Thanh Hà, RFI, 25/03/2022
Ba Lan là chặng dừng thứ nhì trong vòng công du Châu Âu của nguyên thủ Mỹ, Joe Biden. Hôm 25/03/2022 tổng thống Biden sẽ dừng lại tại thành phố Rzeszow, cách biên giới Ukraine chừng 80 cây số.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với báo giới tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2022. Reuters – Evelyn Hockstein
Rzeszow cách thành phố Lviv miền tây Ukraine khoảng hơn hai giờ lái xe và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao của phương Tây đã dọn về đây từ trước khi xảy ra chiến tranh hôm 24/02/2022. Lviv cũng là nơi một phần dân Ukraine xem là một địa điểm an toàn.
Tại Bruxelles, nguyên thủ Mỹ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Washington thông báo 1 tỷ đô la viện trợ nhân đạo cho Ukraine và sẵn sàng đón nhận đến 100.000 người Ukraine trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda ra tận sân bay Rzeszow đón đồng nhiệm Mỹ. Sau khi được báo cáo về những điều kiện đón nhận người tị nạn Ukraine, Joe Biden đến thăm một căn cứ quân sự gần đó, gặp gỡ một phần trong số 100.000 quân nhân Mỹ được triển khai tại Châu Âu.
Chuyến công du Ba Lan trong hai ngày của tổng thống Hoa Kỳ sẽ kết thúc tại thủ đô Warszawa. Tại đây ông Biden sẽ đọc một bài diễn văn về những "nỗ lực chung của thế giới tự do để yểm trợ người dân Ukraine" và lên án nước "Nga gây ra một cuộc chiến thô bạo" theo như thông cáo của Nhà Trắng.
Thanh Hà
******************
Thanh Hà, RFI, 25/03/2022
Là nơi đón nhận hơn 2 triệu người tị nạn Ukraine, là một "trung tâm phối hợp" viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, cộng thêm với lo ngại là sau Ukraine, Ba Lan có thể là mục tiếu kế tiếp của Nga, những yếu tố này đã khiến Warszawa trở thành một mắt xích quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chuyến công du Ba Lan trong hai ngày 25 và 26/03/2022 của tổng thống Mỹ Joe Biden là bằng chứng rõ rệt nhất minh họa cho điều này.
Warszawa Phi cơ trực thăng Mỹ Black Hawk tuần tra trên sân bay Rzeszow-Jasionka (Ba Lan) trước lúc tổng thống Mỹ Joe Biden đến nơi trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan. Ảnh chụp ngày 25/03/2022. Reuters – Kacper Pempel
Quan hệ giữa chính quyền Biden và đảng bảo thủ cầm quyền tại Warszawa không mấy thắm thiết. Vậy mà tổng thống Biden đã dành đến hai ngày thăm Ba Lan trong vòng công du Châu Âu. Chiến tranh Ukraine và cái bóng đe dọa của Nga đã đẩy quan hệ song phương sang một khúc quanh mới.
Warszawa bước lên tuyến đầu từ khi Nga khởi động chiến dịch xâm chiếm Ukraine. Về mặt nhân đạo, trong ba tuần lễ đầu chiến tranh Ba Lan đón nhận đến 2/3 trong số hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine. Để so sánh, Đức trong 5 năm, từ 2015 đến 2019 mở vòng tay đón nhận 1,5 triệu người tị nạn Syria.
Ba Lan còn là ngã chính đưa viện trợ nhân đạo đến tay người dân Ukraine : chỉ riêng hôm 21/03/2022 hơn 55 tấn hàng viện trợ của Pháp cho Ukraine (gồm từ thuốc men, đến máy phát điện …) đã phải đi qua Ba Lan.
Về quân sự, Ba Lan là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, của NATO. Từ hai thập niên qua, Washington đã đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa chống tên lửa tại Ba Lan. Đây cũng là nơi Hoa Kỳ mở một căn cứ quân sự với hàng ngàn quân nhân ở Powidz, cách thủ đô Warszawa hơn 250 km về phía tây.
Vì tình hình chiến sự Ukraine, Washington đã điều thêm quân sang Ba Lan đặc biệt là tại Rzeszow ở miền nam, cách biên giới Ukraine chừng 80 cây số, nâng tổng số lính Mỹ tại Ba Lan lên hơn một chục ngàn người.
Hàng tỷ đô la viện trợ quân sự của Mỹ, Liên Âu hay Canada cho Ukraine để đối phó với quân đội Nga cũng đã được vận chuyển qua lãnh thổ Ba Lan. Sau cùng tổng thống Biden không quên rằng, Warszawa là một khách hàng lớn của các tập đoàn công nghiệp vũ khí Hoa Kỳ. Trong ba năm năm gần đây, Ba Lan mua đến 10 tỷ đô la trang thiết bị quân sự của Mỹ, mua chiến đấu cơ F35 và nhất là hệ thống phòng thủ Patriot. Vì vậy, tổng thống Biden cần vuốt ve Ba Lan ít ra là trong thời điểm này, nhất là Washington và Warszawa không phải lúc nào cũng có chung một tầm nhìn về chiến lược.
Tháng trước, Mỹ dứt khoát bác bỏ đề nghị đưa chiến đấu cơ MIG/29 của Ba Lan đến căn cứ quân sự Ramstein tại Đức do NATO điều hành, để rồi những chiếc chiến đấu cơ đó được giao cho Ukraine. Nhà Trắng bác bỏ sáng kiến của Ba Lan vì muốn tránh trực diện đối đầu với Nga. Thêm một bất đồng thứ nhì liên quan đến đề nghị của Warszawa điều một lực lượng duy trì hòa bình quốc tế sang Ukraine. Đề xuất này cũng đã bị Washington bác bỏ, bởi một lần nữa Mỹ muốn tránh mọi hình thức can thiệp có thể bị Moskva coi là một "hành động chiến tranh".
Sau khi đã bác bỏ kế hoạch chuyển chiến đấu cơ MIG/29 cho Ukraine, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã sang tận Warszawa để xoa dịu đồng minh Châu Âu này. Chưa đầy một tháng sau, đến lượt tổng thống Biden dừng chân tại Rzeszow, một căn cứ tạm thời nơi khoảng 1.000 lính Mỹ đã đổ bộ từ vài tuần qua, trước khi ông lên đường tới thủ đô Ba Lan.
Điểm cuối cùng thúc giục Joe Biden đến Ba Lan lần này, là nguy cơ "Vladimir Putin không dừng lại ở Ukraine". Nguyên thủ Nga đã viện cớ Kiev là một chế độ phát xít, muốn tiêu diệt cộng đồng Nga tại Ukraine để xâm chiếm nước láng giềng. Còn cựu tổng thống Dmitri Medvedev, một con rối trong tay chủ nhân điện Kremlin, hôm 21/03/2022 đã mạnh mẽ lên án Ba Lan "căm thù nước Nga". Thực vậy Ba Lan tỏ lập trường rất cứng rắn lên án Nga xâm lược Ukraine. Thủ tướng Mateusz Morawiecki đòi quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga mà ông cho là một "Nhà nước toàn trị".
Theo giới quan sát, thái độ cứng rắn nói trên chứng tỏ Ba Lan lo ngại sẽ là "mục tiêu kế tiếp" trong chiến lược của Nga. Vụ Ba Lan trục xuất gần 50 nhà ngoại giao Nga vì bị tình nghi là gián điệp không giúp làm hạ nhiệt tình hình.
Do vậy cũng có thể hiểu rằng, chuyến công du của tổng thống Biden đến Warszawa lần này nhằm nhắc nhở Moskva về nguyên tắc "vuốt mặt thì cũng nể mũi" : Ba Lan có một điểm tựa chiến lược là Hoa Kỳ.
Thanh Hà
************************
Phan Minh, RFI, 25/03/2022
Theo một thông cáo của Nhà Trắng, Hoa Kỳ hôm 24/03/2022 đã công bố các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhắm vào các chính trị gia, giới tài phiệt và ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhằm tiếp tục gây áp lực, đáp trả hành động xâm lược Ukraine.
Toàn cảnh trụ sở Hạ viện Duma Nga, Moskva, ngày 15/09/2020. AFP – Natalia Kolesnikova
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
Các trừng phạt của Mỹ chưa bao giờ được áp dụng mạnh mẽ như thế với một quốc gia và Nhà Trắng không ngừng nhấn mạnh rằng các biện pháp này có hiệu quả và có thể sẽ được tăng cường. Như vậy, Nhà Trắng nói là làm, và cho thấy rằng Washington vẫn còn các phương án trừng phạt khác.
Hơn 400 cá nhân và thực thể của Nga đã bị phong tỏa tài sản. Đầu tiên là 328 nghị sĩ Duma và cả Hạ viện Nga bị trừng phạt vì đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine. Các nhà tài phiệt và doanh nhân khác của Nga cũng như 48 công ty Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi việc mở rộng lệnh trừng phạt này. Trong số đó có một tập đoàn sản xuất tên lửa mà hệ thống vũ khí này được triển khai ở Ukraine và được sử dụng trong các cuộc bắn phá các mục tiêu dân sự.
Tất cả các trừng phạt này được ban hành trong sự phối hợp với Châu Âu và các nước G7 khác. Các nước này cũng khởi xướng sáng kiến chia sẻ thông tin về những ý đồ của Nga nhằm lách các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, Hoa Kỳ, G7 và Liên Âu muốn tiếp tục ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng nguồn dự trữ của mình, bao gồm cả vàng, để tài trợ chiến tranh. Và cảnh báo rằng sẽ có thêm biện pháp trừng phạt khác nếu cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Phan Minh