Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

G7 : "Định chế quốc tế mong manh nhưng vẫn còn có ích"

Thượng đỉnh G7 – nhóm bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới – tại Pháp diễn ra những ngày cuối tuần. Điều tra của Ngân hàng Thế giới : Ô nhiễm nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng. Trên đây là các chủ đề quốc tế lớn của báo Pháp số ra hôm nay.

g71

Thành phố biển Biarritz (Pháp), an ninh siết chặt, trước thượng đỉnh G7 lần thứ 45, 24 đến 26/08/2019@AFP Photos/Iroz Gaizka

Trong ba ngày 24, 25 và 26/08/2019, thành phố Biarritz, miền tây nam nước Pháp, trở thành trung tâm của thế giới, với thượng đỉnh 7 cường quốc công nghiệp. Nhật báo công giáo La Croix dành hồ sơ chính cho thượng đỉnh G7 với tựa lớn trang nhất : "Một thượng đỉnh G7 ở mức tối thiểu", nhấn mạnh đến việc hội nghị diễn ra trong bối cảnh nội bộ khối chia rẽ sâu sắc.

Xã luận La Croix với tựa đề "Một câu lạc bộ có ích, nhưng mong manh" lược lại lịch sử hơn 40 năm tồn tại của G7. G7 từng được coi là một phong vũ biểu phản ánh chuẩn xác "các cân bằng địa-chính trị" và "các vấn đề kinh tế khẩn cấp" của thế giới.

Phong vũ biểu của biến động chính trị thế giới

Giờ đây tình hình đã có nhiều thay đổi. Nổi lên của các đại cường, với nền chính trị độc đoán, trước hết là Nga và Trung Quốc. G7 đã cố hội nhập nước Nga (và trở thành khối G8), nhưng nỗ lực này đã thất bại (sau việc Nga can thiệp vào Ukraine năm 2014). Các nền dân chủ hàng đầu thế giới hiện đang bị tấn công cả từ trong lẫn ngoài. Bên ngoài, "mô hình quản trị đất nước" theo đường hướng dân chủ tự do bị các nền độc tài công khai chống lại. Bên trong, mô hình này "bị sói mòn bởi các thế lực dân túy và quốc gia chủ nghĩa". Các thế lực quốc gia chủ nghĩa coi trường quốc tế là nơi đối đầu giữa "các sức mạnh dân tộc chủ nghĩa vị kỉ".

Tiêu biểu cho xu thế này là tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, với lối hành xử bất thường, gây chia rẽ và thậm chí làm mất ổn định trầm trọng khối G7, trong lúc "mệnh lệnh khẩn cấp hiện nay là tăng cường và cải cách cơ chế đa phương quốc tế".

Duy trì "không gian đối thoại liên lục địa"

La Croix bày tỏ hy vọng trước hết là các nước G7 Châu Âu tìm được sự thống nhất để duy trì "không gian đối thoại liên lục địa này". Nhật báo công giáo khẩn thiết nhấn mạnh đến vai trò của G7, cho dù chỉ là một định chế quốc tế trong số các định chế khác, nhưng trong dòng lịch sử đã biết vượt qua việc chỉ nhất nhất bảo vệ lợi ích riêng của các quốc gia thành viên để hướng đến "các vấn đề mang tính toàn cầu – thương mại, tiền tệ, thuế khóa, phát triển, khí hậu, bình đẳng nam nữ". "Lợi ích chung giờ đây đòi hỏi các nền dân chủ phải vững mạnh và đoàn kết".

Vẫn theo La Croix, trong bài "Tại Biarritz, thượng đỉnh G7 đi tìm sự thống nhất". Trong bối cảnh G7 bị chia rẽ chưa từng thấy, vai trò của Pháp – quốc gia chủ nhà – đột ngột trở nên quan trọng. La Croix nhắc lại, tại thượng đỉnh G7 lần trước ở Québec, Canada, "thượng đỉnh kết thúc với một thỏa thuận mong manh", nhưng ngay khi lên máy bay về nước, tổng thống Mỹ - sau khi biết bị thủ tướng Canada chỉ trích tại họp báo bế mạc, đã lên án lãnh đạo Canada Justin Trudeau là một kẻ "bất lương và hèn nhát" và quyết định rút chữ ký khỏi tuyên bố chung. La Croix đặt câu hỏi : "Làm thế nào để tránh được một kịch bản kinh hoàng như vậy lặp lại ?".

Chấm dứt ảo tưởng G7 thống nhất

Một mong đợi chủ yếu của Pháp là các quốc gia thành viên G7 (trước hết là Mỹ) tại G7 lần này sẽ không phơi bày các bất đồng trầm trọng về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khủng hoảng hạt nhân Iran, vấn đề thương mại quốc tế hay việc đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số.

Một nguồn tin từ phủ tổng thống Pháp cho biết, thượng đỉnh G7 lần này sẽ không kết thúc với một tuyên bố chung, thường là rất dài và chi tiết, như thông lệ. Tại Biarritz, các lãnh đạo G7 sẽ chỉ ra một tuyên bố ngắn, và kèm theo là một loạt các văn bản theo từng chủ đề, để các quốc gia nào tình nguyện tham gia ký tên. Điều đó cũng có nghĩa là chấm dứt ảo tưởng về một G7 thống nhất, để nhường chỗ cho các nhóm liên minh có giãn, tùy theo các chủ đề cụ thể, mở cửa cho cả nhiều quốc gia ngoài G7 tham gia. Trong số đại diện của 24 quốc gia khách mời khác, có thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi và nhiều lãnh đạo Châu Phi.

Tại thượng đỉnh lần này, Paris muốn huy động nỗ lực quốc tế tập trung vào cuộc chiến chống bất bình đằng nam nữ và hỗ trợ khu vực Sahel, phía nam sa mạc Sahara, Phi Châu, nơi bị khủng bố và biến đổi khí hậu đe dọa. Trước ngày thượng đỉnh khai mạc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp các thành viên "Hội đồng tư vấn của G7 về bình đẳng nam nữ", thành lập cách đây một năm. Một loạt biện pháp được để xuất trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chống bạo lực với phụ nữ hay hỗ trợ phụ nữ Châu Phi có được tài khoản ngân hàng qua mạng (sáng kiến của Quỹ của hai vợ chống Bill Gates).

Thượng đỉnh những người phản đối G7

Thượng đỉnh G7 chưa khai mạc, nhưng tình hình tại chỗ đã nóng lên. La Croix giới thiệu về tâm điểm của phong trào chống G7 lần này nằm ở Hendaye, một cơ sở nghỉ hè bỏ hoang, cách Biarritz khoảng 30 km. Các nghiệp đoàn và hiệp hội dân sự đã đặt đại bản doanh của thượng đỉnh của những người phản đối G7 hay "phản thượng đỉnh" tại đây. Khoảng 10.000 người dự kiến sẽ có mặt, kể từ hôm nay 21/08. Thượng đỉnh của những người phản đối G7 sẽ "diễn ra trong bốn ngày, với nhiều hội thảo, nhóm làm việc, hòa nhạc". Ngày được coi là có nhiều nguy cơ bạo động nhất là Chủ Nhật 25/08, khi những người phản kháng dự kiến sẽ tiến sát đến một số quảng trường gần nơi diễn ra thượng đỉnh.

"G7 – Biarritz : Một thế giới khác là có thể"

Nhật báo Libération dành chủ đề chính cho thượng đỉnh G7, và đặc biệt là cuộc "Phản thượng đỉnh", với tựa lớn trang nhất mầu đỏ "G7 – Biarritz : Một thế giới khác là có thể" trên nền hình ảnh một viên cảnh sát trên bãi biển, với lá chắn trong tư thế sẵn sàng phòng vệ. Bài xã luận với tựa đề "Hầm trú ẩn mạ vàng" (tức thượng đỉnh G7) nhấn mạnh đến sự tương phản không khó nhận ra, giữa một bên là vấn đề chống bất bình đẳng sẽ được thảo luận và bên kia là hố sâu cách biệt giữa lãnh đạo các cường quốc với dân chúng. Nhật báo thiên tả chế giễu việc các lãnh đạo thế giới chui vào một "hầm trú ẩn mạ vàng" để thảo luận về sự cởi mở và đoàn kết thế giới (Libération dùng cụm từ "Hầm trú ẩn mạ vàng" để chỉ "khách sạn Hotel du Palais, vốn là một biệt thự sang trọng của hoàng đế Napoleon III xưa kia (1852-1870), biểu tượng cho sự hợp nhất quyền lực quý tộc và tư sản", nơi an ninh đang được siết chặt).

Libération cũng lên án việc thổi phồng nguy cơ bạo lực, trong lúc đại đa số những người chống G7 đều chủ trương ôn hòa, họ có mặt tại khu vực xung quanh Biarritz để thảo luận và tuần hành. Xã luận Libération khép lại với nhận định, trên thực tế về mặt lịch sử, các cuộc tập hợp phản đối G7, vốn luôn bị gạt sang lề, "đã mang lại nhiều đóng góp hơn là các thượng đỉnh chính thức". Cụ thể như "ngay từ những năm 1990, các bất bình đẳng trên Trái đất, biến đổi khí hậu, vấn đề cần giảm nợ (cho các nước nghèo)… cũng chính là những chủ đề mà nhìn chung nguyên thủ các nước phải 10 năm sau" mới đưa ra và tìm cách thực hiện, và đôi khi với các giải pháp có sẵn đã được những người phản kháng đề xuất.

Libération đưa ra một thách thức, nhưng cũng như một gợi ý : các lãnh đạo G7 lần này, "để xua tan hình ảnh xấu về một G7 co cụm, hãy đưa ra một vài sáng kiến cụ thể và hữu ích... để chứng minh là, bất chấp các hàng rào cảnh sát, lãnh đạo các nền dân chủ không nhắm mắt bịt tai trước những phản kháng của người dân".

"Ô nhiễm nước" đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng

Ô nhiễm nước sạch đe dọa tăng trưởng là chủ đề được hàng loạt các báo hôm nay nhắc đến. Đây cũng là tựa chính trang nhất của Le Figaro. Ngân hàng Thế giới, hôm nay, lần đầu tiên công bố một điều tra công phu, cho thấy mối quan hệ giữa tình trạng các nguồn nước ngọt bị ô nhiễm và phát triển kinh tế, cũng như sức khỏe con người. Gần đây, có nhiều báo cáo, trong đó có báo cáo của GIEC hồi đầu tháng trước, báo động về tình trạng khan hiếm nước, một phần do hậu quả của Khí hậu nóng lên, nhưng cho đến nay, đây là báo cáo đầu tiên về vấn đề chất lượng nước và phát triển.

Trong số vô vàn các chất gây ô nhiễm nước, Ngân hàng Thế giới mới chỉ giữ lại trước hết ba nhân tố gây ô nhiễm tiêu biểu để nghiên cứu, là azote (có nhiều trong phân bón hóa học), tình trạng nước nhiễm mặn và nồng độ oxy trong nước.

Tình trạng nước ngọt ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, ngay tại Châu Âu, chỉ có ba quốc gia là Na Uy, xứ Băng Đảo (Iceland) và đảo quốc Malta, là mức ô nhiễm azot ở dưới ngưỡng được phép. Thêm một kilo azote trong phân bón cho một hecta sẽ giúp năng suất tăng thêm vài phần trăm, nhưng tỉ lệ chậm phát triển ở trẻ em sẽ tăng thêm 19%, và thu nhập của chúng khi trưởng thành giảm 2%. Lợi nhuận thu về chắc chắn không đủ bù các thiệt hại.

Les Echos thì nhấn mạnh đến tình trạng bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, thường gọi là "chứng xanh tím", do suy hệ tuần hoàn, thường thấy ở Việt Nam, Ấn Độ và 32 quốc gia Châu Phi khác, rất nhiều khả năng là do việc sử dụng thuốc trừ sâu ồ ạt.

Tình trạng nước bị nhiễm mặn làm mất đi nguồn lương thực thực phẩm đối với ít nhất 170 triệu người.

Ô nhiễm nylon hay nhựa là vấn đề chưa được Ngân hàng Thế giới kết luận vì thiếu số liệu. Nhưng phần tử nhựa siêu nhỏ tìm thấy trong ít nhất 80% nước nguồn, và cả đến 93% nước đóng chai. Nghĩa là cư dân các nước giàu cũng dễ dàng là nạn nhân.

Theo các chuyên gia, các quốc gia càng giàu có thì càng có nguy cơ là nơi tạo ra nhiều hơn các chất độc (tại Hoa Kỳ chẳng hạn, cứ mỗi ngày lại có thêm ba loại hóa chất mới được đăng ký, mà rất nhiều trong đó là độc hại). Ngay cả các nước giàu cũng khó xử lý các chất độc hại, chưa nói đối với các nước nghèo đây là chuyện gần như không thể. Nhìn chung, trên toàn hành tinh, "hơn 80% số lượng nước đã qua sử dụng không được xử lý lại. Tỉ lệ này là 95% đối với các nước đang phát triển".

Các tiểu bang Mỹ mở điều tra về GAFA

Hơn 20 chưởng lý các tiểu bang nước Mỹ sẽ tham gia vào cuộc điều tra của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số. Đây được coi là cuộc điều tra lớn nhất nhắm vào GAFA trong những năm gần đây. Không chỉ có Pháp và một số nước Châu Âu muốn đánh thuế nhóm GAFA.

Theo Les Echos, cuộc điều tra nhắm vào các đại gia Google, Apple, Facebook và Amazon, do các hoạt động bị cáo buộc là chống cạnh tranh, đã được khởi sự tại Mỹ. Cách nay 20 năm, các tiểu bang Hoa Kỳ đã đóng vai trò quyết định trong việc phạt Microsoft. Ủy ban Thương Mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) hy vọng điều tra tiến hành nhanh chóng, có thể khép lại trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm tới.

Pháp : Năm mới khó khăn với chính phủ

Về thời sự nước Pháp, báo chí đặc biệt chú ý đến cuộc họp đầu tiên của chính phủ hôm nay, phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè. Theo Les Echos, nhiều cuộc cải cách đang đón đợi tổng thống Pháp trong thời gian thường được gọi là hồi 2 của nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm như môi trường, cải cách hưu trí.

Les Echos ghi nhận là chắc chắn về nguyên tắc, tổng thống Pháp sẽ không thay đổi đường hướng, nhưng về phương pháp thì ông Macron đang tìm cách thay đổi. Sau cuộc "khủng hoảng Áo Vàng", dường như người đứng đầu nước Pháp đã nghe được thông điệp của dân chúng, và ông có thể đưa quan hệ gần gũi với người dân trở thành "một thế mạnh chủ đạo" của hồi 2 nhiệm kỳ tổng thống.

Trọng Thành

Published in Quốc tế