Mỹ-Ấn thúc đẩy tự do giao thương hàng hải (RFI, 26/10/2017)
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động tại Biển Đông, họp báo chung với đồng nhiệm Mỹ ngày 25/10/2017, ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố New Delhi và Washington đồng ý đẩy mạnh tự do giao thương hàng hải trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj, New Delhi, 25/10/2017. Reuters/Altaf Hussain
Ấn Độ và Hoa Kỳ cần bảo đảm để hai vùng biển này luôn "tự do, rộng mở và thịnh vượng". Trong buổi họp báo tại New Delhi hôm qua, ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ không để "các quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại bị cản trở".
Bà Sushma Swaraj không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tất cả các nhà bình luận đều cho rằng, tuyên bố trên đây của ngoại trưởng Ấn Độ trực tiếp nhắm vào chính sách bành trướng ở Biển Đông của Bắc Kinh,.
Theo báo kinh tế The Economic Times của Ấn Độ, ngoại trưởng Mỹ-Ấn đồng ý đẩy mạnh hợp tác song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế. New Delhi và Washington khởi động tiến trình đàm phán 2+2 giữa ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Nhật đóng vai trò đầu tàu
Cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải, giao thương và tăng cường hợp tác quốc phòng, báo chí Tokyo ngày 25/10/2017 tiết lộ, ngoại trưởng Taro Kono đề nghị mở các cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Mục tiêu đề ra là nhằm tăng cường hợp tác trên biển giữa bốn quốc gia, hoạt động trong các khu vực từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương. Nỗ lực này theo đánh giá của tờ báo kinh tế Nikkei nhằm làm đối trọng với kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Sáng kiến của Tokyo sẽ được thủ tướng Shinzo Abe nêu lên khi tiếp tổng thống Mỹ tại Nhật Bản vào ngày 06/11/2017.
Thanh Hà
*****************
Mỹ-Ấn : Đoàn kết chống khủng bố (RFI, 25/10/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 25/10/2017 từ New Delhi đã ca ngợi việc Ấn Độ sát cánh với Hoa Kỳ chống lại các tổ chức thánh chiến. Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng mong muốn có sự hợp tác của Ấn Độ, để đối phó với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội đàm với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, ngày 25/10/2017. Reuters/Alex Brandon/Pool
Ngoại trưởng Tillerson thăm Ấn Độ một ngày sau khi được đón tiếp một cách lạnh nhạt tại Pakistan, do Islamabad bực tức trước những chỉ trích của Mỹ, là đã để cho nước mình trở thành hậu cứ của quân Taliban. Tại New Delhi, ông Tillerson bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng một số nhóm cực đoan bắt rễ tại Pakistan, tố cáo chính quyền Islamabad nhắm mắt làm ngơ trước những hành động của các nhóm thánh chiến.
Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Ấn Độ hôm nay, ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington sẵn sàng cung cấp cho New Delhi những công nghệ quốc phòng hiện đại để chống khủng bố. Bên cạnh đó, ông Tillerson hy vọng có được sự ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ trong việc củng cố chính quyền Afghanistan tại Kaboul, đối phó với Trung Quốc, cũng như các vấn đề an ninh khác tại Châu Á.
Tuần trước, ông Rex Tillerson đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ, trước ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, cho biết mong muốn của Washington là có được một lục địa Châu Á "tự do và cởi mở". Ông cũng nói rằng Bắc Kinh đôi khi bất chấp công pháp quốc tế, nêu ra ví dụ là hành động bành trướng trên Biển Đông.
Thụy My
*****************
Quan hệ Mỹ-Ấn cải thiện, láng giềng dò xét (VOA, 21/10/2017)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần tới sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Nam Á kể từ khi Nhà Trắng nêu ra chiến lược mới đối với khu vực. Chuyến thăm này có chặng dừng chân ở Ấn Độ, nước có mối quan hệ với Hoa Kỳ đã phát triển thành một liên minh trên thực tế, trong khi các nước láng giềng của Ấn Độ cảm thấy đầy ngờ vực.
Quan hệ Mỹ-Ấn phát triển tốt đẹp nhưng lãnh đạo hai nước tránh gọi đó là một liên minh
Hoa Kỳ và Ấn Độ sử dụng rất nhiều tên khác nhau để mô tả mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp trong thời gian gần đây. Nhưng một cụm người ta không nghe thấy là "liên minh". Trên thực tế, các quan chức Mỹ và Ấn Độ đôi khi nói dài dòng đến mức trở thành hài hước để tránh sử dụng cụm từ đó.
Dù đó có vẻ như là một kỹ thuật ngoại giao, nhưng trên thực tế nó phản ánh lịch sử không liên kết của Ấn Độ.
Arpana Pande thuộc Viện Hudson nói với VOA qua Skype : "Ấn Độ không muốn bất cứ ai gọi là đồng minh, và lý do là lịch sử thuộc địa của Ấn Độ".
Điều đó có thể từ từ thay đổi.
Thương mại Hoa Kỳ-Ấn Độ hiện gấp gần sáu lần so với năm 2000.
Và Hoa Kỳ gần đây đã gọi New Delhi là một "đối tác quốc phòng chủ chốt".
Trong một bài phát biểu hôm 18/10, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói ông muốn đi xa hơn.
"Chính quyền của ông Trump quyết tâm làm sâu sắc thêm những cách thức để Hoa Kỳ và Ấn Độ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác này".
Ông Tillerson cũng làm Trung Quốc tức giận khi ông nói rằng Ấn Độ nên giúp cho việc duy trì "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" mà Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đang cố gắng làm cho suy yếu.
Pakistan, đối thủ địa chính trị của Ấn Độ, cũng hoài nghi về sự cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, và phê phán những chỉ trích của Mỹ rằng Pakistan có liên kết với các nhóm khủng bố.
Ông Tillerson sẽ phải cân bằng các mối quan hệ một cách khôn ngoan trong một khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
******************
Ấn Độ sẵn sàng tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ (RFA, 20/10/2017)
Ấn Độ sẵn sàng tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đưa ra cam kết mở rộng hợp tác như là cách đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) nói chuyện với Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi ở thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức hôm 8/7/2017. AFP
Chính quyền New Dehli cho biết như vừa nêu vào ngày 20 tháng 10. Cụ thể một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng ông Rex Tillerson từng có bài phát biểu quan trọng về tương lai của quan hệ Hoa Kỳ- Ấn Độ và New Dehli đang chờ để thảo luận chi tiết về kế hoạch mở rộng hợp tác giữa hai nước.
Vào tuần tới, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đến thăm Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du khu vực của ông này. Và trong một bài phát biểu vừa qua, ôngTillerson nói rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu thảo luận về những giải pháp thay thế cho nguồn tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc chi ra ở Châu Á.
Ông Tillerson không nói rõ giải pháp nào sẽ được dùng để thay thế cho nguồn tài trợ của Trung Quốc đó. Trong khi ấy, lâu nay Ấn Độ cũng ngày càng quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh tăng cường thương mại và xây dựng những tuyến giao thông tại Châu Á.
Ấn Độ là nước lớn duy nhất ở Châu Á không cử đại diện đến tham dự hội nghị thượng đỉnh ‘Vành Đai- Con Đường’ do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 5 vừa qua. Lý do của việc vắng mặt đó được cho biết là vì hành lang kinh tế mà Trung Quốc đang thiết lập tại Pakiastan đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
New Dehli cảnh báo rằng kế hoạch ‘Vành Đai, Con Đường’, thường được gọi là ‘Con đường Tơ Lụa’ thời hiện đại của Trung Quốc, sẽ tạo nên gánh nặng nợ nần cho nhiều nước.
Vị phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Dehli đã đồng ý với kêu gọi của ông Rex Tillerson về một trật tự quốc tế dựa trên căn bản pháp luật mà hiện bị cho đang đứng trước nguy cơ thái độ quyết đoán của Bắc Kinh tại Châu Á.
Washington lặp đi lặp lại chỉ trích là Bắc Kinh bất tuân luật pháp quốc tế khi tiến hành cải tạo, xây dựng rồi quân sự hóa các đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông. Đây là nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên hải sản, dầu khí dồi dào và Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực này.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng kêu gọi mở rộng phạm vi hợp tác an ninh giữa ba nước Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản ra thêm những nước khác nữa như Úc. Đây là kế hoạch mà trong quá khứ Trung Quốc từng lên tiếng cáo buộc là gây bất ổn trong khu vực.
Tuy vậy, New Dehli cũng còn do dự trước kêu gọi của Washington có vai trò lớn hơn trong đó có tham gia tuần tra chung tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thái độ do dự này được nói xuất phát từ quan ngại sẽ làm cho Trung Quốc giận dữ hơn nữa với Ấn Độ.
*****************
"Đối tác chiến lược" Mỹ - Ấn : Một cảnh báo cho Trung Quốc ? (RFI, 19/10/2017)
Hoa Kỳ muốn tăng cường "đối tác chiến lược" với Ấn Độ, đồng thời chỉ trích Trung Quốc làm suy yếu trật tự thế giới. Thông điệp này được ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đưa ra cùng ngày Bắc Kinh khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19, cho phép Tập Cận Bình củng cố quyền lực. Giới chuyên gia tự hỏi : Phải chăng đó còn là một lời cảnh báo dành cho Trung Quốc ?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Mỹ Donald Trump trước cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, 26/06/2017. Ảnh : Reuters
Tại buổi nói chuyện ở Center for Strategic and International Studies tại Washington, ngày 18/10/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hết lời ca ngợi mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Ấn, không ngừng được củng cố để trở thành "những đối tác lý tưởng", tuy vẫn khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung. Theo ông, đó là nhờ cả hai nước đều cùng chia sẻ "những giá trị dân chủ chung".
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố đồng tình với quan điểm của bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis cho rằng "hai nền dân chủ lớn nhất thế giới cũng phải là hai đội quân mạnh nhất". Do đó, ông kêu gọi Ấn Độ nên có những vai trò tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh cho toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng không kiệm lời chỉ trích thái độ thiếu trách nhiệm của Trung Quốc khi trở thành cường quốc, đồng thời cho rằng hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông thách thức các luật lệ và chuẩn mực quốc tế, mà Hoa Kỳ và Ấn Độ đều ủng hộ.
Theo AFP, bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ chẳng khác nào là một lời cảnh báo dành cho cường quốc đối thủ Trung Quốc. Theo đó, Washington sẽ thiết lập các liên minh khu vực nhằm làm đối trọng với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh, qua việc kêu gọi tự do lưu thông trên biển và trên không.
Trả lời câu hỏi của giới báo chí, một quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Mỹ, xin giấu tên, cho biết ngoài việc dự phóng tầm nhìn "đối tác chiến lược" Mỹ - Ấn, chủ đề chính của bài phát biểu còn cho thấy rõ một ý tưởng về "New Pacific", một ưu tiên của cả tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Rex Tillerson.
Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ muốn hình thành một liên minh tứ giác bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ hòng "trấn giữ" khu vực rộng lớn và thiết lập các tiêu chuẩn cho thương mại và an ninh. Điều này cũng ngầm ý là không có Trung Quốc.
Thế nhưng, do kinh tế Ấn Độ trỗi dậy một cách chậm chạp như là một cường quốc, nên quốc gia này tránh né tham gia vào các liên minh, và tiếp tục duy trì một cách thận trọng các mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh. Dù vậy, tổng thống Donald Trump vẫn có một mối quan hệ nồng ấm với thủ tướng Narendra Modi.
Minh Anh