Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thực dụng, khiêm tốn : Les Bleus đi vào huyền thoại sau 20 năm chờ đợi

Như một điều tất nhiên, trang nhất các báo Pháp hôm nay 16/07/2018 tràn ngập hình ảnh đội tuyển áo lam đã mang về cho đất nước ngôi sao thứ hai trên ngực áo, sau hai mươi năm chờ đợi.

bleus1

Đội trưởng Hugo Lloris và đồng đội vui mừng với chiếc cúp vàng vô địch sau khi chiến thắng Croatia trên sân Loujniki, Moskva ngày 15/07/2018. Reuters/Christian Hartmann/File Photo

Khúc khải hoàn ca

Khuôn mặt các cầu thủ trẻ đang vui sướng cực độ, giơ cao chiếc cúp vàng dưới làn mưa tầm tã và ánh vàng kim tuyến chiếm một vị trí danh giá trên trang bìa, và các bài viết tràn ngập những trang trong. Le Figaro đổi hẳn "co" chữ trên măng-sét thành ba màu xanh-trắng-đỏ, chạy tựa "Ngày vinh quang đã đến rồi" (Le jour de gloire est arrivé). Đây là câu đầu tiên trong bài quốc ca La Marseillaise của Pháp : "Hỡi những đứa con của Tổ quốc, Ngày vinh quang đã đến rồi".

Cũng với hình ảnh tương tự, "Trên đỉnh thế giới" là tít chính của La Croix. Libération chọn đăng tầm hình một cổ động viên trẻ tuổi đang ngước nhìn lên với màu cờ Pháp vẽ trên mặt, chơi chữ "Cúp bóng đá thế giới : Nỗi đắm say ê-kíp" - dùng chữ "épris" thay vì "esprit" để chỉ tinh thần đồng đội.

Nhật báo kinh tế Les Echos dành góc phải trang bìa cho tấm ảnh rừng người đổ ra mừng dưới chân tháp Eiffel, và dòng tựa ngắn gọn "Vô địch thế giới !"

Le Monde ra từ hôm trước, thận trọng đăng ảnh 11 cầu thủ đội tuyển Pháp trước trận đầu tiên ở vòng 1/8, chạy tựa "Thách thức của một ê-kíp, niềm hy vọng của một đất nước".

Bóng đá và lòng yêu nước

Trong bài xã luận mang tựa đề "Chiến thắng của đòi hỏi vươn lên", Le Figaro nhận định, ngày vinh quang thực sự đã đến. Ngay cả gác chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris cổ kính cũng đổ những tiếng chuông vang vọng mừng chiến thắng. Giấc mơ đã biến thành sự thực. Không chỉ là một ê-kíp, mà cả một dân tộc dưới màu cờ xanh-trắng-đỏ đã cảm thấy mình là vô địch thế giới.

Vào thời đại chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, trong những ngày gần đây, những chiến công liên tiếp của Les Bleus đã trở thành công trình tập thể. Bóng đá tập hợp được mọi giới với niềm vui thể thao đơn thuần, và còn đánh thức được một giá trị ngày càng ít được chia sẻ, đó là lòng ái quốc.

Còn bây giờ, cần phải trả lại cho Didier Deschamps và 23 nhà giác đấu những gì thuộc về họ. Đội tuyển Pháp đã tỏ ra thực tế trước các cầu thủ Croatia tài ba và dũng cảm, từng hạ gục Nga và Anh. Les Bleus không giành được chiến thắng này một cách tình cờ. Trong hậu trường, đó là những năm dài nỗ lực quên mình.

Các nghệ sĩ bóng đá này được chọn lựa nhờ chất lượng công việc, tài năng, sự thông minh về chiến thuật. Họ được phát hiện từ lúc tuổi còn rất trẻ, được đào tạo với tinh thần vươn tới đỉnh cao. Chiến thắng của đội tuyển cũng là thắng lợi của việc đào tạo tài năng bóng đá theo kiểu Pháp, mà Mbappé, Griezmann, Lloris, Varane, Pavard…là những bằng chứng sống động.

Le Figaro bày tỏ hy vọng mô hình này sẽ mở rộng trên nhiều lãnh vực, ở mọi miền đất nước ; và tinh thần tự nguyện, tự đặt yêu cầu cao cho mình sẽ được lan truyền cho mọi người. Cũng như sau cuộc toàn thắng năm 1998, những kỷ niệm ngây ngất men say sẽ đi vào trí nhớ của người dân Pháp ; nhưng nếu vinh quang này mang lại tinh thần tập thể, vượt qua cái tôi, thì ma thuật mới trọn vẹn.

Trong khi đó bài xã luận của nhật báo thiên tả Libération với tựa đề "Rộng mở" nhấn mạnh không ít cầu thủ trong đội tuyển Pháp có cha mẹ là người nhập cư, và chơi cho các câu lạc bộ Châu Âu. Những đứa trẻ xuất thân từ các khu phố nghèo ngoại ô Paris, mà phe cực hữu coi thường, còn cực tả cho là "nạn nhân" của hệ thống, nay bỗng trở thành hình mẫu của sự hội nhập thành công. Còn Croatia, một ê-kíp đồng bộ hơn về màu da, trong một đất nước mà chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, thì đang bị liên quan đến tai tiếng tham nhũng.

Đi vào huyền thoại

Trong bài "Les Bleus đi vào huyền thoại", Le Figaro phấn khởicho rằng chiến thắng này là kỷ niệm không bao giờ quên. Trong mười, hai mươi, ba mươi năm thậm chí năm chục năm nữa, người hâm mộ sẽ nhớ đến ngày Chủ nhật 15/07/2018, lúc đó họ đang ở đâu : ngồi trước tivi, trước một màn hình khổng lồ ngoài trời, trên sân vận động, ở quán cà phê, tại văn phòng, trên bãi biển… một mình, với bạn bè hoặc giữa đám đông cuồng nhiệt.

Những Mbappé, Griezmann, Pavard, Pogba…đã đi vào trái tim người Pháp. Những người hùng này đã lọt được vào một "giai cấp" rất khó bước vào, và cũng khó thể trở ra. Đội tuyển Pháp là hình ảnh đẹp đẽ của một tập thể đa văn hóa, pha trộn những người trẻ tham vọng và những khuôn mặt chín chắn.

Hiệu quả, thực dụng và khiêm tốn : Công thức thành công

Ngôi sao may mắn đi theo Didier Deschamps cho đến nay đã bừng sáng, đưa ông thành người thứ ba, sau các tên tuổi Mario Zagallo (Brazil), Franz Beckenbauer (Đức) đoạt chức vô địch World Cup, ban đầu với tư cách cầu thủ, và sau là huấn luyện viên đội tuyển.

Theo La Croix, câu chuyện cổ tích này không phải bắt đầu từ hôm 17/5 khi danh sách 23 cầu thủ được loan báo, mà cách đây tận sáu năm, khi Didier Deschamps được chọn làm người đứng đầu đội tuyển Pháp. Ông Noël Le Graët, được bầu làm chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) sau đống tro tàn từ xì-căng-đan các cầu thủ kiêu căng trong Cúp thế giới tổ chức ở Nam Phi, đã chọn Deschamps thay cho Laurent Blanc được cho là quá dễ dãi.

Hai người lãnh đạo luôn tin tưởng lẫn nhau : Deschamps trong vai trò phi công còn Le Graët trong tháp kiểm soát không lưu. "Chủ thuyết Bleu" là bất biến : hiệu quả, thực dụng và khiêm tốn trước đối thủ. Chỉ một lần vi phạm, đó là liều thuốc đắng Euro 2016 : thắng ngoạn mục trước đối thủ sừng sỏ Đức, ai cũng ngỡ rằng sẽ xơi gọn được Bồ Đào Nha sau đó.

Griezmann, Mbappé… những ngôi sao gắn bó với tập thể

Từng có mặt trong trận chung kết để lại nỗi buồn tê tái của Euro 2016 dù tuổi rất trẻ, Antoine Griezmann lần này không kìm được những giọt lệ, nhưng là giọt nước mắt vui mừng.

Le Figaro cho rằng có lẽ anh nhớ đến cậu bé 14 tuổi đầy can đảm, rời gia đình sang Tây Ban Nha với giấc mộng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Lúc đó, chẳng câu lạc bộ nào muốn nhận cậu bé tóc vàng nhỏ nhắn, mảnh khảnh, nhưng nay "Grizou" được so sánh với "Zizou", tức Zinédine Zidane, đã đi vào lịch sử ngày 12/07/1998. Griezmann không hề mất bình tĩnh trước khi thực hiện cú đá phạt đền trước thủ môn Subasic trong trận chung kết, cũng như giữ được "máu lạnh" cần thiết.

Một tên tuổi được tất cả các báo vinh danh, đó là "thần đồng" Kylian Mbappé, 19 tuổi, ghi được đến bốn bàn thắng trong World Cup. Libération từng tình cờ gặp ở trung tâm Clairefontaine năm 2011, khi cậu bé đến dự tuyển với khoảng năm chục thiếu niên khác ở độ tuổi 12-13. Thật ra lúc mới lên mười, Kylian Mbappé đã được cả thành phố Bondy quê hương biết đến.

Cha cậu, Wilfried là huấn luyện viên một câu lạc bộ địa phương, còn mẹ, bà Fayza là cựu cầu thủ bóng ném chuyên nghiệp, người anh nuôi Jirès Kembo Ekoko cũng đá bóng chuyên nghiệp. Cậu bé chào đời vài tháng sau khi đội Pháp của Zidane nâng chiếc cúp vô địch thế giới, năm 14 tuổi đã chơi cho đội Monaco, với tấm séc trên 400.000 euro khi ký hợp đồng. Mbappé có bàn thắng đầu tiên ở tuổi 17, và hợp đồng sau đó lên đến 3 triệu euro.

Một số khuôn mặt nổi bật khác của đội Pháp cũng được các báo điểm qua, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến một điểm : một tập thể có nhiều ngôi sao, thuộc các lứa tuổi khác nhau, nhưng gắn bó, đoàn kết đến không ngờ.

Libération thuật lại lời của Matuidi với đầy tiếc nuối : "Tôi mong có thể sống với các đồng đội thêm hai tháng nữa. Chúng tôi có thể ngồi với nhau hàng giờ, đôi khi đến tận nửa đêm". Thật kỳ lạ, khi biết rằng lương của đội tuyển Pháp rất nhỏ nhoi, so với tiền lương cao ngất ngưởng ở các câu lạc bộ của các cầu thủ tầm quốc tế này.

Ngôi sao vô địch thứ hai và lợi ích kinh tế

Trên khía cạnh kinh tế, Libération nhận định "Một ngôi sao với rất nhiều số không" về lợi ích thương mại. Khán giả truyền hình tăng vọt, cá độ thể thao, bán áo thun đội tuyển, doanh thu các quán bar và cà phê, quảng cáo…Đội tuyển áo lam càng vào sâu trong giải, thì nguồn lợi càng tăng.

Đài truyền hình tư nhân TF1 đã chi ra số tiền lớn để mua bản quyền chiếu các trận đấu, tuy không mong thu lãi nhưng đánh bóng được hình ảnh, thu hút được số khán giả kỷ lục : 22,3 triệu người xem vào lúc trọng tài chính thổi còi kết thúc trận chung kết. World Cup cũng là dịp để thay tivi mới : số bán tăng 64% trong tháng trước, và đặc biệt trong hai tuần lễ cuối tháng Sáu tăng đến 140%.

Công ty xổ số Française des Jeux vượt xa mục tiêu doanh số cá cược mong muốn 200 triệu euro. Về phía các nhà tài trợ, Nike thắng lớn với số áo thun "Gà trống Gô-loa" bán ra tăng 30%. Cả 12 nhà tài trợ đội tuyển Pháp đều xoa tay hài lòng. Và theo công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, thì chiếc cúp vàng vô địch thế giới có thể làm tăng 0,2 điểm về tiêu dùng, 0,1% GDP, tương đương 2 tỉ euro.

Một World Cup thành công của Nga

Về phía nước chủ nhà, Les Echos ghi nhận "Nga tổ chức World Cup rất thành công". Cổ động viên các nước khen ngợi cách tổ chức chặt chẽ, linh hoạt, tiếp đón ân cần. Các chuyến xe lửa nối liền các thành phố diễn ra những trận thi tài đều miễn phí, dù có khi cách nhau đến 2.500 km. Trên 700 chuyến tàu đã được bổ sung, gần nửa triệu ghế được phân phối chỉ với vài cú nhấp chuột trên internet. Tờ báo cho rằng "Quả bóng tròn đã tăng cường thêm quyền lực mềm cho ông Vladimir Putin".

Les Echos cho biết thêm, riêng Saransk, dù nhỏ nhất trong số 11 thành phố diễn ra các trận đấu, lại chi đến 550 triệu euro để xây dựng một sân vận động, một sân bay và một khách sạn cho World Cup lần này.Cơ sở hạ tầng sau đó sẽ được cải biến thành trung tâm thương mại và văn hóa cho thành phố 300.000 dân này.

Le Figaro đề cập đến một khía cạnh bất ngờ : "Những di dân World Cup", với các "Fan ID",thẻ căn cước dành cho các ủng hộ viên bóng đá đến Nga, dùng thay cho visa. Có đến 7.000 tấm thẻ được cấp cho công dân Nigeria, 9.000 người Sénégal, 9.500 người Iran, trong khi chỉ có 3.600 thẻ cho một quốc gia mê bóng đá như Tây Ban Nha. Phóng sự của tờ báo cho biết nhiều người trong số đó, đa số là người Nigeria, muốn ở lại hẳn nước Nga để tìm việc dù thẻ sẽ hết hạn vào ngày 25/7.

Qatar 2022 : World Cup sắp tới với kỷ lục những chỉ trích

Chủ tịch FIFA khẳng định : "Đây là World Cup hay nhất mọi thời đại". Nhưng theo Les Echos, ông Gianni Infantino khó thể tuyên bố tương tự đối với World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar.

Các điều kiện khi Qatar được chọn làm nước chủ nhà, đã làm tốn hao nhiều giấy mực, với nghi vấn hối lộ để vượt qua các ứng viên khác lúc đó là Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Tranh cãi còn về số lao động nước ngoài khoảng 4.000 người đến xây dựng các sân vận động mới, dưới những điều kiện khắc nghiệt. Qatar dự định đón trên một triệu khách, một thách thức đối với đất nước chỉ có 2,5 triệu dân.

Thụy My

Published in Quốc tế
mercredi, 11 juillet 2018 20:04

Điểm báo Pháp - "On est en finale !"

Bóng đá Pháp : "On est en finale !" (Ta vào chung kết !)

"Vào chung kết", là điệp khúc giới hâm mộ bóng đá Pháp hát thâu đêm được nhiều tờ báo Pháp dùng làm tựa. Thời gian như đã dừng lại ở phút thứ 51 trong trận bán kết Pháp – Bỉ trên sân cỏ Saint Petersburg, khi Samuel Umtiti tung bóng vào lưới của thủ môn Thibaut Courtois.

foot1

Huấn luyện viên tuyển Pháp Didier Deschamps ôm hậu vệ Samuel Umtiti, người ghi bàn thắng duy nhất vào lưới đội tuyển Bỉ trận bán kết trên sân Saint Petersburg ngày 10/07/2018 Reuters/Lee Smith

Một trận đấu "quyết liệt", "kinh điển", "hồi hộp đến nghẹt thở" giữa hai ông khổng lồ của làng bóng thế giới là những cụm từ các báo dành để nói về trận Pháp–Bỉ ở World Cup 2018.

"Đội bóng Áo Lam tiếp tục mơ", "mơ lần thứ nhì đoạt Cúp Thế Giới", tựa của Le Figaro trên nền bức ảnh với 4 chàng ngự lâm pháo thủ áo xanh lam : Griezmann, Varane, Pogba và đương nhiên là Umtiti.

Le Monde cập nhật thời sự trên trang mạng : "Hương vị chiến thắng của năm 1998 trên đường phố tại Pháp", ở bên dưới là bức ảnh giới hâm mộ quả bóng tròn đổ về đại lộ Champs Elysées ngay sau khi trọng tài huýt còi chấm dứt trận đấu.

Phải đợi thêm vài giờ nữa mới biết là các Chú Gà Trống xứ Gaule sẽ so tài với đội tuyển Anh hay Croatia, nhưng Libération đã nóng lòng mong cho "Chóng đến Chủ Nhật" này : "Vivement Dimanche !".

Ở trang trong tờ báo nhìn nhận Pháp đã trải qua một trận đấu "đầy cam go" mới giành được vé vào chung kết. Bình luận về trận đấu hơn 90 phút tối qua, Libération ví von "đây là một cuộc đấu trí như một ván cờ vua".

Hung thần áp đảo Quỷ Đỏ

Với nhật báo Le Figaro hung thần của đội Những Con Quỷ Đỏ không ai khác ngoài Kylian Mbappé : trong 10 phút đầu trận đấu, danh thủ trẻ tuổi này đã áp đặt nhịp độ. Hậu vệ Bỉ "ớn lạnh".

Trên sân cỏ Krestovski lúc 22 giờ 54, giờ Saint Petersburg, trọng tài Andres Cunha người Uruguay thổi còi kết thúc cuộc chơi, tiền đạo Mbappé quỳ gối trên sân cỏ, cúi dập đầu như trong tư thế cầu nguyện. Các đồng đội ùa đến, ngã nhào lên Mbappé. Niềm vui sướng vô bờ. 19 tuổi, Mbappé có lẽ vừa trải qua thời khắc hạnh phúc nhất trong đời.

Tuy không ghi bàn trong đêm qua nhưng đã 3 lần lập nên chiến công trong mùa bóng 2018 và đang chuẩn bị cho trận chung kết vào Chủ Nhật này : "Mbappé thuộc dòng của những Pelé, Ronaldo hay Messi". Huấn luyện viên Deschamps nhìn nhận Kylian là một "cầu thủ ngoại hạng, là một tài năng phi thường".

Tờ báo thể thao L'Equipe vẫn chưa dám nghĩ là huấn luyện viên Didier Deschamps đã lập được kỳ công, qua mặt đội Những Con Quỷ Đỏ của vương quốc Bỉ. Thành công đó có được nhờ "tính kiên trì, phương pháp làm việc có tổ chức (...). Bí quyết thành công của đội tuyển Pháp nằm ở chỗ những người lính áo Lam chơi hết mình trong tinh thần đồng đội. Đó là sức mạnh, biến họ thành một bức tường kiên cố mà một đối thủ đáng gờm như Bỉ đã không xuyên thủng được".

Chiến thắng ở vòng bán kết của đội Pháp cũng là chủ đề tràn ngập các tờ báo địa phương. Tờ Charente Libre dùng thuật ngữ của môn hình học để phân tích các đường banh : nào là "đường bóng chéo của Pogba, đường bóng xiên của Griezmann"... còn sức chạy bền bỉ của N'Golo Kanté thì "không có giới hạn".

Tờ báo của vùng Haute Marne hết lời ca ngợi công lao của huấn luyện viên Deschamps : đội bóng do ông cầm quân khá mờ nhạt ở vòng loại, để rồi tỏa sáng kể từ vòng 1/8, như thể Deschamps "ếm binh để giờ chót mới mới tung ra những lá bài tốt nhất của mình. Trong số những lá chủ bài đó phải kể đến tuổi trẻ đầy nhựa sống của các tuyển thủ Pháp và tài năng của những ngôi sao này trên sân cỏ".

Về sự hào hứng của giới hâm mộ Pháp, Libération trích lời một cổ động viên, tay cầm cờ mặt sơn ba màu xanh trắng đỏ - màu cờ của Pháp, tuyên bố "đêm nay, Champs Elysées là hộp đêm ngoài trời của tất cả mọi người" với tiếng còi xe inh ỏi, với những tiếng reo hò vang cả một góc trời !

Donald Trump ve vãn Nga, uy hiếp NATO

Chiếc vé vào chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới của đội tuyển Pháp đẩy thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại Bruxelles xuống hàng thứ yếu, cho dù NATO đang bị Donald Trump "đe dọa".

La Croix giải thích tổng thống Mỹ luôn đòi các đồng minh Bắc Đại Tây Dương phải tăng ngân sách quốc phòng, chia sẻ gánh nặng với Washington. Ông coi đó là điều kiện cơ bản để Mỹ tiếp tục ủng hộ NATO. Chưa hết, Nhà Trắng còn gắn liền vế an ninh với kinh tế. Donald Trump đòi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương phải "cân bằng cán cân thương mại" với Hoa Kỳ. Đòi hỏi này nhắm vào nước Đức của thủ tướng Merkel.

Libération đặt câu hỏi, liệu tổng thống Mỹ có trở mặt với NATO như đã làm tại thượng đỉnh G7 ở Canada vừa qua hay không ? Tờ báo nhắc lại rằng tại G7 vừa qua chủ nhân Nhà Trắng từng tuyên bố NATO cũng "tệ" như thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA.

Le Monde giải thích các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương "lo âu", bởi Donald Trump là một người có thái độ khó lường, bởi kỳ vọng quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương được êm thắm đang bị bào mỏng, khi mà bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis ngày càng "bị cô lập trong chính quyền Trump".

Sau hai ngày họp tại Bruxelles tổng thống Mỹ sẽ bay sang Luân Đôn, chính thức viếng thăm Anh Quốc và sau đó nguyên thủ Mỹ sẽ đến Phần Lan, dự thượng đỉnh song phương đầu tiên với tổng thống Nga, Vladimir Putin vào ngày 16/07/2017. Trước khi rời thủ đô Washington bắt đầu chuyến công du Châu Âu dài ngày, Donald Trump tuyên bố nói chuyện với Putin "dễ hơn" là với Châu Âu.

Le Figaro lấy làm tiếc là tổng thống Mỹ "uy hiếp Châu Âu, ve vãn Putin". Một nhà ngoại giao Mỹ thú thật với phóng viên Pháp, tại Washington "không ai biết Donald Trump sẽ làm gì, sẽ nói gì...".

Nguyên cố vấn an ninh của Nhà Trắng, tướng McMaster "không hiểu nổi" suy nghĩ của tổng thống Hoa Kỳ cho là "ông có thể là bạn với Putin". Tờ báo mạng Huffingtonpost đặt câu hỏi : Cuộc gặp Trump-Putin liệu có là cái bẫy đang khép lại đối với Châu Âu ?

Trong bài xã luận mang tựa đề "Bảo vệ Châu Âu" trên La Croix, Jean - Chirstophe Ploquin lấy làm tiếc là trước chính sách America first của Donald Trump áp dụng trên đủ mọi phương diện, Châu Âu lại không thể đưa ra một chiến lược chung về mặt quốc phòng.

Bị kẹt giữa một bên là nước Mỹ của Donald Trump, bên kia là Nga, Trung Quốc thì chờ đợi cơ hội, Trung Cận Đông trong tình cảnh nhiễu nhương, Châu Phi đang trên đà phát triển, Châu Âu bắt buộc phải đoàn kết từ văn hóa đến chính trị và địa chiến lược. Bằng không Châu lục này trở thành "sân chơi của các siêu cường".

New Orleans : 300 năm âm nhạc phục vụ mục tiêu hội nhập

Xin kết thúc mục điểm báo trong ngày qua bài điều tra trên Les Echos về thành phố New Orleans, kinh đô của dòng nhạc jazz. Tại thành phố cổ kính này thuộc bang Louisiana, miền nam Hoa Kỳ, từ 300 năm qua, âm nhạc là "phương tiện để hội nhập".

Cơn bão Katrina năm 2005 làm hơn 1.000 người thiệt mạng, hơn 130.000 ngôi nhà bị hư hại vẫn còn để lại vết tích cho thành phố nằm trên con sông Mississippi mà Mark Twain từng làm mê hoạch niều thế hệ độc giả...

Nhưng New Orleans là chiếc nôi của dòng nhạc jazz, là lò ươm giống, sản sinh ra những nhạc sĩ tài hoa. New Orleans cũng là nơi mà âm nhạc, văn hóa là những con gà đẻ trứng vàng cho phép thành phố thu về 1,3 tỷ đô la một năm nhờ các hoạt động văn hóa, các chương trình lễ hội âm nhạc... Đấy cũng là nguồn tạo công việc làm cho người dân, mà có tới 2/3 là người Mỹ da đen.

Mỗi mùa Jazz Fest thu hút nửa triệu khách tham quan.

Thanh Hà

Published in Quốc tế