Hiệp định khí hậu Paris : Pháp được Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ (RFI, 04/06/2017)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hậu thuẫn một cách dứt khoát trong quyết tâm thực thi hiệp định chống biến đổi khí hậu. Lãnh đạo quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về gây ô nhiễm cho biết New Delhi ủng hộ thỏa thuận COP 21 và cùng hợp tác xa hơn nữa để bảo vệ trái đất.
Tổng thống Pháp Macron (P) và thủ tướng Ấn Modi họp báo tại điện Élysée, ngày 03/06/2017. Reuters
Trong cuộc họp báo chung tại Điện Elysée, ngày 03/06/2017, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh nhu cầu thực thi thỏa thuận Paris, gọi tắt là COP21, là để bảo vệ những thế hệ mai sau. Mục tiêu này, bảo vệ môi trường và hành tinh xanh, theo lời thủ tướng Ấn, được ghi trong kinh điển Ấn Độ Giáo Vedas.
Theo AFP, đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sự ủng hộ của lãnh đạo quốc gia hơn một tỷ dân đã làm tăng sức thuyết phục trong nỗ lực kêu gọi toàn cầu bảo vệ hiệp định khí hậu Paris cho dù Hoa Kỳ của Donald Trump rút chân ra.
Muốn sớm gặp tân tổng thống Pháp, thủ tướng Ấn Độ đã thêm Paris vào giờ chót trong chuyến du hành Châu Âu, từ Đức, Nga đến Tây Ban Nha, dự kiến từ trước.
Nếu khí hậu là "lãnh vực quan trọng nhất" được trao đổi trong bữa tiệc trưa thứ Bảy như tân chủ nhân Elysée tuyên bố thì hai hồ sơ khác cũng được nhấn mạnh. Đó là hợp tác an ninh quốc phòng, bán máy bay Rafales, và chống khủng bố.
Tổng thống Macron cũng loan báo ông sẽ sang Ấn Độ trước cuối năm 2017 để phối hợp tổ chức thượng đỉnh đầu tiên của Liên Minh Thế Giới (sử dụng năng lượng) Mặt Trời ISA. Liên minh này là sáng kiến chung Pháp-Ấn, được tung ra nhân hội nghị COP21 năm 2015, và được 121 thành viên gia nhập.
Tú Anh
**********************
Trump 'tin có biến đổi khí hậu' (BBC, 04/06/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tin có tình trạng biến đổi khí hậu và rằng các chất gây ô nhiễm là nguyên nhân", đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho hay.
Các cuộc biểu tình đang diễn ra để phản đối việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris
Ông Trump biết "Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này và đó là những gì chúng tôi sẽ làm", bà Nikki Haley nói.
Tổng thống bị nhiều phía lên án sau khi ông tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Hoa Kỳ trở thành một trong ba nước nằm ngoài thỏa thuận này.
Trong lời tuyên bố, ông Trump nói thỏa thuận Paris làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, và kể từ khi tuyên bố hôm 1/6, ông tránh né những câu hỏi về chủ đề này.
Bà Haley nói với CNN : "Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận không có nghĩa là chúng tôi sẽ không quan tâm đến môi trường. Các điều khoản của hiệp định Paris đạt được vào năm 2015 quá nặng nề".
Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, nói : "Thế giới hoan nghênh khi chúng tôi gia nhập Paris và quý vị biết tại sao không ? Tôi nghĩ rằng họ hoan nghênh vì họ biết nó sẽ khiến cho nước Mỹ bất lợi".
Ông Trump cho biết thỏa thuận Paris sẽ gây thiệt hại 3 tỷ đôla từ GDP và mất đi 6 triệu rưỡi việc làm, trong khi các nền kinh tế đối thủ như Trung Quốc và Ấn Độ được ưu đãi hơn.
Bà Haley nói : "Tổng thống Mỹ muốn đảm bảo rằng chúng ta có không khí sạch, nước sạch".
Syria và Nicaragua không thỏa thuận Paris.
Trung Quốc, EU và Ấn Độ tái cam kết về thỏa thuận.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, sau khi gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris hôm 3/6, nói : "Việc bảo vệ môi trường và hành tinh là một tín điều".
********************
Thủ tướng Modi đến Paris thúc đẩy quan hệ Pháp-Ấn (RFI, 03/06/2017)
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi trong sân vườn điện Elysée, Paris, ngày 03/06/2017. REUTERS/Jacques Demarthon
Ngày 03/06/2017, tổng thống Pháp tiếp thủ tướng Ấn Độ tại điện Elysée với chủ đề chính là thúc đẩy quan hệ Pháp-Ấn. Paris là chặng cuối cùng của vòng công du thủ đô ba nước Châu Âu của thủ tướng Ấn Độ, sau Berlin và Madrid.
Theo chương trình, tổng thống Pháp và khách mời cùng dùng bữa trưa, sau đó đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm dưới chân Khải Hoàn Môn vào lúc 14 giờ.
Hãng tin AFP cho biết Ấn Độ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không quốc phòng. Từng là đồng minh quân sự của Liên Xô, hiện New Delhi quay sang các nước Hoa Kỳ và Pháp để đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí.
Theo một nhà ngoại giao Pháp, khí hậu cũng là một trong số các chủ đề hàng đầu được đề cập trong buổi làm việc. Là nước phát thải khí gây ô nhiễm môi trường nhiều thứ ba thế giới, Ấn Độ "không những chỉ ký hiệp định khí hậu Paris mà còn tham gia xây dựng, cũng như nhanh chóng phê chuẩn văn kiện quan trọng trên".
Chuyến công du Paris cũng là dịp thủ tướng Ấn Độ đích thân chúc mừng tân tổng thống Pháp. Trước đó, chỉ một ngày sau khi ứng viên phong trào Tiến Bước Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, thủ tướng Ấn Độ là một trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng tân chủ nhân điện Elysée, sau đó là lời chúc mừng trên mạng Twitter.
Ngày 23/09/2016, Pháp đã ký với Ấn Độ hợp đồng bán 36 chiến đấu cơ Rafale, có trị giá lớn nhất cho ngành hàng không quân sự Pháp (8 tỉ euro). Trong lĩnh vực xe hơi, tập đoàn PSA đang từng bước đặt nền móng vững chắc tại quốc gia Nam Á này. Cuối tháng Giêng 2017, tập đoàn của Pháp thông báo đã thành lập hai liên doanh sản xuất xe hơi và động cơ tại Ấn Độ, thị trường tuy hiện có quy mô khiêm tốn, nhưng có tiềm năng phát triển mạnh.
Thu Hằng