Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hậu chiến tranh lạnh : Thất bại của các nền dân chủ

Vào ngày kỷ niệm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, 11 tháng 11, một số báo Paris không ấn hành, nhưng bài vở vẫn được cập nhật trên mạng. Riêng ba tờ báo lớn là Le Monde, Le Figaro Libération phục vụ độc giả như bình thường.

hau1

Thắp sáng cổng thành Brandenburger, Berlin, Đức mừng 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ. Reuters

Dư âm sự kiện Bức Tường Berlin sụp đổ cách nay 30 năm vẫn là đề tài chiếm nhiều trang báo Paris trong ngày. Trên nhật báo Le Figaro, bài báo mang tựa đề "Các nền dân chủ bại trận trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh", Nicolas Baverez đưa ra những ý kiến như sau : 1989 đã khép lại thế kỷ 20, một thế kỷ mở đầu vào năm 1914 khi Thế Chiến Thứ Nhất khai mào. Sau biến cố đó, khối Liên Xô tan rã. Mô hình dân chủ thăng hoa. Nhưng rồi, trong ba thập niên qua, các nền dân chủ đang bị những mối đe dọa xuất phát "từ bên trong và bên ngoài" thách thức.

Một mặt, từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga và cả những tổ chức khủng bố đều coi mô hình dân chủ là "kẻ thù", mặt khác, ngay bên trong các nền dân chủ phương Tây, các phong trào dân túy đang bùng lên và nền dân chủ tự do đang bị "mô hình dân chủ phi tự do" của thủ tướng Hungary Viktor Orban cạnh tranh.

Trên bàn cờ quốc tế, phương Tây rệu rã : Mỹ phủi tay với trách nhiệm của thế giới, Châu Âu thì vừa bất lực vừa bị chia rẽ. Tác giả bài báo cho rằng tổng thống Nga, Vladimir Putin đã có phần vội vã khi thông báo "mô hình dân chủ và tự do đã cáo chung", nhưng rõ ràng, "các nền dân chủ đã đã thua trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh" bởi vì "sau biến cố 1989, ảnh hưởng của phương Tây trên thế giới đã thu hẹp", bởi vì "chủ nghĩa tự do bị hòa toan trong cuộc sống mà ở đó người ta chủ chú trọng vào vật chất, con người trở nên ích kỷ và xã hội phủ định hoàn toàn mọi cấp bậc về giá trị đạo đức". Nicolas Baverez cho rằng, hạ gục được Liên Xô, các nền dân chủ phương Tây đã say men chiến thắng, nhưng rồi đã để vuột khỏi tầm tay dòng lịch sử của thế giới.

Le Monde trong bài xã luận ít bi quan hơn qua phân tích : Châu Âu đã quá mải miết nhìn về số phận của chính mình và chỉ thấy rằng kinh tế đang dậm chân tại chỗ, các nền dân chủ phải đối mặt với khủng hoảng, điển hình là qua mỗi đợt bầu cử từ tại Tây Ban Nha hay tại Ý và thậm chí là cả tại Pháp, các đảng cực hữu bài ngoại không ngừng lớn mạnh. Những điều đó không sai, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải khách quan nhìn nhận rằng, Cuộc Cách Mạng diễn ra trong hòa bình tại Đông Đức năm 1989 đã mở ra rất nhiều cánh cửa, từ việc thống nhất nước Đức cho đến sự sụp đổ của chế độ độc tài theo kiểu Stalin. Có điều, tây Âu và Mỹ đã ngây thơ lầm tưởng rằng, các nước Đông Âu sẽ nhất loạt rập khuôn theo phương Tây, nhưng sẽ là một sai lầm nếu như chối bỏ tất cả những thành tựu mà làn sóng tự do năm 1989 đã đem lại cho Châu Âu. Hai thành tựu không thể chối cãi đó là đời sống của người dân khối xã hội chủ nghĩa trước kia đã được cải thiện đáng kể, và quý giá hơn nữa là quyền tự do từ tự do đi lại của gần như hầu hết tất cả người dân Châu Âu và quyền tự do của các công dân bầu chọn người lãnh đạo.

Tường Berlin được thay thế bằng muôn vàn những bức tường mới

Cũng về dư âm từ sự kiện tường Berlin sụp đổ, Le Monde dành hẳn một số báo đặc biệt dưới tựa đề "Những bức tường mới tại Châu Âu, một lục địa đã được thống nhất". Libération chơi chữ "Thế giới giam mình sau những bức tường" : Mọi người từng ngỡ rằng, sau biến cố 1989 cả một chân trời tự do đã mở ra, nhưng trên thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu, hàng loạt những rào cản khác đã được dựng lên.

"Bức tường chia cắt Đông–Tây nay được thay thế bằng một bức tường thành ngăn cách Bắc–Nam". Công trình đó "dài hơn, cao hơn bức màn sắt năm nào". Tờ báo thiên tả này giải thích thêm : lý tưởng giữa hai khối Tự Do và Tư Bản từng chia rẽ Châu lục này năm xưa nay đã được thay thế bằng "những nỗi sợ hãi" chính điều đó khiến Châu Âu xây dựng hàng loạt các bức tường để tự vệ. Nỗi lo sợ đó bao trùm lên các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, văn hóa và an ninh.

Cũng Libération ghi nhận : năm 1989 Bức Tường Berlin là một trong số 11 bức tường trên hình tinh. Ngay nay nếu tính luôn cả những hàng rào kẽm gai và những hàng rào sắt, thì trên thế giới có tới 70 bức tường. Chiều dài của những bức tường chia cắt đó tương đương với 40.000 cây số, vừa bằng một vành đai bọc quanh Trái Đất. Nếu như Bức Tường Berlin xưa kia được dựng lên nhằm ngăn cản người dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức chạy ra nước ngoài, thì ngày nay, những bức tường mới được xây dựng lên là nhằm ngăn cản người ở bên ngoài du nhập vào. Điển hình là bức tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico : những đời tổng thống tiền nhiệm của Donald Trump đã xây một bức tường hơn 1.000 cây số. Từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã quyết định xây thêm 280 km nữa để bảo vệ an ninh Hoa Kỳ.

Tại Trung-Cận Đông, Israel dồn nhiều nỗ lực cho việc xây tường : nào là ở vùng West Bank (Cisjordanie), rồi gần đây hơn là giữa biên giới Israel và Syria, với Jordan. Vương quốc dầu hỏa Saudi Arabia cũng không kém miếng, với 2 bức tường chống nhập cư dài 75 cây số ở đường biên giới với Yemen và hơn 900 km ở biên giới với Iraq. Libération kết luận ở bất cứ nơi nào trên hành tình, "Chống khủng bố và ngăn chặn các làn sóng nhập cư là hai cái cớ để xây tường".

Chính trường Tây Ban Nha sa lầy

Cử tri Tây Ban Nha mệt mỏi vì bốn cuộc bầu cử liên tiếp trong bốn năm nhưng toàn cảnh chính trị vẫn tê liệt. Tất cả các tờ báo đều nói tới thất bại của thủ tướng Pedro Sanchez cho dù đảng Xã Hội của ông về đầu. Đơn giản vì đảng này không giành được đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ. Tai hại hơn nữa, cữ mỗi đợt bầu cử, đảng cực hữu Vox lại càng có sức thu hút cử tri.

Báo Les Echos trên mạng lo lắng thấy "đảng Vox trở thành lực lượng chính trị thứ ba tại Tây Ban Nha". Năm năm trước, không ai biết đến tiếng tăm đảng này. Trang chủ của báo La Croix cập nhật thông tin với hàng tựa "Pedro Sanchez dẫn dầu, Vox có một bước đại nhảy vọt".

Le Figaro báo trước : thương lượng để thành lập chính phủ liên minh sẽ "gay go". Ở bên trên là hàng tựa "Tây Ban Nha bị đe dọa sa lầy về chính trị". Trong bài xã luận tờ báo nói tới tình hình bị "tê liệt" và nguy cơ bấn ổn chính trị tại quốc gia này. Libération quan tâm đến cử tri Tây Ban Nha đã quá "mệt mỏi" và chán ngán chính giới. Năm đảng lớn không tìm nổi đồng thuận, không biết nhượng bộ lẫn nhau để đổi lấy một chút ổn định về kinh tế và chính trị, đó là điều "không còn chấp nhận được nữa".

Leonardo di Vinci đón nhà điêu khắc Nhật

Sau cùng trong phần tin văn hóa, báo Le Figaro chú ý đến "đối thoại" giữa một nghệ sĩ Nhật Bản đương đại với danh họa người Ý, Leonardo di Vinci :

Nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh Leonardo di Vinci, tòa lâu đài và vườn thượng uyển Chambord mở cuộc triển lãm những tác phẩm của nhà điêu khắc Nhật Bản Susumu Shingu. Mẫu số chung giữa danh họa bậc thầy của thời kỳ Phục Hưng với người nghệ sĩ xứ Phù Tang này là cả hai cùng đưa khoa học vào nghệ thuật.

Leonardo xưa kia từng chắp cho loài người đôi cánh, Susumu Shingu ngày nay sáng tác từ sức gió và trọng lực của trái đất, từ những chất liệu mới như sợi carbon hay chất Teflon. Những tác phẩm của ông từng được triển lãm từ Mông Cổ đến Morocco. Năm nay 82 tuổi đời, nghệ sĩ Nhật tâm sự ông đã có lần may mắn được ngủ qua đêm ở tòa lâu đài Chambord và đã có được trò truyện với họa sĩ bậc thầy di Vinci, chính tác giả của bức tranh La Joconde "là nguồn cảm hứng để Susumu Shingu tiếp tục hành trình nghệ thuật". Triển lãm Susumu Shingu trong khuôn viên lâu đài Chambord mở ra cho đến ngày 15/03/2020.

Thanh Hà

Published in Quốc tế