Công ty Ericsson thừa nhận đã đút lót cho các quan chức Việt Nam (RFA, 08/12/2019)
Công ty viễn thông Ericsson của Thuỵ Điển mới đây đã đồng ý trả hơn 1 tỷ đô la tiền phạt tại Mỹ vì đã đút lót cho các quan chức chính phủ các nước Việt Nam, Trung Quốc, Djibouti, Indonesia, và Kuwait lên đến hàng triệu đô la trong nhiều năm, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ.
Trụ sở của Ericsson tại Stokholm, Thuỵ Điển - Hình minh hoạ. AFP
Tổng số tiền phạt mà Ericsson sẽ phải trả là hơn 520 triệu đô tiền phạt hình sự và hơn 540 triệu đô la cho Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ.
Trong thông báo của Bộ Tư pháp, Ericsson thừa nhận đã vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ trong giai đoạn ít nhất từ năm 2000 đến 2016, bằng cách đút lót, làm giả sổ sách, hồ sơ, và không thực hiện việc kiểm soát kế toán nội bộ hợp lý.
Tại Trung Quốc, công ty đã tài trợ hàng chục triệu đô la để mua quà tặng, các gói du lịch và dịch vụ giải trí cho các quan chức. Doanh thu của Ericsson tại thị trường này được cho biết là lên đến gần 90 tỷ đô la mỗi năm.
Ở Việt Nam và Indonesia, thông qua các công ty tư vấn, Ericsson đã chi hàng triệu đô la để có được các hợp đồng lớn.
Tại Việt Nam các năm qua, Ericsson đã nhận được nhiều gói thầu lớn trong việc phát triển mạng di động, mà gần đây nhất là phát triển mạng 5G.
Mới đây nhất, công ty Ericsson phối hợp với công ty Cổ phần Viễn thông VTC vừa trúng gói thầu trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến thuộc dự án trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến để mở rộng và nâng cấp vùng phủ sóng khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2019 với giá trúng thầu là hơn 18,836 triệu đô la và 163,89 tỷ VND.
Trước đó, Ericsson cũng từng trúng nhiều gói thầu khác ở Việt Nam như gói thầu mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2018, gói thầu cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án mua thiết bị xoá điểm đen mạng 4G tại các khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh.
******************
Ericsson bị Mỹ phạt hơn 1 tỷ đô la vì hối lộ ở Việt Nam và 4 nước khác (VOA, 07/12/2019)
Tập đoàn viễn thông khổng lồ của Thụy Điển Ericsson đồng ý nộp phạt hơn 1 tỷ đô la để giải quyết các cáo buộc về tội hối lộ, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hôm thứ Sáu 6/12.
Một anten 5G của Ericsson được lắp đặt ở San Diego, California, tháng 4/2019.
Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng hãng này "thừa nhận đã thực hiện một chiến dịch hối lộ kéo dài nhiều năm ở 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, để củng cố hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông".
Bộ nói thêm rằng Ericsson chấp nhận một thỏa thuận hoãn truy tố liên quan đến các cáo buộc hình sự được đệ trình lên tòa án New York.
Hãng này là một trong những nhà sản xuất thiết bị mạng di động lớn nhất thế giới.
Đây được cho là một trong những thỏa thuận có số tiền cao nhất từ trước đến nay theo Đạo luật Xử lý Tham nhũng Nước ngoài (FCPA) của Mỹ.
Số tiền hãng phải nộp bao gồm một khoản tiền phạt hình sự trị giá 520 triệu đô la nộp cho Bộ Tư pháp, và một khoản phạt 540 triệu đô la nộp cho Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).
Bộ tư pháp Hoa Kỳ nêu tên 5 quốc gia liên quan là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Djibouti và Kuwait.
Hãng Ericsson thừa nhận rằng trong hơn 17 năm, ở Trung Quốc, các công ty con của hãng đã chi hàng chục triệu đô la quà tặng, du lịch và giải trí cho các quan chức ; trong khi đó, ở Việt Nam và Indonesia, họ hối lộ hàng triệu đô la thông qua quỹ đen của các công ty tư vấn.
Hãng Ericsson ra tuyên bố nói rằng họ đồng ý trả tiền phạt để "giải quyết cuộc điều tra của chính phủ Mỹ về việc vi phạm Đạo luật Xử lý Tham nhũng Nước ngoài (FCPA) do việc hãng chi và không đưa vào sổ sách hàng chục triệu đô la để thực hiện các khoản thanh toán không đúng đắn trên toàn thế giới".
"Thông qua các quỹ đen, các khoản hối lộ, và quà tặng, Ericsson đã tiến hành kinh doanh viễn thông với nguyên tắc ‘nén bạc đâm toạc tờ giấy’", Công tố viên Hoa Kỳ, ông Georffrey S Berman, thuộc quận hạt nam New York, nói.
"Hôm nay, 6/12, việc nhận tội và nộp phạt hơn một tỷ đô la phát đi thông điệp rõ ràng tới tất cả các doanh nghiệp rằng làm kinh doanh theo cách này sẽ không được dung thứ", ông nói thêm.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã tiến hành chương trình hối lộ của họ "bắt đầu từ năm 2000 và kéo dài cho đến năm 2016".
(BBC, Financial Times)