Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các nhà lãnh đạo G7 họp tại Taormina (Ý) hôm 27/05/2017 nhìn nhận đã không thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ về đấu tranh chống hiện tượng biến đổi khí hậu.

sicile1

Cuộc họp G7 tại Taormina, Sicilia, Ý. Ảnh 27/05/2017.Reuters

Một đại diện phái đoàn Pháp ở G7 cho biết : "Hoa Kỳ đang xem xét lại chính sách về khí hậu, còn sáu nước khác của G7 thì tái khẳng định cam kết về hiệp định khí hậu Paris". Các nguồn tin Châu Âu khác nói rằng trong thông cáo bế mạc cũng đề cập đến việc không đạt được quan điểm chung giữa Hoa Kỳ và sáu nước còn lại.

Khí hậu và thương mại quốc tế là hai hồ sơ gây bất đồng lớn nhất giữa Hoa Kỳ và các đối tác G7 (Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật Bản) trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu từ hôm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đã cảnh báo trước là chỉ khẳng định quan điểm sau G7, vẫn giữ nguyên thái độ, mặc cho sáu lãnh đạo khác đề nghị ủng hộ hiệp định khí hậu Paris. Hiệp định được đồng thuận vào tháng 11/2015 nhắm đến việc duy trì mức độ hâm nóng khí hậu "ở dưới 2°C" so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là một thành công ngoại giao lịch sử. Theo nguồn tin Pháp, Hoa Kỳ muốn giảm mức độ cam kết, và rút khỏi một vài lãnh vực trong hiệp định.

Về thương mại, một vấn đề gai góc khác trong G7 lần này, Paris hy vọng thông cáo bế mạc sẽ đặc biệt đề cập đến hệ thống đa phương và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Donald Trump, với một kiểu dân tộc chủ nghĩa về kinh tế để tạo điều kiện cho "Made in America", vào cuối tháng Tư đã quyết định "xét lại" tất cả các thỏa thuận thương mại mà Mỹ đã ký kết, trong đó có WTO.

Từ khi nhà tỉ phú địa ốc lên làm tổng thống, chính quyền Trump luôn chỉ trích hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vốn là công cụ chủ yếu để tránh các cuộc chiến tranh thương mại. Thậm chí theo báo chí Mỹ, ông Donald Trump còn muốn làm ngơ trước các quyết định của tổ chức thế giới này, và như vậy trên thực tế sẽ đe dọa WTO không thực hiện được chức năng.

Đạt đồng thuận về chống khủng bố

Trong khi đó, về chống khủng bố, hôm qua tại thượng đỉnh Taormina, các lãnh đạo G7 đã tìm được đồng thuận dễ dàng, thông qua một bản tuyên bố chung, đặc biệt kêu gọi các tác nhân của Internet tham gia nhiều hơn nhằm ngăn chận những nội dung quảng bá cho khủng bố.

Từ thượng đỉnh Taormina, đặc phái viên RFI Romain Lamaresquier, gởi về bài tường trình :

" Điểm mới chủ yếu trong văn bản là lời kêu gọi gởi đến các tác nhân của Internet, thúc giục họ tham gia nhiều hơn vào việc chống khủng bố. Đó chính là yêu cầu chính của bà Theresa May, thủ tướng của Anh Quốc, quốc gia vừa bị tấn công khủng bố ở Manchester.

Do vụ khủng bố này mà tối qua thủ tướng Thesresa May đã trở về nước, rút ngắn thời gian ở Taormina. Nhưng trước đó bà đã nhắc lại với các lãnh đạo khác là cuộc chiến chống khủng bố nay đã chuyển từ trận địa lên mạng Internet. Các lãnh đạo G7 kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các mạng xã hội gia tăng nỗ lực để giải quyết vấn đề các nội dung quảng bá cho khủng bố.

Bản tuyên bố này đã được soạn thảo từ trước cuộc họp thượng đỉnh, nhưng các nhà lãnh đạo G7 muốn đi xa hơn, nên mới thêm đoạn nói về các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các mạng xã hội. Nhóm G7 khuyến khích họ hành động khẩn cấp, bằng cách phát triển và chia sẻ các công cụ mới để giúp phát hiện những nội dung kích động bạo lực.

Trong bản tuyên bố, các lãnh đạo G7 cũng tái khẳng định quyết tâm hợp tác chống khủng bố để ngăn chận các chiến binh Châu Âu trở về nước. Tên tuổi và quốc tịch những chiến binh này phải được chia sẻ cho các nước khác để tránh những thảm kịch mới".

Thụy My, Thanh Phương

Published in Quốc tế