Căng thẳng Iran - Mỹ có vượt quá kiểm soát ? (BBC, 14/06/2019)
Liệu chiến tranh giữa Mỹ và Iran có xảy ra không, sau khi Tổng thống Donald Trump quy tội cho Tehran quanh vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman.
Mỹ công bố video cáo buộc Iran tấn công tàu dầu
Hải quân Mỹ công bố đoạn băng video mà họ tuyên bố cho thấy một tàu Iran đang gỡ bỏ một quả mìn chưa nổ từ một con tàu chở dầu.
Trả lời Fox News hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump tuyên bố : "Iran đã làm, các bạn thấy con tàu rồi đó".
Ông Trump chỉ vào đoạn video, mà Mỹ nói quay cảnh tàu Iran gỡ một quả mìn chưa nổ khỏi tàu Kokuka Courageous do Nhật sở hữu.
Hình ảnh của Mỹ được nói là do tàu USS Bainbridge quay. Tàu khu trục này đã cứu 21 thủ thủy khỏi con tàu chở dầu.
Hai tàu chở dầu bị tấn công gần Eo biển Hormuz, rất quan trọng cho việc chở dầu trong vùng.
Iran đã bác bỏ mọi dính líu, giống như hồi tháng Năm, khi xảy ra các cuộc tấn công hồi tháng Năm nhắm vào các tàu chở dầu trong vùng Vịnh.
Hoa Kỳ nay khẳng định cả hai vụ đều do Iran làm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khăng khăng về vai trò của Iran.
Ông Pompeo nói kết luận của Mỹ dựa trên tình báo, các vũ khí sử dụng, mức độ chuyên môn cần có và các vụ tấn công khác của Iran trước đây.
Nếu bị tấn công, rất có thể Iran sẽ mở chiến tranh tổng hợp, sử dụng các nhóm dân quân trong vùng thực hiện tấn công các mục tiêu.
Đó là một viễn cảnh rất đáng lo ngại trong vùng.
Với Hoa Kỳ, một cuộc tấn công bằng hải quân và không quân vào Iran cũng sẽ gây ra rủi ro.
Có vẻ như đến giờ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump không mặn mà với các sứ vụ quân sự ở hải ngoại. Các vụ không kích của Mỹ ở Syria chỉ mang tính biểu tượng.
Nhưng nếu các tiếng nói diều hâu trong chính phủ Mỹ thắng thế, và Iran cảm thấy bị đe dọa, liệu nó có dẫn tới tính toán sai cho cả hai phía ?
Một cuộc chiến tình cờ, không chủ ý, là một rủi ro có thật.
Sơ đồ vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman hôm 13/6
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói với Hội đồng Bảo an hôm thứ Năm rằng thế giới không muốn "một đối đầu lớn ở Vùng Vịnh".
Trung Quốc, EU và nhiều nước đã kêu gọi kiềm chế.
Căng thẳng Iran và Mỹ đã gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái.
Kể từ đó, Washington đã gia tăng trừng phạt Iran.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm chỉ còn 400.000 thùng mỗi ngày, so với 2, 5 triệu thùng hồi tháng 4/2018.
Vụ tấn công tàu chở dầu hôm thứ Năm xảy ra trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang thăm Iran.
Jon Alterman, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói : "Luôn có khả năng có ai đó đổ trách nhiệm cho Iran".
"Nhưng khả năng lớn hơn, đây là cố gắng nhằm thúc đẩy ngoại giao Iran bằng cách khiến quốc tế thấy cần giúp Mỹ và Iran nói chuyện".
**************
Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman (BBC, 14/06/2019)
Iran nói rằng họ "mạnh mẽ phủ nhận" tuyên bố của Hoa Kỳ rằng họ đứng sau các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman.
Cáo buộc này được đưa ra sau khi tàu chở dầu bốc cháy hôm 13/6 trên Vịnh Oman
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 14/6 đã đổ lỗi cho Iran về "các cuộc tấn công vô cớ" này.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định dựa trên thông tin tình báo về loại vũ khí được sử dụng.
Nhưng Iran bác bỏ tuyên bố này, gọi nó là "vô căn cứ". Một quan chức cấp cao của Iran trước đó nói với BBC rằng "Iran không liên quan" với vụ nổ.
Hàng chục thủy thủ đoàn được giải cứu sau vụ nổ trên tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản, và tàu Front Altair thuộc sở hữu của một công ty Na Uy.
Cả Iran và Mỹ đều cho hay thủy thủ đoàn đã được sơ tán.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Sáu 14/6, phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc cho biết : "Iran bác bỏ một cách có căn cứ cáo buộc vô căn cứ của Mỹ liên quan đến các sự cố tàu chở dầu ngày 13/6, và lên án mạnh mẽ việc này".
Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman
Vụ nổ xảy ra tại một trong những tuyến đường chở dầu bận rộn nhất thế giới, một tháng sau khi bốn tàu chở dầu khác bị tấn công ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Không có nhóm hoặc quốc gia nào thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công vào tháng Năm. Những tấn công nay không gây thương vong.
Hoa Kỳ tại thời điểm đó đổ lỗi cho Iran - nhưng Tehran phủ nhận các cáo buộc.
Giá dầu tăng 4% sau sự cố hôm 13/6.
Vịnh Oman nằm ở một đầu của eo biển chiến lược Hormuz - một tuyến vận chuyển quan trọng nơi các tàu dầu trị giá hàng trăm triệu đô la lưu thông.
BIMCO, hiệp hội vận tải quốc tế lớn nhất thế giới, cho biết căng thẳng ở eo biển Hormuz và vùng Vịnh "hiện nay gia tăng dù không phải là một cuộc xung đột vũ trang thực sự".
Hiệp hội cũng kêu gọi các chủ tàu "hết sức thận trọng" trong khu vực.
Ông Mike Pompeo nói gì ?
"Hoa Kỳ nhận định rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm về các vụ tấn công", Ngoại trưởng Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo ở Washington.
"Nhận định này dựa trên tình báo, vũ khí được sử dụng, trình độ chuyên môn cần thiết để triển khai chiến dịch, các cuộc tấn công tàu chở hàng tương tự gần đây của Iran, và thực tế là không có nhóm nào hoạt động trong khu vực có tài nguyên và hành động thành thạo như vậy ở mức độ tinh vi cao. "
Ông Pompeo không đưa ra bằng chứng nào.
"Đây chỉ là vụ mới nhất trong loạt các vụ tấn công do Cộng hòa Hồi giáo Iran và các đại diện của họ chống lại lợi ích của Mỹ và đồng minh".
"Nhìn chung, các cuộc tấn công vô cớ này là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, một cuộc tấn công trắng trợn về tự do hàng hải và một chiến dịch leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được của Iran", ông Pompeo nói.
Một nguồn tin chính phủ Anh cho biết họ đồng tình với nhận định của Mỹ, theo phóng viên về ngoại giao của BBC James Landale.
Chúng ta biết gì về vụ nổ ?
21 thủy thủ trên tàu Kokuka Courageous (trái) và 23 trên tàu Front Altair đã được cứu
Cơ quan Hàng hải Na Uy cho biết hôm thứ Năm 13/6 rằng tàu Front Altair đã bị "tấn công" và có ba vụ nổ trên tàu.
Wu I-fang, phát ngôn viên của nhà máy lọc dầu CPC Corp của Đài Loan, công ty điều hành Front Altair, cho biết tàu chở 75.000 tấn dầu và "nghi ngờ bị trúng ngư lôi", mặc dù điều này chưa được xác nhận.
Các báo cáo chưa được xác minh khác cho hay đó là một cuộc tấn công bằng mìn.
Chủ sở hữu tàu, Frontline, cho biết con tàu bốc cháy - nhưng phủ nhận các thông tin trên truyền thông Iran rằng tàu bị chìm.
Nhà điều hành của Kokuka Courageous, BSM Ship Management, cho biết thủy đoàn đã rời con tàu bốc cháy và được một tàu đi qua cứu.
Truyền hình nhà nước Irib của Iran phát sóng những gì được cho là cảnh các thành viên thủy thủ đoàn được giải cứu đang ngồi trên ghế sofa và trò chuyện tại cảng Jask của Iran.
Đoạn video được hãng tin Isna của Iran công bố với chú thích : "Hình ảnh các thành viên được giải cứu khỏi con tàu bị hư hỏng ở biển Oman".
******************
Mỹ cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu, Tehran bác bỏ (VOA, 14/06/2019)
Iran hôm thứ Sáu 14/6 nói thật đáng báo động và sai trái khi Mỹ quy trách nhiệm cho Tehran về các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu trên đường vào vùng Vịnh. Vụ việc vừa xảy ra gây lo ngại về một cuộc đối đầu mới trên tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng.
Một tàu chở dầu bốc cháy vì bị tấn công trong Vịnh Oman, 13/6/2019
Washington đã công bố một đoạn video mà họ nói là nó cho thấy Vệ binh Cách mạng Iran đứng sau các cuộc tấn công hôm thứ Năm 13/6 gần eo biển Hormuz nhằm vào tàu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản, và tàu Front Altair thuộc sở hữu của Na Uy, làm tàu này bị cháy.
Cả hai tàu đều trong trạng thái trôi nổi ở Vịnh Ô-man vào ngày 14/6, sau khi các thủy thủ phải rời tàu sau các cuộc tấn công làm giá dầu tăng vọt.
"Đánh giá của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy Cộng hòa Hồi giáo Iran chịu trách nhiệm về các vụ tấn công xảy ra ở Vịnh Ô-man", Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói với các phóng viên.
Ông cho biết đánh giá này dựa trên thông tin tình báo, loại vũ khí được sử dụng, cách thức tiến hành và các cuộc tấn công tương tự gần đây.
Washington đã quy trách nhiệm cho Iran hoặc tay chân của nước này về các cuộc tấn công hôm 12/5 đã làm tê liệt 4 tàu chở dầu trong cùng khu vực. Washington cũng cho rằng Tehran đứng sau các cuộc không kích bằng máy bay không người lái hôm 14/5 vào hai trạm bơm dầu của Saudi Arabia. Tehran đã bác bỏ tất cả các cáo buộc này.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi phát biểu : "Những cáo buộc này rất đáng báo động". Ông nói thêm rằng đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công hôm 13/5 "là cách đơn giản và thuận tiện nhất đối với ông Pompeo và các quan chức Hoa Kỳ khác".
"Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho eo biển và chúng tôi đã cứu hộ thủy thủ đoàn của những chiếc tàu chở dầu bị tấn công đó trong thời gian ngắn nhất có thể", ông nói, theo tin của đài phát thanh nhà nước Iran.
Các quan chức an ninh của Hoa Kỳ và Châu Âu, cũng như các nhà phân tích khu vực, nói thận trọng rằng không nên đưa ra ngay kết luận, và để ngỏ khả năng là các tay chân của Iran, hoặc một bên nào đó hoàn toàn khác, có thể là người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công hôm 13/6.
Trước tình trạng căng thẳng ở khu vực đang gia tăng, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nói tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm thứ 13/6 rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn ở vùng Vịnh.
Iran và Hoa Kỳ đều nói rằng họ muốn tránh một cuộc chiến.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ nói hôm 13/6 : "Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình, nhưng một cuộc chiến với Iran không phục vụ lợi ích chiến lược của chúng tôi, cũng không phục vụ lợi ích tốt nhất của cộng đồng quốc tế".
*********************
Iran nói không đáng phúc đáp thông điệp của Trump (VOA, 14/06/2019)
Lãnh đạo tối cao của Iran ngày 13/6 nói với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng không đáng để hồi đáp thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà ông Abe mang tới Tehran trong lúc chuyến thăm ‘hòa giải hòa bình’ bị chi phối bởi các cuộc tấn công ở Vịnh Oman.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran, Iran, ngày 13/6/19.
Các cuộc tấn công vừa xảy ra là sự cố mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran sau nhiều tuần khẩu chiến và siết chặt các biện pháp chế tài từ Mỹ.
Trong số các tàu dầu bị ảnh hưởng có một tàu Nhật.
Ông Trump nói ông cảm kích chuyến đi của Thủ tướng Nhật tới Iran để gặp lãnh đạo tối cao của Iran là Ali Khamenei, nhưng ông tin rằng "còn quá sớm để nghĩ tới chuyện" Hoa Kỳ sẽ có một thỏa thuận với Iran.
"Họ chưa sẵn sàng, và chúng tôi cũng thế", ông Trump viết trên Twitter.
Nhật là một trong những khách hàng chính mua dầu của Iran cho tới tháng trước, khi Washington ra lệnh tất cả các nước phải ngưng nhập khẩu dầu từ Iran nếu không sẽ bị chế tài.
Thủ tướng Nhật tháng rồi cũng đã thảo luận vấn đề Iran với Tổng thống Mỹ và nay ông mang đến Iran thông điệp của Mỹ lần này, nhưng ông Khamenei đã từ chối.
"Tôi không thấy ông Trump là người đáng để trao đổi thông điệp, và tôi không có phúc đáp nào cho ông ấy, bây giờ cũng như sau này", báo nhà nước Iran dẫn lời ông Khamenei nói với Thủ tướng Nhật.
Đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng căng thẳng Iran-Mỹ có thể leo thang thành một cuộc xung đột võ trang.
Sau cuộc họp với Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, ông Abe hôm 13/6 cảnh báo nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột không chủ ý ở Trung Đông.
********************
Hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman (VOA, 13/06/2019)
Hai tàu chở dầu vừa bị tấn công trong Vịnh Oman, các công ty vận chuyển đường biển và nguồn tin trong ngành cho biết hôm thứ Năm 13/6, làm giá dầu tăng tới hơn 4% một tháng sau khi 4 tàu chở dầu khác bị hư hại vì trúng ngư lôi.
Một tàu chở dầu đang bốc cháy trên biển Oman, hôm thứ Năm 13/6/2019. (AP Photo/ISNA)
Một trong hai chiếc tàu dầu, Front Altair, chở nguyên liệu hóa dầu, đang bốc cháy trên vùng biển giữa các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Iran.
Hãng thông tấn nhà nước Iran nói tàu đã chìm, mặc dù chủ tàu người Na Uy cho biết tàu vẫn nổi và thủy thủ đoàn đều an toàn. Chiếc tàu thứ nhì đang được thả trôi sau khi sơ tán các thủy thủ.
Reuters trích dẫn Hạm đội 5 của Hải quân Hoa Kỳ có trụ sở tại Bahrain cho biết họ đang hỗ trợ các tàu dầu sau khi nhận được lời kêu cứu. Hải quân Anh cho biết họ đang phối hợp với các đối tác để điều tra vụ việc.
Chi tiết về sự cố xảy ra hôm Thứ Năm hiện vẫn chưa rõ ràng. Công ty thuê một tàu cho biết họ nghi rằng tàu đã trúng ngư lôi, trong khi một nguồn tin khác tin rằng chiếc tàu còn lại bị hư hại có thể do trúng mìn từ tính.
Một cuộc điều tra vào các cuộc tấn công vào bốn tàu chở dầu trong tháng trước được quy cho các mìn từ tính. Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công đó, một cáo buộc mà Tehran đã phủ nhận.
Giá dầu tăng vọt tới 4% sau khi tin loan truyền trong ngày Thứ Năm. Tình hình trong khu vực đã căng thẳng vì các cuộc tấn công hồi tháng Năm nhắm vào các cơ sở dầu trong vùng Vịnh xảy ra trong bối cảnh cuộc tranh chấp giữa Iran và Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân của Tehran.
Vịnh Oman nằm ở lối vào eo biển Hormuz, một tuyến đường thủy chiến lược, nơi qua lại của 1/5 lượng dầu sản xuất ở Trung Đông được tiêu thụ trên toàn cầu.
Tin về sự cố xảy ra hôm 13/6 không được xác nhận tức thời bởi nhà chức trách Oman hoặc chính quyền các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nước nơi 4 tàu chở dầu bị tấn công trên biển hồi tháng Năm.
Ả Rập Saudi và UAE trước đây nói các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu và an ninh khu vực.
Trong một diễn tiến khác, Reuters dẫn nguồn tin từ Bernhard Schulte Shipman Management cho biết tàu chở dầu Kokuka Courageous bị hư hại, nghi do bị tấn công. Một phần thân tàu trên mặt nước bị phá vỡ trong khi tàu đang vận chuyển methanol từ Saudi Arabia tới Singapore.
Công ty này cho biết tàu vẫn nổi, thủy thủ đoàn vẫn an toàn, chỉ có một người bị thương nhẹ.
Một nhà môi giới trong ngành vận tải nghi rằng tàu Kokuka Courageous bị tấn công bằng mìn từ tính. Hiện chiếc tàu không có thủy thủ, được thả trôi trên biển.
Quan chức Iran dọa đánh chìm tàu chiến Mỹ bằng ‘vũ khí bí mật’ (VOA, 25/05/2019)
Iran có thể đánh chìm các tàu chiến của Mỹ được điều đến khu vực Vùng Vịnh bằng phi đạn và "vũ khí bí mật", một quan chức quân sự cao cấp của Iran được dẫn lời phát biểu bởi hãng thông tấn bán chính thức Mizan vào ngày thứ Bảy.
Siêu ngư lôi, tên lửa khủng Iran dọa nhấn chìm tàu Mỹ ?
Mỹ hôm thứ Sáu loan báo điều động 1.500 binh sĩ đến Trung Đông, mô tả đây là một nỗ lực nhằm tăng cường phòng thủ chống lại Iran trong khi họ cáo buộc Vệ binh Cách mạng của Iran chịu trách nhiệm trực tiếp về những vụ tấn công tàu chở dầu trong tháng này.
"Mỹ... đang gửi hai tàu chiến đến khu vực. Nếu họ có hành vi ngu xuẩn dù chỉ nhỏ nhất, chúng tôi sẽ gửi những con tàu này xuống đáy biển cùng với thủy thủ đoàn và máy bay của họ bằng cách sử dụng hai phi đạn hoặc hai vũ khí bí mật mới", Tướng Morteza Qorbani, cố vấn cho bộ tư lệnh quân đội Iran, nói với Mizan.
Đây là những hành động mới nhất của chính quyền Trump trong khi họ nêu bật điều mà họ coi là mối đe dọa tấn công tiềm tàng của Iran, và theo sau các quyết định tăng tốc triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công cũng như điều các máy bay ném bom và phi đạn Patriot bổ sung đến Trung Đông.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng Iran thường phóng đại năng lực vũ khí của mình, dù có những lo ngại về chương trình phi đạn và đặc biệt là phi đạn đạn đạo tầm xa.
*******************
Mỹ điều 1.500 quân tới Trung Đông dằn mặt Iran (VOA, 25/05/2019)
Mỹ hôm 24/5 loán báo triển khai 1.500 binh sĩ đến Trung Đông, mô tả đây là một nỗ lực nhằm tăng cường phòng thủ chống lại Iran trong khi cáo buộc Vệ binh Cách mạng của nước này chịu trách nhiệm trực tiếp về các vụ tấn công tàu chở dầu trong tháng.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng viện dẫn mối đe dọa từ Iran để tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc gia để xúc tiến việc bán vũ khí trị giá hàng tỉ đôla cho Saudi Arabia, Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả-rập và các quốc gia khác mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Đây là những hành động mới nhất của chính quyền Trump trong khi họ nêu bật điều mà họ coi là mối đe dọa tấn công tiềm tàng của Iran, và theo sau các quyết định tăng tốc triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công cũng như điều các máy bay ném bom và phi đạn Patriot bổ sung đến Trung Đông.
Những hành động này, bị Iran lên án là leo thang, diễn ra trong bối cảnh liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và Iran đình trệ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ngày càng lớn một xung đột vô tình xảy ra.
Tuy nhiên ông Trump mô tả các vụ điều động mới nhất là mang tính phòng thủ về bản chất. 1.500 binh sĩ bao gồm nhân viên vận hành các hệ thống phòng thủ phi đạn, do thám trên không để phát hiện các mối đe dọa và các kĩ sư giúp củng cố phòng thủ. Cũng có một phi đội máy bay chiến đấu được điều đi.
Sự triển khai này tương đối nhỏ so với khoảng 70.000 binh lính Mỹ hiện đang đóng quân trên một khu vực trải dài từ Ai Cập đến Afghanistan. Ngoài ra, khoảng 600 trong số 1.500 binh lính "mới" đã có mặt ở Trung Đông để vận hành các phi đạn Patriot, nhưng nhiệm vụ của họ sẽ được kéo dài.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo với Quốc hội rằng họ sẽ xúc tiến 22 hợp đồng bán vũ khí trị giá khoảng 8 tỉ đôla, các trợ lí Quốc hội cho biết. Bước đi này gạt phăng một tiền lệ từ lâu là Quốc hội duyệt xét các thương vụ như vậy.
Một số nhà lập pháp và trợ lí Quốc hội đã cảnh báo hồi đầu tuần này rằng ông Trump, bực bội với việc Quốc hội ghim lại những thương vụ vũ khí như một thỏa thuận lớn bán đạn dẫn hướng chính xác của công ty Raytheon cho Saudi Arabia, đang xem xét sử dụng kẽ hở này để xúc tiến.