Hỏa tiễn rơi ở Ba Lan : NATO kềm chế, Putin tỏ ra vô trách nhiệm
Phương Tây và Nga đã tránh được cơn ác mộng xung đột lan rộng. Chính phủ Ba Lan và NATO tỏ ra kềm chế. Cho dù đó là hỏa tiễn Ukraine bắn chặn Nga, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về kẻ xâm lăng, đồng thời đặt lại vấn đề bảo vệ vùng trời Ukraine nói riêng và Châu Âu nói chung
Các nhà lãnh đạo phương Tây họp thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) ngày 16/11/2022 bàn bạc về vụ hỏa tiễn do Nga sản xuất rơi xuống Ba Lan. Reuters - BPA
Tựa chính của Les Echos hôm naynói về áp lực lên doanh nghiệp, La Croix về những xoay sở của người nghèo, Le Figaro đề cập đến chủ trương bảo hộ của Mỹ. Libération dùng nền đen cho trang nhất, với bức ảnh một phụ nữ cầm cây đèn cầy leo lét sau khung cửa, với dòng tít "Ukraine, nỗi sợ mùa đông".Le Monde chạy tựa "Hỏa tiễn rơi xuống Ba Lan, NATO căng thẳng".Các báo đều dành nhiều trang trong hoặc xã luận cho sự kiện này, tất cả đều có cùng nhận định : NATO đã tỏ ra kềm chế.
Ba Lan xử sự bình tĩnh trước Putin vô trách nhiệm
Le Monde cho biết cụ thể : Lúc 15 giờ 40 ngày thứ Ba 15/11 tại làng Przewodow có 500 dân thuộc quận Hrubiezow, nằm cách biên giới Ukraine 6 cây số. Một xe máy cày đang chạy trên đồng bị một vật thể đánh trúng, các nhân chứng nghe thấy hai tiếng nổ, tạo ra một hố bề ngang 5 mét, sâu 2 mét, hai người nông dân 50 và 60 tuổi tử nạn. Le Figaro nhận xét, đó là cơn ác mộng của phương Tây kể từ đầu cuộc chiến : xung đột mở rộng trong trường hợp Nga tấn công vào một nước NATO, dù không cố ý đi nữa.
Xã luận của La Croix cho rằng lịch sử đầy những ví dụ chiến tranh nổ ra ngoài ý muốn của các bên nhưng sau đó đã lan rộng. Sự kiện vừa rồi cho thấy mối đe dọa lên toàn Châu Âu kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine. Libération nhấn mạnh, lần đầu tiên cuộc chiến ảnh hưởng trực tiếp đến một thành viên NATO. Trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đều lo ngại điều tệ hại nhất. Người ta chờ đợi phản ứng của các nhà lãnh đạo, đọc lại Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nhất là điều 4 và điều 5 xác định những nghĩa vụ trong trường hợp một thành viên bị tấn công.
Áp lực nhanh chóng giảm xuống. Sau Hoa Kỳ, đến lượt tổng thống Ba Lan tuyên bố "không có gì cho thấy đây là một cuộc tấn công cố tình". Giả thiết khả tín nhất là pháo phòng không của Ukraine. Kiev đòi hỏi đến tận nơi để điều tra, nhưng vì đang chiến tranh, sự kiện không quan trọng bằng cách nhìn nhận vấn đề. Theo xã luận của La Croix, điều chính yếu là NATO chọn lựa không leo thang, và đặc biệt chính phủ Ba Lan tỏ ra rất bình tĩnh. Thái độ này tương phản hẳn với một Vladimir Putin vô trách nhiệm. Lạc lối trong một chiến lược không có tương lai, một lần nữa ông ta đã chọn cách khủng bố, oanh tạc ồ ạt Ukraine.
Nghi vấn Ukraine bắn chặn hỏa tiễn Nga nhưng bị trượt mục tiêu
Tướng Michel Yakovleff, cựu phó tổng tham mưu trưởng bộ chỉ huy NATO nhận thấy sự kiện hỏa tiễn rơi xuống làng Przewodow làm mờ nhòa đi cuộc oanh kích khốc liệt mà Ukraine là nạn nhân. Theo nhà nghiên cứu Pierre Grasser của đại học Sorbonne, rất có thể đó là một hỏa tiễn địa-không 5V55 bắn đi từ giàn phóng S-300 ở căn cứ không quân Jytomyr tại Ukraine, để chặn một hỏa tiễn Nga đang bay về hướng biên giới Ba Lan. Hỏa tiễn địa-không này có thể đã bắn trượt mục tiêu, hay vượt khỏi sự kiểm soát của radar do mất tín hiệu, nên tiếp tục đường bay đến Ba Lan.
Sự cố này không phải là cá biệt. Nhiều hình ảnh lâu nay vẫn cho thấy các mảnh vỡ tên lửa trên khắp Ukraine, các hỏa tiễn và drone Nga bay lạc sang Moldova, các drone của cả hai bên tham chiến tìm thấy ở Romania, những hỏa tiễn rơi xuống Hắc Hải được Thổ Nhĩ Kỳ vớt lên.
Phòng không Ukraine chủ yếu dựa vào hệ thống S-300 thời Liên Xô cũ, các giàn phòng không tịch thu được của Nga, SA-8, SA/11 và hỏa tiễn Stinger của Mỹ. Chỉ riêng ngày thứ Ba hôm ấy, Kiev đã chặn được 73 hỏa tiễn hành trình trong số gần 100 tên lửa đánh vào 18 thành phố Ukraine, một đợt tấn công quy mô chưa từng thấy. Ông Pierre Grasser nhấn mạnh, S-300 vẫn giúp chặn được máy bay và tên lửa Nga, nhưng hỏa tiễn bắn ra không có cơ chế tự hủy nếu trượt mục tiêu. Vả lại Ukraine không có đủ đạn dược.
Nhóm tiếp xúc phụ trách điều phối quân viện cho Ukraine hôm qua đã họp lại tại căn cứ Mỹ ở Ramstein, Đức, có sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng Ukraine OleksyReznikov. Phương Tây giao chậm một phần do thiếu các giàn phòng không và thời gian huấn luyện khá lâu. Đức đã chuyển giao một giàn Iris-T SLM, hệ thống thứ hai trước cuối năm ; Hoa Kỳ hứa 8 giàn Nasams và đã giao 2, Pháp cung cấp 4 giàn Crotale, Ý, Tây Ban Nha cũng loan báo trợ giúp. Trong khi chờ đợi, Ukraine vẫn rất dễ tổn thương trước các hỏa tiễn đạn đạo Iskander, hỏa tiễn hành trình Kalibr và drone của Nga.
Lá chắn chống hỏa tiễn cho Châu Âu ?
Về phía Ba Lan tuy tỏ ra chừng mực trước sự cố, nhưng các chuyên gia lo lắng về những lỗ hổng phòng không. La Croix dẫn lời Malgorzata Bonikowska, giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế ở Warszawa : "Chúng tôi ngỡ mình ở sườn phía đông NATO, nay nhận ra rằng đang ở mặt trận phía đông (...). Cho dù vụ Przewodow không phải do cố ý tấn công, nhưng vẫn có những vật thể giết người từ trên trời rơi xuống". Nhiều nhà bình luận Ba Lan cùng khẳng định, cho dù hỏa tiễn là của Ukraine, trách nhiệm về cái chết của các nạn nhân chính là Nga, kẻ đã gây chiến. Họ đòi hỏi phải bố trí thêm nhiều hệ thống phòng không, có người còn đề nghị NATO lập vùng cấm bay, để bắn hạ các hỏa tiễn Nga bay đến gần Ba Lan, Romania.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh : "Cần nói rõ, không phải lỗi của Ukraine mà trách nhiệm cuối cùng là ở Nga, đã theo đuổi một cuộc chiến tranh bất hợp pháp với Ukraine". Tương tự đối với Nhà Trắng, còn thủ tướng cực hữu Ý Giorgia Meloni tuyên bố Nga hoàn toàn phải chịu trách nhiệm "cho dù đó là hỏa tiễn phòng không Ukraine nhằm ngăn chặn tội ác oanh kích vào thường dân".
Sự kiện xảy ra vào lúc Ukraine hứng chịu những vụ tấn công liên tục của Nga, càng cho thấy mong muốn có được hệ thống phòng không vững chắc của Kiev là chính đáng. Những gì Ukraine đang có cách xa một trời một vực so với hệ thống "Vòm Sắt" ở Israel. Chuyên gia François Heisbourg ngạc nhiên khi Đức "đặt cái cày trước con trâu", muốn lập lá chắn chống tên lửa bao phủ 14 nước Châu Âu (nhưng không có Pháp, Ba Lan, Ý), bằng cách mua thiết bị của Mỹ và Israel. Libération dẫn lời ông Heisbourg cho rằng Berlin nên cung cấp hệ thống chống tên lửa cho Kiev, thay vì lao vào một dự án dài hạn.
"Hầu hết" thành viên G20 lên án Nga : Thắng lợi của phương Tây
Ở cách Kiev 10.000 cây số, các nhà lãnh đạo G20 đang họp ở Bali không thể không lên tiếng. Các báo đều có cùng ghi nhận là dù có những bất đồng, nhưng 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Theo Les Echos, chỉ một chữ tiếng Anh gồm bốn mẫu tự đã làm nên sự khác biệt : "most" (hầu hết). Những nước ngại va chạm với Moskva ban đầu chỉ muốn dùng chữ "many" (nhiều).
Sau năm ngày đêm thương lượng với các quốc gia mới trỗi dậy, mà ngày cuối cùng đến tận nửa đêm, phương Tây đã thành công trong việc đưa vào thông báo chung cuộc của G20 câu : "Hầu hết thành viên G20 kiên quyết lên án cuộc chiến tranh Ukraine đã gây nhiều đau khổ cho con người, và làm tăng tính dễ tổn thương của kinh tế thế giới". Ngay cả các nhà đàm phán Nga cũng phải đồng ý vì sợ bị cô lập so với 19 nước khác.
Phía Pháp cho rằng nay có thể tìm được những điểm chung với Trung Quốc và Ấn Độ. Việc lên án Nga cho thấy các nước mới nổi bắt đầu nhận ra cuộc chiến tranh Ukraine đè nặng lên nền kinh tế nước mình. Riêng nước chủ nhà Indonesia, giá một gói mì ăn liền 3.000 rupi (20 xu euro) trong những tháng tới có thể tăng gấp ba vì ảnh hưởng chiến tranh Ukraine lên giá lúa mì.
Ukraine, mùa đông gian lao trong thành phố và trên chiến địa
Xã luận của Libération tố cáo "Nga muốn làm thường dân Ukraine khốn đốn trong mùa đông". Phải chăng "Tướng quân Mùa Đông" vẫn là yếu tố quyết định đối với các nhà chiến lược trong lịch sử, từ Thành Cát Tư Hãn cho đến Adolf Hitler hay Napoléon Đệ nhất ? Các nhà sử học cho rằng điều kiện thời tiết chỉ có ảnh hưởng hạn chế lên các chiến dịch quân sự.
Nhưng cuộc xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin không giống các chiến dịch khác, quân đội Nga không phải đang bảo vệ lãnh thổ nước mình, những người lính tinh thần sa sút và nhất là thiếu thốn trang bị. Moskva quay sang chiến lược làm người dân Ukraine không thể sống nổi trong mùa đông, oanh kích liên tục cơ sở hạ tầng để họ không còn điện nước, hệ thống sưởi, trong khi nhiệt độ một số nơi xuống dưới -20°C.
Trên chiến trường, bên nào có lợi trong mùa đông này ? Theo Libération, khi các bình nguyên biến thành một biển bùn lầy, quân Nga với hậu cần và trang bị kém có thể rất vất vả, còn lực lượng Ukraine tuy phải tiến chậm lại nhưng có khả năng tranh thủ tình hình.
Tướng Vahur Karus của Estonia giải thích, tuyết có thể cản trở việc tổ chức các chiến dịch lớn, môi trường khắc nghiệt đến nỗi việc sống còn của người lính và bảo vệ khí tài còn quan trọng hơn. Cảnh vật trong tuyết trắng khiến khó ngụy trang, thân nhiệt được radar nhận ra, cái lạnh làm người lính mệt mỏi, vũ khí dễ hư hỏng, việc tiếp tế bị băng giá và bùn lầy cản trở trong khi số lượng nhiên liệu phải vận chuyển tăng lên. Các đồng minh của Ukraine hiểu được điều đó.
Lính quân dịch Nga : Thảm dày chỉ 3 ly để chống chọi với giá rét !
Chỉ riêng Canada, đất nước đầy kinh nghiệm trong lãnh vực này, đã cung cấp nửa triệu bộ đồ mùa đông gồm áo khoác, giày bốt, găng tay. Anh hứa tặng túi ngủ và lều được sưởi ấm. Ngược lại phía Nga nhiều đơn vị quen chiến đấu trong băng giá đã bị xóa sổ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, như lữ đoàn cơ giới 200. Về phần 300.000 lính bị động viên, đa số phải tự trang bị cho mình, quân đội hầu như không cung cấp gì.
Trong một video trên mạng xã hội, một người ở vùng Arkhangelsk (miền bắc) mới bị bắt lính cay đắng cho biết những gì được phát : một tấm thảm tập yoga dày 3 milimet, một đôi bốt cao su và một túi ngủ mùa hè "có thể nhìn xuyên qua được nếu trời sáng". Giáo sư Julien Théron của Sciences-Po Paris nhắc nhở với nhiệt độ -20°C, trang bị đầy đủ không chỉ nhằm làm tăng hiệu quả mà còn giúp người lính sống sót.
Đôi bên đều lo chuẩn bị một giai đoạn khó khăn. Nhà quan sát Michael Kofman cho rằng Nga hy vọng vào số lính động viên để bổ sung lực lượng, cố sản xuất thêm thiết bị và có thể mua đạn dược từ Bắc Triều Tiên ; Ukraine thì nhờ vào các loại pháo có tầm bắn xa và chính xác để làm tiêu hao quân Nga. Lính Nga phải nhanh chóng đào hào trước khi mặt đất bị đông cứng, như đã thấy ở bên kia sông Dniepr và đến tận Crimea.
Julien Théron nhận định cuộc chiến càng kéo dài, Nga càng ít cơ hội chiến thắng. Về chính trị cũng vậy, ngay cả trong một chế độ độc tài, phản kháng cũng sẽ càng tăng. Về phía Ukraine thì lệ thuộc vào vũ khí, đạn dược của đồng minh, kinh tế đi xuống vì Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng. Cả hai bên đều phải cố gắng tăng tốc trước mùa đông.
Việt Nam đứng đầu danh sách các đối tác mới của Đức
Nhìn sang Châu Á, Le Monde phân tích "Những tham vọng mới của Đức" tại khu vực này. Mười ngày sau chuyến thăm Trung Quốc gây tranh cãi, thủ tướng Olaf Scholz lại công du Châu Á, nhắc nhở rằng đối với Berlin "Châu Á-Thái Bình Dương quan trọng hơn Trung Quốc". Tuyên bố trên tại Singapore ngày 14/11 cho thấy Đức kỳ vọng nhiều vào khu vực lâu nay bị bỏ rơi.
Trong 16 năm làm thủ tướng, bà Angela Merkel công du Trung Quốc tới 12 lần, nhưng chỉ một lần đến Việt Nam, Singapore, Indonesia. Đi thăm những nước này, ông Scholz muốn tái cân bằng. Hồi cuối tháng Tư, tân thủ tướng cũng chọn Tokyo làm điểm đến đầu tiên ở Châu Á thay vì Bắc Kinh. Và thực ra ngay từ tháng 9/2020 chính phủ Đức đã công bố tài liệu chiến lược 72 trang mang tên "Các hướng chỉ đạo về Ấn Độ-Thái Bình Dương", trong đó nhấn mạnh "khu vực này đang trở thành chìa khóa cho việc xác định trật tự quốc tế thế kỷ 21". Hai năm sau,chiến tranh Ukraine và sự ràng buộc vào khí đốt Nga khiến Berlin càng quyết tâm không lặp lại sai lầm này đối với Trung Quốc.
Đa dạng hóa nguồn cung là mục tiêu của chuyến thăm Hà Nội. Là nước giàu tài nguyên đất hiếm, Việt Nam đứng đầu danh sách các đối tác mới mà Đức mong muốn tăng cường quan hệ để bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh. Về địa chính trị, hồi kết của "những năm Merkel" bắt đầu với việc gởi chiến hạm Bayern sang Ấn Độ-Thái Bình Dương làm nhiệm vụ trong 8 tháng, do "tự do hàng hải bị đe dọa" vì "một số thích dùng luật của kẻ mạnh". Sau đó là điều các chiến đấu cơ Eurofighter tham gia tập trận trên không phận Úc cùng 17 nước khác. Chuyên gia Mathieu Duchâtel nhận thấy Đức tiếp tục tăng cường sự hiện diện trong khu vực đồng thời hiệu chỉnh lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Thụy My