Mỹ mở mặt trận mới chống Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực (RFI, 09/05/2019)
Hoa Kỳ ngày 06/05/2019 đã khẳng định vai trò cường quốc Bắc Cực của mình, công khai lớn tiếng đả kích "thái độ hung hăng" của Trung Quốc và Nga tại khu vực.
Khu vực được 8 thành viên thường trực phân chia để chịu trách nhiệm coi sóc, lâu dần có thể thành phạm vi ảnh hưởng. Nguồn: Wall Street Journal
Một hôm trước cuộc họp của Hội Đồng Bắc Cực, tập hợp các nước giáp ranh Bắc Cực, tại Rovaniemi, miền Bắc Phần Lan, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh rằng ngày nay Bắc Cực đã trở thành một không gian cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, nhưng việc "Bắc Cực là một vùng hoang dã không có nghĩa là nơi này phải trở thành một nơi bị luật rừng chi phối".
Trước một cử tọa trong đó có cả phái đoàn Nga, một thành viên thực thụ của Hội Đồng Bắc Cực, và Trung Quốc, một quan sát viên bên cạnh Hội Đồng, ngoại trưởng Mỹ đã có những lời lẽ hết sức gay gắt nhắm vào hai nước, nhất là vào Trung Quốc.
Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI tại Rovaniemi, ngoại trưởng Mỹ đã không ngần ngại nêu bật ví dụ về những hành vi Trung Quốc đã làm tại Châu Á và Biển Đông để cảnh báo các quốc gia Bắc Cực về những gì mà Trung Quốc có thể làm tại khu vực này.
Theo ông Pompeo, nghĩa vụ của Mỹ là phải bảo vệ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển tại khu vực Bắc Cực, chống lại Trung Quốc vốn đã vi phạm Công Ước này ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố : "Những nước nào không thượng tôn luật pháp sẽ không được phép tham gia… Chúng ta có muốn là các quốc gia Bắc Cực, và nhất là các cộng đồng bản xứ, phải chịu số phận của các chính quyền trước đây tại Sri Lanka hay Malaysia đã bị rơi vào bẫy nợ và tình trạng tham nhũng hay không ?".
Ông Pompeo nói tiếp : "Chúng ta có muốn là hạ tầng cơ sở thiết yếu của vùng Bắc Cực có kết cục như những con đường mà Trung Quốc xây dựng ở Ethiopia hay không ? Những con đường đã rệu rã và trở thành nguy hiểm chỉ sau vài năm mà thôi ?".
Nhắc đến hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ hỏi tiếp : "Chúng ta có muốn Bắc Băng Dương biến thành một Biển Đông khác hay không ? Một vùng biển bị quân sự hóa với các tranh chấp lãnh thổ đối chọi nhau ? Chúng ta có muốn là môi trường mong manh của Bắc Cực bị tàn phá về mặt sinh thái với hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc thường trực trên vùng biển ngoài khơi Bắc Cực hay không ?"
Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự
Theo hãng tin Anh Reuters, tại Rovaniemi, ngoại trưởng Mỹ không quên nhắc lại một nội dung trong bản báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 02/05, cảnh báo nguy cơ Trung Quốc lợi dụng sự hiện diện của họ trong lãnh vực nghiên cứu dân sự để tăng cường sự hiện diện về mặt quân sự, kể cả việc triển khai tàu ngầm trong khu vực để răn đe hạt nhân.
Bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ ghi nhận là Đan Mạch, một thành viên của Hội Đồng Bắc Cực, đã lo ngại về việc Trung Quốc chú ý đến đảo Greenland và đề nghị thành lập một trạm nghiên cứu, trạm vệ tinh mặt đất, nâng cấp sân bay và mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này. Bắc Kinh cũng công bố kế hoạch chế tạo tàu phá băng hạt nhân với lượng giãn nước 30.000 tấn, nhằm tăng cường khả năng thăm dò và hiện diện ở Bắc Cực.
Theo hãng tin Pháp AFP, ngoại trưởng Mỹ cũng không ngần ngại phủ nhận tính chính đáng của sự hiện diện của Trung Quốc tại cơ chế Hội Đồng Bắc Cực, kể cả trong tư cách quan sát viên.
Hội Đồng Bắc Cực bao gồm 8 thành viên, tất cả đều là những quốc gia có một phần lãnh thổ nằm trong khu vực : Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Iceland và Phần Lan. Nếu Hoa Kỳ và Nga là thành viên thực thụ, thì Trung Quốc chỉ có quy chế quan sát viên.
Trong diễn văn của mình tại Rovaniemi, ông Pompeo đã nêu bật một thực tế là điểm cực bắc của Trung Quốc nằm cách Bắc Cực đến 900 hải lý (gần 1.450 cây số). Bằng chi tiết này, ông Pompeo được cho là đã phủ nhận quy chế "Quốc Gia cận Bắc Cực" mà Trung Quốc tự cho mình.
Ông Pompeo khẳng định : "Chỉ có quốc gia Bắc Cực và quốc gia ngoài Bắc Cực, không hề tồn tại loại thứ 3 nào, và nói này, nói nọ cũng không thể mang đến cho Trung Quốc bất cứ quyền hạn gì".
Tuyến hàng hải chiến lược
Theo ngoại trưởng Mỹ, khi đầu tư ồ ạt vào vùng Bắc Cực – gần 90 tỷ đô la từ 2012 đến 2017, Bắc Kinh muốn khai thác, và thủ lợi từ tuyến hàng hải phía Bắc, đi ngang qua phía bắc nước Nga, cho phép rút ngắn đáng kể tuyến đường nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tuyến hàng hải phía Bắc này ngày càng dễ sử dụng hơn do hiện tượng băng tan.
Trung Quốc và Nga rất muốn biến tuyến đó thành một phần của Con Đường Tơ Lụa Mới, một sáng kiến bị nhiều nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, xem là thể hiện ý muốn bá quyền của Trung Quốc.
Nga ‘khiêu khích’ ?
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng lên án những " hành động khiêu khích" của Nga khi quân sự hóa trở lại Bắc Cực.
Chỉ vài phút trước khi gặp đồng nhiệm Lavrov trong một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị của Hội Đồng Bắc Cực, ông Pompeo tố cáo : "Trên tuyến đường biển phía bắc, một cách bất hợp pháp, Matxcơva đã đòi các nước khác phải xin phép khi quá cảnh qua Nga, cho hoa tiêu Nga lên các tàu ngoại quốc, và đe dọa sử dụng võ lực đánh chìm những chiếc tàu nào không tuân thủ các yêu cầu đó".
Đối với ngoại trưởng Mỹ, "Nga đã để lại dấu giầy đinh (của quân đội) trên tuyết", và kể từ năm 2014, đã dùng tàu phá băng cải tạo lại các căn cứ có từ thời Chiến Tranh Lạnh, tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga trong vùng.
Theo AFP lời lẽ công kích của ông Pompeo càng đáng chú ý vì được đưa ra chỉ ít lâu trước cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga leo thang trên vấn đề Venezuela. Trước ống kính truyền hình, hai người bắt tay nhau với nụ cười nhưng không cho biết nội dung cuộc tiếp xúc.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự và bảo vệ môi trường Bắc Cực
Sau khi cực lực tố cáo Nga và Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ đã biện minh cho sự tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng Bắc Cực.
Theo ông Pompeo, trước các hoạt động gây bất ổn định của đối phương, Mỹ đang phải "tiến hành tổ chức các cuộc tập trận, tăng cường hiện diện quân sự, xây dựng lại đội tàu phá băng và tăng chi tiêu cho lực lượng tuần duyên".
Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, từ nay đến 01/06, Lầu Năm Góc phải đệ trình chiến lược phòng thủ mới cho vùng Bắc Cực.
Trước mắt thì đã có hàng trăm lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ luân chuyển qua Na Uy để luyện tập chiến đấu trong thời tiết băng giá, phi cơ Mỹ cũng được đưa trở lại căn cứ không quân Keflavik ở Iceland mà quân đội Hoa Kỳ đã rời đi vào năm 2006.
Ngoài vấn đề quân sự, ông Pompeo còn nêu lên vai trò "lãnh đạo hàng đầu thế giới về bảo vệ môi trường" của Mỹ, kể cả tại Bắc Cực, cho rằng từ nay đến năm 2025 lượng khí thải CO2 của Mỹ sẽ giảm "nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Bắc Cực".
Tuyên bố là như vậy, nhưng trong thực tế, theo tin Reuters, tại hội nghị chính thức của các nước vùng Bắc Cực ở Rovaniemi ngày 07/05, Hoa Kỳ đã từ chối ký vào một thỏa thuận về những thách thức tại Bắc Cực vì không đồng ý với từ ngữ trong thông cáo chung, nói rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiêm trọng cho Bắc Cực.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996, hội nghị của cơ chế này không ra được thông cáo chung.
Mai Vân
*******************
Mỹ từ chối ký thỏa thuận về Bắc Cực (VOA, 08/05/2019)
Hoa Kỳ từ chối ký một thỏa thuận về những thách thức tại Bắc Cực vì những khác biệt về ngôn từ liên hệ đến biến đổi khí hậu, làm tổn hại đến sự hợp tác tại vùng cực giữa lúc trái đất đang ấm dần một cách đáng ngại. Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết hôm 7/5.
Các thành viên Hội đồng Bắc cực tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Bắc cực ở Rovaniemi, Phần Lan ngày 7/5/2019. Hàng đầu từ trái : Các ngoại trưởng Nga (Sergei Lavrov), Thụy Điển (Margot Wallstrom), Hoa Kỳ (Mike Pompeo) và Phần Lan (Timo Soini). Mandel Ngan/Pool via Reuters
Nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng gấp hai lần nhiệt độ các nơi khác trên thế giới, và băng giá đang tan làm lộ ra những khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng cho việc khai thác thương mại.
Hội nghị các quốc gia quanh Bắc Cực tại Rovaniemi miền bắc Phần Lan vào ngày 7/5 dự trù làm khung cho kế hoạch hai năm để cân bằng những thách thức của biến đổi khí hậu với sự phát triển bền vững của các nguồn khoáng sản phong phú.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini nói thông cáo chung không được thảo luận và sẽ được thay thế bằng một tuyên bố ngắn của các Bộ trưởng tham dự hội nghị.
Một nguồn tin ngoại giao biết về các cuộc thảo luận nói Hoa Kỳ cản trở việc ký kết vì không đồng ý với ngôn từ trong thông cáo chung nói rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trầm trọng đối với Bắc Cực. Một nguồn tin thứ hai xác nhận việc này.
Đây là lần đầu tiên một thông cáo chung bị hủy bỏ kể từ khi Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996. Không thể tiếp xúc được với phái đoàn Hoa Kỳ để yêu cầu bình luận.
Phát biểu tại Hội đồng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chính quyền của Tổng thống Donald Trump "chia sẻ sự cam kết sâu rộng của quí vị về việc bảo vệ môi trường tại Bắc Cực". Tuy nhiên ông nói các mục tiêu tập thể không phải luôn luôn là câu trả lời.
"Những câu trả lời này không có ý nghĩa và thậm chí phản tác dụng nếu có một quốc gia nào không tuân thủ", ông nói.
Hội đồng Bắc Cực gồm có Hoa Kỳ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Iceland.
Thỏa thuận giữa các nước không có tính cách ràng buộc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5 nói nước này sẽ làm việc với tất cả các nước để đóng một vai trò xây dựng tại Bắc Cực vào lúc Hoa Kỳ cảnh báo về sự dính líu của Trung Quốc tại vùng này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga có thái độ hung hăng tại Bắc Cực và hành động của Trung Quốc tại đây cũng cần được theo dõi một cách chặt chẽ, giữa những chia rẽ ngày càng tăng tại vùng cực về hiện tượng trái đất ấm dần lên và việc tiếp cận các khoáng sản.
Phát biểu khi đến miền bắc Phần Lan để họp với các quốc gia có lãnh thổ tại Bắc Cực, ông Pompeo nói Bắc Kinh dường như có những mục đích về an ninh quốc gia tại đây, và những hành động của Nga, trong đó có kế hoạch mở những kênh hàng hải từ Châu Á đến Bắc Âu, cần phải được xem xét cẩn thận.
******************
Mỹ không muốn thấy Trung Quốc hoành hành ở Bắc Cực như tại Biển Đông (RFI, 07/05/2019)
Có mặt tại Phần Lan để tham dự cuộc họp Hội Đồng Bắc Cực, diễn đàn liên chính phủ của các quốc gia có lãnh thổ tại Bắc Cực, hôm qua, 06/05/2019, ngoại trưởng Mỹ đã mạnh mẽ lên án tham vọng ngày càng lớn cũng như "thái độ hung hăng" của Trung Quốc và Nga trong vùng băng giá, nhưng ẩn chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Trung Quốc đã nhìn thấy những cơ hội về tài nguyên trong thềm băng Bắc Cực
Ông Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường hiện diện tại Bắc Cực để ngăn chặn các tham vọng quân sự của Trung Quốc và Nga.
Riêng với Trung Quốc, vẫn tự nhận quốc gia cận Bắc Cực, đòi hỏi các quyền như những các quốc gia có lãnh thổ Bắc Cực khác, ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh đến các tham vọng của Bắc Kinh :
"Trung Quốc tự nhận là quốc gia "cận Bắc Cực". Chúng tôi cho rằng chỉ có các quốc gia Bắc Cực hoặc KHÔNG Bắc Cực. Không có hạng mục thứ ba.
Trong thời gian từ 2012 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư 90 tỉ đô la vào Bắc Cực. Trong một số trường hợp, Trung Quốc dùng tiền của họ để phát triển hạ tầng cơ sở, các doanh nghiệp và nhân công của họ nhằm hiện diện lâu dài thường xuyên.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, Trung Quốc dự tính triển khai cả tàu ngầm có khả năng răn đe hạt nhân.
Cách làm hung hăng của Trung Quốc tại những nước khác buộc chúng ta xem xét phân tích.
Liệu chúng ta có muốn các hạ tầng cơ sở đó cuối cùng sẽ giống như những con đường mà Trung Quốc xây dựng ở Ethiopia ? Những con đường bị hư hỏng và trở nên nguy hiểm chỉ sau vài năm ?
Liệu chúng ta có muốn biển Bắc Cực biến thành vùng Biển Đông mới, đầy rẫy quân đội và những tranh chấp đòi hỏi chủ quyền ?
Liệu chúng ta có muốn môi trường mong manh của Bắc Cực cũng rơi vào tình trạng bị tàn phá giống như những tàu đánh cá Trung Quốc gây ra ở nơi này nơi khác, hay những hoạt động công nghiệp vô độ đang diễn ra tại Trung Quốc ?
Tôi nghĩ câu trả lời đã khá rõ ràng".
Anh Vũ