiến tranh thương mại giữa Châu Âu và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải là không tránh được.
Các căng thẳng về thuế liên quan đến xe điện và các sản phẩm như Cognac chỉ ra rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hai bên đều có các lợi ích kinh tế chung, nếu cuộc xung đột kéo dài thì sẽ gây hại cho cả hai."
Chi Phương
Trọng Nghĩa, RFI, 08/06/2021
Vào lúc Nghị Viện Châu Âu bắt đầu họp tại trụ sở chính ở Strasbourg, Pháp, với sự hiện diện của các nghị sĩ sau hơn 15 tháng phải họp trực tuyến vì dịch Covid-19, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị đón tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hôm qua, 07/06/2021, đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc đầy tranh cãi mà hai bên đã ký kết vào cuối năm ngoái 2020.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại Bruxelles, Bỉ, ngày 2/6/2021. Reuters - JOHANNA GERON
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc phỏng vấn dành cho một số nhà báo, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu không ngần ngại cho rằng thỏa thỏa thuận đầu tư được đúc kết giữa Bruxelles và Bắc Kinh là "một bước tiến lớn đi theo đúng hướng".
Đối với nhân vật có vai trò giống như tổng thống của khối 27 nước Liên Âu, trong quan hệ với Trung Quốc, EU "sẽ không thỏa hiệp về những vấn đề giá trị cơ bản và quyền tự do, cũng như vấn đề nhân quyền". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Liên Âu phải biết "tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc."
Ông Charles Michel giải thích : "Trong những năm gần đây, Liên Âu đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chung của mình" nhưng lại để xẩy ra tình trạng "thiếu có đi có lại". Do đó, theo ông, Liên Âu vào năm ngoái "đã quyết định đẩy nhanh các cuộc đàm phán" với Trung Quốc nhằm hướng tới thỏa thuận đầu tư.
Ủy Ban Châu Âu, định chế đặc trách chính sách thương mại của 27 thành viên EU, đã ký một thỏa thuận bất ngờ với Bắc Kinh về đầu tư vào cuối năm 2020, sau nhiều năm bế tắc. Đức là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất văn bản này.
Ngay từ đầu, thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc đã bị nhiều giới tại Liên Âu phản đối, trong đó đặc biệt có một số nghị sĩ Châu Âu. Thỏa thuận cần phải được Nghị Viện Châu Âu cũng như các nước thành viên phê chuẩn, nhưng tiến trình này mới đây đã bị đình chỉ, sau khi Liên Âu quyết định trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, kéo theo các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh, đặc biệt nhằm vào các nghị sĩ và học giả Châu Âu.
Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc cũng khiến Washington bất ngờ, trong bối cảnh Hoa Kỳ từ thời Donald Trump cho đến Joe Biden đều muốn đồng minh Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh. Một ví dụ điển hình là mới tuần trước, chính quyền Biden đã mở rộng danh sách đen các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm đầu tư.
Trọng Nghĩa
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 08/06/2021
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 07/06/2021 đã kêu gọi Liên Hiệp Âu hủy bỏ quyền phủ quyết dành cho các quốc gia thành viên, để toàn khối không còn bị một vài nước "bắt làm con tin".
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas họp báo tại Berlin ngày 08/06/2021. Reuters – Axel Schmidt
Trong một cuộc họp báo ở Berlin, ngoại trưởng Đức khẳng định : "Chúng ta không thể cho phép mình bị những kẻ làm tê liệt chính sách đối ngoại của Châu Âu bắt làm con tin với các quyền phủ quyết của họ.Tôi xin được nói công khai : Quyền phủ quyết phải biến mất, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chúng ta có thể bị đặt vào tình thế thiểu số".
Theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, một số quyết định, đặc biệt là về thuế hoặc chính sách đối ngoại, cần có được sự nhất trí của toàn bộ các quốc gia thành viên. Quy tắc này có hệ quả là một quốc gia có khả năng sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn, làm trì hoãn hoặc suy yếu lập trường của Liên Âu.
Trong thời gian gần đây, Hungary nổi bật lên thành nước thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn các tuyên bố chỉ trích Trung Quốc. Mới đây, cũng chính Budapest đã từ chối ủng hộ tuyên bố kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Palestine.
Vào tuần trước, ông Miguel Berger, quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Đức, đã cáo buộc Hungary "ngăn chặn một tuyên bố của EU" về Hồng Kông. Ba Lan là nước cũng đã từng phối hợp với Hungary để "bắt bí" Liên Hiệp Châu Âu trong vấn đề ngân sách, trong lúc Hy Lạp cũng đã cản trở một tuyên bố của EU về Biển Đông.
Trọng Nghĩa
Trung Quốc là nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới trong năm 2020. Tập Cận Bình hứa sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng đến năm 2020 vùng biển này đã đầy những đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp, Hồng Kông bị chà đạp thô bạo. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre cho rằng về nhân quyền, EU "đã bán phần nào linh hồn" qua thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.
Thỏa thuận đầu tư : EU đã "bán một phần linh hồn" cho Trung Quốc ? Báo chí Pháp đều bày tỏ nghi ngại về thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc.
Hôm 31/12/2020, ngày cuối cùng của một năm thế giới gặp đầy biến động, với hai sự kiện lớn : Anh Quốc chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), và EU ký thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư với Trung Quốc. Trang nhất của Libération là ảnh một người Ăng-lê đang quay lưng lại với dòng tít bằng tiếng Anh : "Brexit : The End". Tương tự, trang bìa Le Figaro đăng ảnh thủ tướng Anh Boris Johnson vui vẻ xách chiếc va li vẫy tay chào, chạy tựa "Goodbye !".
Nhật báo công giáo La Croix tỏ ra lạc quan về năm mới, đưa ra 8 lý do để hy vọng. Le Monde quan tâm đến "Covid-19 : Siết chặt giới nghiêm ở một số vùng", còn nhật báo kinh tế Les Echos cho biết những thay đổi về thuế trong năm 2021 đối với các gia đình. Ở các trang trong, báo chí Pháp đều bày tỏ nghi ngại về thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc.
Ủy Ban Châu Âu khẳng định đây không phải là một hiệp định thương mại, mà là "tái cân bằng các cơ hội buôn bán và kinh doanh".Bắc Kinh chấp nhận mở cửa cho lãnh vực sản xuất, trong đó có xe điện, khiến Đức rất hài lòng. Pháp cũng vui khi các doanh nghiệp Châu Âu được xây dựng và làm chủ các bệnh viện tư nhân tại những thành phố trên 10 triệu dân, tuy nhiên về dịch vụ y tế thì vẫn phải hợp tác với một đối tác địa phương. Về viễn thông, có thể đầu tư vào cloud, lãnh vực hàng không thì chỉ mở cửa phân nửa. Còn đổi lại thì sao ? Thực ra thị trường Châu Âu xưa nay vẫn rộng mở, EU chỉ nhượng bộ đôi chút về năng lượng tái tạo.
Về bảo hộ đầu tư, Trung Quốc phải tôn trọng sở hữu trí tuệ, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, hàng năm phải công bố việc trợ giá cho nhiều lãnh vực…trừ kỹ nghệ. Còn về trọng tài, do quan điểm quá khác biệt nên đôi bên dời lại đến 2022.
Bruxelles, Berlin và Paris đều cho rằng nhờ gây áp lực tối đa, Bắc Kinh mới nhượng bộ thêm về môi trường và lao động. Tuy nhiên không thể ca khúc khải hoàn vì thỏa thuận sẽ không có hiệu lực nếu các nghị sĩ Châu Âu không thông qua, trong khi một số đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc phê chuẩn Công ước về lao động cưỡng bức phải là điều kiện tiên quyết.
Le Figaro cho biết đây chính là "lằn ranh đỏ" được Pháp đặt ra cho thỏa thuận, sau một loạt những tiết lộ về việc giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương, trong đó một số bị buộc phải làm việc cho kỹ nghệ bông vải. Trung Quốc đã nhượng bộ vào phút chót.
Như vậy điều kiện làm việc của hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ sẽ được cải thiện chăng ? Theo Le Figaro, câu trả lời rất đơn giản : Không !
Đó là kiểu nhượng bộ quen thuộc của Trung Quốc : mơ hồ, không mang tính bắt buộc, với những từ ngữ ngoại giao khéo léo. Bắc Kinh đã có nhiều "tiền sự" trong những cam kết về nhân quyền.
Chỉ cần nhìn lại 20 năm qua, kể từ Thế vận hội 2008. Ủy ban Thế vận Quốc tế khoe rằng Bắc Kinh đã có những tiến bộ về tự do báo chí, nhưng Trung Quốc là nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới trong năm 2020. Tập Cận Bình hồi năm 2015 hứa sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng đến năm 2020 vùng biển này đã đầy những đảo nhân tạo do Bắc Kinh ra sức đào đắp. Trắng trợn nhất là việc chà đạp thô bạo Hồng Kông trong năm nay, bất chấp thỏa thuận đã ký với Anh năm 1997. Trung Quốc còn công khai tuyên bố các trại cải tạo Tân Cương là một thành công về "chống khủng bố".
Châu Âu vẫn còn ngây thơ, hay một lần nữa lại đặt lợi ích kinh tế lên trên, tự trấn an lương tâm với một vài hứa hẹn mà thừa biết Trung Quốc sẽ không giữ lời ? Một khi EU không đặt chính trị ngang tầm với kinh tế, thì Bắc Kinh không việc gì phải thay đổi chính sách.
Trả lời Le Figaro, nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Harvard Kennedy School nhận định, thủ tướng Đức Angela Merkel, mà vai trò chủ tịch luân phiên Châu Âu kết thúc vào hôm nay, nhất định muốn có thỏa thuận này. Bà đã đặt lợi ích của nước mình lên trên lợi ích của EU – Đức là nước Châu Âu duy nhất có cân bằng thương mại với Trung Quốc.
Trung Quốc muốn lợi dụng thời kỳ chuyển tiếp ở Mỹ để chứng minh rằng họ vẫn có đồng minh. Nhưng từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), người ta biết rằng Bắc Kinh hiếm khi tuân thủ các hiệp định quốc tế. Sáu tháng sau khi vào WTO, các nhà máy sản xuất hàng giả nở rộ tại Trung Quốc, cùng với nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ. Ngược lại, tại EU, các hiệp ước trở thành luật và đều được tôn trọng.
Theo ông Le Corre, EU càng mở cửa thì hàng Trung Quốc lại càng tràn ngập, trong khi các công ty Châu Âu thường không đủ trọng lượng để cạnh tranh tại Hoa lục. Tuy EU đã đặt ra cơ chế thanh lọc đầu tư nước ngoài từ tháng 10, nhưng con sói đã vào được trong chuồng, như Hoa Vi hiện chiếm 50% cơ sở hạ tầng 5G.
Nhà nghiên cứu này dự đoán rất có khả năng Nghị Viện Châu Âu sẽ ngăn chặn thỏa thuận này. Có rất ít thông tin tích cực từ Trung Quốc trong năm 2020, và hình ảnh của quốc gia này trở nên rất xấu ở Châu Âu : con virus corona chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán, các sự kiện ở Hồng Kông, Tân Cương, ngoại giao khẩu trang thô bạo… Theo Philippe Le Corre, cần có sự liên kết với các nước khác vì Bắc Kinh thích chơi trò chia rẽ. Về nhân quyền, ông cho rằng "chúng ta đã bán phần nào linh hồn với thỏa thuận này".
Trên Les Echos, chuyên gia François Godement của Viện Montaigne cảnh báo : "Trong trường hợp xung đột, Bruxelles sẽ phải đơn độc đối mặt với Bắc Kinh".
Không có tòa án trọng tài, chỉ có danh sách các chuyên gia được mỗi bên đề cử, các nhóm làm việc và đối thoại thường niên EU-Trung Quốc : đó là một tiến trình chính trị nhiều hơn là luật pháp. Liên Hiệp Châu Âu sẽ đơn thân độc mã khi có tranh chấp với Trung Quốc, theo ông Godement, và đây là điều nguy hiểm nhất. Lẽ ra trước đó cần có sự phối hợp với Hoa Kỳ, tạo thành mối quan hệ tam giác.
Tương tự, Le Monde ra từ chiều hôm trước cho rằng "Trung Quốc-Châu Âu-Hoa Kỳ : Vào cuối năm 2020, đây là ba góc của tam giác địa chính trị".
Bruxelles không hề thất nghiệp trong lúc năm hết Tết đến : vừa thở phào nhẹ nhõm khi giải tỏa được kế hoạch phục kinh tế thời Covid, các nhà đàm phán Brexit mới xong nhiệm vụ, lại đến thỏa thuận EU-Trung Quốc, gọi theo tiếng Anh là CAI (Comprehensive Agreement on Investments), phải hoàn thành trước 31/12,
Tờ báo nhắc lại, khi Bắc Kinh và Bruxelles bắt đầu thương lượng năm 2014, bối cảnh thế giới hoàn toàn khác. Tập Cận Bình mới lên ngôi được một năm, chưa thò ra móng vuốt độc tài như ở Hồng Kông và Tân Cương hiện giờ. Hoa Kỳ của Obama chưa "America first", và Châu Âu 28 nước vẫn chưa ý thức được sức mạnh của sự đoàn kết và thị trường chung 500 triệu dân.
Sự bành trướng của Trung Quốc, những trở ngại từ nhiệm kỳ Donald Trump và thách thức Brexit rồi đến đại dịch đã giúp Châu Âu hết ngây thơ. Trung Quốc đánh hơi được nguy cơ Âu-Mỹ xích gần lại, nên CAI được đàm phán từ 7 năm qua bỗng trở thành cấp thiết.
Về phía Bruxelles, thời điểm 31/12 trùng với việc kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Đức, bà Merkel muốn ra đi với bảng thành tích ; Ba Lan, Pháp, Hà Lan tỏ ra không vội vã ; còn phía Mỹ bắn tín hiệu nên tham khảo trước. Le Monde cho rằng nên cân nhắc thêm, và minh bạch hơn nữa, vì Bắc Kinh sẽ hài lòng xen vào được giữa Bruxelles và Washington.
Quay lại với nước Pháp, Le Figaro cho biết"Trong đêm giao thừa, 100.000 cảnh sát và hiến binh sẽ không nương tay" : Kể từ 20 giờ, tất cả những ai còn ở ngoài đường mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt vạ.
Lực lượng an ninh sẽ tăng cường kiểm soát ở các khu trung tâm và những khu dân cư nhạy cảm. Các thành phố Pháp như vậy sẽ vắng bóng người, kể cả khi đồng hồ điểm 12 tiếng bước sang năm mới. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran tuyên bố : "Vào cuối năm 2020 này, cách tốt nhất để mừng Tết dương lịch là không mừng gì cả". Giao thông công cộng sẽ giảm hẳn, cấm bán xăng, bán rượu mang về.
Một đêm giao thừa với cuốn sách hay ngồi trước tivi ? Không ít người Pháp sau 10 tháng bị phong tỏa vẫn muốn cùng với bạn bè, người thân mừng một năm 2020 u ám đã kết thúc, bất chấp lệnh cấm không tụ tập quá 6 người. Giải pháp là ngủ lại tại chỗ để tránh bị phạt 135 euro, hoặc vui chơi thâu đêm đến 6 giờ sáng. Chủ nhà dành canapé, nệm hơi cho khách ngủ tạm, cũng có những khách mời tự mang theo túi ngủ, hoặc thuê nhà trọ Airbnb sát bên ; để mừng một năm mới mà theo các báo thì vẫn có nhiều lý do để hy vọng.
Tuy đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã làm toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2020, nhưng La Croix và Les Echos đều cho rằng năm 2021 kinh tế sẽ khởi sắc trở lại.
Trước hết theo La Croix, nhiều người dân sẽ được tiêm chủng trong vài tháng nữa, chấm dứt nạn hết đóng rồi mở, khiến doanh nghiệp không thể làm ăn. Xung đột thương mại Mỹ-Trung đỡ căng thẳng và thỏa thuận Brexit vào giờ chót là nhân tố thứ hai, rồi đến các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Mỹ và Châu Âu vẫn tiếp tục. Các ngân hàng trung ương mở van tín dụng, mua vào ồ ạt trái phiếu và cổ phiếu, với số lượng cao gấp 2 đến 3 lần so với cuộc khủng hoảng 2008.
Nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản xử lý tốt dịch bệnh và lại tăng trưởng, kéo theo kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Châu Phi may mắn ít bị tác hại của đại dịch, kinh tế Pháp chứng tỏ sức bật bất ngờ, và các nước phát triển đầu tư lớn vào chuyển đổi sinh thái.
Les Echos đưa ra ví dụ cụ thể với Pháp : GDP tăng 18,2% từ tháng Bảy đến tháng Chín, nhịp độ lập doanh nghiệp mới và tiêu dùng của các gia đình trở lại như trước khủng hoảng. Tờ báo lý giải, đó là vì suy thoái do đại dịch rất khác với những lần trước.
Không phải do đầu tư ồ ạt hay bong bóng tài chính bị vỡ, mà là cú sốc từ bên ngoài, tác động chủ yếu đến lãnh vực dịch vụ (vận chuyển, nhà hàng khách sạn, văn hóa…). Tốc độ và tầm cỡ của khủng hoảng buộc các nhà lãnh đạo phải hành động thật nhanh và mạnh. Cộng với viễn cảnh ngày càng rõ nét của các loại vaccin hiệu quả, nếu các nhân tố tiếp tục duy trì nỗ lực, năm 2021 sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.
Thụy My
Trung Quốc : Đến lúc phương Tây ra đòn trừng phạt
Tên của thủ tướng Jean Castex xuất hiện ở khắp các trang báo Pháp ra hôm nay. Hình ảnh của tân thủ tướng trước Quốc hội trình bày đường lối của chính phủ cho giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, chỉ còn 600 ngày, trong đó trọng tâm là kế hoạch khôi phục kinh tế, xuất hiện trên hầu khắp trang nhất các báo. Bên cạnh sự kiên quan trong với nước Pháp đó, các báo chính cũng không thể bỏ qua sự kiện quan hệ Trung - Mỹ đang leo thang căng thẳng từng ngày.
Một cửa hiệu của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 14/07/2020. Reuters - Tingshu Wang
Về tình hình nước Pháp, chỉ một con đường, một mục tiêu là vực dậy nước Pháp nhưng có rất nhiều thách thức cho chính phủ mới. Các báo tập trung khai thác những khía cạnh khác nhau từ hình ảnh đến nội dung trong bài diễn văn của tân thủ tướng trước Quốc hội hôm qua để cho thấy những nét lớn con đường phục hồi kinh tế đất nước. Trong một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt với thời gian không dài, sứ mệnh đặt ra cho tân thủ tướng và chính phủ Pháp tỏ ra hết sức nặng nề.
Về hồ sơ nóng quan hệ với Trung Quốc, Le Monde tóm tắt bằng hàng tựa trang nhất : "Trung Quốc : Phương Tây đến giờ trừng phạt". Hồng Kông, Biển Đông, Hoa Vi, người Duy Ngô Nhĩ là những hồ sơ liên tiếp làm dấy căng thẳng trong cuộc đọ sức giữa các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, với Trung Quốc trong những ngày qua.
Sau khi Washington tuyên bố lập trường khẳng định những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là "phi pháp", tổng thống Mỹ hôm qua chính thức rút quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông để đáp trả việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia. Le Figaro ghi nhận : "Đối mặt với Bắc Kinh, Trump hủy quy chế đặc biệt cho Hồng Kông" đồng thời tuyên bố, từ giờ trở đi, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông không khác gì với Hoa lục, tức là sẽ không còn ưu đãi nào trong giao dịch thương mại và nhất là Mỹ sẽ không xuất sang Hồng Kông các công nghệ nhạy cảm. Hiệp định dẫn độ, các quy định cấp visa dễ dãi cho người Hồng Kông cũng bị hủy bỏ… Chưa kể đến việc vùng đất thuộc địa cũ của Anh giờ đây có thể còn bị Mỹ trừng phạt như đã làm với Hoa lục.
Trong khi đó Libération nhận định sự kiện trên qua hàng tựa : "Trump nhằm vào Hồng Kông để đánh Trung Quốc". Tờ báo nhận xét, "đòn áp lực của Washington này là một chương mới trong vòng xoáy quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại, đại dịch virus corona và chỉ còn 4 tháng nữa đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".
Theo Libération, trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng lôi kéo các đồng minh nhập cuộc. Dường như ông đã thành công với Anh Quốc. Đầu tuần này, Luân Đôn đã quyết định loại hoàn toàn tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi các đầu tư vào mạng truyền dẫn thông tin 5G. Hồi tháng Giêng, chính thủ tướng Boris Johnson đã cho phép Hoa Vi tham gia cung cấp thiết bị 35% dự án phát triển mang 5G ở Anh. Nhưng từ đó đến nay, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng, Anh Quốc giờ đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cũng phải tính toán sao cho không làm mất lòng các đối tác lớn trong tương lại. Donald Trump đã từng thẳng thừng tuyên bố : "nếu họ (người Anh) muốn buôn bán với chúng ta, họ không thể dùng Hoa Vi".
Chọn Mỹ, Luân Đôn cũng bị Bắc Kinh đe dọa trả đũa nhằm vào các công ty của Anh có mặt tại Trung Quốc. Libération cho hay nhiều công ty lớn của anh như BP, Diageo, GlaxoSmithKline, Intercontinental Hotels hay Jaguar Land Rover, đang có những lợi ích lớn ở Trung Quốc. Nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Anh đang không ngừng xấu đi như được thêm dầu vào lửa vì vụ luật an ninh quốc gia áp đặt tại Hồng Kông.
Sau Anh, Châu Âu có cân nhắc đến Hoa Vi ?
Tiếp tục thời sự liên quan đến Trung Quốc, nhân sự kiện Anh Quốc loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi 5G, báo La Croix có bài: "Các nước Châu Âu có nên loại Hoa Vi ra khỏi cuộc gọi thầu 5G ?". Bài viết của Jean Luc Lemmens, giám đốc bộ phận viễn thông thuộc Viện Nghe nhìn và Viễn thông Châu Âu - DigiWorld.
Theo tác giả, quyết định của Anh loại Hoa Vi trước tiên là một động thái chính trị, liên quan chủ yếu đến vị trí của Trung Quốc trên thế giới hiện nay.
Theo tác giả, bỏ qua Hoa Vi, đó là cách gửi đi thông điệp về chủ quyền của Châu Âu. Trong khi Châu Âu có 2 tập đoàn viễn thông lớn thực sự của mình có khả năng về thiết bị công nghệ 5G, có khả năng cạnh tranh với Hoa Vi, đó là Nokia của Phần Lan và Ericsson đóng tại Thụy Điển.
Ngoài ra, loại Hoa Vi sẽ giúp tháo gỡ được vấn đề an ninh hệ thống mạng và gián điệp. Đã có nhiều chuyện về khả năng gián điệp của Hoa Vi, liên quan đến Trung Quốc dù không có bằng chứng cụ thể nào. Thế nhưng trong vấn đề quản lý dữ liệu người dùng mạng, thì làm ăn với các đối tác Nokia hay Ericsson vẫn hơn là với Hoa Vi.
Còn trên phương diện công nghiệp, đúng là Châu Âu có thể bỏ qua Hoa Vi, tập đoàn đã bị loại khỏi thị trường Mỹ. Về công nghệ giữa Hoa Vi và Nokia, Ericsson, không ai vượt trội hơn ai. Trong việc triển khai mạng 5 G, mỗi nhãn hiệu đều có những đặc thù riêng. Vấn đề còn lại chỉ là giá thành. Chắc chắn với các hãng Châu Âu, giá thành sẽ phải cao hơn. Nước Anh cũng đã hiểu điều đó nên việc thay thế thiết bị Hoa Vi sẽ diễn ra dần dần có thể từ 2 đến 3 năm. Sự lựa chọn thiết bị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà mạng viễn thông và tác động cuối cùng đến người tiêu dùng. Đó là vấn đề cần bàn luận tiếp sau câu hỏi Châu Âu có nên loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G.
Đọ sức với Trung Quốc, phương Tây nên nhìn lại mình
Còn nhật báo Les Echos nhìn sự kiện trên dưới góc độ kinh tế với hàng tựa : "Washington phá vỡ quan hệ kinh tế với Hồng Kông".
Les Echos ghi nhận, "các ngân hàng nước ngoài hiện đang ở giữa hai làn đạn", đe dọa trừng phạt Mỹ và các đòn trả đũa từ Trung Quốc. Theo nhật báo kinh tế, các ngân hàng lớn của nước ngoài, trong đó có rất đông ngân hàng nổi tiếng của Mỹ, đang phải chuẩn bị những tình huống xấu nhất xảy ra.
Vẫn liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, Les Echos có bài viết : "Chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc : một cái cớ tồi của những nền kinh tế phương Tây" của tác giả Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế thuộc đại học Harvard. Bài viết cho thấy các nước phương Tây vẫn cố gắng chỉ trích chính sách công nghiệp của Trung Quốc là quá lấn lướt phương Tây, nhưng chính chiến lược phát triển công nghiệp của các nước phương Tây đã có các lỗ hổng, để Trung Quốc lợi dụng tấn công. Vì thế phương Tây nên tự xem lại chính mình trước khi trách cứ, đổ lỗi cho Trung Quốc.
Châu Âu gỡ bỏ phong tỏa : Quá nhanh quá nguy hiểm ?
Trở lại nhật báo Le Monde với chủ đề dịch virus corona với bài "Châu Âu trong tình trạng báo động biên giới trước nguy cơ làn sóng thứ 2".
Le Monde cho hay, giữa lúc việc giải tỏa, giảm bớt các hạn chế chống dịch Covid 19 đang được tiến hành ở khắp các nước Châu Âu thì nhiều ca nhiễm mới có xu hương bùng lại, nhất là qua đường du lịch. Thực tế đầy lo ngại đó khiến các nước Châu Âu phải tính đến chuyện đóng lại cửa biên giới vừa mới thông được ít ngày.
Tờ báo ghi nhận : Số lượng ca nhiễm mới và cả các ca nhập viện trong những ngày qua tăng mạnh ở một loạt các nước Châu Âu đang gây nhiều lo sợ liệu có phải làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đang bắt đầu ? Theo hầu hết các chuyên gia thì nguyên nhân chính của hiện tượng trên chắc chắn do việc thông lại biên giới nội địa cùng với việc mở cửa cho 14 nước ngoài Châu Âu từ ngày 01/07. Các chuyên gia cũng lo ngại tiến trình giải tỏa đã diễn ra nhanh chóng, cộng thêm với mùa nghỉ hè, tập trung du khách ở một số nơi quá đông.
Tờ báo điểm lại tình hình các ca nhiễm đang tăng mạnh ở một loạt nước phần Đông Âu và cả Nam Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nói tóm lại, chưa thể khống chế dịch virus corona và cuộc sống vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Pháp : Khi bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng
Liên quan đến dịch bệnh, Le Figaro đề cập đến vấn đề đặt ra trong quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở các điểm công cộng khép kín tại Pháp.
Cách nay vài tháng, chính quyền và cả phần đông dân Pháp đều cho rằng đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 là không có tác dụng. Giờ đây, đích thân tổng thống Emmanuel Macron thông báo kể từ 1/8 việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng khép kín là bắt buộc. Quy định này đang làm dấy lên những câu hỏi : Tại sao lại bắt buộc ? Những nơi công cộng khép kín nào có liên quan đến quy định ? Tại sao lại đưa ra thời điểm cụ thể là mùng 1/8 ? Và liệu Pháp có đủ khẩu trang để đáp ứng ? Le Figaro giải thích ngắn gọn các vấn đề trên rằng, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp không chỉ ở Pháp mà cả trên khắp thế giới. Ở Pháp số ca nhiễm mới vẫn có dấu hiệu tăng, vẫn xuất hiện thêm các ổ lây nhiễm. Hơn nữa, giờ đây người ta biết là nhiều người nhiễm virus không có biểu hiện bệnh, virus có khả năng lây truyền qua không khí trong khoảng cách xa hơn…
Bên cạnh bài viết về vấn đề khẩu trang, Le Figaro cho biết thêm thông tin là đã có bằng chứng đầu tiên cho thấy Covid-19 có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi. Đây là trường hợp được bệnh viện Antoine Béclère, thành phố Clamart ngoại ô Paris, báo cáo, theo đó một sản phụ 23 tuổi nhiễm Covid-19 đã sinh con và đứa trẻ đã bị nhiễm virus khi ra đời. Tình trạng sức khỏa của đứa trẻ dù đã ổn định, nhưng đây là phát hiện mới đáng lo ngại về đường lây truyền của virus corona.
Theo các nhà chuyên môn, trường hợp mẹ mang thai nhiễm virus corona truyền sang thai nhi vẫn còn rất hiếm. Trong số nhiều nghìn trẻ sinh ra có mẹ nhiễm Covid-19, thì chỉ có khoảng 2% dương tính khi chào đời.
Anh Vũ