Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lần đầu tiên Hội nghị Khí hậu "tấn công" Than - Dầu - Khí đốt

Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow, Anh Quốc, bước vào ngày chót hôm 12/11/2021, sau gần 2 tuần làm việc. Đàm phán về Khí hậu trong những cuối COP26 là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp, đặc biệt với việc Mỹ - Trung bất ngờ ra một tuyên bố về khí hậu, và sự ra mắt của một liên minh quốc tế từ bỏ năng lượng hóa thạch. Các thông báo mang lại nhiều hy vọng, nhưng cùng lúc đó là những hoài nghi lớn.

khihau1

Một cơ sở khai thác dầu mỏ tại bang New Mexico, Hoa Kỳ. AFP – Paul Ratje

Những ngày đầu tuần căng thẳng với thế đối đầu giữa các quốc gia dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu với khối nước giàu, do bất đồng về vấn đề "đền bù tổn thất". Cuối ngày thứ Tư 10/11, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ ra tuyên bố chung cam kết phối hợp mạnh mẽ hành động vì khí hậu. Le Figaro có bài xã luận nhan đề "Bầu trời khí hậu có phần sáng sủa hơn".

"Bầu trời khí hậu có phần sáng sủa hơn"

Le Figaro trước hết ghi nhận "nhiều tín hiệu mâu thuẫn về các thương thuyết" tại COP26, giữa một bên là "một số tuyên bố gây phấn chấn, như thỏa thuận hợp tác bất ngờ Trung – Mỹ, hai quốc gia phát thải số một hành tinh, hay việc các hứa hẹn từ bỏ năng lượng hóa thạch liên tiếp được đưa ra", và bên kia là "cảnh báo của nhiều chuyên gia về việc tổng số các cam kết của nhiều quốc gia là không đủ để giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C". Le Figaro thừa nhận việc nhiệt độ tăng quá 1°C, so với thời tiền công nghiệp, đã dẫn đến nhiều thảm họa, mà nạn nhân chủ yếu là "các nước nghèo nhất, ở Châu Phi cũng như Châu Á".

Tuy nhiên, theo nhật báo thiên hữu, dù sao việc hai tuần thương lại tại COP26 không đạt đồng thuận "không hẳn đã là đại họa với hành tinh".  Lý do là "tiến trình chuyển đổi lớn (giảm sử dụng than đá, và các năng lượng hóa thạch khác) đã bắt đầu diễn ra ở đa số các nước phát triển". Châu Âu đã chứng minh với phần còn lại của thế giới từ 10 năm nay, là "việc cắt giảm khí thải không ngăn cản tăng trưởng GDP". Le Figaro nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của thỏa thuận Trung – Mỹ gây ngạc nhiên hôm 10/11, nhưng điều quan trọng là cả hai nước cần hành động thực sự, hành động sớm. Bởi không có đóng góp của Mỹ và Trung Quốc, "các nỗ lực của phần còn lại của thế giới là không đủ".

Tuyên bố Mỹ - Trung "không có ý nghĩa quyết định"

La Croix có bài "Thỏa thuận Mỹ - Trung vào phút cuối được hoan nghênh", với ghi nhận trước tiên : bất chấp các căng thẳng, đặc biệt về Đài Loan, Bắc Kinh và Washington đã ý thức được "các hiểm họa lớn nếu không hợp tác về khí hậu". Theo nhật báo công giáo, tuyên bố bất ngờ nói trên là "một tin mừng" đúng vào lúc các đàm phán ở COP26 đang bước vào giai đoạn căng thẳng cuối cùng. Hai quốc gia phát thải số một hành tinh thừa nhận "tính nghiêm trọng và cấp bách của khủng hoảng khí hậu", và cam kết nỗ lực nhiều hơn trong thập niên 2020, và cùng hướng tới một nền kinh tế toàn cầu trung hòa về khí thải vào giữa thế kỷ. Theo ông Byford Tsang, chuyên về chính sách Trung Quốc thuộc E3G (một viện tư vấn quan trọng của Châu Âu), việc khí hậu rối loạn là một đe dọa lớn với Trung Quốc cũng như Mỹ khiến hai nước "không thể coi vấn đề khí hậu như một lá bài để phục vụ cho các lợi ích khác". Những trận lụt lịch sử mới đây tại Trung Quốc, hay các trận cháy rừng khổng lồ tại California là những điều mà Trung Quốc và Mỹ không thể nhắm mắt bỏ qua.

Tuy nhiên, khác với Le Figaro, La Croix chú ý nhiều đến "thái độ thận trọng của giới quan sát" về tuyên bố Mỹ - Trung. Theo bà Lola Vallejo, phụ trách khí hậu của Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế Pháp (Iddri), cam kết Mỹ - Trung hoàn toàn không đủ để "mang lại động lực có ý nghĩa quyết định", và không có "các yếu tố thực sự mới". Bối cảnh hiện nay khác với 2015, vào thời điểm Thượng đỉnh Khí hậu Paris. Vào lúc đó, cặp Mỹ - Trung đã đóng vai trò căn bản với việc thông qua Hiệp định Khí hậu. Bà Laurence Tubiana, một trong các kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris, thừa nhận đóng góp của Tuyên bố Mỹ - Trung, nhưng nhấn mạnh là điều có ý nghĩa quyết định sẽ là lập trường của hai siêu cường về "một số điểm then chốt", hiện còn đang được thảo luận, ít giờ trước khi COP26 kết thúc. Trong số các điểm then chốt đó, có các quy tắc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris, đặc biệt là "tính minh bạch" và "tinh thần đoàn kết với các nước dễ tổn thương nhất".

Nhân loại trên đường "Tự sát tập thể"

Nhật báo thiên tả Libération cùng một thái độ thận trọng với La Croix, hoan nghênh Tuyên bố Mỹ - Trung, nhưng nhấn mạnh đến nhiều điểm "bế tắc" mà Tuyên bố nói trên không hề giúp giải quyết. Libération nhắc lại đến xu thế "Tự sát tập thể" của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, sử dụng ngày càng nhiều năng lượng hóa thạch. Ước tính của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (PNUE) đưa ra hôm thứ Ba 09/11 gây lạnh gáy : nếu các nước tôn trọng các cam kết đã đưa ra đến 2030, Trái đất trên lộ trình tăng 2,7°C, vượt quá xa mức 1,5°C mà cộng đồng quốc tế hy vọng hướng đến. Hôm qua, 11/11, hơn 200 nhà khoa học về khí hậu công bố bức thư ngỏ yêu cầu hành động "khẩn cấp, mạnh mẽ, nhanh chóng, lâu bền và trên quy mô lớn".

Hành động như thế nào ? Bản tuyên bố cuối cùng của COP26 sẽ cho thấy cộng đồng quốc tế đạt được đồng thuận gì trong chuyện này. Libération cho biết hôm qua, 11/11, chủ tịch COP26 công bố dự thảo đầu tiên của bản tuyên bố chung. Theo Libération, "lần đầu tiên một văn bản của Liên Hiệp Quốc" tấn công thẳng vào các năng lượng hóa thạch, nguồn gốc chủ yếu của khí thải làm hâm nóng Trái đất. Dự thảo COP26 cổ vũ các nước "tăng tốc ra khỏi than đá, và từ bỏ tài trợ cho các năng lượng hóa thạch (bao gồm dầu mỏ và khí đốt)", đối tượng được nhắm đến hàng đầu là khối G20, gồm 20 cường quốc kinh tế lớn nhất.

Chuyên gia Armelle Le Comte, của Oxfam Pháp, nhấn mạnh là "có rất ít khả năng" là dự thảo "lần đầu tiên" tấn công vào các năng lượng hóa thạch sẽ được chấp thuận, đặc biệt do sự chống trả của các quốc gia sản xuất dầu mỏ, như Saudi Arabia. Hiện tại có nhiều yếu tố gây bất đồng nghiêm trọng trong dự thảo tuyên bố chung, như về khoản 100 tỉ đô la tài trợ hàng năm của khối nước giàu cho các nước nghèo hay vấn đề đền bù "tổn thất" do khí hậu.

Than - Dầu - Khí đốt bị tấn công trực diện : "Bước ngoặt" trong đàm phán quốc tế

Dù sao, điểm nổi bật tại Hội nghị Khí hậu COP26 lần này được nhiều báo Pháp ghi nhận chính là việc lần đầu tiên "năng lượng hóa thạch" có kế hoạch cụ thể nhanh chóng ra khỏi năng lượng hóa thạch. Le Monde có bài giới thiệu về Liên minh "Beyond Oil and Gas Alliance" (BOGA), gồm 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, ra mắt hôm qua 11/11. Liên minh do Costa Rica và Đan Mạch khởi xướng, bao gồm Pháp, đảo Groenland (Đan Mạch), Ireland, xứ Wales (Anh), Québec (Canada) và Thụy Điển. Le Monde cũng nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên một Hội nghị về khí hậu và môi trường của Liên Hiệp Quốc (COP) "tấn công trực diện và các năng lượng hóa thạch, thủ phạm số một của biến đổi khí hậu". Liên minh BOGA hy vọng sẽ có nhiều nước gia nhập, và vấn đề từ bỏ năng lượng hóa thạch sẽ phải được tiến hành sao cho bảo đảm "công bằng xã hội", không để gánh nặng rơi vào dân nghèo, và các nước công nghiệp cần làm gương trong chuyện này.

Le Monde điểm lại các nỗ lực khác trong lĩnh vực này. Ngoài liên minh BOGA chấm dứt khai thác năng lượng hóa thạch trong nước nói trên, hồi tuần trước, khoảng 20 quốc gia (trong đó có Việt Nam) cam kết sẽ từ bỏ than đá hoặc trước 2030, hoặc trước 2040.

Ông Romain Ioualalen, phụ trách truyền thông của tổ chức phi chính phủ Oil Change International, đặc biệt nhấn mạnh đến sự ra đời của liên minh từ bỏ than đá là "một bước ngoặt trong bối cảnh từ 30 năm nay, các thương lượng về khí hậu đã lờ đi vấn đề các năng lượng hóa thạch". Bản thân Hiệp định Khí hậu Paris cũng không hề dẫn ra vấn đề "các năng lượng hóa thạch", cho dù đây là thủ phạm của 90% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà môi trường Rebecca Newsom, thuộc Greenpeace Anh, vui mừng với sự ra mắt của Liên minh BOGA, được coi như "một chiếc đinh mới đóng vào chiếc quan tài của các năng lượng hóa thạch", nhưng đồng thời cảnh báo thế lực cổ vũ cho năng lượng hóa thạch còn rất mạnh. Những người vận động hành lang cho các năng lượng hóa thạch có mặt động đảo tại COP26, với 503 thành viên, đông hơn nhiều so với thành viên các nước bị biến đổi khí hậu tác động nặng nề nhất hoặc đoàn Brazil. Theo Greenpeace Anh, hơn 100 tập đoàn dầu khí có mặt tại COP, 27 quốc gia (trong đó có Canada và Nga) có các nhân viên vận động hành lang cho năng lượng hóa thạch có mặt trong đoàn đàm phán quốc gia.

khihau2

Giới tranh đấu vì khí hậu biểu tình bên ngoài nơi diễn ra COP26, Glasgow, Scotland, Anh, ngày 12/11/2021. Trong ảnh : một bên (trái) là các khẩu hiệu lên án các năng lượng hóa thạch, một bên (phải), các khẩu hiệu đòi công lý khí hậu (giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C).  Reuters – Dylan Martinez

Tập Cận Bình : Con đường quyền lực thênh thang

Về thời sự quốc tế, tình hình Trung Quốc với Hội nghị trung ương 6 của Đảng cộng sản Trung Quốc, vừa kết thúc hôm qua là một chủ đề chính của báo Le Monde cuối tuần ra sáng nay.  Bài "Tập Cận Bình, con đường bám trụ quyền lực đã rộng mở" xác nhận việc Nghị quyết vừa được thông qua tại Hội nghị 6 cho phép ông Tập tiếp tục cầm quyền sau Đại hội 2022. Le Monde xem kỹ 14 trang toàn văn Nghị quyết 6 (tiếng Anh), theo đó, số lượng trang dành cho đương kim lãnh đạo Trung Quốc là 7 trên 14 (có 2 trang dành cho thời Mao, và 2 trang cho thời kỳ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào). Tên của Tập Cận Bình được nhắc đến tổng cộng 17 lần, nhiều hơn tổng số lần nhắc đến các lãnh đạo (Mao 7 lần, Đặng 5 lần, Giang Trạch Dân một lần, Hồ Cẩm Đào một lần). Nghị quyết ca ngợi dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Ban Chấp hành Trung ương "đã giải quyết được nhiều vấn đề gai góc vốn không có giải pháp trong nhiều năm trời, và đã thành công trong nhiều vấn đề lớn, mà các lãnh đạo khác không đạt được". Câu văn nói trên không gì khác hơn là một chỉ trích gián tiếp nhắm vào hai lãnh đạo tiền nhiệm.

Tuy nhiên, Le Monde cũng nhấn mạnh đến việc chưa chắc Tập Cận Bình đạt được toàn bộ những gì mong muốn sau Hội nghị 6. Trả lời AFP, nhà chính trị học Willy Lam (Lâm Lập Lam), làm việc tại Hồng Kông, lưu ý đến khả năng "chủ tịch mãn đời" không có mặt trong văn bản nghị quyết, và chủ trương "thịnh vượng chung" (tức chính sách giảm bất bình đẳng) - vốn rất thiết thân với Tập Cận Bình, được lãnh đạo Trung Quốc cổ vũ lâu nay – cũng chỉ được nói đến một lần trong nghị quyết. Dự án "Các con đường Tơ lụa mới", sáng kiến được Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013, đã không hề được nhắc đến.

Tăng trưởng Châu Âu mạnh trở lại : Bruxelles hối thúc các nước tranh thủ cơ hội để cải cách

Chủ đề lớn của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay là "Tăng trưởng : Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Châu Âu".  Pháp và Ý là hai quốc gia dẫn đầu Châu Âu trong việc nối lại tăng trưởng. Theo Bruxelles, "sức khỏe được cải thiện của các nền kinh tế Châu Âu mang lại cơ hội hy hữu cho việc thúc đẩy cải cách". Năm nay, dự kiến GDP của Châu Âu tăng 5%, năm tới là 4,3%, năm 2023 là 2,5%. Theo ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni (phát biểu hôm qua 11/11), thì các cải cách sẽ phải được tiến hành "bây giờ hoặc không bao giờ". Đây là một lời nhắc nhở trực tiếp của Ủy Ban Châu Âu đối với các quốc gia thành viên : Hãy sử dụng tốt nhất khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi đang mở ra để thực hiện kế hoạch chấn hưng kinh tế, "ưu tiên hướng nền kinh tế về các lĩnh vực của tương lai, ưu tiên đầu tư cho con người, và công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh".

Pháp : Tiêm chủng bắt buộc liều nhắc lại

Hồ sơ chính của La Croix hôm nay là về chính sách mới của tổng thống Pháp, "liều tiêm chủng thứ ba" bắt buộc với người trên 65 tuổi, để được kéo dài giấy chứng nhận y tế. Hồ sơ chính của nhật báo công giáo tìm cách giải đáp "Những câu hỏi đặt ra về liều tiêm chủng nhắc lại bắt buộc", cụ thể về những ai là đối tượng liên quan, vấn đề hiệu lực miễn dịch suy giảm với thời gian như thế nào, cũng như các hệ quả quốc tế của chính sách này này (Pháp là một trong số 50 quốc gia áp dụng chính sách liều thứ ba)… Cũng về Covid, Les Echos có bài nhận định : "Nhờ tiêm chủng, làn sóng dịch Covid thứ tư đã nằm trong vòng kiểm soát".

Chỉ trích chính sách "săn đuổi người thất nghiệp"

Nhật báo thiên tả Libération dành hồ sơ chính để phê phán chính sách gia tăng kiểm soát người thất nghiệp của tổng thống Macron (trong bài diễn văn hôm thứ Ba 09/11) với nhan đề trang nhất "Cuộc săn bắt người thất nghiệp đã mở màn". Libération có bài phỏng vấn chuyên gia về việc làm, thị trường lao động Pháp, giáo sư Didier Demazière. Theo ông, chính sách gia tăng kiểm soát người tìm việc làm, xem họ có thực sự đầu tư tìm việc hay không (và có các biện pháp cắt trợ cấp với những ai được xác nhận là không trung thực, để hạn chế việc lợi dụng các trợ cấp xã hội), khiến tình hình bất bình đẳng gia tăng nghiêm trọng, và những người lập ra chính sách này đã "không thông hiểu thị trường lao động".

Theo giáo sư Didier Demazière, người lập chính sách đã không tính đến mối quan hệ phức tạp giữa cung và cầu trong thị trường lao động. Việc có từ 500 nghìn đến 1 triệu chỗ làm được đề nghị, mà không có ứng cử viên, không đồng nghĩa với việc người thất nghiệp lười biếng hay trốn tránh. Chính quyền cần tính đến nhiều yếu tố quan trọng như, đào tạo, nơi "cung cấp" việc làm và nơi cư trú của người lao động… chưa kể đến mức lương bổng, điều kiện làm việc…

GHB : Ma túy kích động cưỡng hiếp

Le Figaro báo động trên trang nhất về nạn "Ma túy kích động cưỡng hiếp", đã phổ biến tại một số thành phố ở Pháp, ở Bỉ và Anh.  Sản phẩm mang tên GHB (tên gọi tắt của Gammahydroxybutyrate), được bán rộng rãi trên Internet. Hiện cảnh sát Pháp và nhiều nước Châu Âu đang điều tra. Các bác sĩ báo động sản phẩm này có thể khiến người sử dụng bất tỉnh, nếu dùng quá liều. Cảnh sát đã ghi nhận nhiều nhân chứng là nạn nhân của GHB tại Montpellier, Nancy, Grenoble, Tours… Số lượng nạn nhân gia tăng đột biến vào mùa thu 2021, đặc biệt trong môi trường sinh viên, và giới hội hè.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế