Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Iran khuyến cáo Pháp : Không được đụng tới hiệp định hạt nhân (RFI, 12/11/2017)

Hiệp định về chương trình hạt nhân Iran "không thể mặc cả được". Trên đây là tuyên bố của bộ ngoại giao Iran nhắm vào tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo tin và bình luận của hãng thông tấn chính thức Irna.

trungdong1

Một mô hình tên lửa và chân dung của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei trên quảng trường Baharestan, Teheran, ngày 27/09/2017. Reuteurs/Nazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA

Theo nguồn tin trên, được AFP lược thuật ngày 12/11/2017, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran, Bahram Ghassemi, cho biết "đã nhiều lần giải thích với các nhà lãnh đạo Pháp là "Kế hoạch hành động chung (hiệp định 2015) không thể đàm phán (lại) và cũng không thể thêm vào văn kiện đó những vấn đề khác". Mặt khác, theo ông Bahram Ghassemi, "nước Pháp biết rất rõ lập trường bất di bất dịch của Iran, đó là về phương tiện quốc phòng cũng không mặc cả được".

Những lời khuyến cáo này, theo AFP, nhắm vào tổng thống Pháp trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và các nước vùng Vịnh. Hôm 08/11, trả lời phỏng vấn của của báo Al-Ethiad khi viếng thăm Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố "cần phải cứng rắn với Iran về các hoạt động của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran".

Trước những đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hủy hiệp định hạt nhân ký với Iran, tổng thống Pháp nhiều lần đề nghị "đối thoại với Teheran về chương trình tên lửa đạn đạo, về ảnh hưởng của Iran tại Syria" cũng như "gắn liền" việc tiếp tục thi hành hiệp định hạt nhân với mở thương lượng về chương trình tên lửa và an ninh khu vực, với Iran.

Bahrein tố cáo Iran phá hoại đường ống dẫn dầu

Từ ngày 11/11, đường ống dẫn dầu nối liền Ả Rập Xê Út với Bahrein phải ngưng hoạt động sau một vụ hỏa họa. Ngoại trưởng Bahrein, ngày 12/11, quy trách nhiệm cho Iran, gọi đây là một hành vi khủng bố, "nhằm gây thiệt hại cho ngành dầu hỏa toàn cầu". Teheran bác bỏ các cáo buộc trên. Trong một thông cáo, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran Bahram Ghassemi cho rằng đây là một lời vu khống.

Bahrein, một quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Sunni, thường xuyên lên án Iran kết cấu với cộng đồng người Bahrein theo hệ phái Shia gây bất ổn cho tiểu vương quốc này. Từ 2011, chính quyền Manama thẳng tay đàn áp hàng trăm người Bahrein theo hệ phái Shia.

Tú Anh, Thanh Hà

******************

Căng thẳng với Iran, Saudi Arabia kêu gọi kiều dân rời Liban (RFI, 10/11/2017)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ đến Riyad, gặp thái tử nối ngôi Mohammed Ben Salman. Lý do là tình hình Trung Đông căng thẳng đột biến, nhất là giữa Saudi Arabia và Iran, trên hai điểm nóng : Liban và Yemen.

trungdong2

Thái tử nối ngôi Saudi Arabia Mohammed Ben Salman tại Riyad, ngày 24/10/2017. Reuters/Hamad I Mohammed/File Photo

Trước tiên, Riyad tố cáo Iran cung cấp tên lửa cho phe Houti-Shia tại Yemen pháo kích Saudi Arabia nhưng bị bắn chận. Tiếp theo đó, thủ tướng Liban, Saad Hariri, được Saudi Arabia hậu thuẫn, từ thủ đô Riyad, tuyên bố từ chức và tố cáo Iran thông qua tổ chức Hezbollah-Liban khuynh đảo chính trường Liban. Hezbollah, cũng như Teheran, bác bỏ cáo buộc này và tung tin thủ tướng Liban bị Riyad quản thúc.

Căng thẳng tăng thêm một nấc kể từ thứ Năm 09/11 : Riyad và các đồng minh vùng Vịnh kêu gọi kiều dân rời Liban. Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Báo chí Riyad nói đến nguy cơ chiến tranh trong khi Beyrouth đòi thủ tướng phải trở về nước.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :

"Một bộ trưởng thân cận với tổng thống Liban khẳng định với RFI rằng Liban coi như thủ tướng của họ đang bị bắt giữ tại Riyad. Một nguồn tin thân cận với ông Saad Hariri được Reuters trích dẫn cũng khẳng định chính quyền Saudi Arabia đã ra lệnh cho lãnh đạo Liban phải từ chức và quản thúc ông.

Đảng của Saad Hariri, tổ chức chính trị lớn nhất của hệ phát Sunni tại Liban, cùng phe của họ trong Quốc Hội đã ra thông cáo nhận định rằng : "Việc lãnh đạo chính phủ trở về là cần thiết để phục hồi phẩm giá và duy trì cân bằng trong và ngoài Liban trong khuôn khổ tôn trọng tính chính đáng của đất nước".

Tổng thống Michel Aoun đã cử các phái viên đến thủ đô nhiều nước, trong đó có Paris, để thông báo tình hình của Saad Hariri và kêu gọi các nước can thiệp để thủ tướng Liban có thể trở về Beyrouth. Trong trường hợp các kênh trung gian thất bại, Liban sẽ chính thức thông báo thủ tướng của họ đã bị cưỡng bức giữ lại ở Riyad.

Đại sứ Nga tại Beyrouth, Alexander Zasypkin, đã tuyên bố hôm qua rằng nếu hoàn cảnh của thủ tướng Liban không được làm sáng tỏ, Moskva có thể đưa vấn đề này ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".

Sáng 10/11, trên đài Europe 1, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian không giấu lo ngại chính sách bá quyền của Iran. Trước đó, thông cáo của Điện Elysée về chuyến công du bất ngờ của tổng thống Pháp tại Riyad, cho biết cần phải "ngăn chận mưu đồ bá quyền của Teheran" cho dù không đồng ý với thái độ mà ông gọi là "quá cứng rắn" của Saudi Arabia.

Anh Vũ, Tú Anh

Published in Quốc tế