Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ý định muốn chinh phục hoàn toàn Biển Đông của Trung Quốc quá rõ ràng (CaliToday, 10/05/2018)

Theo ý kiến của ký giả Richard A.Britzinger viết cho trang mạng The National Interest hôm thứ năm 10/5 thì việc Trung Quốc giàn vũ khí tấn công ra trên các đảo nhân tạo đã xây dựng ở Biển Đông cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

bd1

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ - Ảnh minh họa

Theo Britzinger thì gần một thập niên qua, chuyện này là hậu quả tất nhiên của một loạt gây rắc rối trong vùng biển này của Bắc Kinh, của những hành động quân sự hết sức gây hấn và nhiều kiểu hoạt động vi phạm công pháp quốc tế khác nữa.

Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa với thế giới là Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo mà họ đã ngang nhiên xây dựng bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.

Trường Sa gồm phần lớn các đảo san hô trong Biển Đông và nằm ngay trên lộ trình chiến lược SLOGs của nhiều quốc gia cần đưa hàng hóa ngược xuôi trị giá 5 ngàn tỉ đô la hàng năm và còn là vùng phong phú về tài nguyên thiên nhiên như các ngư trường đánh bắt hải sản và trữ lượng dầu hỏa.

Không một quốc gia nào trong số các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei vốn tuyên bố có chủ quyền ở Trường Sa lại "dám đi xa" như Trung Quốc, bằng cách làm ngược với lời hứa của Tập Cận Bình và cho quân sự hóa ồ ạt các đảo ở Trường Sa.

Vào đầu tháng 5 năm nay, người ta mới biết Trung Quốc đã dàn loại hỏa tiễn chống chiến hạm ASCMs có khả năng bắn xa 300 cây số và hỏa tiễn phòng không SAM, với khả năng bắn xa đến 200 cây số, trong ít nhất 3 đảo ở Trường Sa là các dảo Fiery Cross Reef, Mischief Reef và Subi Reef.Cùng lúc quần đảo Hoang Sa cũng được quân sự hóa mạnh mẽ với việc phi đạo dài 2,700 mét đã được xây dựng trên đảo Woody Island của Hoàng Sa, nhiều nhà kho, các trạm radar và hỏa tiễn phòng không cũng đã được bố trí tại đây.

Các nhà quan sát quốc tế cho là với "kiểu làm ăn tầm ăn lên" trong nhiều năm qua như thế, Trung Quốc đã đặt phần lớn các lộ trình di chuyển của tàu bè quốc tế trong Biển Đông dưới sự thị uy quân sự rõ rệt của họ rồi.

Đào Nguyên

******************

Ảnh vệ tinh : Máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đậu tại Đá Xu Bi, Trường Sa (RFI, 11/05/2018)

Các ảnh vệ tinh chụp ngày 28/04/2018 và được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á – AMTI, công bố ngày 09/05/2018 cho thấy rõ hình ảnh một chiếc Thiểm Tây Y-8 (Shaanxi Y-8), loại máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đang đỗ tại Đá Xu Bi, trong vùng quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.

bd2

Ảnh vệ tinh ngày 28/04/2018 : Máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 (Shaanxi Y-8) của Trung Quốc trên Đá Xu Bi, Trường Sa (Ảnh chụp màn hình website AMTI) (Capture d'image @amti.csis.org)

Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, được báo The Telegraph trích dẫn, Thiểm Tây Y-8 là máy bay vận tải quân sự đa năng, còn có thể được dùng để tuần tra hàng hải hoặc do thám.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay vận tải quân sự đến Đá Xu Bi, nơi có một trong ba phi đạo chiến lược của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa.

Như vậy, Trung Quốc đã điều các máy bay quân sự đến cả ba thực thể được bồi đắp nhân tạo, đó là Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập.

Các chuyên gia của AMTI cho biết, cách nay hai năm, máy bay tuần tra hàng hải của Trung Quốc đã hạ cánh xuống Đá Chữ Thập và hồi tháng Giêng năm 2018, hai máy bay vận tải quân sự Tây An Y-7 (Xian Y-7) đã hạ cánh xuống Đá Vành Khăn.

Vẫn theo AMTI, việc Trung Quốc cho máy bay tới Đá Xu Bi làm cho chính quyền Manila lo ngại vì Đá Xu Bi chỉ cách đảo Thị Tứ (Thitu) khoảng 12 hải lý, trên đó có một trại lính của Philippines và khoảng 100 thường dân sinh sống.

Đức Tâm

********************

Trung Quốc lại tập trận quanh Đài Loan (RFA, 11/05/2018)

Trung Quốc ngày 11 tháng 5 lại cho máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tiến hành tập trận xung quanh Đài Loan. Hoạt động này được cho nằm trong loạt tập trận nhằm đe dọa lực lượng đòi độc lập tại Đài Bắc.

bd3

Chiến đấu cơ Su-35, Su-35 bay cùng máy bay ném bom H-6K trong một cuộc tập trận của Trung Quốc. Reuters

Thông báo của Không quân Trung Quốc cho biết các máy bay ném bom H-6K và máy bay do thám cùng ngày đã diễn tập vây đảo Đài Loan, di chuyển theo hai hướng ngược nhau và nhận định đây là "một bước nâng cấp về năng lực tác chiến". Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu Su-35 hộ tống các máy bay ném bom di chuyển qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines.

Quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động quân sự nhắm đến Đài Loan trong đó thường xuyên sử dụng máy bay ném bom H-6K. tháng trước, Hải quân Trung Quốc cũng tổ chức một đợt tập trận bắn đạn thật trên eo biển Đài Loan.

Hôm 9/5 vừa qua, Không quân Trung Quốc đã lần đầu tiên cho bay huấn luyện máy bay tàng hình J-20 trên biển trong điều kiện thực chiến, nói là nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tin liên quan, Hạ viện Hoa Kỳ ngày 10 tháng 5 đã thông qua một dự luật tăng cường năng lực quân sự của Đài Loan.

Mục "Tăng cường sự sẵn sàng cho quân đội Đài Loan" của dự luật cho biết sẽ mở rộng đào tạo quân sự chung giữa Đài Bắc và Washington, đồng thời hỗ trợ Hoa Kỳ bán vũ khí cho đảo quốc này.

Phía Mỹ sẽ đánh giá toàn diện và trao đổi với Đài Loan về cách tăng cường và cải cách lực lượng quân sự của Đài Loan, đặc biệt là lực lượng dự trữ.

Sau khi đánh giá, Mỹ sẽ đưa ra những khuyến nghị để tăng cường hợp tác song phương và cải thiện khả năng tự vệ của Đài Loan. Sau đó sẽ chuyển kết quả đánh giá và các khuyến nghị này tới Quốc hội Hoa Kỳ.

Phía Đài Bắc cho biết rất vui mừng chứng kiến các biện pháp chính phủ Washington thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của đảo quốc.

******************

Trung Quốc cấp tốc chế tạo vũ khí tối tân để đối lại Mỹ (RFA, 11/05/2018)

Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển nhiều loại vũ khí hiện đại nhằm đối đầu với Mỹ.

Đó là nội dung trong một báo cáo được các chuyên gia vũ khí chiến lược Mỹ được đưa ra vào ngày thứ năm 10/5/2018.

bd4

Một phản lực cơ J5 của Trung Quốc đáp trên Hàng không mẫu hạn Liêu Ninh, 24/4/2018. AFP

Báo cáo này dựa trên một công trình nghiên cứu trong thời gian qua được một ủy ban của Quốc hội Mỹ bảo trợ.

Các tác giả đã kể ra nhiều loại vũ khí mà Trung Quốc đang nghiên cứu là hỏa tiễn siêu thanh, hỏa tiễn diệt vệ tinh, đầu đạn điều khiển, vũ khí laser, súng điện từ, vũ khí sử dụng thiết bị không người lái, khả năng thực hiện chiến tranh mạng… Điều quan trọng nhất là các hệ thống vũ khí này sử dụng triệt để công nghệ nghiên cứu trí khôn nhân tạo.

Các nhà nghiên cứu cho biết mục đích của Trung Quốc là để chiếm thế thượng phong trước Hoa Kỳ, chống lại sức ép mà Bắc Kinh cảm thấy, cho là mình đang bị bao vây tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương, bị Mỹ và các đồng minh cản trở không cho Trung Quốc trở nên một đế quốc trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu nêu lên quan ngại rằng Mỹ chỉ còn rất ít thời gian, chỉ khoảng 10 năm để ngăn cản Trung Quốc vượt qua mình.

Họ cũng thúc giục Washington tích cực liên kết với ba đồng minh trong tứ giác Ấn Độ Thái Bình Dương, là Úc , Nhật và Ấn Độ để chống lại Bắc Kinh.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá cho rằng dù sao Trung Quốc không phải có ưu thế tuyệt đối, vì họ phải đối mặt với những khó khăn, những khiếm khuyết nội tại của chính hệ thống xã hội chính trị Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu còn đề nghị khai thác nỗi sợ của người láng giềng phương Bắc của Trung Quốc là nước Nga, vì Mosskva luôn lo ngại sự trỗi dậy đáng sợ của Trung Quốc.

********************

Không quân Mỹ-Hàn tập trận trên quy mô lớn (RFI, 11/05/2018)

Chính quyền Seoul, ngày 10/05/2018 cho biết, không quân Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận trên quy mô lớn, kể từ ngày 11/05.

bd5

Lần đầu tiên máy bay tàng hình F-22 của không quân Mỹ tham gia tập trận với Hàn Quốc. Wikimedia Commons

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, cuộc tập trận thường niên mang tên Max Thunder kéo dài trong hai tuần, với sự tham gia của khoảng 100 máy bay trong đó có 8 máy bay tàng hình F-22, một số oanh tạc cơ chiến lược B-52, và tiêm kích F-15K.

Bộ tư lệnh không quân Hàn Quốc và hạm đội 7 không quân Hoa Kỳ phối hợp chỉ huy chiến dịch. Đây là lần đầu tiên, máy bay tàng hình F-22 được huy động tham gia cuộc tập trận.

Theo giới quan sát, cuộc luyện tập phô trương sức mạnh không quân của Hàn Quốc và Hoa Kỳ nhằm gây sức ép mạnh hơn đối với Bắc Triều Tiên, vào lúc thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 12/06/2018 tại Singapore.

Hôm qua, đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump, qua mạng xã hội Twitter, đã thông báo thời gian và địa điểm cuộc gặp của ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Trước đó, khi tới căn cứ quân sự Andrews, gần Washington, để đón ba tù nhân Mỹ được Bình Nhưỡng trả tự do, tổng thống Mỹ cho rằng Kim Jong-un muốn đưa Bắc Triều Tiên hội nhập với thế giới và ông hy vọng làm được một việc rất có ý nghĩa nhân thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên, đó là tiến hành phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên liên tiếp đưa ra các tín hiệu để tỏ thiện chí. Theo đại diện Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Bình Nhưỡng đồng ý không tiến hành các hoạt động nguy hiểm, có thể đe dọa an ninh các tuyến hàng không.

Trong tuần, các quan chức của ICAO đã công du Bắc Triều Tiên để thảo luận về việc Bình Nhưỡng muốn mở tuyến đường hàng không mới, bay qua không phận Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Giám đốc văn phòng ICAO tại Bắc Kinh, được Reuters trích dẫn, cho biết đã có được sự bảo đảm chắc chắn từ phía Bắc Triều Tiên, là không tiến hành các hoạt động nguy hiểm đối với các tuyến hàng không, mà không thông báo trước cho các quốc gia trong khu vực.

Khi được hỏi về khả năng mở các tuyến bay quốc tế đến Bắc Triều Tiên, đại diện ICAO cho biết là có thể và hai bên đang tiếp tục hướng tới việc thiết lập quan hệ chặt chẽ.

Đức Tâm

Published in Quốc tế