Google cân nhắc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam
BBC, 30/08/2024
Google đang xem xét việc xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin nắm rõ kế hoạch cho biết. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên một công ty công nghệ lớn của Mỹ đầu tư như vậy vào Việt Nam.
Gã khổng lồ công nghệ Google đang xem xét thiết lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, theo Reuters
Nguồn tin, yêu cầu giấu tên vì thông tin này chưa được công bố chính thức, cho biết Google, thuộc tập đoàn công nghệ đa quốc gia Alphabet, đang cân nhắc thành lập một trung tâm dữ liệu ở mức hyperscale gần Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh kế phía Nam của Việt Nam.
Trung tâm dữ liệu siêu lớn (hyperscale) được thiết kế để phục vụ khối lượng công việc lớn, có dung lượng lưu trữ lớn, khả năng tính toán mạnh mẽ hơn các trung tâm dữ liệu thông thường.
Hiện chưa rõ quy mô tài chính của khoản đầu tư này, nhưng Reuters đánh giá đây sẽ là một cú hích cho Việt Nam, một quốc gia đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu do cơ sở hạ tầng không đồng bộ, trong khi các công ty công nghệ lớn thường chọn đặt trung tâm của họ tại các quốc gia đối thủ trong khu vực.
Hiện chưa rõ mất bao lâu để Google đưa ra quyết định đầu tư, nhưng nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán nội bộ đang diễn ra và trung tâm dữ liệu có thể hoàn thành vào năm 2027.
Người phát ngôn của Google từ chối bình luận về kế hoạch này.
Các trung tâm dữ liệu hyperscale là những trung tâm lớn nhất trong ngành, với mức tiêu thụ điện năng thường tương đương với một thành phố lớn.
Một trung tâm dữ liệu hyperscale với công suất tiêu thụ điện năng 50 megawatt (MW) có thể ngốn kinh phí đầu tư từ 300 triệu đến 650 triệu USD, theo ước tính dựa trên dữ liệu do công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle công bố trong báo cáo về các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam năm nay.
Động thái của Google xuất phát từ số lượng lớn khách hàng dịch vụ đám mây trong và ngoài Việt Nam cũng như nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển của quốc gia này.
Nguồn tin giấu tên cũng lưu ý rằng Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến phổ biến của Google.
Hiện tại, các nhà điều hành trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam, dựa trên không gian điện toán, là công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp IDC Becamex và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, đều là các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, theo báo cáo thị trường nội bộ của một khu công nghiệp tại Việt Nam mà Reuters có được.
Tháng 5/2024, tờ Nikkei Asia đưa tin rằng công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Alibaba đã từ chối bình luận về vấn đề này khi Reuters liên hệ.
Một trung tâm dữ liệu của Google tại San Francisco, California, Mỹ
Chiến lược phát triển
Mặc dù nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số của 100 triệu dân ở Việt Nam ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này phần lớn đã không chọn đầu tư vào đất nước này vì tình trạng thiếu điện thường xuyên, ưu đãi kém hấp dẫn và cơ sở hạ tầng internet yếu kém vốn phụ thuộc vào một số ít cáp biển đã cũ, theo các chuyên gia trong ngành.
Ở Đông Nam Á, Singapore, Malaysia và Thái Lan đang đi đầu trong ngành này và đã thu hút được nhiều khoản đầu tư lớn hơn từ các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.
Vào tháng 5/2024, Google cho biết họ sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào Malaysia để phát triển trung tâm dữ liệu đầu tiên và khu vực điện toán đám mây (Google Cloud) tại nước này.
Các quy định kém hấp dẫn về quyền sở hữu nước ngoài và bản địa hóa dữ liệu từ lâu cũng là một rào cản, nhưng trong một cải cách được thông qua vào tháng 11/2023, các nhà lập pháp Việt Nam đã quyết định cho phép các nhà điều hành trung tâm dữ liệu ở nước ngoài giữ toàn bộ quyền sở hữu.
Cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những rào cản khiến các nhà đầu tư công nghệ cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam
Việt Nam có các quy định an ninh mạng nghiêm ngặt và từ lâu đã mâu thuẫn với các công ty công nghệ nước ngoài về việc lưu trữ dữ liệu trong nước - tuy nhiên, đây là yêu cầu mà các công ty này thường xuyên không thực thi.
Mặc dù vậy, Google đang mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam và đã tuyển dụng hàng chục kỹ sư, chuyên gia marketing và các chuyên gia khác, theo quảng cáo trên trang mạng xã hội chuyên về kinh doanh và việc làm LinkedIn.
"Chúng tôi hiện có một đội ngũ tại địa phương để phục vụ tốt hơn cho khách hàng quảng cáo tại Việt Nam và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của nước này," một phát ngôn viên của Google nói với Reuters.
Google cũng đang cung cấp 40.000 học bổng tại Việt Nam cho các khóa học AI cơ bản và tài trợ 350.000 USD cho 20 công ty khởi nghiệp về lĩnh vực AI được chọn, Marc Woo, Giám đốc điều hành Google Việt Nam, cho biết trên LinkedIn vào tháng trước.
Gã khổng lồ công nghệ cũng đã có một mạng lưới lớn các nhà cung cấp tại Việt Nam lắp ráp các sản phẩm của mình, bao gồm cả điện thoại thông minh Pixel.
*****************************
Google đang cân nhắc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam
RFA, 29/08/2024
Google đang cân nhắc việc xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam. Reuters dẫn một nguồn tin biết rõ về thông tin này cho biết.
3333333333333333333333333
Hiện vẫn không rõ khi nào thì Google mới đưa ra quyết định cuối cùng nhưng nguồn tin cho Reuters biết các cuộc thảo luận về trung tâm dữ liệu sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2027. Reuters
Google đang xem xét việc thiết lập trung tâm dữ liệu "siêu lớn" gần Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn tin giấu tên cho Reuters biết.
Nguồn tin không cho biết độ lớn và mức đầu tư vào trung tâm dữ liệu này là bao nhiêu. Nếu điều này thành hiện thực thì đây sẽ là một tiếp sức cho Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á đến giờ phút này vẫn chưa thể thu hút được đầu tư vào các trung tâm dữ liệu từ các tập đoàn lớn nước ngoài vì cơ sở hạ tầng chắp vá, trong khi các công ty công nghệ lớn nước ngoài lại muốn để các trung tâm của họ ở các quốc gia cạnh tranh, theo Reuters.
Hiện vẫn không rõ khi nào thì Google mới đưa ra quyết định cuối cùng nhưng nguồn tin cho Reuters biết các cuộc thảo luận về trung tâm dữ liệu sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2027.
Người phát ngôn của Google từ chối đưa ra bình luận về kế hoạch mới này.
Các trung tâm siêu dữ liệu là lớn nhất trong ngành này với việc tiêu thụ điện được so sánh ngang với một thành phố.
Một trung tâm siêu dữ liệu có thể ngốn khoảng 50 megawatt điện và có vốn đầu tư khoảng từ 300 đến 650 triệu đô la, Reuters trích dẫn thông tin từ một báo cáo về các trung tâm dữ liệu ở Việt Nam trong năm nay.
Theo nguồn tin của Reuters, động thái mới của Google bắt nguồn từ việc một số lượng lớn các khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây nước ngoài ở Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á đang phát triển kinh tế số.
Hiện hai công ty có trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam đều là công ty Nhà nước bao gồm IDC Becamex và VNPT.
Nguồn : RFA, 29/08/2024
Ra đời vào cuối những năm 1990 với xuất phát điểm là một dự án sinh viên của hai nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford, giờ đây Google là một người khổng lồ về kỹ thuật số không thể thiếu trong thế giới internet. Nhìn lại một phần tư thế kỷ qua những sự kiện gây ấn tượng trong hành trình trở thành hiện tượng công nghệ toàn cầu của Google.
Ảnh tư liệu ngày 12/06/2027 : Larry Page, đồng sáng lập viên Google trong một buổi họp báo tại trụ sở của công ty tại Moutain View, California, Hoa Kỳ. AP - Paul Sakuma
Công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất trên thế giới vừa kỷ niệm 25 năm thành lập vào ngày 4 tháng 9 vừa qua. Vào ngày này năm 1998, hai nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Stanford (California), Larry Page và Sergey Brin, đã phát triển một công cụ tìm kiếm trên internet bằng một thuật toán mới nhằm giúp phân loại các trang web Internet theo số lượng các trang liên kết. Mục đích ban đầu chỉ là tạo thuận lợi cho công việc tra cứu của họ.
Đến giờ thì khỏi cần giới thiệu về vị thế thống trị của Google. Tháng 8 năm ngoái, người khổng lồ này có thị phần toàn cầu khoảng 92%. Đối thủ cạnh tranh gần nhất của Google là Bing, chiếm khoảng 3% thị phần, tiếp theo là Yahoo ! chỉ với hơn 1%. Chỉ riêng ở Trung Quốc (nơi Google đã bị cấm từ năm 2017) và ở Nga, Google mới có những đối thủ cạnh tranh thực sự. Ở hai nơi đó, Baidu và Yandex được ưa chuộng hơn.
Ra đời trong một ga-ra
Không liên quan gì đến Silicon Valley, không gian làm việc đầu tiên của Larry Page và Sergey Brin chính xác chỉ là một gara, nằm trên đại lộ Santa Margarita ở Menlo Park (California), được người bạn của họ là Susan Wojcicki cho thuê. Ông này sau đó trở thành giám đốc tiếp thị của Google (từ 1999 đến 2014), tiếp đó là tổng giám đốc của YouTube (2014-2023).
Năm 1999, Page và Brin thay đổi bối cảnh và đã chọn đặt văn phòng hiện đại của mình ở Mountain View, một trong những thành phố chính tạo nên Silicon Valley. Năm 2018, để đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập, Google đã bổ sung nội dung thăm "gara của Google" trên công cụ tham quan ảo StreetView.
Tên gọi xuất phát từ lỗi chính tả
Tên của người khổng lồ kỹ thuật số là biến dạng của một thuật ngữ toán học để chỉ dãy số tự nhiên lớn 10 lũy thừa 100 (tức 100 số không sau số 1). Sự lựa chọn tên này phản ánh mong muốn của người sáng lập trong việc tổng hợp số lượng lớn thông tin. Nhưng theo một diễn giải được lưu truyền, cái tên Google là kết quả của một lỗi chính tả khi đăng ký công ty, thuật ngữ toán học được đề cập đến ở đây thực ra phải được viết là "Googol".
Năm 1999, Google suýt bị bán
Một năm sau khi dự án ra đời, Larry Page và Sergey Brin dự định bán Google để tiếp tục thảnh thơi theo đuổi các công việc nghiên cứu của họ. Người mua tiềm năng không ai khác là Excite, một trong những cổng internet lớn nhất cùng với Yahoo !, Lycos và Netscape.
Sau khi được Vinod Khosla, một trong những nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất Silicon Valley cổ vũ, Google được chào giá một triệu, sau rút xuống 750 nghìn đô la. Nhưng cuối cùng Excite từ chối mua và thế là Page và Brin vẫn giữ lại công ty của mình. Cho đến giờ giá trị của nó được ước tính hơn 1000 tỷ đô la.
Sáng tạo hàng nghìn "doodles"
Doodle là từ để chỉ sự thay đổi tạm thời logo của Google để vinh danh một nhân vật quan trọng hay một sự kiện lớn nào đó. 20 năm sau từ hình vẽ doodle đầu tiên, nhóm thiết kế của Google đã tạo ra hàng nghìn hình biểu tượng để kỷ niệm ngày quốc tế nữ quyền, sinh nhật Charlie Chaplin, đến quốc khánh Bosnia – Herzegovina… Toàn bộ những hình đồ họa sinh động đó đều được Google lưu trữ và mọi người có thể tra cứu bất cứ lúc nào.
Từ 2006, Google trở thành động từ
Năm 2006, từ điển Anh ngữ Oxford đã bổ sung từ Google như là một động từ (to google) để chỉ việc tìm kiếm thông tin trên inertnet nói chung, bất kể sử dụng công cụ tìm kiếm nào.
Động từ này giờ đã được nhiều ngôn ngữ khác đưa vào từ điển. Thí dụ trong tiếng Pháp giờ có động từ googoliser hoặc googler, với nghĩa sử dụng công cụ tìm kiếm Google để có thông tin trên internet.
Dịch sang 80 ngôn ngữ
Được sử dụng trên toàn thế giới, giờ đây Google dịch trang chủ sang 80 ngôn ngữ, cũng như dịch vụ dịch tự động Google luôn sẵn sàng chuyển ngữ giữa những ngôn ngữ nói trên. Trong số này còn có nhiều thổ ngữ hoặc các ngôn ngữ có phạm vị sử dụng nhỏ lẻ như tiếng Somali, Mông Cổ, Népal, ngôn ngữ của các bộ tộc Zoulou, Maori, Punjabi…
Thậm chí, Klingon, ngôn ngữ được tộc người ngoài hành tinh cùng tên sử dụng trong loạt phim "Star Trek", cũng nằm trong số các lựa chọn ngôn ngữ có sẵn trong công cụ chuyển ngữ.
Vào tháng 8/2013, một sự cố ngừng dịch vụ nên Google không thể được truy cập được trong 11 phút đã khiến lưu lượng truy cập Internet toàn cầu giảm 40%.
Đối mặt với Apple, Google mua Android
Năm 2007, Google bắt đầu lên kế hoạch ra điện thoại di động riêng để cạnh tranh với Apple, một người khổng lồ khác trong thế giới công nghệ thông tin do Steve Jobs lãnh đạo. Trước tiên Google đã mua hệ điều hành cho các máy di động, Android, với giá khoảng 50 triệu đô la. Điện thoại di động Android đầu tiên, "Nexus One", ra mắt vào tháng Giêng năm 2010. Kể từ đó, nhiều công ty điện thoại di động khác (Samsung, Huawei, Sony, v.v.) cũng đã sử dụng Android.
Ngày nay, Android được trang bị cho hơn 3 tỷ thiết bị trên toàn thế giới. Tháng 8 năm ngoái, hệ điều hành này chiếm 71,75% thị phần, vượt xa tất cả các đối thủ cạnh tranh, trong đó lớn nhất chính là iOS của Apple độc quyền, chiếm 27,6% thị phần hệ điều hành di động trên thế giới, theo số liệu của Statista
YouTube, Waze, Uber các thương vụ mua lại và đầu tư khổng lồ
Con đường phát triển đã đưa Google lên sàn chứng khoán vào năm 2004, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình của công ty. Trong những năm qua, Google đã tính toán chiến lược mua lại các công ty như Waze, và đưa vào các tính năng có giá trị trong hệ sinh thái của mình, đặc biệt là Google Maps.
Hết vụ thôn tính này đến vụ khác, Google trở thành người khổng lồ công nghệ tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động rộng rãi như Android, YouTube, Waze, Blogger Trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2015, trung bình mỗi tuần Google mua lại một công ty mới.
Khi mà Google không mua lại các công ty, quỹ của hãng là Google Ventures tập trung vào đầu tư để chiếm cổ phần của các công ty khác. Tháng 8 năm 2013, hãng thực hiện một khoản đầu tư kỷ lục lên tới 257 triệu đô la vào công ty Uber. Năm 2022, Alphabet, công ty mẹ, trong đó Google là chi nhánh lớn nhất, đã đạt doanh số khoảng trên 282 tỷ đô la. Con số này của năm 2010 là 29,3 tỷ, 2020 lên 182,5 tỷ.
Rơi vào tầm ngắm của Ủy ban Châu Âu và tư pháp Mỹ
Năm 2018, Ủy ban Châu Âu phạt Alphabet một khoản tiền kỷ lục 4,3 tỷ đô la (năm 2022 được hạ xuống 4,125 tỷ), trong một vụ kiện tập đoàn này lạm dụng vị thế độc tôn để cạnh tranh không lành mạnh. Google cũng đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chống độc quyền Mỹ. Công ty bị bộ Tư pháp Mỹ và 9 bang khởi kiện vì cáo buộc làm tổn hại cạnh tranh bằng việc độc chiếm thị trường quảng cáo trực tuyến. Vụ án này sẽ bắt đầu vào ngày 12/09 tới đây. Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước khác như Canada trong tháng này đã thông qua các quy định pháp lý mới nghiêm ngặt hơn, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ thông tin thế giới, trong đó không thể thiếu Google.
(Theo france24.com)
Anh Vũ
Facebook ra mắt tính năng báo động khẩn cấp (VOA, 28/08/2019)
Facebook ngày 27/8 loan báo sắp trình làng một công cụ cung cấp cho người sử dụng thông tin có thể cứu mạng trong trường hợp khẩn cấp.
Công cụ ‘Local Alerts’ được thử nghiệm từ năm ngoái tại 300 thành phố và hiện được định áp dụng trên toàn nước Mỹ với mục đích cung cấp thông tin đáng tin cậy cho những ai bị mắc kẹt trong các sự cố như thiên tai hay xả súng.
Mạng lưới truyền thông xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã hỗ trợ người dùng khả năng thông báo cho bạn bè, người thân về sự an toàn của mình trong các trường hợp khẩn cấp, với tính năng gọi là ‘Safety Check’.
Với ‘Local Alerts’, các chủ tài khoản Facebook làm việc trong chính quyền địa phương hoặc thuộc lực lượng ứng cứu khẩn cấp như cảnh sát hay lính cứu hỏa có thể gửi đi các thông điệp để sau đó được lan truyền rộng rãi bằng Facebook.
********************
Cựu kỹ sư của Google bị tố đánh cắp bí mật thương mại (VOA, 28/08/2019)
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 27/8 đưa ra cáo buộc hình sự đối với Anthony Levandowski, người đi đầu trong công nghệ xe tự hành, về tội ăn cắp bí mật từ chủ cũ là công ty Google trước khi gia nhập tập đoàn đối thủ của Google là Uber Technologies Inc.
Chiếc Jaguar I-Pace được trang bị cảm ứng và radar của Waymo được giới thiệu tại New York, tháng 3 năm 2018.
Ông Levandowski nói ông vô tội và sẽ trưng bằng chứng chứng minh tại tòa.
Ông có thể đối mặt với nhiều năm tù và bị phạt tiền nếu bị tòa tuyên là có tội.
Vụ truy tố Levandowski là một trong những vụ án ăn cắp bí mật thương mại ‘nặng ký’ nhất của Thung lũng Silicon giữa cuộc đua phát triển công nghệ cho xe tự hành.
Bên công tố nói ông Levandowski đánh cắp tài liệu liên quan đến công nghệ xe tự hành của chi nhánh Waymo cuối 2015 đầu 2016, và rằng việc này diễn ra sau khi Levandowski quyết định rời bỏ công ty để thành lập doanh nghiệp riêng về xe tự hành tên là Ottomotto, mà sau này Uber mua lại.
Các tài liệu bị tố cáo đánh cắp bao gồm các chi tiết liên quan tới Lidar, công nghệ cảm ứng quan trọng, theo cáo trạng.
Luật sư của Levandowski nói các lần tải tài liệu bị nghi là có mục đích đánh cắp xảy ra trong lúc Levandowski vẫn còn làm việc tại tập đoàn Alphabet và rằng ông được phép dùng các thông tin đó.
********************
Trump ra lệnh rời Trung Quốc, các hãng Mỹ có nghe theo ? (VOA, 27/08/2019)
Tổng thống Trump ‘không có quyền’ yêu cầu các hãng xưởng Mỹ di dời khỏi Trung Quốc và động thái này có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chới với và đẩy kinh tế đi nhanh vào suy thoái mặc dù nó cũng khiến cho nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nặng nề, các phân tích gia cho biết.
Một cửa hàng của Apple ở Thương Hải
‘Không cần nghe’
"Chúng ta không cần đến Trung Quốc và nói thật, chúng ta sẽ tốt hơn nếu không có họ", ông Trump giận dữ viết trên Twitter hôm 23/8 ngay sau khi có tin Trung Quốc tiếp tục áp thuế trả đũa lên 75 tỷ đô là hàng hóa Mỹ. "Các công ty Mỹ vĩ đại được lệnh ngay lập tức phải tìm địa điểm thay thế Trung Quốc, trong đó có đưa công ty trở về nhà và sản xuất trên đất Mỹ".
Tuy nhiên, trên kênh Fox, các nhà bình luận cho rằng các hãng xưởng Mỹ không cần xem lời của ông Trump là nghiêm túc.
"Ông ấy có thể nói gì tùy ý, những tôi nghĩ các doanh nghiệp có thể không cần nghe", ông Oliver Hart, giáo sư Harvard từng đạt giải Nobel Kinh tế năm 2016, phát biểu trên kênh Fox Business. "Tôi không nghĩ rằng họ nên xem lời nói đó là nghiêm túc".
Ken Bertsch, giám đốc điều hành của Hội đồng các nhà Đầu tư Tổ chức, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào quản trị doanh nghiệp, nói với Fox rằng ông cũng cảm thấy như vậy.
"Ông ấy (Trump) có thể nói những gì ông ấy muốn, nhưng các công ty cần phải có tầm nhìn rộng hơn", ông Berch nói. "Tổng thống không có quyền ra lệnh cho các công ty phải làm gì".
Ông Hart cũng nói rằng Tổng thống thật sự không có quyền ra lệnh cho các doanh nghiệp làm bất cứ điều gì.
"Trừ phi Quốc hội ra luật, tôi không cho rằng Tổng thống là người mà các công ty nên lắng nghe", ông nói.
Giáo sư Hart cũng tin rằng cổ đông của các công ty có thể muốn thực hiện theo lời kêu gọi của Tổng thống hay không.
"Có khả năng các cổ đông sẽ nói rằng ‘Vâng, hãy làm điều này vì mặc dù nó không mang lại lợi nhuận, nhưng nó tốt cho đất nước’", ông nói. "Nhưng cũng có thể là họ sẽ nói ngược lại".
Còn theo tờ Washington Post, sắc lệnh bất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến mọi ngành nghề của Mỹ đang cố gắng hiểu xem là họ có nên xem đây là chuyện nghiêm túc hay không, và liệu Nhà Trắng sẽ thực thi nó như thế nào.
Các doanh nghiệp từ bán lẻ đến điện tử và hàng gia dụng mà phần đông trong số họ đã chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã kéo dài nhiều tháng đã liên hệ với các hiệp hội ngành nghề của họ để được hướng dẫn và chờ đợi thông báo chính xác hơn từ Nhà Trắng.
"Tôi đang cố gắng giữ bình tĩnh và không để mình bị lo lắng và bực mình, nhưng việc này càng trở nên khó khăn", Magi Raible, người sáng lập LiteGear Bag, hãng sản xuất vali có trụ sở tại Vallejo, tiểu bang California nói với Washington Post.
Bà nói bà sẽ có một cuộc họp vào tuần tới với các đồng nghiệp trong ngành để bàn bạc việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc để chuyển đến Ấn Độ hay Nam Phi.
Điều luật về quyền lực khẩn cấp
Tối 23/8, khi đặt chân đến Pháp để họp thượng đỉnh khối G7, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng ông sẽ dùng đến Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, vốn được ký thành luật hồi 1977, để hiện thực hóa mệnh lệnh của ông.
Theo bà Jennifer Hillman, giáo sư luật ở Đại học Georgetown và chuyên gia về thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Trump không có quyền yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.
Nhưng theo đạo luật mà ông Trump dẫn ra, ông ấy có thể chặn việc đưa tiền vào Trung Quốc trong tương lai, bà nói. Nhưng trước tiên, ông ấy phải đưa ra một ‘tuyên bố hợp pháp’ rằng đang xảy ra tình trạng khẩn cấp quốc gia, bà giải thích trên Washington Post.
Quốc hội có thể chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp này nếu muốn, bà nói.
"Hơn nữa, ngay cả khi tất cả những điều này xảy ra, nó cũng sẽ không có hiệu lực đối với tất cả các khoản đầu tư của Mỹ đã được thực hiện ở Trung Quốc", bà Hillman được Washington Post dẫn lời nói thêm.
"IEEPA không phải là không có giới hạn", ông Rod Hunter, một luật sư thương mại quốc tế ở Baker McKenzie và là giám đốc cao cấp về kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới chính quyền George W. Bush, được Washington Post dẫn lời nói. "Nếu ông Trump dùng điều luật này để hủy hoại quyền tài sản hiện có của công dân Mỹ thì chắc chắn sẽ có những thách thức pháp lý và Hiến pháp".
Các chuyên gia thương mại khác nói rằng ông Trump có trong tay những công cụ khác để thúc đẩy các công ty Mỹ dừng làm ăn ở Trung Quốc.
Trong đó có tiếp tục tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, như ông Trump đã làm hôm 23/8. Nhà Trắng cũng có thể trừng phạt các công ty không vâng lời bằng cách loại họ ra trong các hợp đồng cung ứng cho chính phủ liên bang, các nhà kinh tế cho biết.
‘Không trở lại Mỹ’
"Dòng tweet này cũng ông Trump cũng không hoàn toàn là lời nói rẻ tiền", ông Derek Scissors, một chuyên gia về ở Trung Quốc ở American Enterprise Institute, nói với Washington Post
Thông điệp này đã công khai những gì Trump đã nói riêng với các công ty trong hơn hai năm qua, ông William Reinsch, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết.
"Dù sao đi nữa, trên thực tế nhiều công ty đã tính đến việc dời đi", ông Reinsch nói cũng với Washington Post.
"Chi phí lao động đang tăng lên ở Trung Quốc, chế độ thì đàn áp và các công ty Mỹ tiếp tục chịu sự phân biệt đối xử", ông giải thích.
Một số nhà sản xuất hàng may mặc và điện tử đã dời khỏi Trung Quốc và xu thế này càng bị đẩy mạnh với việc Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu ngày càng cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Nhưng rất ít các công ty trong số này đã đưa việc làm trở lại Mỹ. Thay vào đó, họ đã chuyển sang các nước có chi phí thấp khác như Việt Nam hoặc Bangladesh.
Các ngành công nghiệp khác cũng muốn dời khỏi Trung Quốc nhưng họ nói rằng họ gặp khó khăn để tìm được chuỗi sản xuất có cùng chất lượng nhưng chi phí rẻ ở những nước khác.
"Các công ty muốn tìm địa điểm thay thế, nhưng việc này không thể xảy ra trong một đêm được", ông Jonathan Gold, phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn bán lẻ quốc gia, nói với Washington Post. "Ngay cả khi họ thật dời đi thì không may phần nhiều trong số họ sẽ không trở lại Mỹ. Chúng tôi đồng ý rằng Trung Quốc hành xử xấu, nhưng chúng ta cần quay trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại".
‘Đặt Apple vào thế khó’
Một số nhà phân tích cho rằng các dòng tweet của ông Trump là một động thái đặc biệt quyết liệt nhằm vào Apple và các công ty công nghệ khác, vốn đặt hệ thống sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Trong hàng chục năm, Apple đã trở nên gắn chặt với cơ sở hạ tầng lắp ráp thiết bị điện tử của Trung Quốc đến mức sẽ cực kỳ khó khăn cho họ để gỡ ra. Trong một trường hợp khả quan nhất, Apple sẽ mất 5 năm để chuyển một nửa sản lượng iPhone của họ ra khỏi Trung Quốc, ông Dan Ives thuộc công ty chứng khoán Wedbush Securities, nói.
Xét nhiều mặt, sự vươn lên của Apple trở thành một trong những công ty có giá trị cao nhất thế giới là nhờ vào sự hợp tác với Foxconn, một hãng Đài Loan đặt hệ thống sản xuất ở Trung Quốc.
Apple đưa ra ý tưởng cho các sản phẩm tiêu dùng, nhưng chính Terry Gou, người sáng lập Foxconn, mới biến chúng thành hiện thực vào đầu những năm 2000 bằng cách tận dụng năng lực sản xuất của Trung Quốc để chế tạo các thiết bị hào nhoáng với chi phí thấp để họ có thể có lãi, theo Washington Post.
Trước đây Apple đã từng lắp ráp các sản phẩm bên ngoài Trung Quốc, sản xuất máy tính với số lượng tương đối nhỏ ở Mỹ và khảo sát khả năng sản xuất iPhone ở Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng hãng này vẫn phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.
Trung Quốc với quy mô quá lớn cũng là một thị trường quan trọng cho doanh số bán iPhone. Điều này khiến Apple càng miễn cưỡng chấm dứt sự hiện diện sản xuất của họ ở quốc gia này. Trong quý tài chính thứ ba năm 2019, Trung Quốc chiếm 9,19 tỷ đô la doanh thu của Apple, so với 25 tỷ đô la ở toàn bộ Châu Mỹ, cũng theo tờ Washington Post.
‘Đã tính đến dời đi’
Rất nhiều ngành công nghiệp khác cũng dựa vào Trung Quốc. Delta Children, một nhà sản xuất đồ nội thất trẻ em của Mỹ, sản xuất khoảng 80% sản phẩm của mình tại Trung Quốc.
Ông Joe Shamie, chủ tịch công ty, cho biết trong những tháng gần đây, ông đã cố gắng chuyển sản xuất sang các nước khác, bao gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nhưng các nhà máy ở các nước đó đã hoạt động hết công suất với đơn đặt hàng.
Ông cũng đã cố gắng tìm cách sản xuất nệm ở Mỹ, ông nói, nhưng sẽ cần máy móc từ Trung Quốc trị giá khoảng 1 triệu đô la, mà mặt hàng này chịu mức thuế nhập khẩu 25% do chính quyền Trump áp đặt.
"Tôi đã cố gắng hết sức, và bây giờ quý vị lại muốn đánh thuế tôi cho máy móc tôi cần mua để sản xuất ở Mỹ ? Khôn quá đấy", ông nói mỉa mai trên Washington Post. "Đây là một thảm họa".
Công ty hàng thể thao Columbia Sportswear cho biết họ đã bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc khoảng 15 năm trước khi họ tìm thấy những nơi chi phí rẻ hơn ở Châu Á và Châu Phi. Công ty hiện mua hàng từ 19 quốc gia nhưng vẫn nhận khoảng 10% lượng hàng nhập khẩu của họ từ Trung Quốc.
"Trung Quốc không phải là nơi rẻ nhất trên thế giới để sản xuất nữa, nhưng những mặt hàng được nhập từ Trung Quốc rất chuyên dụng và khó mà chuyển đi nơi khác", ông Timothy Boyle, giám đốc điều hành công ty, được Washington Post nói.
LiteGear Bags từng sản xuất tất cả vali và phụ kiện ở Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, nhà sáng lập Raible nói rằng bà đã chi hàng chục ngàn đô la để chuyển khoảng một phần ba hoạt động của công ty sang Campuchia.
"Đây là một quá trình cực kỳ khó khăn", bà nói. "Họ phải mất hàng tháng để bắt nhịp được. Ý tôi là, đây là một nhà máy sản xuất túi đựng kính râm và đột nhiên tôi yêu cầu họ làm túi đeo vai và ba lô".
Phần lớn các sản phẩm của bà tiếp tục được sản xuất ở Trung Quốc, và bà cho biết thuế quan của chính quyền Trump đã khiến thuế nhập khẩu tăng lên 42,6% trên nhiều sản phẩm của bà, tăng từ 17,6% chưa đầy một năm trước. Bà đã phải sa thải nhân viên của mình ở Mỹ và thuê nhân viên hợp đồng theo giờ để giúp đỡ làm kế toán, chuyển hàng và thiết kế đồ họa.
Bản thân ông Trump từ lâu đã tận dụng sản xuất giá rẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, để sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Trump.
Trong cửa hàng bán lẻ được điều hành bởi Tổ chức Trump ở phía sau khách sạn Trump ở thủ đô Washington D.C, những chiếc mũ chơi golf và những tách cà phê có in tên ông Trump được sản xuất ở Trung Quốc vẫn tiếp tục được bày bán bên cạnh những sản phẩm khác sản xuất ở Indonesia, Việt Nam và các nước khác.
‘Lời kêu gọi trong ngắn hạn’
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giáo sư dạy MBA tại Trường Quản lý Keller, cho rằng chỉ có 10-15% khả năng các hãng xưởng Mỹ sẽ nghe theo mệnh lệnh này của ông Trump.
Ông Lộc nói không nên xem lời của ông Trump là mệnh lệnh mà chỉ là lời ‘kêu gọi trong ngắn hạn’ với hàm ý rằng ‘chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục với các đợt đánh thuế nên các hãng xưởng Mỹ làm ăn ở Trung Quốc về lâu dài sẽ không có lợi gì hết’.
Ông giải thích rằng ông Trump chỉ có thể thực thi mệnh lệnh một cách cưỡng ép nếu ông vận dụng đạo luật IEEPA mà theo đó ông được trao quyền hành khẩn cấp giống như trong trường hợp quốc gia đang có chiến tranh và tuyên bố các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc là ‘gây nguy hại cho an ninh của Mỹ’.
"Tuy nhiên điều này khó xảy ra vì ông Trump cần phải chứng minh tại sao các công ty đó gây ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ. Chắc chắn ông sẽ gặp thưa kiện", ông Lộc phân tích.
Ông nói với lời kêu gọi này của ông Trump thì chắc chắn các công ty Mỹ sẽ không đầu tư thêm hoặc giảm đầu tư ở Trung Quốc, nhưng rút đầu tư hoàn toàn như lời ông Trump thì ‘sẽ vẫn án binh bất động’.
Theo ông giải thích thì quá trình di dời phải mất ít nhất là 6 tháng cho đến một năm với chi phí từ hàng trăm triệu cho đến cả tỉ đô la để xây dựng dây chuyền sản xuất ở nơi khác. Hơn nữa, sự gián đoạn trong quá trình sản xuất rồi chi phí đắt đỏ hơn ở nơi mới khiến họ mất thị trường, chưa kể mất đi thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Ngay cả khi di dời thì các hãng xưởng này cũng không về Mỹ mà sẽ tìm đến các quốc gia có chi phí thấp tương tự vì ở Mỹ chi phí kinh doanh đắt đỏ cộng với những điều luật khắt khe về lao động và môi trường, ông cho biết.
Ông nói rằng các công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các công ty công nghệ vốn đặt ở Trung Quốc rất nhiều. Mà các công ty này góp phần tạo nên sức mạnh kinh tế Mỹ trong thời gian qua vì chúng giữ cho chỉ số chứng khoán Mỹ luôn ở mức cao.
"Nếu thực sự các công ty này chuyển về Mỹ thì nhiều khả năng Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2020 vì ngay lập tức các công ty lớn nhất mỹ sẽ giảm bớt đầu tư, mất đi lợi nhuận làm ảnh hưởng đến GDP", ông giải thích.
"Khi dời đi họ bị gián đoạn về chuỗi cung ứng khiến giá cả hàng hóa tăng rất nhiều và gây ảnh hưởng dây chuyền đến sức tiêu dùng của người dân khiến cho người dân Mỹ thắt lưng buộc bụng không dám tiêu xài trong khi FED sẽ gia tăng lãi suất. Cộng với áp lực thuế quan sẽ khiến kinh tế Mỹ đi vào suy thoái", ông nói thêm.
Còn về kinh tế Trung Quốc, ông Lộc cho rằng ‘sẽ bị gián đoạn rất mạnh vì các nhà thầu lớn nhỏ của Trung Quốc gia công cho các hãng Mỹ ‘sẽ phải đóng cửa, sa thải hàng loạt’.
Tuy nhiên ông cho rằng việc gián đoạn này ‘không đến mức làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc’ mà chỉ làm cho nền kinh tế Trung Quốc ‘không đủ để nuôi dân’ và ‘người dân nước này sẽ nghèo đói’.
"Nếu bắt các hãng xưởng Mỹ quay về sẽ làm lụn bại kinh tế Trung Quốc, đẩy kinh tế Mỹ đi vào suy thoái và kinh tế thế giới đi vào suy thoái. Chắc chắn vậy", ông Lộc nói.
Với doanh thu trong năm 2017 cao gần gấp 5 lần tổng sản phẩm nội địa GDP của cả nước Cam Bốt, Google gần như chiếm thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực công nghệ số. Để bước lên đỉnh cao, công ty do Larry Page và Sergey Brin sáng lập đã khai mở nhiều con đường mới cho thế giới tin học. Hai mươi năm nữa Google sẽ ra sao ?
Ảnh minh họa. Reuters/Dado Ruvic/Illustration/File Photo
Nhà báo Lise Barcellini đài truyền hình France 24 giới thiệu về công ty đóng đô tại Mountain View, California, được thành lập cách này đúng 20 năm.
"Trong 20 năm, Google trở thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Theo các thống kê chính thức, cứ mỗi giây, có 69.623 người sử dụng công cụ tìm kiếm này. Như vậy là mỗi ngày có sáu tỷ rưỡi lượt truy cập. Với khối lượng ấy, doanh thu của Google đương nhiên là một con số khổng lồ : 110,85 tỷ đô la. Con số này khiến ta phải chóng mặt nhất là khi biết rằng Google là một tập đoàn còn non trẻ, mới hoạt động được 20 năm.
Cần nói thêm là cổng tìm kiếm Google gần như chiếm thế độc quyền. Hơn 90 % các đợt truy cập tìm kiếm thông tin đều phải qua Google. Điều đó cho thấy Google đã len lỏi vào đời sống của mỗi người và hiện diện ở khá nhiều lĩnh vực : Google Maps chỉ đường cho người đi bộ, đi xe ; Google còn là một thông dịch viên, là nguồn cung cấp thông tin đọc nhanh cho bạn. Với hệ thống Youtube, Google cung cấp luôn cả hình ảnh, âm thanh cho người sử dụng".
Google ngày nay là một công ty sử dụng 89.000 nhân viên trên thế giới, có doanh thu trên 110 tỷ đô la (năm 2017), lãi 12,5 tỷ. Tập đoàn do Sergey Brin và Larry Page, hai cựu sinh viên đại học Stanford của Mỹ lập ra vào tháng 9/1998, là một công ty con của Alphabet, một "con bạch tuộc với 14 cái vòi" vươn vào 14 địa lĩnh vực khác nhau, từ trí thông minh nhân tạo đến xe hơi không người lái, từ y tế đến an ninh mạng...
Riêng Google chỉ tập trung vào một số lĩnh vực : video mạng qua hệ thống Youtube, dịch vụ tìm kiếm thông tin, Google Chrome, hệ điều hành Android và Google Maps để chỉ đường...
Khai mở bốn con đường
Google đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của hầu hết những ai dùng internet trên thế giới. Để có được ngày nay, Google đã đem lại 4 cuộc cách mạng trong ngành tin học.
Để lập ra một chương trình giúp người sử dụng tìm kiếm thông tin, Page và Brin đi từ nguyên tắc, trang nào càng nhiều người xem thì càng "có giá". Nhà báo Damien Leloup của tờ báo chuyên ngành Pixels nhận định :
"Page và Brin dùng algorithme để xắp xếp thứ tự ưu tiên các kết quả tìm kiếm. Phương pháp đó gọi là Pagerank. Nhờ công cụ này, khi gõ cửa Google, người ta ít khi nào thất vọng. Google đã tìm ra một phương pháp mới để sắp xếp lại thứ tự các trang tìm kiếm, đem lại những câu giải đáp cho người hỏi trong thời gian ngắn nhất và một cách hiệu quả nhất. Sức mạnh của công cụ tìm kiếm đó chính là những người sử dụng và số lượt trang được kết nối với nhau về cùng một chủ đề".
Cuộc cách mạng thứ nhì Google đã tiến hành là trong lĩnh vực quảng cáo. Marissa Mayer, cựu phó chủ tịch Google, giải thích : ban đầu Google không có không gian giành cho các nhà quảng cáo nhưng một khi đã chen chân vào lĩnh vực này, thì Google đưa ra khái niệm "quảng cáo nhắm chung mục tiêu", tức là khi bạn cầm tìm kiếm về một chủ đề gì, bên cạnh các kết quả tìm kiếm sẽ có những trang quảng cáo về mặt hàng hay dịch vụ mà bạn đang cần tìm. Thí dụ như nếu ta sử dụng Google để tìm một hãng sửa xe hơi gần nhà, thì lập tức bạn nhận được các chương trình quảng cáo xe hơi.
Lise Barcellini, nhà báo của đài truyền hình France 24, giải thích rõ hơn về bí quyết của Google trên thị trường quảng cáo :
"Toàn bộ mô hình phát triển của Google ngay từ năm 2000 dựa trên một bí quyết. Đó là tạo ra một công cụ và không gian mới cho các nhà quảng cáo mà ở đó mỗi chiến dịch quảng cáo bám sát nhu cầu của đối tượng muốn nhắm tới. Không phải ai cũng nhận được những chương trình quảng cáo như nhau. Đó là một bước đột phá rất quan trọng, một con đường đã được Google khai mở, dựa trên sở thích hay nhu cầu của người sử dụng internet".
Sáng kiến theo sát chân người sử dụng để có những chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất ấy, cho phép Google thu vào 95 tỷ đô la tiền quảng cáo trong tài khóa 2017, cao gấp 1.400 lần so với hồi năm 2001.
Nhưng để hút được tới 95 tỷ đô la tiền quảng cáo một năm, Google đã không ngừng "đi tìm những công cụ mới". Đó chính là điều mà giới trong ngành gọi là "cuộc cách mạng thứ ba", do cặp bài trùng Brin và Page tiến hành.
Trả lời một chương trình truyền hình năm 2014, Larry Page giải thích : Một trong những vai trò của Google là sáng tạo, để tạo ra những công cụ mới, những nhu cầu mới... mà nếu như ban đầu Google không nghĩ ra những công cụ mới đó, thì phải đi tìm những công ty nào có những sáng kiến mới lạ, rồi mua lại những công ty đó. Trong số này phải kể tới số tiền 1,65 tỷ đô la để mua lại Youtube hồi năm 2016.
Trong 20 năm Google đã mua lại 226 công ty thuộc lĩnh vực "công nghệ tương lai". Để so sánh thì một cây đại thụ khác là Microsoft được lập ra năm 1972 tới nay mới chỉ mua lại 209 hãng. Apple bị bỏ xa lại phía sau với 97 thương vụ !
Bước đột phá thứ tư của Google là thế (gần như) độc quyền : 85 % điện thoại di động lưu hành trên hành tinh sử dụng hệ Android của Google. Google chiếm 90 % thị trường "tìm kiếm thông tin". Để có được thế áp đảo đó, tập đoàn có trụ sở ở Mountain View dựa trên hai nguyên tắc : Một là cải thiện các dịch vụ cung cấp sao cho hiệu quả nhất, để người sử dụng "quên luôn" những đối thủ của Goole. Hai là đầu tư vào những lĩnh vực còn "rất phiêu lưu" mà điển hình là phòng thí nghiệm Google X hay những sản phẩm còn đang trong quá trình thử nghiệm, như xe hơi không người lái ...
Nhà báo của đài France 24 Lise Barcellini trình bày :
"2004, tức chỉ sáu năm sau khi được hình thành, Google đã tham gia sàn chứng khoán và gây nhiều tiếng vang trong số các tập đoàn có chỉ số Nasdaq ở Mỹ. Giờ đây trên thị trường này, Google đứng hàng thứ ba, chỉ thua có Apple và Amazon. Nói chính xác hơn là Google Alphabet đứng thứ ba trong số các tập đoàn tham gia chỉ số Nasdaq, bởi vì từ 2015, các nhà sáng lập ra Google đã tìm cho Google một công ty mẹ, mang tên là Alphabet. Trong đại gia đình này, Google chỉ là một con gà đẻ trứng vàng, đem tiền về nuôi tất cả các thành viên khác. Cũng cần biết rằng, Google Alphabet tựa như một con bạch tuộc, đã vươn vòi đến rất nhiều các lĩnh vực kinh tế, từ các dụng cụ kết nối đến y tế và kể cả những hoạt động mang tính phiêu lưu nhất".
Mô hình "cá mập"
Với mô hình phát triển hoàn toàn mới lại đó, kể từ khi vào cuộc, Google đã hạ gục khá nhiều tên tuổi trong thế giới mạng. Chỉ riêng dịch vụ thư điện tử Gmail đã lấn át hết tất cả những đối thủ như Hotmail, Caramail và cả Yahoo...
Năm 1997, Internet Explorer thống lĩnh thị trường phần mềm. Vào thời điểm 2002-2013, khi kiểm soát gần 95 % thị phần, Internet Explorer không thể nào nghĩ rằng sẽ bị khai tử vì Google vào năm 2015. Ngoài Internet Explorer, Kelkoo của Châu Âu chuyên về các dịch vụ mua bán trên mạng từ 2002 đã bị Google Shopping dồn vào chân tường, để rồi giờ đây người sử dụng internet không còn mấy ai biết tới Kelkoo.
Thêm một dự án của Châu Âu để cạnh tranh Google bị chết yểu là Quaero. Đây là một chương tình hợp tác giữa Pháp và Đức, được khởi động năm 2005. Quaero có tham vọng trở thành một cổng vào tìm kiếm để phục vụ đại chúng và các doanh nghiệp. Nhưng đến năm 2013 sau khi đã chi ra 198 triệu euro thì Berlin và Paris đồng ý dừng lại các phí tổn vô ích này.
Bên cạnh những thành công rực rỡ đó, Google cũng đã trải qua nhiều thất bại. Nhiều dự án tốn kém nhưng không đem lại những kết quả mong đợi. Mạng xã hội Google + không thể đọ sức với những Facebook hay Twitter. Google đã chậm chân, để Facebook phỗng tay trên những công cụ quý giá như Instagram hay Whatsapp.
Thế gần như độc quyền của Google liên tục bị công kích. Châu Âu đã hai lần phạt nặng Google "bóp ngạt" các đối thủ, gây trở ngại cho cạnh tranh. Google cũng bị tai tiếng trốn thuế, như vụ chuyển 16 tỷ đô la sang các thiên đường thuế khóa bị phanh phui hồi năm 2016.
Google trong 20 năm nữa ?
Nhưng câu hỏi quan trọng có lẽ là sau hai thập niên không ngừng cải tiến và làm đổi mới toàn cảnh trong ngôi làng công nghệ số, trong 20 năm nữa Google và công ty mẹ Alphabet sẽ ra sao ?
Vào lúc hội chợ xe hơi Paris 2018 vừa mở ra, với một vị trí quan trọng dành cho xe không người lái, thì nhiều nhà quan sát quả quyết rằng với Waymo, Google sẽ tiên phong trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, với tất cả những thiết bị kết nối được trang bị trong nhà, nơi công sở …. Google sẽ càng len lỏi sâu hơn vào đời sống của mỗi chúng ta.
Google càng nâng cao các chức năng để giảm bớt gánh nặng cho mỗi con người trong cuộc sống hàng ngày, thì càng nắm giữ nhiều dữ liệu và thông tin về người sử dụng. Hiềm nỗi, những dữ liệu ấy được cất giấu trong một không gian ảo mà không ai biết rõ chúng được bảo mật tới mức độ nào, được khai thác tới đâu.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 02/10/2018