Được Mỹ bật đèn xanh muộn màng, F-16 có mang lại lợi thế cho Ukraine ?
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne được giữ lại và chuẩn bị cải tổ nội các, Vladimir Putin phá hoại thỏa thuận ngũ cốc, chiến tranh Ukraine là các chủ đề được báo chí Paris đề cập nhiều hôm nay 19/07/2023. Le Figaro quan tâm đến sự kiện "Washington bật đèn xanh cho việc giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine".
Một chiến đấu cơ F-16 tại Vojens, Đan Mạch ngày 25/05/2023. Đan Mạch tham gia huấn luyện phi công Ukraine sử dụng F-16, và đang chuyển sang dùng F-35 sớm hơn dự kiến. AP - Bo Amstrup
Mười một quốc gia đào tạo phi công Ukraine lái F-16
Kể từ tháng Tám, các phi công Ukraine sẽ được 11 nước đồng minh huấn luyện cách sử dụng.Theo chuyên gia Justin Bronk của RUSI, đây là dấu hiệu cam kết lâu dài của phương Tây. Việc đào tạo bắt đầu bằng các buổi học ngôn ngữ, rồi đến lý thuyết và thực hành, không chỉ dành cho phi công mà cả nhân viên bảo trì. Do có những thành phần độc hại như hydrazyne, việc bảo dưỡng rất chuyên biệt.
Tùy theo trình độ ban đầu của các phi công đã điều khiển MiG-29, có thể cần đến sáu tháng. Toàn bộ việc huấn luyện đều ở nước ngoài, các chiến đấu cơ được đưa từ Châu Âu sang bằng cách tháo rời và sau đó lắp ráp lại ở Ukraine vào đầu năm 2024. Hà Lan, Đan Mạch đang đẩy nhanh việc chuyển giao để thay thế bằng F-35. Một số nước trong "liên minh F-16" không sở hữu kiểu chiến đấu cơ này, nhưng cũng như xe tăng Leopard, có đến 25 quốc gia trên thế giới có F-16.
Justin Bronk giải thích, sở dĩ Hoa Kỳ đắn đo nhiều trước khi đồng ý chi viện, đó là do giá tiền F-16 quá mắc, hơn là sợ leo thang với Nga. Với cùng một số tiền, người Mỹ chủ trương gởi đạn pháo, hơn nữa hiệu quả của chiến đấu cơ chưa hẳn mang tính quyết định. Lợi ích của F-16 tùy thuộc vào vũ khí trang bị. Kiev cần hỏa tiễn tầm xa và chống radar, nhưng chỉ được giao nhỏ giọt, trong khi phòng không Nga hoạt động rất mạnh khiến phi cơ Ukraine phải bay thật thấp.
Hoa Kỳ đã viện trợ hỏa tiễn HARM, nhưng vẫn chưa muốn giao những loại đời mới hơn như JASSM. Đối với Ukraine, vũ khí nào cũng quý. Một nguồn tin quân sự Pháp nhận xét, các chiến binh Ukraine hiện nay buộc phải tiến hành phản công trên bộ mà không được không lực yểm trợ, một điều mà chẳng có quân đội phương Tây nào chấp nhận.
Xe thiết giáp Pháp trên mặt trận Donetsk
Trên chiến địa, phóng viên Le Figaro tả lại tình hình "Trên mặt trận Donetsk cùng với lữ đoàn bộ binh 37". Được trang bị xe tăng AMX-10 của Pháp, những chiến sĩ được tập huấn ở vùng Var miền nam nước Pháp khuấy động các phòng tuyến Nga để cố gắng tạo được đột phá. Việc này không hề dễ dàng vì phải vượt ít nhất ba tuyến phòng thủ với những bãi mìn, thiết giáp núp sau những tàng cây, và các chiến hào của địch. Nhà báo ghi nhận khẩu đại bác M109L do Ý chuyển giao được ngụy trang kín mít bằng cây lá, vì trên đồng trống dễ trở thành mục tiêu bị oanh kích.
Lữ đoàn vừa thành lập hồi tháng Hai hầu hết là lính mới được động viên. Những chiếc thiết giáp AMX-10 mà đơn vị có, cách đây vài tuần đã tham gia vào việc giải phóng các vùng đất xung quanh Velika-Novosilka. Có lớp vỏ giáp mỏng, kiểu xe này chỉ dùng để trinh sát, nhưng do không có xe tăng, họ sử dụng như pháo để yểm trợ cho bộ binh, ở khoảng cách 8 km. Một chiến sĩ khoe tuần trước đã tiêu diệt được nhiều thiết giáp Nga bằng Himars. Quân Nga dựa vào mìn bẫy và hệ thống hầm hào bê-tông, nhưng những vụ oanh kích liên tục có thể làm mất tinh thần, họ hy vọng dần dà sẽ tạo được những lỗ hổng trong phòng tuyến địch.
Thỏa thuận ngũ cốc : Erdogan không "can" được Putin
Về việc Vladimir Putin khai tử thỏa thuận ngũ cốc Ukraine, Le Monde nhận thấy lần này không có cuộc điện đàm nào vào phút chót giữa Recep Tayyip Erdogan và đồng nhiệm Nga. Tờ báo tiết lộ, Rosselkhozbank, tức ngân hàng nông nghiệp Nga, nằm trong tay phe Patruchev thuộc FSB, mà cựu tổng giám đốc Dmitri Patruchev nay là bộ trưởng nông nghiệp, trực tiếp can thiệp vào thỏa thuận. Châu Âu không thể ưu tiên cho phe "siloviki" này kiếm nhiều tiền để tài trợ cho chiến tranh.
Các cuộc thương lượng căng thẳng trong những tuần lễ gần đây bị thất bại, một phần do các nước Đông Âu phản đối, nhưng cũng do Moskva không nhân nhượng. Nhà chính trị học Kerim Has tỏ ra ngạc nhiên khi Erdogan không can thiệp trực tiếp, không gọi cho đồng nhiệm Nga vào cuối tuần qua. Có thể là Putin không trả lời, vì quan hệ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng hơn sau khi ông Erdogan trả tự do cho các thủ lãnh Azov và công khai ủng hộ kết nạp Ukraine vào NATO.
Dòng sông Danube, một trong những lối thoát
Thái độ của Moskva không hề gây ngạc nhiên cho người Ukraine. Đặc phái viên Le Monde tìm đến Izmail, thành phố cảng bên bờ sông Danube từ nhiều tháng qua đã trở thành một trong những giải pháp thay thế. Ngũ cốc từ những chuyến xe tải được đưa xuống phà, xuôi theo dòng sông đến những cảng Constanta của Romania, rồi được đưa lên những tàu biển lớn. Một trong những người đầu tiên vận dụng đến đường thủy là Okeksiy Vadatursky, nhà sáng lập tập đoàn ngũ cốc chính của Ukraine là Nibulon, xuất khẩu 30% sản lượng cả nước.
Từ tháng 5/2022, khi thành phố Mykolai đang dưới bom đạn Nga, Okeksiy Vadatursky đã đến Izmail, cho xây dựng một cầu cảng mới. Nhưng ông không nhìn thấy dự án của mình thành hiện thực, vì cả hai vợ chồng đều tử thương vì hỏa tiễn S-300 của Nga. Người con trai là Andriy Vadatursky lên điều hành, tiếp tục hoàn thành bến cảng. Và dù phải chịu đựng phí vận chuyển tăng, lượng hàng xuất khẩu giảm, Andriy không từ bỏ công trình tim óc của cha. "Nga muốn giết chết nông nghiệp của chúng tôi. Cuộc chiến này còn là chiến tranh kinh tế, thế nên không thể xuôi tay".
Trò bắt chẹt khó chấp nhận
Le Monde tố cáo "Săng-ta không thể biện minh của Nga về an ninh lương thực thế giới". Khi rút khỏi thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải, đặt điều kiện phương Tây phải giảm nhẹ trừng phạt, Vladimir Putin gây nguy hiểm cho nguồn cung của nhiều nước nhất là những nước nghèo. Putin biết chọn đúng thời điểm : thông báo được đưa ra hôm thứ Hai 17/07 vào lúc giá ngũ cốc thế giới đang lắng dịu, có thể làm giá cả tăng vọt.
Thỏa thuận quốc tế hôm 22/07/2022 đã giúp tạo ra một hành lang an toàn, nhờ đó 33 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất đi. Moskva thường xuyên dùng thỏa thuận này để bắt bí. Lúc vừa ký xong, Nga oanh kích vào cảng Odessa, đến tháng 11/2022 tạm ngưng áp dụng do một căn cứ ở Crimea bị tấn công, và lần này thì đòi hỏi phải kết nối ngân hàng nông nghiệp Nga vào hệ thống SWIFT để xuất khẩu dầu lửa dễ dàng hơn. Ngoài mục tiêu nới lỏng gọng kềm cấm vận, Moskva còn muốn thao túng mặt bằng giá ngũ cốc thế giới. Sau vụ thu hoạch kỷ lục 2022, Moskva còn tồn rất nhiều, ảnh hưởng đến giá cả và thu nhập của nông dân Nga.
Tờ báo cho rằng cần phải tố cáo sự độc địa của Nga trong vụ bắt bí mới này, mở mắt cho các nước phương Nam lệ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu. Như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh, hàng trăm triệu người "sẽ phải trả giá". Một đợt tăng giá mới sẽ vô cùng tai hại cho những nước nghèo vốn đang ngập trong nợ nần. Trong bối cảnh đó, Moskva sẽ bị thiệt khi gây phương hại cho một phần phương Nam vẫn trung lập thậm chí ủng hộ Nga. Đã ba lần Nga chịu kéo dài thỏa thuận sau khi đe dọa rút khỏi. Cho dù lần này Vladimir Putin có đổi ý mà gia hạn, vẫn không thể chấp nhận việc ông ta lâu lâu lại dùng an ninh lương thực thế giới làm con tin, tùy theo lợi ích của mình.
Cuộc di cư thế kỷ của người Nga
Về kinh tế, Les Echos cho biết từ sau vụ binh biến của Yevgeny Prigozhin hôm 24/06, đồng rúp lại tiếp tục giảm, từ 88 rúp đổi 1 euro nay là 100 rúp, làm giá cả tăng lên. Trong khi đó chảy máu chất xám gây bất ổn cho hoạt động kinh tế. Từ đầu cuộc chiến, hơn một triệu người Nga đã chạy ra nước ngoài. Nước Nga chưa bao giờ đối mặt với một làn sóng di tản ồ ạt như vậy kể từ cuộc cách mạng bôn-sê-vich năm 1917.
Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) đánh giá đây là "cuộc di cư thế kỷ". Một bộ phận giai cấp trung lưu có học thức, phản đối chế độ Putin đã chạy trốn nước Nga theo hai đợt, lần đầu là khi cuộc xâm lăng mới khai diễn, và lần thứ hai khi Kremlin ra lệnh "động viên từng phần". Chủ yếu là những người "chưa bao giờ có ý nghĩ rời nước Nga trước đó". Đại đa số là nam thanh niên gia đình khá giả thuộc tầng lớp trung lưu cấp trên, đã từng đi nước ngoài, nói được ngoại ngữ và quen thuộc với nền kinh tế số hóa.
Tính ra trong năm 2022, hơn 1% lao động Nga đã di cư, gây khó khăn cho thị trường nhân lực. Kèm theo cuộc tháo chạy này là khoảng 4.000 tỉ rúp (40 tỉ euro) chảy khỏi nước Nga. Các lãnh vực như địa ốc, hàng hiệu, khách sạn, nhà hàng khá chật vật sau khi khách hàng bỏ ra nước ngoài.
Tỉ phú Khodorkovski, người đối đầu kiên quyết với Putin
Tiếp tục loạt bài về các tài phiệt Nga, La Croix hôm nay mô tả "Cuộc sống mới của Mikhail Khodorkovski". Người giàu nhất nước Nga đã bị tước đoạt tập đoàn Yukos, hiện sống lưu vong tại Anh và trở thành đối thủ kiên định nhất trước Vladimir Putin. Khodorkovski ủng hộ việc trả Crimea cho Ukraine, mong muốn Kiev chiến thắng. Ông giúp đỡ nhiều người Nga lưu vong ở Châu Âu, tài trợ cho việc tổ chức các hội thảo để các nhóm đối lập và xã hội dân sự có dịp trao đổi, thông qua Center Khodorkovski và quỹ Open Russia.
Khác với nhiều tài phiệt Nga khác, Mikhail Khodorkovski có lối sống đơn giản. Ông không có vệ sĩ, ăn mặc bình dân. Boris Durande, phát ngôn viên của Khodorkovski lúc ông còn ở tù kể lại : "Ông ấy không sở hữu du thuyền, không đi xe hơi có tài xế lái. Khi vừa được trả tự do, chúng tôi đón ông ở Paris, Mikhail chỉ muốn ăn món bíp-tết và khoai chiên thông dụng".
Mỗi khi có dịp phát biểu, Mikhail Khodorkovski cổ súy ý tưởng Nga trở thành một nước cộng hòa đại nghị, là một liên bang thực sự. Nhà cựu tỉ phú nhiều tham vọng có rất ít cơ hội để đóng một vai trò trực tiếp trong những thay đổi ở nước Nga tương lai, nhưng nếu Putin bại trận sẽ là một chiến thắng "ủy nhiệm" đối với ông, và chừng như đây là mục đích chính.
Thụy My