Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh có thể làm cho thị trường cân bằng cung - cầu trở lại. Tuy nhiên, niềm tin về một sự tái cân bằng bền vững đang bị triệt tiêu sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC có dấu hiệu cho thấy mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của họ ngày càng kém đi.
Công nhân kiểm tra đường ống và van tại mỏ dầu Amal ở miền Đông Libya
IEA cho biết, trong tháng 7/2017, 22 nước tham gia vào thỏa thuận của OPEC và các đối tác ngoài OPEC cuối năm ngoái đã khai thác vượt khoảng 470.000 thùng/ngày so với mức sản lượng mà họ cam kết duy trì.
Vì vậy, các dự báo về sự gia tăng nhu cầu và những lời hứa hẹn, tái cam kết tôn trọng thỏa thuận của các nước trong và ngoài OPEC cũng chẳng khiến mấy người tin tưởng vào việc thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại và duy trì lâu dài được trạng thái đó.
Hôm 10/8, OPEC xác nhận, sản lượng dầu thô trung bình của cả nhóm trong tháng 7 vừa qua là 32,869 triệu thùng/ngày, tăng 172.600 thùng/ngày so với tháng 6/2017.
Libya, Nigeria và Arập Xêút được xác định là động lực chính đằng sau sự gia tăng này. Trong đó, sản lượng dầu thô của Libya tăng 154.000 thùng/ngày - mức tăng lớn nhất trong số các thành viên của OPEC ; sản lượng dầu thô của Nigeria tăng 34.300 thùng/ngày lên 1,748 triệu thùng/ngày ; trong khi Arập Xêút tăng 31.800 thùng/ngày lên 10,067 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, theo IEA, trong tháng 7/2017, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đã giảm xuống còn 75% - mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận của các nước ngoài OPEC còn tệ hơn, chỉ đạt 67%.
Linh Phương