Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lý do khiến người ngoài khó có thể hiểu được cuộc chiến Hamas-Israel là bởi vì có đến ba cuộc chiến đang diễn ra cùng lúc : một cuộc chiến giữa người Do Thái ở Israel và người Palestine, vốn đã bị một nhóm khủng bố làm trầm trọng thêm ; một cuộc chiến trong các xã hội Israel và Palestine về tương lai của họ ; và một cuộc chiến giữa Iran và các lực lượng ủy nhiệm với Mỹ và các đồng minh.

hamas1

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu trước đám đông trong chuyến thăm trại tị nạn Jenin ở Thành phố Jenin ở Bờ Tây, ngày 12 tháng 7 năm 2023. [EPA-EFE/Alaa Badarneh]

Nhưng trước khi đi sâu vào ba cuộc chiến đó, điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là : Có một công thức duy nhất có thể tối đa hóa cơ hội giúp các thế lực đứng đắn chiếm ưu thế trong cả ba cuộc chiến. Đó là công thức mà tôi nghĩ Tổng thống Biden đang thúc đẩy, ngay cả khi ông không thể trình bày công khai tất cả vào lúc này – và tất cả chúng ta nên thúc đẩy nó cùng với ông : Hamas nên bị đánh bại, càng có nhiều dân thường Gaza thoát nạn càng tốt, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel và các đồng minh cực đoan của ông phải bị loại bỏ, tất cả các con tin được trả tự do, Iran bị răn đe, và Chính quyền Palestine ở Bờ Tây có thể hồi sinh quan hệ đối tác với các quốc gia Ả rập ôn hòa.

Cần đặc biệt chú ý đến điểm cuối cùng : Một Chính quyền Palestine được cải tổ là nền tảng cho các lực lượng ôn hòa, đứng đắn, và sẵn sàng chung sống với nhau giành chiến thắng trong cả ba cuộc chiến. Nó là nền tảng để khôi phục giải pháp hai nhà nước. Nó là nền tảng để bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia, cũng như với thế giới Hồi giáo Ả rập rộng lớn hơn. Và nó là nền tảng để tạo ra một liên minh giữa Israel với những nước Ả rập ôn hòa, Mỹ, và NATO, một liên minh có thể làm suy yếu Iran và các nhóm ủy nhiệm của họ là Hamas, Hezbollah, và Houthi – cả ba nhóm đều không có mục tiêu tốt đẹp.

Thật không may, như phóng viên quân sự của Haaretz, Amos Harel, đã đưa tin hôm thứ Ba, Netanyahu "bị trói buộc bởi phe cực hữu và những người định cư, những người đang chiến đấu trong một cuộc chiến tổng lực chống lại ý tưởng về bất kỳ sự tham gia nào của Chính quyền Palestine ở Gaza, chủ yếu do lo ngại rằng Mỹ và Saudi Arabia sẽ khai thác động thái này để khởi động lại tiến trình chính trị và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước theo cách buộc Israel phải nhượng bộ ở Bờ Tây". Vì vậy, Netanyahu, "dưới áp lực từ các đối tác chính trị của mình, đã cấm mọi cuộc thảo luận về lựa chọn này".

Nếu Netanyahu bị "trói buộc" bởi quyền lực chính trị của mình, Biden cần phải hết sức cẩn trọng để không trở thành một trong những kẻ trói buộc Netanyahu. Bởi đó không phải là cách để chiến thắng ba cuộc chiến này cùng một lúc.

Cuộc chiến đầu tiên và rõ ràng nhất trong ba cuộc chiến là trận đánh mới nhất trong cuộc đối đầu đã kéo dài hàng thế kỷ giữa hai dân tộc bản địa – người Do Thái và người Palestine – trên cùng một vùng đất, nhưng có một điểm mới : Lần này phía Palestine không được lãnh đạo bởi Chính quyền Palestine, lực lượng mà theo Thỏa thuận Oslo đã cam kết đi đến giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới tồn tại trước cuộc chiến năm 1967, mà được lãnh đạo bởi Hamas, một tổ chức chiến binh Hồi giáo với mục tiêu tiêu diệt bất kỳ nhà nước Do Thái nào.

Vào ngày 7/10, Hamas đã phát động chiến tranh hủy diệt. Bản đồ duy nhất mà các chiến binh Hamas mang theo bên mình không phải là một bản đồ hai nhà nước, mà là loại bản đồ có thể giúp họ tìm được nhiều người nhất ở kibbutzim (khu định cư) của Israel, sau đó giết hại hoặc bắt cóc càng nhiều người càng tốt.

Dù tôi tin chắc rằng việc chấm dứt sự cai trị của Hamas ở Gaza – điều mà mọi chế độ Ả rập theo dòng Sunni, ngoại trừ Qatar, đang âm thầm ủng hộ – là cần thiết để mang lại cho cả người dân Gaza lẫn người dân Israel hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, thì nỗ lực chiến tranh của Israel vẫn sẽ mất đi tính chính danh và trở nên không bền vững, trừ phi lính Israel chịu quan tâm nhiều hơn đến thường dân Palestine. Cuộc xâm lược của Hamas và cuộc phản công vội vã của Israel đang gây ra một thảm họa nhân đạo ở Gaza, qua đó càng nhấn mạnh rằng Israel cần một đối tác Palestine hợp pháp để giúp quản lý Gaza trong giai đoạn hậu chiến.

Cuộc chiến thứ hai, có liên quan rất nhiều đến cuộc chiến thứ nhất, là cuộc đấu tranh trong các xã hội Palestine và Israel về tầm nhìn dài hạn tương ứng của họ.

Hamas lập luận rằng đây là một cuộc chiến sắc tộc-tôn giáo giữa người Palestine chủ yếu theo đạo Hồi và người Do Thái, và mục tiêu của tổ chức này là thành lập một nhà nước Hồi giáo trên toàn bộ Palestine, từ Sông Jordan đến Địa Trung Hải. Đối với Hamas, kẻ chiến thắng sẽ có tất cả.

Tại Israel, cũng có một quan điểm cực đoan tương tự như của Hamas. Những người định cư theo chủ nghĩa Do Thái thượng đẳng đang hiện diện trong nội các của Netanyahu không phân biệt giữa những người Palestine ủng hộ Hiệp định Oslo và những người Palestine ủng hộ Hamas. Họ coi tất cả người Palestine đều là hậu duệ thời hiện đại của người Amalekite. Như tạp chí Mosaic đã giải thích, người Amalekite là một bộ tộc du mục sa mạc được nhắc đến khá nhiều trong Kinh Thánh. Họ sinh sống ở phía bắc Negev ngày nay, gần Dải Gaza, và chuyên làm ‘nghề’ cướp bóc.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người định cư Do Thái không thể ngừng nói về việc xây dựng lại các khu định cư ở Gaza. Họ muốn có một Đại Israel từ sông tới biển. Netanyahu đã chấp nhận các đảng cực hữu này cùng với chương trình nghị sự của họ để thành lập chính phủ của mình, và giờ đây, ông không thể trục xuất họ mà không mất đi quyền lực.

Tuy nhiên, trong các cộng đồng Israel và Palestine, cũng có những người coi cuộc chiến này là một chương trong cuộc đấu tranh chính trị giữa hai nhà nước, mà mỗi bên đều có một lượng công dân đa dạng tin rằng cuộc chiến này không nhất thiết phải là một mất một còn. Họ đã hình dung việc phân chia lãnh thổ thành một nhà nước Palestine với người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo – và thậm chí cả người Do Thái – ở Bờ Tây, Gaza, và Đông Jerusalem, cùng tồn tại hòa bình với một nhà nước Israel có sự pha trộn giữa người Do Thái, người Ả rập, và người Druze.

Những người theo chủ nghĩa hai nhà nước này hiện đang ở thế phòng thủ trong cả hai cộng đồng, đối đầu với những người theo chủ nghĩa một nhà nước. Vì vậy, lợi ích cao nhất của Mỹ và tất cả những nước ôn hòa là đem giải pháp hai nhà nước quay trở lại. Điều đó sẽ đòi hỏi một Chính quyền Palestine được hồi sinh, được loại bỏ nạn tham nhũng và thói kích động bài Do Thái, đồng thời có các lãnh đạo và lực lượng an ninh đáng tin cậy. Đây là lúc các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia, cùng với Mỹ, nên can dự ngay lập tức.

Bất kỳ giải pháp hai nhà nước nào trong tương lai đều sẽ không trở thành hiện thực nếu không có một Chính quyền Palestine hợp pháp, đáng tin cậy, mà Israel tin tưởng giao cho quyền quản lý Gaza và Bờ Tây thời hậu Hamas. Nhưng điều đó không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận của Israel ; nó cũng yêu cầu người Palestine phải hành động. Liệu họ có đủ khả năng không ?

Sự hợp tác của người Palestine cũng là điều không thể thiếu để chiến thắng trong cuộc chiến thứ ba, cũng là cuộc chiến khiến tôi lo sợ nhất.

Đó là cuộc chiến giữa Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ – Hamas, Hezbollah, lực lượng dân quân Houthi và Shiite ở Iraq – chống lại Mỹ, Israel, và các quốc gia Ả rập ôn hòa như Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, UAE, và Bahrain.

Cuộc chiến này không chỉ xoay quanh bá quyền, sức mạnh quân sự và năng lượng, mà còn là cuộc chiến về các giá trị. Israel và Mỹ đại diện cho sự thúc đẩy các khái niệm nhân văn phương Tây về trao quyền cho phụ nữ, dân chủ đa sắc tộc, đa nguyên, khoan dung tôn giáo, và pháp quyền – vốn là mối đe dọa trực tiếp đối với nền thần quyền Hồi giáo coi thường phụ nữ của Iran, với sự tàn bạo được thể hiện mỗi ngày khi phụ nữ Iran bị bỏ tù, thậm chí giết hại một cách tàn nhẫn, chỉ vì không che kín tóc của họ.

Dù các đồng minh Ả rập của Mỹ và Israel không phải là các nền dân chủ – và cũng không muốn trở thành các nền dân chủ – nhưng giới lãnh đạo các nước này đều đang rời xa mô hình cũ là xây dựng tính chính danh thông qua phản kháng – phản đối Israel, Mỹ, Iran, và người Shiite được Iran hậu thuẫn – và hướng tới xây dựng tính chính danh bằng cách tạo dựng khả năng phát triển cho tất cả người dân (thông qua giáo dục, kỹ năng, và nâng cao nhận thức về môi trường) để họ có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Nhưng đó không phải là chương trình nghị sự của Iran. Câu chuyện về sức mạnh là câu chuyện ai sẽ trở thành bá chủ khu vực. Một bên là Iran theo phái Shiite, có quan hệ với Nga, đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới Iraq, Syria, Lebanon, và Yemen. Bên còn lại là Saudi Arabia do người Ả rập theo phái Sunni thống trị, đang ngấm ngầm liên minh với Bahrain, UAE, Jordan, Ai Cập, và Israel, và tất cả đều được Mỹ hậu thuẫn. Trong cuộc chiến thứ ba này, mục tiêu của Iran là đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông, tiêu diệt Israel và đe dọa các đồng minh Ả rập theo dòng Sunni của Mỹ, đồng thời buộc họ phải tuân theo ý muốn của mình.

Trong cuộc chiến này, Mỹ đang phô trương sức mạnh thông qua hai nhóm tàu sân bay (aircraft carrier) đóng ở Trung Đông. Trong khi đó, Iran chống lại chúng ta bằng cái mà tôi gọi là "tàu" mặt đất (landcraft carriers) – một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Syria, Gaza, Bờ Tây, Yemen, và Iraq đóng vai trò là đơn vị tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ và Israel, với mức độ chết người tương tự như các tàu sân bay của chúng ta.

Cuộc chiến thứ ba này đã bắt đầu leo thang từ ngày 14/09/2019, khi Iran tiến hành một cuộc tấn công táo bạo, vô cớ, bằng máy bay không người lái, nhắm vào hai cơ sở chế biến dầu lớn của Saudi Aramco ở Abqaiq và Khurais. Chính quyền Trump đã không làm gì để đáp trả. "Đó là một cuộc tấn công nhắm vào Saudi Arabia, chứ không phải là một cuộc tấn công nhắm vào chúng ta", Donald Trump nói. Sang ngày 17/01/2022, lực lượng dân quân Houthi ở Yemen, do Iran hậu thuẫn đã tấn công Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất bằng tên lửa và máy bay không người lái, gây ra 1 vụ cháy gần sân bay Abu Dhabi và một vụ nổ xe chở nhiên liệu khiến 3 người thiệt mạng. Một lần nữa, Mỹ không có phản ứng nào.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vào ngày 7/10, Hamas đã dám tiến hành cuộc tấn công tàn sát vào biên giới phía tây của Israel ; ngay sau đó, Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm của Iran, cũng bắt đầu các cuộc tấn công tên lửa hàng ngày dọc theo biên giới phía bắc của Israel, trong khi Houthi bắt đầu phóng máy bay không người lái vào mũi phía nam của Israel, bắt giữ một con tàu ở Biển Đỏ và tấn công hai con tàu khác.

Tôi tin rằng cuộc tấn công do chế độ thần quyền căm ghét người Do Thái ở Iran nhắm vào Israel từ phía tây, phía bắc, và phía nam là một mối đe dọa mang tính sống còn đối với Israel. Tất cả những gì Iran cần làm là yêu cầu Hamas, Hezbollah, và Houthi phóng một quả tên lửa mỗi ngày vào Israel, và hàng chục nghìn người Israel sẽ từ chối trở về nhà của họ dọc theo các khu vực biên giới đang chìm trong khói lửa. Đất nước Israel sẽ dần thu hẹp lại – hoặc tệ hơn thế.

Hãy xem xét nghiên cứu của nhà kinh tế học người Israel Dan Ben-David, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Shoresh tại Đại học Tel Aviv. Ở một đất nước có chín triệu dân, 21% học sinh lớp một của Israel là người Do Thái chính thống giáo cực đoan, và đa số trong nhóm này sẽ lớn lên mà gần như không có nền giáo dục thế tục. Ngoài ra còn có 23% là người Israel gốc Ả rập, những đứa trẻ theo học ở các trường công lập có nguồn kinh phí eo hẹp và thiếu thốn nhân viên. Ben-David chỉ ra rằng "chưa đến 400.000 cá nhân đang chịu trách nhiệm giữ Israel ở trong nhóm các nước phát triển".

Chúng ta đang nói về những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, kỹ thuật viên, chuyên gia mạng, và nhà đổi mới của Israel, những người thúc đẩy nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia khởi nghiệp này. Ngày nay, đại đa số họ đều có động lực và đang ủng hộ chính phủ Israel. Nhưng nếu Israel không thể duy trì ổn định biên giới hoặc các tuyến đường vận chuyển, một số trong số 400.000 người này sẽ quyết định di cư.

Ben-David nhận định "Nếu một lượng lớn người trong số họ quyết định rời đi, hậu quả đối với Israel sẽ rất thảm khốc". Sau cùng thì, "trong năm 2017, 92% tổng doanh thu thuế thu nhập chỉ đến từ 20% người trưởng thành" – trong đó 400.000 người chịu trách nhiệm làm giàu cho đất nước đã đóng góp 92% số thuế.

Nếu Iran chiến thắng trong cuộc chiến này, tham vọng đè bẹp bất kỳ đối thủ nào bằng "tàu mặt đất" của họ sẽ chỉ tăng lên. Israel có thể đáp trả dữ dội và có khả năng tấn công sâu vào Iran. Nhưng sau cùng, để phá vỡ vòng vây siết chặt của Iran, Israel cần các đồng minh là Mỹ, NATO, và các quốc gia Ả rập ôn hòa. Tương tự, Mỹ, NATO, và các quốc gia Ả rập ôn hòa cũng cần Israel.

Nhưng một liên minh như vậy sẽ không thể được thành lập nếu Netanyahu tiếp tục chính sách làm suy yếu Chính quyền Palestine ở Bờ Tây – về cơ bản, chính sách này sẽ cho Israel và 7 triệu người Do Thái của nước này quyền kiểm soát vô thời hạn đối với 5 triệu người Palestine ở Gaza và Bờ Tây. Các lực lượng thân Mỹ trong khu vực và Biden không thể và sẽ không tham gia vào điều đó.

Vì vậy, tôi sẽ kết thúc ở nơi tôi đã bắt đầu, nhưng tôi hy vọng mình đã làm rõ ba điều :

1. Nền tảng then chốt để giành chiến thắng trong cả ba cuộc chiến là một Chính quyền Palestine ôn hòa, hiệu quả, và hợp pháp, có đủ khả năng thay thế Hamas ở Gaza và trở thành đối tác tích cực, đáng tin cậy cho giải pháp hai nhà nước với Israel, từ đó cho phép Saudi Arabia và các quốc gia Hồi giáo Ả rập khác có thể biện minh cho việc bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái và cô lập Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

2. Lực lượng phản đối chính là Hamas và liên minh cực hữu của Netanyahu, liên minh này sẽ từ chối làm bất cứ điều gì để xây dựng lại, chứ chưa nói đến mở rộng, vai trò của Chính quyền Palestine.

3. Israel và Mỹ không thể tạo ra một liên minh khu vực bền vững thời hậu Hamas, hoặc ổn định Gaza về mặt lâu dài chừng nào Netanyahu còn giữ chức Thủ tướng Israel.

Thomas L. Friedman

Nguồn : "Understanding the True Nature of the Hamas-Israel War", New York Times, 28/11/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/12/2023

Thomas L. Friedman là chuyên gia bình luận về lĩnh vực đối ngoại của New York Times. Ông làm việc tại tòa soạn kể từ năm 1981 và đã giành được ba Giải Pulitzer. Ông còn là tác giả của bảy cuốn sách, trong đó có cuốn "Từ Beirut đến Jerusalem" đã giành được Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ.

Published in Diễn đàn
jeudi, 09 novembre 2023 22:42

Tương lai nào cho Hamas ?

Lời giới thiệu : Giữa lúc có những đồn đoán về số phận của các lãnh đạo Hamas, để hiểu rõ hơn tổ chức này, không thể không đọc bài của chuyên gia Trung Đông, Nguyễn Ngọc Hùng (Ngoc Hung Nguyen)] – Huy Đức

Đôi lời : 1/ Tác giả có hơi quá lời chăng, khi ca ngợi Hamas "kiên cường", vì thực tế tổ chức này là tay sai của Iran, được Iran viện trợ vũ khí, được Qatar tài trợ hàng tháng bằng những va li tiền mặt. 2/ Việc Hamas từ bỏ bạo lực như tác giả nói là không thể nào xảy ra, vì trong hiến chương đã ghi rõ là tiêu diệt Do Thái. 3/ Nhiều nước Ả Rập ôn hòa không ưa gì Hamas, ủng hộ việc xóa sổ tổ chức khủng bố này - Thụy My đăng để rộng đường dư luận).

hamas01

Hơn 16 năm qua, Hamas thực sự là thế lực cai quản hoàn toàn Gaza, độc lập với Chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas.

Cuộc chiến Gaza giữa Hamas với Israel lần này xem ra không thể có chuyện ngưng bắn mà Hamas vẫn tồn tại căn bản như bao lần trước đây kể từ 2007 đến nay. Israel, được Mỹ bật đèn xanh, lần này quyết "xóa bỏ Hamas", nói đúng hơn là quyết xóa bỏ vị thế cầm quyền của Hamas ở Gaza !

Nội dung của việc "xóa bỏ Hamas" chủ yếu bao gồm : Loại bỏ giới lãnh đạo cao cấp nhất của Hamas ở Gaza ; phá hủy căn bản hạ tầng cơ sở của Hamas ở vùng lãnh thổ này ; và không để cho Hamas tiếp tục cai quản Gaza cả về hình thức và nội dung.

Trong tình thế hiện nay, với quyết tâm rất cao của Israel, được sự đồng tình của Mỹ, Hamas khó mà tồn tại ở Gaza như một thế lực cầm quyền, có tổ chức chính quy với đầy đủ nhân tài vật lực như họ từng có từ 2007 đến nay. Thậm chí, Hamas còn khó tránh khỏi nguy cơ bị phá vỡ tổ chức, bị mất phần lớn các nhân vật lãnh đạo chỉ huy của họ đang tồn tại ở Gaza !

Hamas ra đời từ năm 1987, với danh xưng chính thức là "Phong trào kháng chiến Hồi giáo" ; đồng thời họ tự nhận là phần nối dài của tổ chức Anh Em Hồi giáo Ai Cập sang Palestine. Chủ thuyết tư tưởng của Hamas là Hồi giáo nguyên gốc, mà thế giới thường gọi là Hồi giáo cực đoan. Chủ thuyết này có nền tảng là Giáo luật Hồi giáo Shariyah (trên căn bản được xác định bởi Qoraan) và mục tiêu cuối cùng là khôi phục nhà nước Hồi giáo theo khuôn mẫu mà Sứ thần - Tiên tri Mohammed đã sáng lập từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Mục tiêu giai đoạn của Hamas là đấu tranh vũ trang để giải phóng "lãnh thổ Palestine lịch sử" (khu vực từ sông Jordan ở phía đông tới Hồng Hải ở phía tây) ; không che giấu quyết tâm xóa Israel khỏi bản đồ khu vực. Cuộc chiến đấu này vừa mang tính chất giải phóng lãnh thổ, giành độc lập cho Palestine, vừa mang đậm bản chất tôn giáo, nghĩa là Hamas nhân danh "Hồi giáo chân chính" đòi xóa bỏ Do Thái giáo với nghĩa đen của cụm từ này !

Vì những nguyên lý căn bản nêu trên, Hamas trước sau không chấp nhận tính "đại diện chân chính duy nhất cho Palestine" của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do cố lãnh tụ Arafat thành lập ; bởi Hamas không chấp nhận đường lối đấu tranh giành độc lập của PLO ; nhất là sau khi Arafat ký Thỏa thuận Oslo năm 1993 với Israel, trong đó chấp nhận từ bỏ đấu tranh vũ trang chống Israel.

Bởi thế, từ khi thành lập đến nay, Hamas luôn hành động độc lập với PLO và Chính quyền Palestine, mà hiện nay do Mahmoud Abbas làm Tổng thống. Thậm chí, từ 2007, Hamas đã dùng vũ lực tiếm quyền cai quản phần lãnh thổ Gaza từ tay Chính quyền Palestine, đẩy Chính quyền này dạt sang Bờ Tây !...

Nhưng, dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của Hamas ở Palestine từ 1987 đến nay. Đó là một phần không thể bác bỏ được của cuộc đấu tranh Palestine giành quyền thành lập một nhà nước độc lập trên khu vực lãnh thổ của mình đã được Liên Hiệp Quốc ấn định từ năm 1947.

Không phải chỉ một mình Hamas là tổ chức vũ trang Palestine đứng ngoài PLO, nhưng Hamas là tổ chức mạnh nhất trong số này, cả về nhân lực và vật lực. Thậm chí, Hamas còn ngang ngửa với Phong trào Fatah - thực chất là đảng cầm quyền Palestine suốt từ 1988 đến nay, và Fatah là nòng cốt của Chính quyền Palestine do Mahmoud Abbas làm Tổng thống.

Năm 2005, Hamas lần đầu tiên tham gia tổng tuyển cử bầu Hội đồng lập pháp (cơ chế nghị viện) Palestine và đã thắng áp đảo so với Fatah. Do đó, Tổng thống Abbas phải bổ nhiệm người của Hamas đứng ra lập chính phủ và Hamas giữ nhiều ghế quan trọng trong Chính phủ ấy, trong đó có ghế Bộ trưởng Nội vụ. Bộ trưởng này có quyền phụ trách lực lượng An ninh Palestine vốn toàn người của Fatah.

Chính quyền Palestine không được phép có quân đội, nên lực lượng an ninh là lực lượng vũ trang duy nhất ; do đó, Fatah không trao lực lượng an ninh này cho người của Hamas lãnh đạo, mà đặt dưới quyền trực tiếp của Tổng thống Abbas. Đây là nút thắt khiến nổ ra xung đột hồi 2007 giữa Hamas với Chính quyền Palestine khi ấy vẫn đóng đại bản doanh ở Gaza, mà kết cục là Fatah thua, Chính quyền Palestine phải "di chuyển" sang Bờ Tây từ đó đến nay.

Hơn 16 năm qua, Hamas thực sự là thế lực cai quản hoàn toàn Gaza, độc lập với Chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas. Bị Israel bao vây tứ phía, cả mặt đất, vùng biển và không phận, mà Hamas vẫn tồn tại và trụ vững. Đó là một sự trụ vững kiên cường và hiệu quả kỳ lạ ! Hamas luôn duy trì cơ chế thủ lĩnh chính trị, với chức danh "Chủ tịch Bộ Chính trị Hamas" ở Qatar. Thủ lĩnh chính trị này giữ mối quan hệ mật thiết với các đồng minh như Iran, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ... để đảm bảo những sự trợ giúp sống còn đối với Hamas ở Gaza. Thủ lĩnh chính trị này cũng duy trì quan hệ chính trị với Nga và Trung Quốc để được sự che chở quốc tế, nhất là ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Hamas chẳng những giữ vững địa vị độc tôn kiểm soát Gaza, mà còn gây dựng được lực lượng ngầm đáng kể ngay tại Bờ Tây, bất chấp sự ngăn cản của Chính quyền Palestine và sự bố ráp liên tục của lực lượng Israel nhằm loại bỏ các "ổ Hamas" ẩn nấp ngoài Gaza.

Hamas cũng có nhiều nhóm thành phần hoạt động mạnh mẽ tại các khu vực tị nạn của người Palestine, do Liên Hiệp Quốc tài trợ, vẫn tồn tại ở các quốc gia láng giềng như Lebanon, Jordani, Syria...

Với đa số người Palestine bình thường, cũng như đông đảo tín đồ Hồi giáo ngoan đạo ở thế giới Arab, Hamas vẫn tồn tại như một biểu tượng của tinh thần "tử vì đạo" đáng được khâm phục !

Bởi thế, lần này có thể xảy ra kịch bản tồi tệ nhất với Hamas là họ bị xóa sổ căn bản như một thực thể cầm quyền tại tại Gaza ; nhưng nói là "tiêu diệt Hamas" thì chắc chắn không thể !

Nhưng nếu Hamas vẫn kiên trì đường lối dùng vũ trang chống lại Israel như lâu nay, vẫn không thay đổi chủ trương xóa Israel khỏi bản đồ khu vực, thì kết cục cuộc đấu tranh sẽ không đi đến đâu, mà chỉ chuốc thêm bạo lực, chết chóc, tàn phá... đến vô định !

Con đường duy nhất để tồn tại một cách hữu hiệu và tích cực của Hamas là họ phải tự thay đổi về bản chất. Hamas phải từ bỏ bạo lực, chấp nhận đấu tranh hòa bình theo luật pháp quốc tế với mục tiêu giành quyền thành lập một nhà nước Palestine có đầy đủ chủ quyền, sống yên hòa bình đẳng bên cạnh láng giềng Israel. Mục tiêu này nhất định sẽ đạt được bằng cuộc đấu tranh chính nghĩa kiên trì của Palestine, được sự ủng hộ của cả thế giới Arab và cộng đồng quốc tế !

Với nội bộ Palestine, Hamas hoàn toàn có thể trở thành một thế lực lãnh đạo khi họ từ bỏ bạo lực và tham gia thực sự vào đấu tranh nghị trường, như họ đã từng thắng hồi cuối năm 2005 !

09/11/2023

Nguyễn Ngọc Hùng

Nguồn : OsinHuyduc & Thuymyrfi.blogspot, 09/11/2023

Published in Diễn đàn

Hamas tấn công : Cơn ác mộng, sự kiện "ngày 11 tháng Chín" của Israel

Việc quân khủng bố Hamas tấn công Israel làm gần 900 người chết và 2.200 người bị thương chiếm trang nhất của tất cả các báo Pháp hôm nay 09/10/2023. Le Figaro nhận định nhân loại và thế giới văn minh không cần một sự kiện ngày 11 tháng Chín mới. Sững sờ, hoảng loạn, phẫn nộ : Israel trước và sau ngày 7/10/2023 đã rất khác.

hamas1

Khói lửa cuồn cuộn bốc lên sau khi Israel tấn công một cao ốc ở Gaza để trả đũa, ngày 07/10/2023. Reuters - Stringer

Israel trên trang nhất tất cả nhật báo Pháp

Le Monde ra từ hôm trước chạy tựa "Hamas tấn công quy mô, Israel trong tình trạng chiến tranh". Les Echos đăng ảnh một người đang chạy trong khung cảnh đống đổ nát với dòng tít "Israel, vòng xoáy địa ngục". Trên La Croix là ảnh chụp những người dân hoang mang sau lưng là một đám cháy, với tựa đề "Israel trong chiến tranh". Trang nhất Libération được dành trọn cho ba bức ảnh : một cặp vợ chồng bồng con nhỏ trong trạng thái hoảng loạn, đám đông dự festival âm nhạc đua nhau bỏ chạy, một con đường đầy xác người, với dòng tít ngắn gọn "Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023". Le Figaro đăng ảnh một đoàn xe tăng, cho biết "Sau kinh hoàng, Israel chuẩn bị trả đũa".

Người dân thức giấc trong ác mộng

Libération mô tả, sáng thứ Bảy 07/10, người dân Israel thức giấc trong một thế giới mới gồm tất cả những cơn ác mộng cộng lại. Trên điện thoại, hầu như trực tiếp là những hình ảnh đáng ngờ của quá khứ : những người lính bị hành hình, thi thể những thường dân bị trúng hàng loạt đạn... và những cảnh khác mà đến nay không thể tin được.

Những gia đình khóc lóc, bị quân Hamas chĩa súng dồn vào nhà bếp : những người lính quân dịch bị bắn chết, xác chỉ mặc đồ lót, chất sau một chiếc xe mui trần đi diễu hành. Và đám đông thanh niên hoảng sợ bỏ chạy trên cánh đồng. Họ tham dự lễ hội âm nhạc "thiên nhiên và hòa bình" tối thứ Sáu cho tới sáng sớm thứ Bảy, khi những kẻ sát nhân từ trên trời hạ cánh xuống bằng dù lượn.

Lần đầu tiên Hamas phá được lớp hàng rào vẫn ngỡ rằng chống lại xe ủi, xông vào cùng với những người ủng hộ, giết và bắt cóc cả nam, nữ, trẻ em. Chiến dịch "Trận hồng thủy al-Aqsa" bắt đầu với khoảng hai chục điểm xâm nhập cùng lúc từ mặt đất, trên không và trên biển : trong khi quân đội Israel không hề phát hiện dấu hiệu nào trước đó. Chỉ trong một ngày cuối tuần, đã có đến hơn 600 người Israel thiệt mạng, hầu hết là thường dân, một con số kinh hoàng. Kể từ cuộc chiến năm 1948 và tuyên bố độc lập, Israel chưa bao giờ mất nhiều người như vậy chỉ trong một ngày. Để so sánh, cuộc chiến intifada lần thứ hai (2000-2005) làm hơn 700 thường dân tử nạn, sau chiến dịch khủng bố kéo dài 5 năm.

Sự kiện này gây sững sờ như với chiến tranh Kippur cách đây đúng 50 năm, đối với người Israel có tầm cỡ như ngày 11 tháng Chín của Mỹ, và nỗi sợ bắt con tin từ khi người lính Gilad Shalit được trả tự do... Tác động tâm lý hiện chưa thể đánh giá được hết. Chỉ trong một ngày, nhiều niềm tin đã sụp đổ : rằng Hamas không đáng lo, rằng hệ thống "Vòm Sắt" và bức tường cao 9 mét trị giá 1 tỉ đô la đủ để bảo vệ, rằng vấn đề Palestine đã được sang trang.

Giờ đây tất cả các bên đứng trước trạng thái bất định. Hamas sau chiến thắng trước mắt, sẽ làm gì với những người bị bắt ? Một sự trao đổi tù nhân khó diễn ra khi thủ tướng Netanyahou đã hứa hẹn biến căn cứ Hamas thành một "núi gạch vụn". Những mặt trận khác có thể mở ra ở Lebanon, West Bank hay không ? Israel sẽ trả đũa thế nào, sau những vụ không kích đầu tiên làm trên 370 người chết ở Gaza ?

"Ngày 11 tháng Chín" của Nhà nước Do Thái

Trong bài xã luận "Ground zero", Le Figaro nhận định nhân loại và thế giới văn minh không cần một sự kiện ngày 11 tháng Chín mới. Sững sờ, hoảng loạn, cú sốc thảm sát : Israel trước và sau ngày 7 tháng Mười 2023 đã khác.

Đúng 50 năm sau cuộc chiến Kippur mà Israel suýt bị thua, và 30 năm sau khi ký kết thỏa thuận Oslo giúp mơ đến hòa bình, vùng Cận Đông lại bị đưa về "ground zero" của mình, chỉ còn là những hoang tàn. Hàng trăm biệt kích Hồi giáo Palestine xâm nhập vào đất Israel, tàn sát người vô tội, và Hamas đang có trong tay hơn 100 con tin để tìm cách trao đổi bằng 4.500 tù nhân Palestine. Đó là thất bại vô cùng lớn của tình báo và quân đội Israel vốn thiện chiến, bị bất ngờ trước vụ tấn công đã được chuẩn bị từ lâu.

Benyamin Netanyahou thề sẽ tung ra "một chiến dịch mạnh mẽ và lâu dài", với nguy cơ chiếm đóng lại Gaza như các đồng minh chính trị của ông đòi hỏi. Hamas, biết rằng sẽ bị trả đũa, liệu có một cái bẫy nào khác ? Sự quay lại của chiến tranh quy ước đã làm chúng ta hầu như quên mất cuộc chiến tranh đa diện của bọn khủng bố. Phương Tây đồng lòng lên án, và sắp tới sẽ phải đối mặt với cả hai. Nội bộ Israel đang lủng củng nên mất cảnh giác, việc xích lại gần Saudi Arabia giờ đây trắc trở, còn Iran ghi được điểm. Trong cuộc đối đầu miên viễn Israel-Palestine, "tiến trình hòa bình" hiện không thể nghĩ đến.

Với khủng bố, không có chỗ cho ngoại giao

La Croix nói về "Cái chết của ngoại giao". Không thể đánh đồng một Nhà nước dân chủ với một tổ chức bạo lực, độc tài : như một dân biểu cực tả Pháp đã thể hiện. Cần phải cực lực lên án việc Hamas tấn công Israel với cách thức rất đáng ghê tởm và vô nhân đạo với thường dân, nhưng cũng nên đặt câu hỏi, vì đâu nên nỗi. Vụ tấn công của Hamas chừng như là dấu chấm hết cho hoạt động ngoại giao tại Cận Đông.

Ba mươi năm sau thỏa thuận Oslo, việc định cư của người Do Thái ở West Bank là không thể đảo ngược, còn dải Gaza bị phong tỏa từ 2007. Về phía Hamas luôn từ chối mọi hòa giải với Israel, tự đặt vào thế đối lập cực đoan, tàn bạo. Ở giữa là người Palestine tại Gaza không có tương lai. Sự phô trương sức mạnh của nhóm khủng bố chứng tỏ chúng có thể gây bất ổn cho Nhà nước Do Thái, nhưng chắc chắn sẽ phải trả giá đắt, nhất là người dân Gaza.

Le Figaro nhắc nhở, sự thật đáng buồn là cử chỉ thiện chí của thủ tướng Ariel Sharon, đơn phương rút quân Israel khỏi dải Gaza năm 2005, đã tạo điều kiện cho phong trào Hồi giáo chiếm lĩnh vùng đất này từ 2007 và ngự trị cho đến nay. Không thể nào có giải pháp hòa bình với một tổ chức khủng bố chẳng những ghi trong hiến chương mục tiêu hủy diệt Israel, mà còn muốn diệt chủng dân tộc Do Thái.

Các nước xem lại chiến lược sau "cơn địa chấn"

Les Echos coi vụ tấn công này là một "trận động đất". Vụ thảm sát kinh hoàng nhất kể từ khi Israel lập quốc cách đây 75 năm, đã ngăn trở nỗ lực bình thường hóa trong khu vực. Cộng đồng quốc tế không còn người đối thoại, khi Chính quyền Palestine - đứng đầu là Mahmoud Abbas 87 tuổi, đã mất uy tín vì tham nhũng và không tổ chức bầu cử từ 15 năm qua - chỉ còn kiểm soát được West Bank. Những cặp mắt đang hướng về Iran, nhà tài trợ cho Hamas. Cuộc tấn công tổ chức tinh vi cho thấy có sự hỗ trợ của Tehran về vũ khí và huấn luyện, tuy tình báo Mỹ ẩn danh cho biết không có bằng chứng Iran can dự trực tiếp. Nhà phân tích David Khalfa cho rằng Tehran đã trở thành bậc thầy trong việc thổi bùng các xung đột mà không phải gánh chịu hậu quả.

Theo chuyên gia Héloïse Fayet, hiện thời khu vực chưa thể bùng nổ, nhất là phe Hezbollah ở Lebanon thuộc hệ phái Shia được Iran bảo trợ chỉ mới bắn sang một ít quả đạn. Có lẽ để nhắc nhở lằn ranh đỏ : Tsahal (quân đội Israel) không can thiệp vào Gaza. Jérusalem không cần phải mở thêm một mặt trận thứ hai ở phía bắc, khi Hezbollah sở hữu mấy chục ngàn rốc-kết với phạm vi hoạt động và hỏa lực mạnh hơn Hamas rất nhiều.

Trận địa chấn này khiến nhiều nhân tố phải đánh giá lại chiến lược. Nga không lên án Hamas nhưng hy vọng thuyết phục được đối tác Israel là mình không hay biết gì. Héloïse Fayet cho rằng đây còn là thất bại của Washington khi rút khỏi Cận Đông, tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden tối qua loan báo cung cấp thêm đạn dược cho Israel và tăng cường lực lượng trong khu vực. Qatar, nhà tài trợ gián tiếp cho Hamas qua việc giúp chi phí hành chánh, điện, dịch vụ xã hội cho dải Gaza 2 triệu dân : sẽ phải tự vấn, nhất là đang chứa chấp thủ lãnh Hamas, Ismaïl Haniyeh.

Vì sao Hamas dám thách thức Israel ?

Tại sao Hamas tự gánh lấy rủi ro khi thách thức Israel ngay trên đất của người Do Thái ? La Croix đặt câu hỏi. Hồi tháng 5, tổ chức này gây ngạc nhiên khi vắng bóng trong vụ leo thang xung đột giữa Irael và dải Gaza, không hành động bên cạnh thánh chiến Hồi giáo. Hóa ra là nhằm giữ sức cho chiến dịch quy mô chưa từng thấy, với 5.000 quả rốc-kết bắn ra trong vài tiếng đồng hồ, xâm nhập ồ ạt và bắt hàng loạt con tin. Nếu thủ lãnh nhánh vũ trang của nhóm là Mohammed Deif có thể tiến hành chiến dịch này, một phần nhờ những lỗ hổng ở biên giới phía nam với Ai Cập, giúp đưa vũ khí vào. Nhưng nhất là hỗ trợ về hậu cần, tài chánh và chính trị của Iran.

Nhà nghiên cứu David Khalfa nhận định, Hamas đã đạt được kỹ năng chiến đấu với sự hỗ trợ của Vệ binh Cách mạng, những kỹ sư hướng dẫn về đội drone và những phòng thí nghiệm bí mật, giúp nâng cấp bằng công nghệ dân sự chuyển sang mục đích quân sự. Cụ thể, Libération cho biết thêm, nhóm khủng bố những năm gần đây được Iran và Hezbollah giúp tăng cường kho vũ khí : kỹ thuật số, drone, pháo, rốc-kết… Một nhúm dân quân với vài khẩu kalachnikov và những quả rốc-kết trong thời kỳ đầu chỉ hơn đồ chơi một chút, nay đã trở thành lực lượng đáng ngại.

Về chính trị, Hamas cần tô điểm hình ảnh nhằm nắm quyền lãnh đạo toàn bộ phong trào đấu tranh Palestine. Tuy nhiên nếu nhờ khủng bố, Hamas tạo ra tương quan lực lượng với Israel với hàng trăm thường dân và quân nhân bị bắt cóc, phong trào Hồi giáo này không cùng tình trạng với Ai Cập sau chiến tranh Kippur năm 1973. Nhà nghiên cứu Thomas Vescovi lo ngại : "Cairo có thể thương lượng với tư cách Nhà nước, còn Hamas vốn bị Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ coi là tổ chức khủng bố, không có cửa để đàm phán cấp cao. Và sự cách biệt về lực lượng khiến có thể kết thúc bằng biển máu".

Con tin : Trở ngại cho việc trả đũa

Chuyên gia Kobi Michael trên Le Figaro cho rằng Israel nên thay đổi cách thức đối phó với Hamas. Trên lý thuyết, thì tổ chức khủng bố này chỉ có 20.000 tay súng, nhưng có thể huy động thêm gấp đôi. Về phía Israel là một trong những quân đội hùng hậu nhất thế giới, với 180.000 quân nhân và 450.000 quân dự bị. Về vũ khí, Hamas tương đối hạn chế với 15.000 rốc-kết Qassam, hỏa tiễn R-160, Fajr-5, M-302 của Iran : tuy nhiên số công cụ giết người này có thể đạt đến toàn bộ lãnh thổ Israel.

Người dân Do Thái được "Vòm Sắt" bảo vệ, chận được trên 90% số hỏa tiễn, nhưng Hamas cố làm hệ thống này bị bão hòa bằng hàng ngàn quả đạn. Quân đội Israel gần đây đã phá hủy được nhiều đường hầm tiếp tế của Hamas nhưng chưa đủ. Số người bị bắt hàng loạt cũng là trở ngại lớn : vốn quý trọng con người, trước đây Israel đã chấp nhận trao đổi đến 1.000 tù nhân Palestine để duy nhất một người lính là Gilad Shalit được trả tự do. Việc bắt con tin là thường dân khiến Nhà nước Israel cũng trở thành con tin của Hamas. Những trận đánh trong đô thị ở Gaza sẽ đặc biệt nguy hiểm, con tin thành bia đỡ đạn.

Các báo đều cho rằng thủ tướng Netanyahou đã thất bại khi hòa hoãn với Hamas, chiều chuộng Nga để ngăn trở Iran ở Syria. Đây cũng à thất bại nặng nề của tình báo Israel, và nay cần tránh lặp lại trên các mặt trận khác, như ở biên giới phía bắc với Lebanon và Syria. Nhất là với kẻ thù số một là Iran, với chương trình nguyên tử và đội quân hùng hậu ở Syria.

Thụy My

Published in Quốc tế