Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh tẩy chay hội nghị quốc tế về Bắc Triều Tiên do Mỹ chủ trương (RFI, 15/01/2018)

Ngày 16/01/2018, ngoại trưởng từ 20 quốc gia trên thế giới sẽ tập hợp về thành phố Canada Vancouver để bàn cách gia tăng áp lực ngoại giao, và nhất là kinh tế lên Bắc Triều Tiên nhằm kềm chế tham vọng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, vấn đề là tác nhân hàng đầu cho phép sức ép quốc tế đạt kết quả là Trung Quốc lại không đến dự, làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả thực thụ của hội nghị.

hk1

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với ngoại trưởng Rex Tillerson và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 18/09/2017. Reuters/Kevin Lamarque

Bối cảnh hội nghị về Bắc Triều Tiên tại Vancouver do Canada và nhất là Mỹ chủ tọa khá đặc biệt, vì mở ra vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu giảm nhiệt hẳn đi. Bình Nhưỡng và Seoul đã nối lại đối thoại, lần đầu tiên từ hai năm nay, trong lúc Bắc Triều Tiên liên tiếp tỏ cử chỉ hòa dịu, cho biết sẽ gửi vận động viên qua Hàn Quốc để tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.

Thế nhưng, bất chấp các tín hiệu đó, một số nước, và đặc biệt là Mỹ, đã cho rằng quốc tế vẫn phải đẩy mạnh việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đánh vào chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, để đạt được mục tiêu tối hậu là buộc chế độ Kim Jong-un phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Đối với Mỹ, thái độ cứng rắn trong thời gian qua đang phát huy tác dụng, Bắc Triều Tiên đang lung lay, do đó cần phải thừa thắng xông lên. Trong cuộc họp báo tại Washington, ông Brian Hook, quan chức chuyên trách chính sách ở bộ Ngoại Giao Mỹ tiết lộ rằng hội nghị Vancouver sẽ xem xét cách siết chặt cấm vận hàng hải xung quanh Bắc Triều Tiên, ngăn chận mọi con tàu đang cố gắng chống lại trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cắt đứt nguồn tài trợ nước ngoài cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, theo Reuters, hội nghị ở Vancouver sẽ thiếu vắng Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đáng kể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên trong tư cách là đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng. Chính quyền Bắc Kinh đã tẩy chay, thậm chí còn đả kích cuộc họp ở Vancouver, viện lẽ rằng sự kiện đó chủ yếu tập hợp các quốc gia đã đưa quân vào đánh Bắc Triều Tiên, và đồng minh Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Một nguồn tin ngoại giao cấp cao không ngần ngại cho là : "Nếu không có Trung Quốc, kết quả hội nghị chắc chắn bị hạn chế". Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng cho rằng Trung Quốc đóng vai trò thiết yếu trong việc kềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và lúc thì ca ngợi, lúc thì chỉ trích Bắc Kinh thiếu hợp tác trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.

Câu hỏi đặt ra là dù biết rằng Bắc Kinh có vai trò quan trọng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tại sao Hoa Kỳ không nỗ lực hơn nữa để mời Trung Quốc - và cả Nga, một nước vắng mặt khác - cùng đến Vancouver bàn về Bắc Triều Tiên ?

Trên vấn đề này, ông Triệu Thông, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Trung Tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng có lẽ Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc khuấy động hội nghị bằng cách nhắc lại các yêu cầu đình chỉ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, mà Bình Nhưỡng cho là để chuẩn bị xâm lăng Bắc Triều Tiên.

Cho dù vậy, theo lời quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ Brian Hook, Trung Quốc và Nga sẽ được thông báo đầy đủ về kết luận của hội nghị.

Trọng Nghĩa

*******************

Mỹ quan tâm Bộ Tư lệnh tác chiến mạng Việt Nam ? (BBC, 15/01/2018)

Một tác giả Mỹ gợi ý việc lập ra Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng có thể là cơ hội để Hoa Kỳ 'hợp tác bán công nghệ' cho Việt Nam.

hk2

Đại tá Tống Viết Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel được điều sang làm Phó tư lệnh - Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng

Tác giả Sam Bocetta, một chuyên gia quốc phòng ở Mỹ tin rằng Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng không phải để 'phổ biến chủ nghĩa cộng sản' cho chính phủ Việt Nam.

Trong bài viết trên trang NewsMax hôm 12/01/2018, ông Bocetta nói những gì ông được biết thì Bộ Tư lệnh này chủ yếu để "kiểm soát người Việt Nam" và chống lại "quan điểm sai trái", khác với chính phủ.

Nhưng theo ông Bocetta, một người từng làm việc hợp đồng cho Hải quân Hoa Kỳ, thì đây cũng là cơ hội để Hoa Kỳ cung cấp công nghệ mạng cho Việt Nam.

Điều này, nếu xảy ra, không chỉ giúp cân bằng quan hệ thương mại mà Hoa Kỳ đang muốn tăng phần hàng xuất sang Việt Nam lên, mà còn giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng.

Ông viết :

"Những năm qua, hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam tăng lên, nhờ vào sự tiến triển đều trong quan hệ ngoại giao hai bên.

Kể từ khi ông Obama bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, đã có nhiều bàn thảo về chuyện các công ty Mỹ bán nhiều vũ khí với chế độ ở Việt Nam".

Nhưng tình hình vẫn còn hạn chế, vì dù Việt Nam muốn mua vài ba chiếc trực thăng, một vài chiến đấu cơ, đa số chi tiêu quân sự của họ vẫn vào túi Nga, theo ông Sam Bocetta.

Nhưng nay, chính việc Việt Nam muốn phát triển năng lực tác chiến trên mạng lại giúp các công ty Mỹ "có cơ hội cân bằng lại cán cân thương mại".

"Cung cấp cho Việt Nam công cụ, các khóa huấn luyện sẽ không chỉ giúp các công ty Mỹ có thêm lợi nhuận, mà còn giúp chúng ta hiểu năng lực của một chế độ mà về tiềm năng có thể trở thành bất ổn".

Ngoài ra, theo ông Bocetta, hợp tác trong lĩnh vực này thậm chí có thể tạo ra ưu thế ngoại giao giúp người Mỹ thuyết phục Việt Nam để "dùng chiến tranh mạng để bảo vệ tổ quốc chứ không phải để hạn chế các quyền chính trị của công dân nước họ".

Chiến binh mạng Việt Nam được chú ý

Hôm 27/12/2017, hãng tin Bloomberg của Hoa Kỳ cũng có bài về '10 nghìn chiến binh mạng Việt Nam' (cyber warrior) và nói chính phủ Việt Nam rất tích cực buộc các đại công ty công nghệ và thông tin quốc tế bỏ các 'nội dung' họ không muốn.

hk3

Hãng tin Bloomberg của Hoa Kỳ cũng có bài về '10 nghìn chiến binh mạng Việt Nam' (cyber warrior)

Bloomberg dẫn lại tin của VietnamNet nói trong năm 2017 Facebook đã gỡ 159 tài khoản theo yêu cầu của Việt Nam, còn YouTube hạ xuống 4.500 video, chiếm 90% yêu cầu của chính phủ Việt Nam.

Mặt khác, hãng tin Mỹ đánh giá Việt Nam cũng mở cửa cho các hãng công nghệ Mỹ, trái ngược với Trung Quốc, nơi ngăn chặn Facebook, Google và Twitter.

Hôm 11/1, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), bình luận :

"Từ trước tới nay không gian tác chiến truyền thống trong chiến tranh là trên đất liền, trên không, trên mặt biển hay dưới lòng biển".

"Trong thời đại Internet và big data hiện nay thì xuất hiện thêm không gian mạng, có thể thấy rõ tác động của môi trường tác chiến mới này qua hoàng loạt các vụ tấn công mạng của Bắc Hàn nhắm tới Mỹ, hay trong trường hợp Việt Nam là vụ tấn công vào hê thống các sân bay năm ngoái mà người ta vẫn cho rằng do các nhóm hacker Trung Quốc tiến hành".

"Mối đe dọa này trong tương lai đối với an ninh quốc gia là rất lớn và việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng là tối cần thiết".

Published in Quốc tế