Từ ngày 24 đến 28/01/2022, Hội nghị Thẩm định Hiệp ước lần thứ 10 của các bên tham gia ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) sẽ được tổ chức tại Geneve, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng. Trung Quốc, với quyết tâm đuổi kịp sự chậm trễ của mình, đã thúc đẩy chương trình trang bị vũ khí hạt nhân, trong khi Hoa Kỳ xem vấn đề này là tâm điểm của cuộc đọ sức với Tập Cận Bình.
Một máy bay phản lực MiG-31K của không quân Nga mang tên lửa đạn đạo siêu thanh có độ chính xác cao Kh-47M2 Kinzhal trong cuộc diễu binh mừng 73 năm Ngày Chiến thắng Đức Quốc Xã, 09/05/2018. AP - Alexander Zemlianichenko
Giải trừ hạt nhân : Mục tiêu vẫn còn xa ?
Les Echos nhắc lại, tiến trình khởi động ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP), bắt đầu từ năm 1968 với ba nước thành viên ban đầu là Anh, Mỹ và Liên Xô (sau này được chuyển giao cho Liên bang Nga). Pháp và Trung Quốc chỉ gia nhập TNP từ năm 1992, nên được miễn trừ phê chuẩn.
Đây cũng là 5 quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA), năm quốc gia duy nhất được quyền sở hữu bom nguyên tử và miễn trừ pháp lý. Lập luận đưa ra là vào thời điểm TNP có hiệu lực (1970) những nước này đã là cường quốc hạt nhân : Mỹ từ năm 1945, Vương quốc Anh (1952), Liên Xô – giờ là Nga (1953), Pháp (1960) và Trung Quốc (1964). Ngày nay, TNP quy tụ đến 191 nước tham gia.
Hiệp ước cũng quy định cứ mỗi năm năm, các bên tham gia ký kết mở hội nghị một lần để có thể đưa ra các đề xuất cũng như là kiểm tra việc thực thi văn bản. TNP đề ra mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí, và tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu giải trừ hạt nhân và giải trừ quân bị toàn diện.
Thế nhưng, theo giới quan sát sau hơn 50 năm tồn tại, những mục tiêu trên của TNP vẫn còn xa mới đạt được. Tính đến hôm nay, ước tính có khoảng 45% nhân loại hiện sinh sống tại những nước có bom nguyên tử. Số đầu đạn hạt nhân trên thế giới, tuy không bằng ở đỉnh điểm (70 ngàn) dưới thời Chiến Tranh Lạnh, nhưng vẫn còn đến hơn 13.000, theo như số liệu do Liên đoàn các nhà khoa học nguyên tử (Federation of the Atomic Scientists – FAS) cung cấp. Trong số này, Mỹ và Nga nắm giữ đến 90% kho dự trữ vũ khí thế giới.
Mặt khác, cuộc chạy đua trang bị vũ khí hạt nhân dường như chưa bao giờ ngừng lại, và giờ đây còn mang một sắc thái khác. Nhà nghiên cứu Philippe Wodka-Gallien, Viện Phân tích Chiến lược Pháp trên tạp chí Conflit lưu ý những chiếc tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo và những chiếc tên lửa hạt nhân cất trong các hầm chứa không cùng hạng với các loại vũ khí được cho là "chiến thuật". Những loại vũ khí dễ di chuyển, cất giấu trong các hệ thống vũ khí truyền thống, và có độ chính xác cao, để nhắm vào các mục tiêu quân sự đối phương.
Bối cảnh địa chính trị ngày nay đã khác. Năm xưa cuộc đối thoại bình ổn hạt nhân chỉ là giữa hai đại cường lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô. Trong tinh thần này, các hiệp ước nối tiếp nhau được ký kết như Salt, Start và New Start từ nửa thế kỷ qua.
Nhưng việc Nga và Mỹ, năm 2019, lần lượt ra khỏi Hiệp ước loại bỏ các tên lửa tầm trung (INF), được ký kết năm 1987 giữa Washington và Moskva, đang kích hoạt một sự năng động mới về trang bị vũ khí đúng vào lúc mà các cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực không gian và mạng tin học phát triển mạnh.
Nếu như số lượng có giảm mạnh, người ta quan sát thấy có một sự tăng trưởng chung về chất lượng. Tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều theo đuổi các chương trình của riêng mình. Hoặc trong triển vọng đổi mới và duy trì ở mức độ tùy theo tiến triển của mối đe dọa và phòng thủ đối phương. Hoặc hiện đại hóa và đa dạng hóa kho vũ khí của mình với những hệ thống mới.
Nhà nghiên cứu Corentin Brustlein, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với báo Le Figaro hồi năm 2020 :
"Các kho vũ khí của Nga và Mỹ ngày càng ít bị ràng buộc bởi các hiệp ước kiểm soát vũ khí, bởi vì họ đã lần lượt tuyên bố ra khỏi những văn bản đó. Mà nếu họ không có ra khỏi các hiệp ước, như trường hợp của Nga chẳng hạn, họ luồn lách một cách linh hoạt bằng cách phát triển nhiều loại vũ khí khác có thể không bị trói buộc vào một hiệp ước nào. Về phía Trung Quốc, họ có ý định ở ngoài hiệp ước lâu nhất có thể mọi sự ràng buộc cũng như là không chấp nhận kiểm soát các loại vũ khí".
L’Opinion : "Bắc Kinh tái khởi động cuộc đua vũ khí hạt nhân"
Cuộc đua này còn trở nên gay gắt khi Trung Quốc, vốn không tham gia ký kết INF, cho tăng tốc hiện đại hóa và tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình – một điều kiện thiết yếu để Bắc Kinh khẳng định vị thế đại cường. Trung Quốc lần lượt cải thiện về chất và lượng số tên lửa tầm ngắn và trung, phát triển các loại tên lửa liên lục địa – một yếu tố quan trọng trong chiến lược đối đầu với Mỹ và các đồng minh của nước này tại Châu Á.
Trong một báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho quốc hội hồi tháng 11/2021, Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc rất có thể sẽ sở hữu đến 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 (thay vì là gần 300 như hiện nay) và 1.000 cho ba năm tiếp theo. Báo cáo của bộ Quốc Phòng còn báo động rằng Trung Quốc có thể đã "thiết lập được một bộ ba hạt nhân với việc phát triển một tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ trên không cũng như là đã cải thiện được các năng lực hạt nhân trên bộ và trên biển".
Mối lo lắng này còn được tăng thêm một nấc khi vào tháng 7/2021, Bắc Kinh cho phát tán hình ảnh thử nghiệm tên lửa siêu thanh bay một vòng quanh trái đất rồi triển khai một thiết bị bay lượn điều khiển được, có khả năng thay đổi hành trình theo một quỹ đạo khó lường và nhất là có thể gắn được đầu đạn hạt nhân.
Bà Kelsey Davenport, giám đốc về chính sách không phổ biến hạt nhân của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Arms Control Association), trả lời phỏng vấn báo l’Opinion cảnh báo rằng những tiến bộ của Trung Quốc trên phương diện vũ khí hạt nhân và sự thiếu minh bạch liên quan đến kích cỡ và thành phần kho vũ khí là thật sự "đáng lo ngại" và làm "gia tăng gay gắt những căng thẳng tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương".
Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc :
"Trung Quốc luôn tuân thủ chiến lược hạt nhân tự vệ. Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên và duy trì lực lượng hạt nhân của mình ở mức thấp nhất cần thiết và để bảo vệ an ninh quốc gia. Điều này tự nó là một đóng góp quan trọng cho sự ổn định chiến lược toàn cầu".
Sự việc này cho thấy Bắc Kinh giờ là một đối thủ hạt nhân mới của Mỹ. Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh khẳng định chiến lược của giới quân sự Trung Quốc muốn dựa vào những loại vũ khí mới mà Mỹ chưa thể đối phó được.
Tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc phòng trên kênh truyền hình TV5Monde.
"Ý định của Trung Quốc chính là có được một loại vũ khí có khả năng phá hủy hàng không mẫu hạm Mỹ. Ở đây có một cuộc tranh luận về khả năng sống còn của các chiếc tầu sân bay […] Do vậy, đối với Mỹ, điều thiết yếu là phải có được những khoản ngân sách cực kỳ quan trọng vừa để phát triển các loại vũ khí cho chính họ nhưng cũng vừa để tự trang bị các phương tiện phòng thủ. Bởi vì Trung Quốc biết rất rõ là hàng không mẫu hạm của họ không thể đối đầu với tầu sân bay Mỹ. Họ cần những chiến lược kế bên và loại vũ khí siêu thanh này rất có thể là sẽ hữu ích".
Tên lửa siêu thanh : Cuộc đua vũ khí hạt nhân thời 2.0 ?
Trong cuộc đua vũ khí nguyên tử thời 2.0, Hoa Kỳ dường như đang bị chậm một bước. Những tháng gần đây, nước Nga của ông Vladimir Putin thông báo thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh. Trong khi đó, Mỹ dự trù chỉ có được loại tên lửa này vào năm 2024. Từ đây đến đó, Washington tăng cường củng cố và cải tiến hệ thống phòng không. Theo giới quan sát, sự kiện này một lần nữa khẳng định : Làm chủ được công nghệ siêu thanh nghĩa là sẽ làm chủ được một loại vũ khí tương lai.
Đây cũng chính là những gì tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo trong một bài phát biểu tại Trường Ecole de Guerre, ở Paris ngày 07/02/2020. "Cùng với việc phổ biến các loại tên lửa với công nghệ tân tiến hơn, chúng ta đang phải đối mặt với một tình trạng chưa từng có mà ở đó các cường quốc khu vực đang hoặc sẽ có khả năng tấn công thẳng đến lãnh thổ Châu Âu".
Trong cuộc đua này, Paris cũng không muốn lỡ nhịp chèo. Theo kế hoạch, một mặt Pháp đổi mới hệ thống tên lửa trang bị cho các chiến đấu cơ Rafale. Mặt khác, Paris cũng sẽ cho tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa siêu thanh trong năm 2022, một loại vũ khí mà Pháp đánh giá là một thách thức quan trọng cho phòng thủ quốc gia.
Chuyên gia Corentin Brustlein, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với Le Figaro.
"Một trong số các nguyên tắc bất di bất dịch đầu tiên từ năm 1960 đó là vũ khí nguyên tử là một loại vũ khí có bản chất khác, một loại vũ khí mang tính chính trị. Điều đó có nghĩa là chức năng duy nhất trong khuôn khổ chiến lược Pháp là phòng ngừa chiến tranh, tức là ngăn ngừa một cuộc xâm chiếm trực tiếp nhắm vào các lợi ích cốt lõi của quốc gia như tổng thống Pháp đã khẳng định".
Trong vài ngày tới đây, Hội nghị Thẩm định Hiệp ước TNP của nhóm ngũ cường hạt nhân sẽ được mở ra trong một bối cảnh địa chính trị ngày càng ít thiên về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Với ông Emmanuel Dupuy, Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh Châu Âu, trong một chương trình của TV5Monde, thì hiệp ước này là một văn bản đã lỗi thời, và cần phải có một quy chế mới để kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân vào lúc thế giới ngày càng có nhiều tác nhân mới tham gia.
"Nên chú ý đến yếu tố là mọi thỏa thuận giới hạn vũ khí hay giải trừ hạt nhân, phi quân sự hóa, là một mong muốn chính trị chỉ có liên quan đến Mỹ và Nga nhưng không có Trung Quốc. Do vậy, yếu tố đầu tiên chắc chắn phải là xem xét lại các hiệp ước và kết hợp chúng với nhiều tác nhân mới đang gây ra nhiều rắc rối.
Mỹ và Nga đã làm tan vỡ các hiệp ước này khi lần lượt rút ra khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), được khởi động từ năm 1987. Các chương trình SALT 1 và 2, trở thành hiệp ước New Start, liên quan đến việc hạn chế tên lửa đạn đạo đặc biệt chỉ can dự đến Nga và Mỹ. Đây sẽ là vấn đề được hai nước bàn đến trong cuộc họp tại Geneve sắp tới.
Ngoài văn bản này ra, chẳng có một hiệp ước nào khác có dính líu đến Trung Quốc. Do vậy, có thể yếu tố đầu tiên chính là có được một cơ cấu mới, một hạn chế mới về vũ khí áp dụng cho các tác nhân mới như Bắc Triều Tiên chẳng hạn. Người ta ước tính có gần 5 hay 6 quốc gia là có năng lực này".
Minh Anh