Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

GIEC : Giảm mạnh ăn thịt mới cứu được hành tinh

Báo cáo mới nhất về Đất đai, Thực phẩm và Biến đổi khí hậu của GIEC khuyến cáo các nước phát triển thay đổi triệt để thói quen ăn uống, để cứu hành tinh, đặc biệt là giảm mạnh ăn thịt. Xung đột Mỹ - Trung lan sang lĩnh vực tiền tệ đe dọa bùng nổ chiến tranh ngân hàng toàn cầu. Trên đây là các chủ đề thời sự quốc tế nổi bật.

giam1

Đạm thực vật từ các loại đậu : Một giải pháp hàng đầu giúp giảm chăn nuôi, bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai. Trong ảnh, một cửa hàng bán đậu hạt ở Ấn Độ.© Reuters/Shailesh Andrade

Nhật báo Libération chạy hàng tựa "Khí hậu : Trước hết bắt đầu từ mâm cơm" trên nền hình toàn một mầu xanh của các loại thực phẩm, từ rau đến đậu.

Bức tranh đen tối

Nhật báo thiên tả dành hồ sơ chính cho chủ đề : Chăn nuôi gia súc, vấn đề chủ yếu với khí hậu, giới thiệu về thông điệp chủ yếu của bản báo cáo 65 trang của GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, công bố hôm nay. Theo Libération, đọc xong bản báo cáo này, không ai tránh khỏi tâm trạng "trầm uất" : Báo cáo của GIEC về đất đai lần này đã phơi bày "một bức tranh đen tối về tình trạng của hành tinh chúng ta, do các hoạt động của con người", tương tự như bản báo cáo gây chấn động về Khí hậu hồi năm ngoái.

Theo Libération, "vấn đề thực phẩm nằm ở trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi thực phẩm là một trong những nguyên nhân cơ bản (của việc Trái đất bị hâm nóng)… Nông nghiệp chiếm đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính và 40% đất đai toàn cầu. Tỉ lệ này dự kiến sẽ còn tăng lên, cùng với việc mức sống tại một số quốc gia được cải thiện". Mặt khác, "nông nghiệp cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu". Cụ thể là nhiệt độ Trái đất cứ tăng thêm 1°C, năng suất lúa mì giảm 6%, lúa giảm 3%, ngô 7%... Chưa kể đến suy giảm về nhiều vi chất quan trọng trong thực phẩm, đặc biệt là sắt và zinc do nồng độ khí CO2 ngày càng đậm đặc trong không khí.

"Tia sáng cuối đường hầm"

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng để ngỏ một tia sáng le lói cuối đường hầm. Chìa khóa của giải pháp "nằm trong mâm cơm của chúng ta và trong các trại chăn nuôi", với việc thay đổi một cách căn bản và bền vững toàn bộ lối ăn uống và hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Khoa học gia Tim Searchinger, đồng tác giả báo cáo "Tạo ra một lối ăn uống bền vững cho tương lai", do Ngân hàng Thế Giới và Cơ quan Môi trường của Liên Hiệp Quốc đặt hàng, chỉ ra biện pháp hàng đầu là giảm ít nhất 50% lượng thịt tiêu thụ tại các nước phát triển, đặc biệt là bò, dê, cừu. Lý do là vì các gia súc này thải ra nhiều khí metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp bội so với CO2. Thứ hai vì phân của các loại gia súc này thải ra nhiều chất oxyde nitreux làm đất đai suy kiệt và làm axit hóa đại dương. Lý do thứ ba là để có đất đai dành để nuôi các loại gia súc này, người ta buộc phải phá rừng, vốn là những "giếng" hấp thụ khí CO2.

Bên cạnh việc giảm mạnh ăn "thịt đỏ" (bò, dê, cừu), nhà môi trường học cũng khuyến cáo giảm thịt heo, thịt gà, cũng như giảm tiêu thụ sữa, bởi để có sữa, các loài gia súc phải thường xuyên thụ thai. Ngày càng nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng báo động về tình trạng thê thảm của các gia súc nhỏ.

Món ăn thay đổi - nông nghiệp thay đổi

Theo Libération, giảm mạnh tiêu thụ thịt không có nghĩa là tất cả mọi người buộc phải ăn chay. Ngược lại, nền nông nghiệp có thể được tổ chức khác đi, một cách hiệu quả hơn để đáp ứng đòi hỏi mới. Vấn đề quyết định là thay đổi quan niệm, thay đổi thói quen. Cụ thể là việc khuyến khích tiêu thụ các thực phẩm được sản xuất tại chỗ sẽ kích thích nông nghiệp địa phương, trong nước phát triển. Mọi người sẽ ăn các món ăn chứa ít thịt hơn, nhưng lại giầu dinh dưỡng hơn, đa dạng hơn. Sẽ có nhiều người làm nông hơn, nhà nông sẽ được trả công cao hơn, do hình thành các mạng lưới tiêu thụ trực tiếp, nhà nông không bị ép giá vì giá cả lên xuống bất thường của thị trường.

Bài xã luận mang tựa đề "Tương lai" nhấn mạnh : Cần phải hành động khẩn cấp. Giờ đây không chỉ là vấn đề đi xe đạp thay cho xe hơi, đi tàu hỏa thay cho máy bay, mà xem xét lại toàn bộ lối sống hàng ngày, trong đó ăn uống là chuyện hàng đầu.

Cũng trong số báo này, Libération có thêm nhiều bài khác về chủ đề thay đổi cách ăn uống để cứu hành tinh. Libération tìm lại nhiều thực đơn cổ truyền của nước Pháp, những món ăn ngon, không thịt, giầu dinh dưỡng, với đậu lăng (lentille), lúa mì nâu hay xà lách…, những thực đơn được siêu đầu bếp Alain Ducasse giới thiệu từ 5 năm nay. Nhà nghiên cứu Marie-Hélène Jeuffroy, trả lời phỏng vấn Libération, thì đề nghị các đào tạo về nông nghiệp cần chuyển hướng để thích ứng với các đòi hỏi mới.

Ăn nhiều đạm thực vật : Một mũi tên nhắm nhiều mục đích

Cũng về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phỏng vấn nhà nông học Marc Dufumier, với tựa đề "Điều tồi tệ nhất sẽ đến, nếu chúng ta không thay đổi thói quen". Nhà nông học Pháp đặc biệt nhấn mạnh việc người Pháp ăn nhiều loại đậu, cung cấp protein thay thế cho đạm động vật, có tác động quý báu về nhiều mặt.

Tác dụng thứ nhất là giảm tiêu thịt sẽ khiến rừng ở các nơi khác trên thế giới không bị hủy hoại để có đất làm nơi chăn thả gia súc, trồng cây làm thức ăn cho gia súc. Tác dụng quan trọng thứ hai : đậu cũng chính là loại cây trồng hút azote trong không khí để làm giàu dinh dưỡng cho đất đai. Và nhờ vậy mà không cần phải bón thêm các loại phân hóa chất có chứa phân tử azote, phát ra khí N2O, được coi là "nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính số một" tại Pháp (chưa kể việc giảm khí metan do các gia súc lớn thải ra như đã nói ở trên).

900 triệu hecta rừng trồng mới

Để hãm lại đà khí hậu bị hâm nóng, Le Figaro chú ý đến một sáng kiến được nhắc nhiều trong thời gian gần đây : Trồng rừng ồ ạt để giảm mạnh khí CO2 trong bầu không khí, dự kiến khoảng 900 triệu hecta (thêm vào 2,8 tỉ hecta hiện có). Đây là một giảm pháp tương tự với biện pháp mà GIEC khuyến cáo nhằm giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C vào năm 2050.

Vấn đề là giải pháp này có khả thi không ? Tìm đất ở đâu để trồng rừng ? Nhóm các khoa học gia của FAO, Cirad, và ETH ở Zurich, liệt kê danh sách 6 quốc gia có nhiều tiềm năng nhất : Nga (151 triệu hecta), Hoa Kỳ (103 triệu hecta), Canada (78), Úc (58), Brazil (50), Trung Quốc (40). Và Châu Âu khoảng 38 triệu hecta. Đây là các vùng đất khô cằn, mà việc trồng rừng, sẽ vừa giúp hút bớt CO2, vừa cải thiện chất lượng đất. Trong hiện tại, gần một nửa các nước trên thế giới mới chỉ cam kết phát triển khoảng 50% lượng đất có thể dùng để trồng rừng mới.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến việc trồng rừng hoàn toàn không hề là giải pháp thay thế cho việc giảm và hướng đến chấm dứt tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Đây mới là giải pháp căn bản để duy trì sự ổn định của Khí hậu trên Trái đất.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung lan sang địa hạt tiền tệ khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo là chủ đề thời sự chính. Libération có hồ sơ về viễn cảnh "một cuộc khủng hoảng thế giới mới, các ngân hàng trung ương có thể phải bó tay". Hôm qua, chỉ số chứng khoán Dow Jones ở New York sụt giá 3,25%. Chỉ số Nasdaq sụt 3,8%. Hôm thứ hai vừa qua, giá trị của đồng yuan lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 7 yuan/một đô la, kể từ 2008. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc về việc chính quyền chủ động điều chỉnh tỉ giá, với giải thích đây là do kết quả tự nhiên cùa các biến động tiền tệ quốc tế. Lời giải thích của Bắc Kinh gây hoài nghi, bởi vì, khác với phần lớn các ngân hàng trung ương thế giới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trực tiếp tuân theo lệnh của chế độ cộng sản. Theo Libération, nguy cơ chiến tranh tiền tệ giữa hai nền kinh tế khổng lồ, chiếm hơn một phần ba kinh tế toàn cầu, ngày càng rõ.

Cũng về chủ đề này, Le Monde có bài xã luận : "Những nguy hiểm của một cuộc chiến tiền tệ". Theo Le Monde, hiện tại mới "phần lớn chỉ là khẩu chiến, nhưng điều tồi tệ nhất hoàn toàn có thể xảy ra". Trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, chỉ cần một hành động hay lời lẽ quá mạnh có thể châm ngòi nổ cho xung đột. Nhật báo Pháp dự kiến chính quyền Trump có thể buộc Ngân hàng Trung ương hạ giá đồng đô la, để hậu thuẫn cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, không gì ngăn cản một trận cuồng phong trong lĩnh vực ngân hàng, trước hết là Ngân hàng Trung ương Châu Âu, buộc phải phản ứng đến tự vệ. Quyết định hạ giá đô la của Mỹ cũng cuốn vào cơn lốc các đồng tiền của các quốc gia đang trỗi dậy khác.

Le Figaro cũng cho hay chính quyền Mỹ vừa khiếu nại việc Trung Quốc thao túng tỉ giá tiền tệ lên Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, và đây là lý do trực tiếp khiến Bắc Kinh quyết định ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.

Mỹ - Trung : 5 mặt trận hàng đầu

Về căng thẳng Mỹ - Trung, Le Figaro chỉ ra 5 mặt trận đối đầu Trung – Mỹ. Thứ nhất là lĩnh vực đất hiếm, hay kim loại hiếm được dùng nhiều cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, mà Trung Quốc hiện kiểm soát đến 80% sản lượng toàn cầu.

Thứ hai là thế đối đầu chiến lược tại Châu Á. Tham vọng của Bắc Kinh là phát triển Hải quân trở thành lực lượng thống trị tại khu vực này, soán ngôi Hoa Kỳ, trước mắt là thống trị Biển Đông, ngược hẳn với cam kết không phi quân sự hóa khu vực này.

Mặt trận đối đầu thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc là lĩnh vực nhân quyền. Nhân quyền vốn là lĩnh vực mà Trung Quốc thường xuyên bị chỉ trích. Nhưng tình hình năm nay bị Hoa Kỳ xem là tồi tệ hơn hẳn : Chưa bao giờ chế độ cộng sản lại giam cầm nhiều công dân nước này một cách độc đoán như vậy kể từ sau thời kỳ Mao. Ước tính 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam tại các trại cải tạo ở Tân Cương.

Hòn đảo dân chủ Đài Loan là điểm đối đầu Mỹ - Trung thứ tư. Chính quyền Mỹ ngày càng có các động thái thừa nhận chính quyền Đài Bắc, và trong những tháng gần đây liên tục, đưa tàu tuần tra tại eo biển Đài Loan, để khẳng định nguyên tắc sẽ bảo vệ hòn đảo, trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.

Tập đoàn truyền thông Hoa Vi là trận địa chủ yếu thứ năm Mỹ - Trung đối đầu. Washington đang tìm mọi cách để cản phá tham vọng vươn lên thống trị thế giới trong lĩnh vực 5G và nhiều mũi ngọn công nghệ khác của Hoa Vi. Theo chỉ thị của Bắc Kinh, Hoa Vi cùng một số tập đoàn nhà nước phải vươn lên đứng đầu thế giới trong 10 lĩnh vực công nghệ của tương lai vào năm 2025.

Trang nhất các báo

Về trang nhất các báo Pháp hôm nay, ngoài vấn đề cần khẩn cấp thay đổi lối ăn uống để cứu nguy Trái đất, và các căng thẳng Mỹ - Trung, một chủ đề được chú ý đến nhiều khác là chiến tranh thương mại thế giới không ảnh hưởng đến ngoại thương Pháp (Les Echos) hay sự phẫn nộ của giới nhà nông – đặc biệt do thỏa thuận tự do thương mại với Canada, đe dọa ngành chăn nuôi - khiến chính phủ Pháp lo ngại (Le Monde).

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Giảm ăn thịt để tăng sức khỏe, bảo vệ súc vật và Trái đất

Tương lai Syria trong trận thế Trung Đông, số phận người Rohingya ở Miến Điện, tệ nạn buôn người ở Libya, cuộc "đảo chính" ở miền Đông Ukraine thân Nga, bế tắc chính trị Đức, kinh tế Pháp hưng phấn là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay bên cạnh lời cảnh báo của tổ chức môi trường Pháp Terra Nova : bớt ăn thịt để cứu trái đất và sức khỏe.

giam1

Từ năm 1998, người Pháp có xu hướng ăn "bớt thịt, thêm rau". Keith Weller, USDA ARS/CC/Wikimedia Commons

Le Monde "điều tra tệ nạn sách nhiễu tình dục ở các công ty", Le Figaro phân tích về lời hứa "cải cách thuế sâu rộng" của tổng thống Macron, Libération đánh cược vào nữ "cứu tinh" của đảng Xã Hội Najat Vallaud Belkacem, Les Echos phấn khởi với dự báo kinh tế Pháp tăng trưởng mạnh vào cuối năm trong khi nhật báo công giáo La Croix ưu tư cho cộng đồng Do Thái sống ở ngoại ô. Trên đây là những tựa lớn trên trang nhất báo chí Pháp hôm nay

Bớt lạm dụng thịt, ăn chay, thêm sức khỏe

Trong không khí chuẩn bị lễ hội Giáng Sinh và Tất Niên, mùa ăn uống tiệc tùng, tổ chức chuyên gia Terra Nova đánh tiếng chuông cảnh tỉnh mà Le Monde tường thuật bằng một trang báo : "Thời vàng son của thịt đã chấm dứt", còn La Croix đặt câu hỏi hướng dẫn : "Làm cách nào để bớt ăn thịt ?".

Trong bản báo cáo công bố ngày 23/11/2017 mà Le Monde có đặc quyền tiếp cận trước, tổ chức chuyên gia có xu hướng thiên tả đề nghị cần phải thiết lập quân bình giữa tập quán phải có thịt trong món ăn với nhu cầu gìn giữ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Terra Nova (tạm dịch là hành tinh mới) không có dụng ý khuyến khích người dân Pháp ăn chay nhưng khuyến cáo trong 20 năm tới đây cần giảm ít nhất 50% khẩu phần thịt và cá hàng ngày.

Ba lý do khẩn cấp : mức độ chăn nuôi công nghiệp đã đi đến tình trạng bão hoà, không đủ khả năng nuôi sống 10 tỷ dân địa cầu vào thập niên 2050 cũng như không thể chu toàn từ vệ sinh cho đến môi trường. Trung bình mỗi người Pháp tiêu thụ 86 kg thịt và xương vào năm 2014, giảm 8 kg so với thống kê vào năm 1998.

Học sinh đi tiên phong

Để thúc đẩy xu hướng bớt thịt tăng rau - đã được ghi nhận tại Pháp từ 1998 đến nay - Terra Nova đưa ra 11 đề nghị giảm ăn thịt cần thực hiện ở mức độ lớn : thêm món ăn chay trong thực đơn ở các trường trung học, huấn luyện cho đầu bếp nấu các món rau, đậu hợp khẩu vị…

Sáu ngàn tỷ con bò, heo, gà, vịt mỗi năm nuôi 7 tỷ miệng ăn

Hiện nay, mỗi năm phải làm thịt 60 tỷ con vật, đánh bắt 1.000 tỷ hải sản để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm càng ngày càng tăng trên thế giới. Trong 50 năm qua, với mức sống được cải thiện, Châu Á tiêu thụ thịt tăng 15 lần hơn, Châu Phi 5 lần hơn… nhưng vẫn còn thấp so với các nước Tây phương. Tình hình ngày càng tệ hơn bởi vì nhu cầu lương thực phải tăng thêm 75% từ nay đến 2050.

Bớt dùng thịt còn giúp bảo vệ sức khỏe : hàng trăm cuộc khảo sát dịch tễ học xác nhận ăn nhiều rau sẽ giảm cơ nguy bị bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu và béo phì. Ăn trên 500g thị bò, heo hay 150g thịt ướp như jambon mỗi tuần làm tăng xác xuất bị ung thư ruột già.

Theo kịch bản khối lượng thịt tiêu thụ giảm 1/3 từ nay đến giữa thế kỷ thì lượng khí thải phát ra làm tăng nhiệt độ địa cầu cũng được giảm một nửa.

Và để làm lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm hơn 50%, một nhà canh tác Pháp kêu gọi : món ăn Pháp dùng rau đậu của Pháp, không cần phải nhập khẩu từ Nam Mỹ xa xôi. Đây cũng là kết luận của La Croix trong bài báo cùng chủ đề "tăng rau, bớt thịt" để bảo vệ sức khỏe và Trái đất.

Miến Điện : Lời trẻ và tuyên truyền

Sắc tộc Rohingya có thật sự bị "thanh lọc" hay không ? Tài liệu do quân đội Miến Điện phổ biến nói là không. Các nhân chứng, phần đông là trẻ em và thiếu niên, tuổi chưa biết nói dối, do Liberation thu thập, bác bỏ từng điểm của quân đội.

Từng điểm một, trong bài "Lời nói của người Rohingya trước tuyên truyền của quân đội Miến Điện", Libération dẫn nhập bằng thông cáo của bộ ngoại giao Mỹ, tiếp sau Liên Hiệp Quốc, lên án quân đội Miến Điện "thanh lọc sắc tộc". Trong khi đó, báo cáo của quân đội cho rằng người Rohingya tự đốt nhà để thu hút công luận quốc tế. Đặc phái viên nhật báo cánh tả Pháp ở Bangladesh đến các trại tị nạn đặt câu hỏi kiểm chứng :

- An ninh không bắn một phát đạn vào dân lành ? Cậu bé 7 tuổi nói : Ngày thứ Bảy (26/08), lính tới làng, con đang ngồi trong nhà thì bị một viên đạn vào chân. Một chục em nhỏ khác, từ nhiều làng khác nhau, đều thuật lại những chuyện mắt thấy tai nghe tương tự.

- Quân đội không hãm hiếp phụ nữ, không dọa nạt dân làng, không dùng súng lớn ? Libération trích dẫn hàng chục nhân chứng xác nhận ngược lại : người phụ nữ trẻ nào bị hãm hiếp, trưởng làng nào bị bắt để đòi tiền, làng nào bị cảnh sát và quân đội phóng hỏa….

Syria hòa giải dân tộc hậu Daesh : nói dễ, làm khó

Tương lai Syria nằm trong tay nước Nga ? Không chắc ! Tại Sochi, sau khi tiếp tổng thống Syria và thảo luận với tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về sáng kiến triệu tập "Đại hội đối thoại dân tộc Syria", tổng thống Nga Vladimir Putin đụng phải "chướng ngại" Kurdistan, nhưng không phải chỉ có thế.

Theo Le Monde, cho dù tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ dự án Đại hội dân tộc Syria của Putin nhưng Erdogan nhất định không cho người Kurdistan tham gia. Thế mà, tổ chức đảng Kurdistan - Syria và cánh tay võ trang lực lượng Kurdistan tự do là thành phần chủ lực trong cuộc chiến chống Daesh ở vùng bắc Syria. Một trắc trở khác cho sáng kiến của Nga là cho đến bây giờ chưa rõ thành phần đối lập Syria nào tham gia đàm phán. Chính tổng thống Nga phải tuyên bố : giai đoạn hậu Daesh tùy thuộc vào khả năng thỏa hiệp của các phe, kể cả phía chính phủ Damascus. Mọi tầng lớp xã hội Syria cùng nhau soạn Hiến Pháp mới, tổng thống Iran, đồng minh của Bachar al Assad cũng nhận định như thế. Nhưng liệu nhà độc tài Bachar al-Assad có chấp nhận một chế độ đa đảng ?

Les Echos cũng lưu ý một số yếu tố bất trắc khác trong dự án Nga bảo trợ : các nhóm đối lập họp tại Ryadh, đối thủ cúa Teheran và Damascus, tẩy chay sáng kiến của Nga và tiếp tục đòi Bachar al Assad ra đi "khi bắt đầu" thảo luận về tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Tuy nhiên, Les Echos không loại hết mọi hy vọng. Bởi vì cụm từ "khi bắt đầu" mang ý nghĩa nhẹ nhàng hơn là điều kiện "ngay trước khi bắt đầu".

Cũng trong tình hình căng thẳng và phức tạp ở Trung Đông, nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận một biến chuyển mới : "Israel và Saudi Arabia cùng đối đầu với tham vọng bá quyền của Iran". Israel "muốn chia sẻ thông tin tình báo với Ryadh". Tuyên bố của tham mưu trưởng quân đội Israel với báo chí của Saudi Arabia hồi đầu tuần, vào thời điểm khủng hoảng chính trị ở Lebanon, được Les Echos ví như như một quả bom.

Đảo chính ở miền đông Ukraine : đạo diễn Putin ?

Tổng thống Putin hiện diện trên nhiều mặt trận. Theo Le Figaro, vụ "đảo chính ở nước cộng hòa tự phong Louhansk" chỉ là đòn "hỏa mù" của Moskva để lấy cớ đưa quân chiếm đóng miền đông Ukraine.

Từ hai năm nay, tỉnh Louhansk ly khai với Ukraine là một "vùng tối" của báo chí quốc tế. Thế nhưng, từ đầu tuần đã xảy ra một cuộc binh biến. Thanh tra của cơ quan OSCE, có nhiệm vụ kiểm sóat lệnh ngưng bắn giữ quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga cho biết khoảng 30 xe quân sự, kể cả xe thiết giáp trấn giữ nhiều đường phố. Sự kiện này cho thấy có sự rạn nứt trong nội bộ các ban ngành trong quân đội Nga, chủ nhân của phe ly khai Ukraine. Từ 2014, Louhansk nằm trong tay người hùng Igor Plotsniski, kẻ bị nghi ngờ ám sát hai đối thủ chính trị để củng cố quyền lực.

Giờ đây, "tổng thống Igor Plotsniski" có lẽ bị "bộ trưởng nội vụ" Igor Kornet lật đổ, phải chạy sang Nga.

Nhưng Le Figaro cảnh báo, tại Louhansk, lực lượng võ trang ly khai do quân đội Nga làm nòng cốt còn cảnh sát, tức "bộ Nội Vụ" do cơ quan phản gián liên bang FSB chỉ huy. Do vậy, vụ đảo chính có thể do FSB tổ chức để củng cố thế lực tại Donbas Ukraine.

Tuy nhiên, cũng phải dè chừng Putin muốn thay đổi các bộ mặt thân Nga tại địa phương. Theo một nguồn tin thông thạo, tổng thống Nga dàn dựng chuyện đảo chính để đưa quân vào miền đông Ukraine tái lập trật tự và sau đó đề nghị với Liên Hiệp Quốc để Nga tham gia đóng vai trò bảo vệ hòa bình, kéo dài không biết đến bao giờ.

Đương nhiên, Kiev dường như biết rõ âm mưu. Lợi dụng hai phe ly khai đấu đá lẫn nhau, quân đội Ukraine chiếm ba ngôi làng và nhiều cao điểm chiến lược.

Tú Anh

Published in Quốc tế